Phát hiện và phá hủy nguồn thu khổng lồ của khủng bố quốc tế
(Tài chính) Việc phát hiện và phá hủy hệ thống tài trợ cho khủng bố là một trong số những nỗ lực quan trọng không chỉ của riêng một quốc gia nào mà là vấn đề cấp bách được cả thế giới quan tâm hiện nay trong đó có Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, để làm được điều này thì việc đầu tiên là phải nhận diện được các nguồn thu tài chính của tổ chức khủng bố quốc tế.
Nhiều nguồn thu bất chính
Một trong những tổ chức khủng bố “khủng” nhất hiện nay có thể nói đến là tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng(IS) từng được mệnh danh là "tổ chức khủng bố giàu có và tinh vi về mặt tài chính nhất thế giới" với nhiều nguồn thu bất chính. Trong đó, doanh thu từ việc bán dầu của tổ chức này dao động trong khoảng từ 846.000 đến 1,6 triệu USD một ngày. Ông David Cohen, Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ về khủng bố và tình báo tài chính cho biết: “IS kiếm được 1 triệu USD một ngày bằng cách bán dầu thô từ các mỏ dầu mà nhóm này chiếm dụng khi chúng càn quét Iraq và Syria hồi đầu năm 2014”.Bên cạnh đó, phiến quân này còn sử dụng các thủ đoạn tinh vi từ các vụ bắt cóc, tống tiền để tăng nguồn thu của chúng. Đầu năm 2014, khi bắt cóc và đòi tiền chuộc 4 phóng viên người Pháp, 2 người Tây Ban Nha, IS cũng đã nhận được hàng triệu USD. Chỉ riêng năm 2014, IS đã kiếm được 50 triệu USD nhờ vào hoạt động bắt cóc đòi tiền chuộc. Trong khi đó, nguồn thu từ các khoản đòi tiền chuộc con tin mỗi ngày đem về cho Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng khoản tiền lên tới 96.000 đến 123.000 USD.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc còn chỉ ra một nguồn thu không nhỏ của IS, ANF và các nhóm khủng bố khác từ các tác phẩm văn hóa, nghệ thuật cổ, do chúng đánh cắp ở các thư viện, viện bảo tàng, các trung tâm văn hóa.... của Syria và Iraq sau đó đưa ra nước ngoài để tiêu thụ, lấy tiền mua vũ khí và chiêu mộ các tay súng khủng bố. Một quan chức tình báo Anh từng chia sẻ, chỉ riêng ở al-Nabuk, một khu vực đồi núi phía tây thủ đô Damascuscủa Syria, IS đã có trong tay 36 triệu USD khi bán các cổ vật có niên đại lên đến 8.000 năm.
Ngoài ra, tổ chức khủng bố IS nói riêng cũng như các tổ chức khủng bố nói chung trên thế giới còn thu vào túi một số tiền lớn nhờ những khoản tài trợ từ nhiều quốc gia trên thế giới qua nhiều tài khoản ngân hàng khác nhau, các khoản tiền bất chính từ việc buôn người hay các khoản thu từ săn động vật quý hiếm… Nguy hiểm hơn, Liên Hợp Quốc cảnh báo, các lực lượng khủng bố đang tiến hành làn sóng hợp tác ngày càng nhiều với các tổ chức tội phạm trên thế giới.Hành động của Liên Hợp Quốc
Để đối phó với tình trạng trên, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 12/2/2015 đã nhất trí thông qua một Nghị quyết nhằm làm suy kiệt các nguồn thu tài chính của các tổ chức khủng bố trước hết từ dầu mỏ. Đây được cho là hành động kiên quyết đóng góp vào nỗ lực toàn cầu về chống khủng bố. Theo đó, nghị quyết phản đối mọi thương vụ, trực tiếp hoặc gián tiếp, mua bán dầu mỏ, các sản phẩm từ dầu mỏ, hoặc các phương tiện khai thác, vận chuyển dầu mỏ của bất cứ tổ chức, cá nhân hay quốc gia nào IS, al- Qaeda, phiến quân Hồi giáo Nursa Front, mặt trận Al-Nusrah (ANF) hay các phe, nhóm khủng bố khác.
Nghị quyết của Liên Hợp Quốc cũng hối thúc các quốc gia kiên quyết ngăn chặn tất cả các nguồn hàng hóa ra - vào các vùng lãnh thổ bị khủng bố kiểm soát. Bên cạnh đó, nghị quyết yêu cầu các nước không sử dụng vũ lực quân sự và ngừng ngay việc trả tiền chuộc con tin cho các nhóm khủng bố và cho rằng, nếu việc làm này tiếp diễn sẽ đặt người dân trên toàn cầu vào sự nguy hiểm hơn khi họ là “miếng mồi ngon” cho khủng bố quốc tế.
Cơ quan này cũng kêu gọi các quốc gia thành viên tăng cường khối đoàn kết và sự hợp tác trên quy mô quốc tế để cùng nâng cao cảnh giác, chống lại những hoạt động phi pháp của các phe nhóm khủng bố. Ngoài ra, các nước trong Liên minh châu Âu còn thống nhất sẽ đẩy mạnh việc trao đổi thông tin tình báo để hỗ trợ nhau trong việc sớm phát hiện các đối tượng khủng bố, đẩy mạnh cuộc chiến truyền thông, xóa bỏ các trang web mang tư tưởng cực đoan hay dụ dỗ lôi kéo thanh niên, trừng phạt những kẻ biện hộ cho chủ nghĩa khủng bố dưới bất kỳ hình thức nào.
Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vitaly Churkin tin tưởng rằng đây là những phản ứng quyết liệt cho thấy sự cần thiết của việc sử dụng nỗ lực tập thể để chặn đứng các nguồn tài trợ cho khủng bố cũng như các hoạt động thương mại bất hợp pháp. Đây sẽ là giải pháp hiệu quả nhằm ngăn chặn các mối đe dọa từkhủng bố không chỉ ở Syria, Iraq, Trung Đông mà bất kỳnơi nào khác trên thế giới, những nơi chủ nghĩa khủng bố đang manh nha trỗi dậy.