Phát huy hiệu quả nguồn vốn cho vay, hỗ trợ đóng tàu

Viết Chung

Sau 4 năm triển khai Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, kết quả đạt được là khá nhiều, song trong quá trình triển khai vẫn gặp khá nhiều khó khăn, vướng mắc, nguy cơ nợ xấu tăng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Nhận diện được những khó khăn này, Agribank vừa tổ chức Hội nghị “Tháo gỡ khó khăn cho vay theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP” nhằm chia sẻ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đồng thời kiến nghị các giải pháp, góp phần phát huy hiệu quả nguồn vốn cho vay.

Khó khăn thu hồi nợ

Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản được ban hành nhằm khuyến khích ngư dân đóng tàu công suất lớn, vỏ thép để dần chuyển từ khai thác gần bờ sang khai thác xa bờ có giá trị kinh tế cao hơn, góp phần phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương. Có thể nói, đây là cơ sở pháp lý quan trọng, toàn diện nhất từ trước đến nay để hỗ trợ ngư dân đóng mới, nâng cấp tàu phục vụ khai thác hải sản xa bờ. Nghị định được kỳ vọng là cú huých đối với ngành Thủy sản Việt Nam trong quá trình “vươn ra biển lớn”.

Với vai trò chủ đạo trong đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Agribank được xác định là ngân hàng trụ cột trong việc triển khai cho vay theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, tích cực đưa các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đến với nông dân và ngư dân.

Kết quả sau hơn 4 năm triển khai thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, Agribank đã cho vay trên địa bàn 28 tỉnh, thành phố ven biển với tổng số 679 tàu, trong đó 622 tàu đóng mới nâng cấp và 57 tàu vay vốn lưu động, tổng dư nợ cấp tín dụng đạt hơn 5.465 tỷ đồng. Số tàu vay đóng mới, nâng cấp do Agribank tài trợ đã chiếm hơn 50% tổng số tàu của Chương trình và gần 47% tổng dư nợ toàn Ngành về cho vay đóng tàu theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP.

 

Theo ông Phạm Toàn Vượng, Phó Tổng giám đốc Agribank: Mặc dù được tổ chức, chỉ đạo thực hiện sát sao, kịp thời tháo gỡ những khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện, song việc cho vay theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP đã phát sinh không ít vướng mắc, khiến nguy cơ nợ xấu tăng cao.

Tính đến 31/7/2018, trên tổng số 622 khoản vay, có 34 khoản vay đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ; 24 khoản vay có dư nợ bị chuyển quá hạn với dư nợ chuyển quá hạn gần 264 tỷ đồng; 11 khoản vay bị chuyển nợ xấu với dư nợ trên 155 tỷ đồng. Việc nhiều khoản vay bị chuyển nợ quá hạn, cơ cấu nợ, chuyển nợ xấu cho thấy, khó khăn trong công tác thu hồi, xử lý nợ đối với các khoản vay theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP.

Qua nắm bắt tình hình khách hàng tại các chi nhánh Agribank, thời gian tới các khoản nợ đã được cơ cấu và các khoản nợ đến hạn phân kỳ sẽ tiếp tục khó khăn. Bên cạnh những nguyên nhân khó khăn, vướng mắc về chính sách tín dụng, chính sách bảo hiểm, hay những khó khăn do đặc thù ngành khai thác hải sản phụ thuộc nhiều vào yếu tố khách quan như thời tiết, hải lưu, ngư trường… đại diện Agribank nhiều địa phương đã phản ánh tình trạng đáng lo ngại hiện nay, là xuất hiện hiện tượng chủ tàu có tư tưởng coi chương trình vay vốn đóng tàu theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP là chính sách tài trợ không hoàn lại của Chính phủ, cố tình chây ỳ, không trả nợ, chờ ngân hàng xoá nợ...

