Phản ứng chính sách ứng phó với tác động của dịch Covid-19
Đại dịch Covid-19 đã và đang gây ra những cú sốc đa chiều cho nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là đối với các nước đang phát triển như Việt Nam. Theo các chuyên gia, độ mở thương mại và tăng trưởng GDP có tương quan dương, nên khi bị tác động bởi dịch Covid-19, tăng trưởng kinh tế của các nước xác định chủ yếu dựa vào nội lực, gồm tiêu dùng tư nhân và đầu tư tư nhân trong nước.
Theo cảnh báo của các chuyên gia, ở các quốc gia bị tác động bởi dịch Covid-19, tỷ lệ GDP tăng trưởng thấp không chỉ trong năm 2020 mà có thể lan sang nửa đầu năm 2021 (thời điểm có vắc-xin Covid-19), thậm chí sẽ trầm trọng hơn nếu tiêu dùng và đầu tư không phục hồi nhanh. Do vậy, tương tự như các nước trên thế giới, các chính sách hỗ trợ của Việt Nam cần mang tính trung hạn và toàn diện.
Trong ngắn hạn: Cần có cơ chế cho phép doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa hạch toán đầy đủ chi phí liên quan đến tiền lương, tiền công và các khoản có liên quan đến tiền lương, tiền công phát sinh trong năm 2020. Cụ thể là đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công và tiến độ thực hiện Nghị quyết số 42/ NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ, đảm bảo kết thúc lộ trình thực hiện chính sách hỗ trợ trước quý II/2020.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng số vốn nhà nước ở trung ương và địa phương có thể “bơm” vào nền kinh tế trong năm 2020 xấp xỉ 700.000 tỷ đồng, gồm vốn phát sinh trong năm 2020 khoảng 135.000 tỷ đồng và vốn của kế hoạch các năm trước đây được chuyển nguồn thực hiện ở năm 2020 khoảng 565.000 tỷ đồng.
Như vậy, nếu theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, địa phương nào giải ngân dưới 60% bị sẽ cắt giảm vốn và tạm ứng 20% vốn phát sinh, thì tổng khối lượng tiền đầu tư công các năm trước và năm 2020 được giải ngân trong nửa cuối năm 2020 là 366.000 tỷ đồng, xấp xỉ 15,6 tỷ USD.
Về trung và dài hạn: Cần đẩy mạnh giải pháp cho phép doanh nghiệp chuyển lỗ về năm trước. Đồng thời, bố trí một khoản mục chi tái thiết kinh tế trong dự toán ngân sách thời kỳ 2021-2026. Khoản dự chi này nằm trong khoản mục “Chi đầu tư phát triển” dưới hình thức hỗ trợ lãi suất, giảm và giãn thuế…
Cùng với đó, cần thúc đẩy hoạt động cải cách các thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong tiếp cận nguồn vốn phát triển sản xuất kinh doanh.
Ngoài các giải pháp trên, theo các chuyên gia, Chính phủ và các bộ, ngành cũng cần nghiên cứu, điều chỉnh kỷ luật tài khóa theo hướng mở rộng khoảng trống tài khóa để tạo khung thể chế thực thi chính sách tài khóa mở rộng. Ví dụ như: Nới lỏng tỷ lệ thâm hụt ngân sách/GDP, ít nhất trong 2 năm 2020 và 2021; nới trần nợ công để vay nợ…
Với kịch bản là số thu ngân sách năm 2020 chỉ bằng 80% thực tế 2019, chi ngân sách năm 2020 tăng thêm 88.580 tỷ đồng so với thực tế 2019 và GDP tăng 4,8% như dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á, thì tỷ lệ thâm hụt ngân sách/GDP của Việt Nam sẽ xấp xỉ trên 9%.
Nhằm đảm bảo tính hiệu lực và hiệu quả của chính sách tài khóa, các cơ quan quản lý điều hành cũng cần quan tâm theo dõi và phòng vệ một số rủi ro có thể tác động như: Rủi ro thể chế làm chậm tiến độ “bơm” tiền kích thích tiêu dùng và đầu tư; rủi ro tham nhũng và/hoặc sợ trách nhiệm; rủi ro chệch mục tiêu…
Từ trường hợp giảm thuế của Mỹ, Việt Nam cũng cần minh bạch và cẩn trọng hơn khi thực hiện gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất theo Nghị định số 41/2020/ NĐ-CP cho 5 nhóm đối tượng quy định tại Điều 2 và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 42/2020/NQ-CP đối với 7 nhóm đối tượng, bảo đảm không xảy ra tình trạng lợi dụng, trục lợi chính sách như đã quy định tại mục Nguyên tắc trong Nghị quyết số 42/2020/NQ-CP.