Phát hiện hàng ngàn giao dịch tiền điện tử đáng ngờ
Thống kê trong 9 tháng năm 2019, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã phát hiện 1.300 báo cáo giao dịch đáng ngờ. NHNN đã chuyển giao thông tin về các giao dịch đáng ngờ và hỗ trợ các cơ quan bảo vệ pháp luật điều tra, xét xử kịp thời nhiều vụ án lớn.
1.300 báo cáo giao dịch đáng ngờ
Theo quy định hiện nay về phòng chống rửa tiền, các giao dịch được cho là đáng ngờ như sau: Không thể xác định được khách hàng theo thông tin cung cấp; Doanh số giao dịch trên tài khoản không phù hợp với thông tin và hoạt động kinh doanh thông thường của khách hàng hoặc có sự thay đổi đột biến trong doanh số giao dịch trên tài khoản; Giao dịch được tiến hành bởi một khách hàng có liên quan đến hoạt động bất hợp pháp; Dấu hiệu giao dịch đáng ngờ đối với lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, lĩnh vực trò chơi có thưởng…
Thống kê trong 9 tháng năm 2019, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã phát hiện 1.300 báo cáo giao dịch đáng ngờ. NHNN đã chuyển giao thông tin liên quan đến 100 vụ việc giao dịch đáng ngờ cho các cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định pháp luật.
Các thông tin do NHNN chuyển giao, cung cấp qua công tác phòng, chống rửa tiền đã hỗ trợ hiệu quả cho các cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc điều tra, xét xử kịp thời nhiều vụ án lớn trong thời gian qua.
Việt Nam tiếp tục nỗ lực thực hiện kế hoạch phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố
Tại buổi tiếp Đoàn đánh giá đa phương của Nhóm châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền do ông David Becker, Giám đốc Nhóm châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền làm Trưởng đoàn đang làm việc với các bộ, ngành của Việt Nam mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ khẳng định: Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành của Việt Nam có quyết tâm chính trị cao để nỗ lực thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2015- 2020, nhằm giải quyết những thiếu hụt pháp lý và bảo đảm tính hiệu quả thực thi.
“Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật; rà soát các quy trình thu thập, cung cấp thông tin, quy trình điều tra, truy tố, xét xử tội rửa tiền, tài trợ khủng bố; tăng cường hợp tác quốc tế, nhất là về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực này; thực hiện điều tra tài chính song song để tăng cường tỷ lệ tịch thu, thu hồi tài sản từ tội phạm nói chung, trong đó có tội rửa tiền, tài trợ khủng bố và tăng cường truyền thông về lĩnh vực này”, Thủ tướng Vương Đình Huệ thông tin.
Theo Phó Thủ tướng, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống rửa tiền đã họp hồi đầu tháng 9/2019 nhằm triển khai quyết liệt các các công việc phục vụ cho đợt đánh giá đa phương này. Tòa án nhân dân Tối cao đã ban hành các nghị quyết hướng dẫn các điều về tội rửa tiền, tài trợ khủng bố của Bộ luật Hình sự. Chính phủ đã ban hành các nghị định liên quan tới tính tuân thủ theo Khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính, chuẩn bị ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 116/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng, chống rửa tiền và Nghị định số 96/2014/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.
NHNN cũng phối hợp với các bộ, ngành liên quan để chuẩn bị cho đợt đánh giá đa phương của Nhóm châu Á – Thái Bình Dương về cơ chế phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố của Việt Nam. Cụ thể, tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch hành động giải quyết những rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2019 – 2020 và kế hoạch tổng thể cho đánh giá đa phương của Việt Nam về chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố; phối hợp với các đơn vị liên quan, hoàn thành báo cáo tuân thủ kỹ thuật; báo cáo tính hiệu quả đối với 11 mục tiêu trực tiếp (báo cáo IO); tổ chức làm việc giữa đoàn đánh giá tiền trạm của APG với các bộ, ngành liên quan về nội dung báo cáo tuân thủ kỹ thuật.
Trưởng đoàn Nhóm châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền David Becker đánh giá cao sự chuẩn bị chu đáo các tài liệu báo cáo cũng như sự phối hợp của các bộ, ngành, phục vụ cho việc đánh giá của Nhóm châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền. Ông David Becker cho biết, Nhóm châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền ghi nhận quyết tâm chính trị của Đảng, Chính phủ Việt Nam trong đấu tranh phòng chống tội phạm tham nhũng, rửa tiền. Các yếu tố của một nước đang phát triển như Việt Nam sẽ được tính tới để bảo đảm sự phù hợp và công bằng trong báo cáo đánh giá.
Việt Nam là thành viên Nhóm châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền - một thành viên liên kết của Lực lượng đặc nhiệm tài chính. Tại Hội nghị thường niên lần thứ 20 vào tháng 7/2017, các thành viên của Nhóm châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền đã thông qua kế hoạch đánh giá đa phương về chống rửa tiền và tài trợ khủng bố đối với Việt Nam.