Phát huy nhân tố con người trong xây dựng nhà nước kiến tạo ở Việt Nam

ThS. Phan Quang Trung - Trường Chính trị Đà Nẵng

Vấn đề xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển là chủ đề được giới nghiên cứu và các nhà hoạch định chính sách Việt Nam quan tâm, đề cập từ nhiều hướng tiếp cận. Tiếp cận góc nghiên cứu về vai trò của nhân tố con người trong xây dựng nhà nước kiến tạo, bài viết khái quát quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về nhân tố con người trong thời kỳ đổi mới và những vấn đề đặt ra đối với nguồn lực Việt Nam hiện nay, gợi ý một số giải pháp phát huy vai trò của nhân tố con người trong xây Nhà nước kiến tạo...

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Quan điểm về phát huy nhân tố con người trong phát triển đất nước thời kỳ đổi mới

Vấn đề giải phóng và phát triển toàn diện con người là mục tiêu cao nhất trong suốt tiến trình cách mạng do Đảng ta lãnh đạo, đặc biệt từ khi tiến hành công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) gắn với phát triển nền kinh tế tri thức. Trong tiến trình phát triển, vấn đề con người không chỉ với tư cách mục tiêu phát triển, mà còn là động lực quan trọng trong việc xây dựng một nước Việt Nam “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Trong mọi thời đại, nguồn tài nguyên, của cải đích thực và quý giá nhất của mỗi quốc gia chính là con người. Vì vậy, mục đích phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, xét đến cùng, phải vì con người, cho con người, tạo môi trường thuận lợi để con người có cơ hội phát huy mọi năng lực sáng tạo, có cuộc sống hạnh phúc.

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng xã hội chủ nghĩa (XHCN), Đảng Cộng sản Việt Nam nhận thức rõ vai trò đặc biệt quan trọng của nhân tố con người với tính cách là động lực của sự phát triển xã hội, của sự nghiệp xây dựng xã hội XHCN.

Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định “Nguồn lực quý báu nhất, có vai trò quyết định nhất là con người Việt Nam; nhân tố con người chính là nguồn sức mạnh nội sinh của dân tộc Việt Nam. Đối với một nước chủ động lựa chọn và kiên trì con đường phát triển theo định hướng XHCN như Việt Nam, sự phát triển, tăng trưởng kinh tế, xét đến cùng cũng là vì con người, hướng đến con người.”

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, Đảng xác định một trong những yếu tố quyết định việc chúng ta có tranh thủ tận dụng thành công những thuận lợi, những cơ hội và vượt qua những thách thức, khó khăn mà quá trình đó đặt ra hay không phụ thuộc chủ yếu vào việc phát huy nhân tố con người, vào chất lượng nguồn nhân lực.

Đảng đã nhận thức một cách đúng đắn về chiến lược con người và khẳng định bằng nghị quyết, chủ trương, chính sách thật sự coi trọng con người và coi con người là nhân tố có tính quyết định để xây dựng thành công xã hội mới.

Chính vì lẽ đó, trước khi bước vào thời kỳ CNH, HĐH đất nước, cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH được thông qua tại Đại hội lần thứ VII (tháng 6/1991), Đảng khẳng định: “Phát huy nhân tố con người trên cơ sở bảo đảm công bằng, bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ công dân; kết hợp tốt tăng trưởng kinh tế với tiến bộ xã hội; giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần; giữa đáp ứng các nhu cầu trước mắt với chăm lo lợi ích lâu dài; giữa cá nhân với tập thể và cộng đồng xã hội”.

Vấn đề phát huy nhân tố con người trong sự nghiệp CNH, HĐH được Đại hội VIII của Đảng tiếp tục khẳng: “Nâng cao dân trí, bồi dưỡng và phát huy nguồn lực to lớn của con người Việt Nam là nhân tố quyết định thắng lợi của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.

Từ sau Đại hội VIII, thực hiện chiến lược CNH, HĐH đất nước, Đảng cũng đã ban hành nhiều nghị quyết về nhiều lĩnh vực trong đó có liên quan trực tiếp đến việc chăm sóc, bồi dưỡng và phát huy nhân tố con người.

Nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII) về định hướng chiến lược phát triển giáo dục, đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nhiệm vụ đến năm 2000 đã thể hiện rõ quan điểm của Đảng về phát triển nguồn nhân lực. Nghị quyết nêu: “Lấy việc phát huy nhân tố con người là yếu tố cơ bản cho sự phát triển nhanh và bền vững”.

Thực tiễn cho thấy, việc giải quyết vấn đề phát triển con người Việt Nam những năm qua có nhiều chuyển biến tích cực và đạt những kết quả quan trọng. Quá trình cách mạng Việt Nam chứng tỏ rằng, trong những thời điểm lịch sử hiểm nghèo, những tình thế hết sức khó khăn, con người Việt Nam đều rất sáng tạo, năng động và luôn tìm ra được con đường phát triển, đưa đất nước tiến lên.

Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận, thực tiễn sau 20 năm đổi mới (1986-2006), Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Con người là vốn quý nhất, phát triển con người với tư cách vừa là động lực, vừa là mục tiêu của cách mạng, của sự nghiệp đổi mới đất nước; gắn vấn đề nhân tố con người với tinh thần nhân văn nhằm tạo điều kiện cho con người phát triển toàn diện, sống trong một xã hội công bằng và nhân ái với những quan hệ xã hội lành mạnh. Con người và sự phát triển con người được đặt vào vị trí trung tâm của chiến lược kinh tế - xã hội, mở rộng cơ hội, nâng cao điều kiện cho con người phát triển”.

Kế thừa quan điểm về phát huy nhân tố con người từ các Đại hội trước, trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2015, Đảng xác định: “Tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững; Nâng cao rõ rệt hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển; Tạo chuyển biến mạnh về giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, phát huy nhân tố con người”.

Đại hội XI của Đảng nêu rõ mục tiêu tổng quát là: “Đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Để đạt được mục tiêu đó, Đảng đã xác định 3 khâu đột phá chiến lược, trong đó “Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao” được khẳng định là khâu đột phá thứ hai.

Đây được xem là khâu đột phá phù hợp với hoàn cảnh nguồn nhân lực của đất nước trong bối cảnh Việt Nam tích cực, chủ động tham gia hội nhập quốc tế, với sự cạnh tranh diễn ra vô cùng quyết liệt và cuộc cách mạng khoa học, công nghệ đang phát triển như vũ bão. Đó vừa là cơ hội, vừa là thách thức đòi hỏi nước ta phải tập trung nâng cao chất lượng nguồn lực con người.

Đại hội XI đưa ra quan điểm, phát huy nhân tố con người trên cơ sở “Mở rộng dân chủ, phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển”. Quan điểm này thực chất là sự tiếp nối tư tưởng của Đảng coi con người là chủ thể, là nguồn lực quan trọng nhất quyết định sự phát triển xã hội và là sự nghiệp của cách mạng Việt Nam. Mọi quá trình phát triển kinh tế - xã hội phải hướng tới mục tiêu cao cả là vì con người.

Đảng xác định rõ phải “gắn kết chặt chẽ giữa phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ”. Muốn vậy, phải “xây dựng và hoàn thiện giá trị, nhân cách con người Việt Nam”; “đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ và hội nhập quốc tế, trong đó, đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý là khâu then chốt”; “Xây dựng và thực hiện chiến lược quốc gia về nâng cao sức khỏe, tầm vóc con người Việt Nam”.

Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đã chỉ rõ: “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”.

Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước tiếp tục khẳng định: Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến “chân - thiện - mỹ”, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học.

Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Tại Đại hội XII, vấn đề phát triển con người toàn diện được Đảng ta xác định là một trong những nhiệm vụ tổng quát phát triển đất nước 5 năm (giai đoạn 2016-2020): “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”.

Đây là bước tiến trong nhận thức của Đảng sau 30 năm đổi mới, phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn đặt ra; thể hiện việc Đảng ta ngày càng khẳng định và nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của việc xây dựng và phát triển con người toàn diện, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước thời kỳ hội nhập.

Đại hội XII nhấn mạnh phải “tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”; “phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao...”; “thu hút và phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực và sức sáng tạo của nhân dân; Chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giải quyết tốt những vấn đề bức thiết; tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội và giảm nghèo bền vững; Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc”.

Đại hội XII xác định: “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện phải trở thành một mục tiêu của chiến lược phát triển”. Từ đó, Đảng đã xác định các nhiệm vụ cụ thể trong xây dựng, phát triển con người Việt Nam, “Đúc kết và xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ CNH, HĐH và hội nhập quốc tế”.

Như vậy, Văn kiện Đại hội XII đã kế thừa quan điểm của Đảng về xây dựng và phát triển con người từ các kỳ Đại hội Đảng, đồng thời bổ sung, phát triển nhiều nội dung mới, cụ thể hơn của con người Việt Nam trong thời kỳ mới, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, loài người đã đạt tới một trình độ nhận thức mới về tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội và phát triển con người. Trong đó, phát triển con người được xem là thước đo cho sự phát triển của mỗi quốc gia.

Do đó, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một đột phá chiến lược, là yếu tố quyết định đẩy mạnh phát triển ứng dụng khoa học, công nghệ, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và là lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất, bảo đảm cho sự phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững.

Một số vấn đề đặt ra trong thời kỳ hội nhập và xây dựng nhà nước kiến tạo

Nhà nước kiến tạo phát triển là bước phát triển mới về chất của vai trò nhà nước trong điều kiện mới, xuất phát từ việc đề cao chức năng kiểm soát của Nhà nước đến việc đề cao yếu tố quản trị và kiến tạo các cơ hội phát triển. Có lẽ, trong điều kiện của Việt Nam để kiến tạo phát triển Nhà nước cần phải hoạch định đường lối phát triển cho đất nước (đặc biệt là đường lối CNH và chương trình xóa đói giảm nghèo) và thúc đẩy việc hiện thực hóa đường lối đó.

Thúc đẩy việc hiện thực hóa không có nghĩa là Nhà nước làm thay người dân và các doanh nghiệp mà Nhà nước phải tạo ra được hệ thống khuyến khích để các nguồn lực của xã hội được tập trung đầu tư cho các mục tiêu phát triển. Hệ thống khuyến khích đó có thể là chi tiêu công, là thuế, là tín dụng, là thương quyền...

Điều quan trọng là phải xây dựng cho được những khuôn khổ thể chế cần thiết để cho công việc làm ăn của người dân ngày một dễ dàng hơn. Quan trọng nhất ở đây là quyền tự do kinh doanh, quyền tự do tài sản, quyền tự do khế ước... phải được bảo đảm; sự minh bạch phải được tăng cường; các hợp đồng phải được tôn trọng và bảo vệ; các tranh chấp phải được giải quyết nhanh chóng và hiệu quả.

Điều kiện không thể thiếu ở đây là việc bảo đảm sự ổn định kinh tế vĩ mô. Vì thiếu sự ổn định kinh tế vĩ mô, không doanh nghiệp cũng như một người dân nào có thể phát triển sản xuất dễ dàng được. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Chính phủ kiến tạo phát triển.

Nhà nước cần tích cực cung cấp các dịch vụ công chất lượng, giá rẻ cần thiết cho sự phát triển năng lực và việc làm ăn của các doanh nghiệp, của những người dân. Muốn làm được điều này, phải xây dựng được một bộ máy hành chính công vụ hết sức chuyên nghiệp và hiệu quả. Bộ máy này phải được tuyển dụng, bổ nhiệm nghiêm ngặt dựa trên cơ sở của trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Nhà nước phải tạo ra cạnh tranh lành mạnh để tất cả mọi chủ thể trong xã hội đều phải vươn lên và để thu hút được người tài. Tiêu chí để cạnh tranh trong đời sống kinh tế là chất lượng hơn và giá rẻ hơn.

Trong đời sống kinh tế, thúc đẩy cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước và kiểm soát gắt gao những doanh nghiệp còn chiếm giữ vị thế độc quyền là rất quan trọng. Độc quyền không chỉ dẫn đến lạm quyền mà còn làm cho hoạt động kinh tế kém hiệu quả và xã hội kém năng động.

