Xây dựng chính phủ kiến tạo - Thời cơ và thách thức đối với Việt Nam

Theo PGS, TS Lê Quốc Lý/Tạp chí Lý luận chính trị

Xây dựng chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động và phục vụ là tạo ra thể chế quản trị hiệu quả, một chính phủ mạnh, một nền công vụ chuyên nghiệp, gọn nhẹ, minh bạch, luôn sáng tạo và lấy sự công hiến, phục vụ lợi ích quốc gia, dân tộc làm chính, một chính phủ thân thiện.

Thông điệp của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động và phục vụ đã và đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng DN. Nguồn: internet
Thông điệp của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động và phục vụ đã và đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng DN. Nguồn: internet
Nhiệm vụ xây dựng thể chế, đổi mới tư duy về quản trị, cải cách bộ máy lên đầu tiên và  chuyển từ quản lý sang phục vụ người dân, doanh nghiệp và cán bộ phải gương mẫu trong lời nói và hành động, nói đi đôi với làm. Do đó, xây dựng chính phủ kiến tạo đòi hỏi phải có nhiều giải pháp đồng bộ, phải được sự đồng tình ủng hộ của toàn thể hệ thống chính trị và toàn dân tộc Việt Nam, đặc biệt cần quyết tâm chính trị cao và lãnh đạo quyết liệt của Đảng. Thông điệp của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động và phục vụ đã và đang thu hút sự quan tâm, đồng tình ủng hộ của nhân dân cả nước.
Tuy nhiên, để xây dựng thành công, chúng ta cần nhận thức đầy đủ và định hình một cách sáng tỏ, mạch lạc khung khái niệm, nội hàm cụ thể về chính phủ kiến tạo để làm cơ sở cho xây dựng chính phủ kiến tạo ở Việt Nam hiện nay. Vậy chính phủ kiến tạo là gì, nội hàm của nó ra sao? và để có chính phủ kiến tạo cần những điều kiện gì? yếu tố và nhân tố nào tác động hình thành nên chính phủ kiến tạo?

Nội hàm của chính phủ kiến tạo

Từ những năm 80 thế kