Phấp phỏng quanh câu chuyện "vay tín chấp"

Theo dddn.com.vn

(Tài chính) Gõ từ khóa “vay tín chấp” trên Google ngày 20/8/2014, trong vòng 0,26s, có 4.490.000 kết quả xuất hiện. Những kết quả được tối ưu SEO đầu tiên thuộc về Citibank, một ngân hàng (NH) Quốc tế mạnh về các sản phẩm cho vay tín chấp tiêu dùng. Kế tiếp là thuộc về những website của các đơn vị tư vấn tài chính, cho vay, cũng như các NH có sản phẩm cho vay tín chấp…

Công chức có thể vay tín chấp tới 3 tỷ đồng tại OceanBank. Nguồn: internet
Công chức có thể vay tín chấp tới 3 tỷ đồng tại OceanBank. Nguồn: internet

Nói như vậy để thấy vay tín chấp hoàn toàn không phải “tuyệt bóng” trên thị trường và bây giờ mới trở lại. Vậy, sự trở lại trên tinh thần khuyến khích chính thức từ phía NHNN, đối với các Tổ chức tín dụng (TCTD) và dành cho đối tượng doanh nghiệp (DN) ở thời điểm hiện nay có mang dáng vẻ khác?

NH hết... ngại DN ?

Trong Văn bản 5342/NHNN/TTGSNH gửi tới các NHTM, NHNN yêu cầu các NH xây dựng quy trình thu thập, khai thác thông tin để đánh giá tín nhiệm khách hàng từ Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia VN (CIC), các tổ chức xếp hạng tín nhiệm DN, cũng như hệ thống xếp hạng nội bộ để làm cơ sở xem xét cho vay tín chấp đối với DN. Qua đó, tháo gỡ khó khăn về vốn cho những DN có dự án  kinh doanh tốt, nhưng thiếu tài sản đảm bảo để thế chấp NH vay vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Có vẻ như cơ quan quản lí Nhà nước đã đến đỉnh điểm sốt ruột về độ ì ạch của tăng trưởng tín dụng trong hơn 6 tháng đầu năm; đồng nghĩa cũng sốt ruột với khả năng khơi thông vốn ra nền kinh tế, hỗ trợ vốn cho DN của hệ thống NH?! Ở một góc độ khác, thông điệp này cũng mang hàm nghĩa cơ quan quản lí Nhà nước đã bớt quan ngại về tỷ lệ nợ xấu trong toàn hệ thống, cho dù sự vào cuộc của VAMC trước mắt vẫn chưa tạo được động lực mạnh mẽ để các NHTM – những tổ chức trực tiếp triển khai việc cho vay DN – mạnh dạn hơn trong mở vốn cho vay?!

Dù như thế nào thì tinh thần khuyến khích các NHTM cho vay DN, đặc biệt cho vay tín chấp với những DN có thể hoạt động sản xuất kinh doanh được nhưng thiếu tài sản đảm bảo thế chấp, ít nhất trong thời điểm hiện nay cũng thể hiện được thiện chí “NH đồng hành với DN” mà người đứng đầu hệ thống đã hơn 1 lần phải “hô hào” các tổ chức thành viên chung tay. Vấn đề là nếu chỉ hô hào thì có đủ?

Biết thân tự lo…

Đứng về phía DN, với văn bản mà NHNN yêu cầu các NHTM mạnh dạn đẩy vốn cho vay DN, kể cả vay tín chấp, những tưởng sẽ có nhiều người mừng và cảm thấy yên tâm, thậm chí thấy được “an ủi” khi các NH không còn một chủ trương duy nhất: Kinh doanh theo tiêu chí “tiệm cầm đồ”.

Trên thực tế thì cho dù là cảm thấy mừng vui hay an ủi, DN cũng không hẳn lấy đó làm động lực để mạnh dạn đi vay NH. Chủ tịch một Hiệp hội DN cho biết sau 2 năm khó khăn vừa qua mà khó khăn nhiều nhất vẫn là vấn đề vốn, DN giờ đây đã thấm nhuần “chân lí”: Muốn đi vay NH thì phải có dự án “ngon”, muốn vay được vốn NH mua hàng xuất khẩu thì phải có hợp đồng và mở L/C, muốn được vay nợ mới thì phải xem nợ cũ và phải xem DN còn lại bao nhiêu tài sản thế chấp đảm bảo có giá trị... “Cũng không thể trách được NH khi họ cũng là DN kinh doanh, mà lại là kinh doanh bằng “tiền của người khác (tức người gửi), do đó, trách nhiệm đối với đồng tiền mang đi kinh doanh lại càng phải cao. NH không thể “nắm đằng chuôi”, cho DN vay tín chấp sau đó ôm một khối nợ xấu mà không có tài sản thế chấp đảm bảo để “gỡ gạc”. DN chúng tôi biết vậy nên đều… biết thân tự lo, tự xác định DN mình có đảm bảo các tiêu chí của NH nêu ra hay không, mới hy vọng được NH cho vay”.