Một cơ chế để người tài được tuyển chọn cũng rất quan trọng. Một phần của cơ chế này là áp đặt chế độ trách nhiệm rõ ràng, những người đứng đầu bắt buộc phải chọn cho được người tài (không chọn được người tài không thể hoàn thành được công việc). Tất nhiên, chúng ta cũng phải trao quyền tuyển chọn cho những người đứng đầu này.

Gợi ý một số giải pháp

Từ những quan điểm, vấn đề nêu trên, để đáp ứng được yêu cầu về nguồn lực con người trong phát triển nhà nước kiến tạo hiện nay cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, căn cứ vào yêu cầu phát triển các bộ, ngành, các vùng lãnh thổ, cần tổ chức bố trí lại lực lượng lao động một cách hợp lý trên phạm vi cả nước theo hướng đổi mới công nghệ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo những ngành nghề mũi nhọn.

Thứ hai, tập trung nguồn lực cho giáo dục, đào tạo và khoa học công nghệ, đồng thời quản lý sử nguồn lực này có mục đích và có hiệu quả.

Giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ được định hướng theo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, do đó, cần có những đơn đặt hàng từ phía xã hội, chính thị trường sẽ thúc đẩy các cơ quan giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học; đồng thời, kích thích tính sáng tạo khoa học của các nhà giáo dục, các nhà nghiên cứu để họ cống hiến và đem lại hiệu quả đích thực.

Thứ ba, đổi mới giáo dục một cách căn bản và toàn diện, không phải chạy theo thành tích, hình thức, khẩu hiệu mà giáo dục phải đi theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa; nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, coi giáo dục đạo đức, lối sống, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành cho người học đặc biệt đối với bậc học cao đẳng, đại học và đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu phát tiển của đất nước.

Xây dựng xã hội học tập, tạo cơ hội và tạo điều kiện cho mọi người được học tập suốt đời, biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo nhằm phát huy tính tích cực và chủ động của con người. Cần quan tâm đến lợi ích người lao động, trong đó cần chú ý trả lương đúng mức cho đội ngũ cán bộ khoa học, tránh tình trạng bình quân, thiếu công bằng đối với người lao động, đặc biệt là đội ngũ lao động khoa học.

Tóm lại, chúng ta đang tiến vào nền kinh tế tri thức và khoa học công nghệ đã trở thành một lực lượng sản xuất trực tiếp. Người lao động nếu không được giáo dục, đào tạo tốt, sẽ không thích nghi với những biến động của thị trường, với sự đa dạng hóa của ngành nghề và dễ dàng bị đào thải.

Để Nhà nước kiến tạo tốt điều cốt yếu nhất vẫn là công tác cán bộ, đây là khâu cần có giải pháp đột phá mới có cơ sở tạo ra những thành công khác.

Để có được người tài, công tác cán bộ cần phải được đổi mới. Cần phân chia được nguồn nhân lực trong lĩnh vực công thành 2 loại: những người tài về chính trị (các chính khách) và những người tài về hành chính, công vụ (các công chức).

Để có các công chức tài giỏi, phải tuyển chọn bằng một chế độ thi tuyển nghiêm túc, khách quan. Những người giỏi chuyên môn hơn sẽ có điểm cao hơn. Những người có điểm cao hơn sẽ được lựa chọn. Vấn đề quan trọng ở đây là không để việc thi cử bị thao túng, bị biến thành cách thức để hợp thức hóa việc mua bán chức tước và tuyển dụng người nhà.

Tài liệu tham khảo:

  1. Ban Chấp hành Đảng Cộng sản Việt Nam, Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 20 năm đổi mới (1986 - 2006);
  2. Nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII) về định hướng Chiến lược phát triển giáo dục, đào tạo trong thời kỳ CNH, HĐH và nhiệm vụ đến năm 2000;
  3. Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) của Đảng;
  4. Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo;
  5. Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước;
  6. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (2017), Hội thảo khoa học “Xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển trong thực tiễn Việt Nam”.