Phát hành trái phiếu chính quyền địa phương trong nước ra sao?
(Taichinh) - Ngày 29/6/2015, Bộ Tài chính đã ký ban hành Thông tư số 100/2015/TT-BTC hướng dẫn về phát hành trái phiếu chính quyền địa phương tại thị trường trong nước thay thế Thông tư số 81/2012/TT-BTC ngày 22/5/2012.
Theo đó, Thông tư 100/2015/TT-BTC có nhiều nội dung mới so với các quy định trước đó, cụ thể:
Về nội dung của Đề án phát hành trái phiếu
Để đảm bảo thống nhất trong thực hiện giữa các địa phương và phù hợp với tình hình hiện nay, tại Thông tư số 100/2015/TT-BTC quy định cụ thể từng nội dung của Đề án phát hành trái phiếu chính quyền địa phương để các địa phương thuận tiện trong triển khai thực hiện (Điều 6 của Thông tư).
Về hồ sơ đề nghị phát hành trái phiếu chính quyền địa phương
Để đảm bảo thống nhất thực hiện giữa các địa phương và phù hợp với tình hình hiện nay, tại Thông tư số 100/2015/TT-BTC đã quy định cụ thể các hồ sơ cần thiết để Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phê duyệt Đề án phát hành trái phiếu chính quyền địa phương và gửi Bộ Tài chính có ý kiến trước khi tổ chức phát hành trái phiếu chính quyền địa phương.
Về phương thức phát hành trái phiếu
- Đối với phương thức đấu thầu: Thông tư số 100/2015/TT-BTC quy định về quy trình thủ tục phát hành áp dụng như đối với phương thức đầu thầu trái phiếu Chính phủ tại Sở giao dịch chứng khoán.
- Đối với phương thức bảo lãnh: Thông tư 100/2015/TT-BTC quy định quy trình thủ tục phát hành trái phiếu theo phương thức bảo lãnh theo hướng đơn giản hơn so với phát hành trái phiếu chính phủ để tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương phát hành trái phiếu theo phương thức này, quy trình thủ tục cụ thể thực hiện theo Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư.
- Đối với phương thức đại lý phát hành: Thông tư 100/2015/TT-BTC quy định về quy trình, thủ tục phát hành áp dụng như đối với quy trình phát hành trái phiếu Chính phủ.
Về mua lại và hoán đổi trái phiếu chính quyền địa phương
Thông tư 100/2015/TT-BTC quy định thêm 04 Điều về nguyên tắc hoán đổi, phương án hoán đổi và lãi suất chiết khấu để xác định giá trị trái phiếu bị hoán đổi, quy trình thủ tục hoán đổi và phí hoán đổi.
Quy định tại Thông tư về việc mua lại hoán đổi trái phiếu sẽ là hướng dẫn cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương khi triển khai thực hiện.
Về chế độ báo cáo
Trên cơ sở đánh giá các tồn tại về chế độ báo cáo quy định tại Thông tư số 81/2012/TT-BTC, Thông tư số 100/2015/TT-BTC quy định chế độ báo cáo về tình hình huy động vốn và thanh toán trả nợ lãi, nợ gốc trái phiếu của địa phương theo định kỳ hàng năm, không có báo cáo định kỳ 6 tháng.
Bên cạnh đó, Thông tư này cũng bỏ nội dung báo cáo sử dụng vốn trái phiếu vì vốn từ phát hành trái phiếu được hòa đồng vào ngân sách địa phương và giải ngân cho các dự án theo tiến độ.
Về chế độ công bố thông tin
Thông tư 100/2015/TT-BTC bổ sung thêm 3 Điều quy định về công bố thông tin gồm: Công bố thông tin trước đợt phát hành trái phiếu; Công bố sau đợt phát hành trái phiếu; và Công bố hàng năm.
Quy định về công bố thông tin sẽ tạo điều kiện để các nhà đầu tư quan tâm và tham gia mua trái phiếu chính quyền địa phương, đồng thời góp phấn tăng tính công khai, minh bạch cho quá trình phát hành trái phiếu chính quyền địa phương.