NH: Vay nhỏ còn lo tín chấp, vay lớn làm sao các NH có thể không lo?
DN: Việc yêu cầu NHTM đẩy mạnh cho vay tín chấp từ phía NHNN dù khiến DN cảm thấy mừng vui nhưng không hẳn lấy đó làm động lực để mạnh dạn đi vay NH.
Nhìn nhận khách quan trên thị trường, chưa bàn đến mức độ khả thi của mở cho vay tín chấp DN - những đối tượng thường vay các khoản tiền với hạn mức lớn (để kinh doanh), bản thân các TCTD trong quá trình triển khai các sản phẩm cho vay tiêu dùng, từ cấp độ cho vay hộ gia đình, cá thể, cá nhân  vay sửa chữa nhà ở, vay cho con đi du học, vay mua xe hơi, mua xe máy, thiết bị điện tử gia đình... cũng đều phải chú trọng yếu tố “tài sản đảm bảo”, mặc dù đặc thù của sản phẩm cho vay tiêu dùng là các khoản vay nhỏ và ưu tiên cho đối tượng có tín nhiệm.

Báo cáo thị trường cho vay tiêu dùng VN 2014 của StoxPlus cũng chỉ ra rằng, nói là cho vay tín chấp, nhưng các tổ chức triển khai sản phẩm đều yêu cầu có tài sản thế chấp (lương qua NH ở một giá trị nhất định, đều đặn cố định, sổ tiết kiệm, hay chính tài sản được hình thành trong tương lai từ khoản vay như xe ô tô, sổ hồng, sổ đỏ, nhà sữa chữa nâng cấp...). Vay nhỏ còn lo tín chấp, vay lớn làm sao các NH có thể không lo? “Các NH cũng… biết thân tự lo vì nếu cứ theo đúng yêu cầu, đẩy mạnh cho vay tín chấp với DN, khi nợ xấu tăng lên, NH âm vốn, thì có thể… bấu víu vào đâu?” - Phó Tổng giám đốc một NHTM chia sẻ.

Suy cho cùng, dù là sản phẩm dành cho đối tượng nào, với hạn mức nào, vay tín chấp đều là dựa trên một chữ Tín - niềm tin. Cam kết, nói nôm na là hình thức, cũng là kết quả của niềm tin. Nhưng niềm tin liệu có thể được xây dựng trên “yêu cầu” của nhà quản lí ?

Kẻ mừng người lo

Việc Ngân hàng (NH) Nhà nước vừa có văn bản yêu cầu các NH thương mại đẩy mạnh cho vay, trong đó có hướng xem xét tăng cường khả năng cho vay không có bảo đảm bằng tài sản (cho vay tín chấp) đang mở ra cơ hội tiếp cận vốn cho DN, tuy nhiên, các ngân hàng lại không khỏi nơm nớp nỗi lo nợ xấu…

Sẽ xem xét nới tín dụng cho DNNVV

Phấp phỏng quanh câu chuyện "vay tín chấp" - Ảnh 1
Ông Nguyễn Đồng Tiến
Phó Thống đốc NHNN

Thực hiện Nghị quyết 14/NQ-CP, ngay từ tháng 4/2014, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tập trung chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) ở sáu địa phương triển khai chương trình cho vay thí điểm đối với các mô hình liên kết trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, các mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Trần lãi suất đối với chương trình tín dụng này được quy định là 7%/năm đối với kỳ hạn ngắn, 10%/năm và 10,5%/năm đối với các khoản vay trung, dài hạn.

Điều đáng ghi nhận ở chương trình cho vay theo chuỗi là tỷ lệ cho vay tín chấp lên tới 90% tổng giá trị hợp đồng, các DN chỉ còn thế chấp 10% bằng tài sản đảm bảo. Điều này mở ra cơ hội cho các DN có uy tín về sản xuất kinh doanh ở các địa phương phục hồi sản xuất và tăng trưởng.