Tính đến 31/7/2018, trên tổng số 622 khoản vay của Agribank, có 34 khoản vay đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ; 24 khoản vay có dư nợ bị chuyển quá hạn với dư nợ chuyển quá hạn gần 264 tỷ đồng; 11 khoản vay bị chuyển nợ xấu với dư nợ trên 155 tỷ đồng. Việc nhiều khoản vay bị chuyển nợ quá hạn, cơ cấu nợ, chuyển nợ xấu cho thấy, khó khăn trong công tác thu hồi, xử lý nợ đối với các khoản vay theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP.

Điển hình như tại Quảng Bình, Agribank - Chi nhánh Quảng Bình là một trong những đơn vị triển khai cho vay theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP sớm nhất nhưng đến nay cũng là đơn vị có dư nợ quá hạn cho vay theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP nhiều nhất.  

Ông Nguyễn Trần Quý - Giám đốc Agribank Quảng Bình chia sẻ: Với quan niệm tiền của Nhà nước, của Chính phủ, làm được thì làm, không làm được thì giao tàu lại cho ngân hàng, ngân hàng nhận tàu, coi như chủ tàu không còn nợ, nên có nơi chủ tàu bị lôi kéo viết đơn kiến nghị Chính phủ khoanh nợ, giãn nợ, chỉ đồng ý trả số nợ hàng năm rất thấp. Vì vậy, Quảng Bình có những con tàu tính ra... 100 năm sau mới trả hết nợ! Hay có những trường hợp đi biển về lãi 400-500 triệu đồng nhưng không trả đồng nào, thậm chí gửi tiền sang ngân hàng khác.

“Một số tàu kinh doanh có hiệu quả, có khả năng trả được nợ vay nhưng đi so sánh với những tàu kinh doanh không hiệu quả, không trả được nợ nên cũng khất lần không trả nợ vay ngân hàng, không hợp tác khi ngân hàng đôn đốc thu hồi nợ. Vì vậy, cán bộ ngân hàng rất vất vả trong việc tiếp cận, thuyết phục, đòi nợ khi đến hạn trả nợ gốc phân kỳ hàng năm hoặc nợ lãi vay hàng tháng", ông Quý phản ánh.

Ông Trần Văn Thành, Phó Giám đốc Agribank Thanh Hoá cũng cho biết, hiện tượng một số chủ tàu đối phó với ngân hàng, tổ chức đơn thư khiếu nại, phản ánh với các phương tiện thông tin đại chúng không đúng thực tế, không đúng bản chất vấn đề khiến ngân hàng gặp rất nhiều khó khăn trong công tác thu hồi nợ. Thậm chí, một số chủ tàu còn lôi kéo, kích động các chủ tàu khác, kể cả chủ tàu vay vốn thông thường, không vay vốn theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP không trả vốn ngân hàng, không khai báo hiệu quả khai thác hoặc khai báo ở mức lãi thấp hoặc thua lỗ để chờ ngân hàng xoá nợ.

"Có chủ tàu chuyến nào cũng báo lỗ, mỗi chuyến khai lỗ 400-500 triệu đồng, tính ra mỗi năm lỗ hàng tỷ đồng mà thực tế tiềm lực của chủ tàu không được như thế, thậm chí báo lỗ nhưng tàu cứ về bờ vài ngày lại thấy ra khơi. Trong khi, ngân hàng không có cơ chế kiểm soát lịch trình của tàu cá. Do đó, rất khó khăn trong việc đánh giá hiệu quả khai thác để làm cơ sở thu hồi nợ", ông Thành thông tin.

Ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá cho biết, Thanh Hoá đã chủ trì và đưa ra nhiều giải pháp để tránh sự trục lợi chính sách. Ngoài việc tổ chức tuyên truyền, đối thoại với các chủ tàu về chủ trương, chính sách của Nhà nước để tránh việc cố tình hiểu sai, Tỉnh đã yêu cầu các cơ quan chức năng cùng ngân hàng phân loại hiệu quả từng con tàu, đánh giá năng lực từng chủ tàu để đưa ra định hướng phát triển. Với những chủ tàu bị đánh giá yếu kém, Tỉnh cũng có giải pháp kiên quyết, đồng ý cho chuyển đổi và cam kết cụ thể về hướng xử lý theo đúng các quy định của luật tín dụng. "Mặc dù chưa có trường hợp nào phải khởi kiện, nhưng Tỉnh cũng cương quyết với hướng xử lý này nếu vẫn còn những trường hợp cố tình chây ỳ", ông Quyền cho biết.

Kiên quyết xử lý nợ xấu

“Tỷ lệ nợ xấu quá lớn trong thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP không phải là vấn đề riêng của Agribank mà là thực trạng chung của các ngân hàng khác, Ngân hàng Nhà nước đã có báo cáo Chính phủ thực trạng này”, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cho biết.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến một con tàu hoạt động không hiệu quả. Thời gian qua, các địa phương đã vào cuộc rất tốt, tuy nhiên trước những khó khăn vướng mắc hiện nay cần có sự quyết liệt hơn nữa. "Lo ngại tới đây tỷ lệ nợ xấu tiếp tục tăng cao, vì vậy, không chỉ riêng ngành Ngân hàng mà sự vào cuộc giải quyết vấn đề này một cách kịp thời của các địa phương và các bên liên quan là rất cần thiết để một chủ trương, chính sách lớn của Chính phủ được thực hiện hiệu quả", ông Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.

"Thời gian tới chúng ta cần phải có những biện pháp xử lý kiên quyết, mạch lạc trong vấn đề này, thậm chí phải "làm điểm" trong công tác xử lý để ngăn chặn tình trạng lôi kéo làm sai lệch chính sách", ông Nguyễn Văn Chung, Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản - Tổng cục Thuỷ sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nêu quan điểm.

Theo Phó Tổng giám đốc Agribank Phạm Toàn Vượng, mặc dù phải đối mặt với nhiều trở ngại nhưng Agribank luôn xác định hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao trước một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước.

Thực vậy, từ kinh nghiệm liên tục bám sát địa bàn, tổng kết thực tiễn triển khai, Agribank đã kịp thời có nhiều giải pháp sát với tình hình, kịp thời tháo gỡ đễ nguồn vốn Nghị định số 67/2014/NĐ-CP được khơi thông. Tuy nhiên, đối với một chủ trương lớn lớn, quan trọng trong chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, để giải quyết các khó khăn cần có sự phối hợp chặt chẽ đồng bộ của các địa phương, các bộ, ngành.

Cụ thể, từ những vướng mắc trong quá trình triển khai thực tế, Agribank kiến nghị sửa đổi, bổ sung Thông tư số 114/2014/TT-BTC theo hướng cho phép các khoản điều chỉnh kỳ hạn trả nợ được hỗ trợ lãi suất để tạo điều kiện cho khách hàng vay vốn giảm bớt khó khăn để tiếp tục thực hiện việc khai thác đánh bắt; đồng thời, bổ sung nội dung về hỗ trợ lãi suất đối với cơ chế chuyển đổi chủ tàu, trong đó hướng dẫn các trường hợp cụ thể.

Bên cạnh đó, Agribank đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét đề xuất với Chính phủ có cơ chế xử lý rủi ro đặc thù hỗ trợ ngân hàng và các chủ tàu trường hợp các chủ tàu hoạt động không hiệu quả, không có nguồn thu trả nợ, ngân hàng xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ...

Agribank cũng đề nghị các địa phương tiếp tục tuyên truyền để các chủ tàu hiểu rõ chính sách ưu đãi của Nhà nước, thực hiện đúng cam kết với ngân hàng, đồng thời hỗ trợ ngân hàng trong quá trình xử lý và thu hồi nợ đối với các trường hợp chủ tàu chây ỳ, không hợp tác trong việc trả nợ, xử lý tài sản bảo đảm.