Bên cạnh chương trình cho vay theo chuỗi, thực hiện Chỉ thị 11/CT-TTg, từ đầu năm 2014, NHNN đã xác định đẩy mạnh hoạt động cho vay kết nối NH và DN năm 2014 tại TP HCM. Đặc điểm của chương trình tín dụng này cũng như chương trình cho vay theo chuỗi là tỷ lệ tín chấp rất cao. Nhiều hợp đồng vay vốn lớn với giá trị hàng trăm tỷ đồng, nhưng được các DN chuyển dòng tiền cho ngân hàng quản lý, bởi đa số các DN được chọn tham gia chương trình kết nối đều được chính quyền địa phương chọn lọc, giới thiệu. Bản thân các DN cũng có uy tín cao, có phương án kinh doanh và có trách nhiệm trong việc sử dụng vốn.

Để các NH thương mại đang triển khai cho vay tín chấp theo chỉ đạo của Thống đốc NH phải chọn DN để xếp hạng tín nhiệm nội bộ kỹ càng. Bản thân các DN muốn vay tín chấp phải được thẩm định lại phương án sản xuất kinh doanh, có tính khả thi cao NH mới dám cho vay không đảm bảo. Cho vay tín chấp lúc nào cũng rủi ro và phải trích dự phòng rùi ro cao hơn các loại khác...

Việc cho vay tín chấp là hoạt động tín dụng bình thường, được một số NH thương mại triển khai từ lâu, áp dụng đối với các DN lớn, có sức khỏe tài chính tốt và có dòng tiền mạnh. Riêng đối với các DNNVV, để được cho vay tín chấp còn nhiều rào cản. Do vậy, thời gian tới đây NHNN sẽ xem xét và nới cửa tín dụng cho khu vực DN này…

Cần tiêu chí cụ thể


Phấp phỏng quanh câu chuyện "vay tín chấp" - Ảnh 2
Ông Nguyễn Đức Long
Giám đốc Công ty  Khoáng sản Hoàng Long
Việc NHNN khuyến khích các NHTM cho các DN vay tín chấp cho thấy Chính phủ nói chung và ngành Ngân hàng quan tâm, lo lắng hơn đến đời sống và “sức khoẻ” của DN. Song, để tiếp cận được nguồn vốn này cũng không đơn giản chút nào.

NHNN liệu có thể cam kết sẽ hỗ trợ các NHTM nếu họ thực thi cho vay tín chấp theo đúng yêu cầu, theo đúng trình tự xếp hạng tín nhiệm từ các đơn vị xếp hạng tín nhiệm mà NHNN đã nêu? Các NHTM liệu có thể cam kết rằng họ đã tiếp cận đủ thông tin, đánh giá đúng sức khỏe DN, thẩm định đúng giá trị dự án, tiềm năng của DN mà không hề e ngại nỗi lo nợ xấu hay những khối nợ cũ đã khoanh, đã đảo mà chỉ những người làm thực mới nắm rõ còn canh cánh bên lòng?

Đối lại, phía DN liệu có thể cam kết rằng định mức tín nhiệm của mình từ CIC là “chuẩn”, hoặc họ thực sự tốt hơn mà không xấu hơn mức định mức được xếp? Và cuối cùng, CIC sẽ là “thước đo” định mức tín nhiệm chuẩn của toàn bộ DN trong nền kinh tế, một “thước đo” mà hệ thống đã tồn tại từ khá lâu đời nhưng không hiểu các NH vẫn không “nhờ cậy” (bởi nếu thực sự “nhờ cậy” vào” thước đo này thì tin rằng nợ xấu NH đã không như hôm nay)?

Một điều dễ nhận thấy thực trạng vay vốn tín chấp ở VN hiện nay phải luôn gắn liền với lãi suất quá cao, trong khi thủ tục vay vốn lại khá phức tạp. Do đó, để tiếp cận được với nguồn vốn này, Chính phủ và NHNN nên chăng cần có những quy định khung rõ ràng đối với từng lĩnh vực, ngành nghề mà DN đó đang hoạt động. Có thể căn cứ vào các tiêu chí như: DN đang hoạt động tốt thông qua báo cáo tài chính hàng năm; DN có những dự án khả thi đang triển khai hoặc mở rộng hoạt động kinh doanh; Đặc biệt là những DN đang hoạt động tốt nhưng do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế dẫn đến đình trệ, thiếu vốn duy trì hoặc do cơ chế chính sách của Nhà nước dẫn đến những DN đó có nguy cơ phá sản… Tất cả những đối tượng DN ấy, Chính phủ và NHNN cần có cơ chế hỗ trợ cho vay để “cứu” họ, bởi xét cho cùng, sức khoẻ và sự tồn tại, phát triển của DN sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.


* Tít bài do BBT đặt lại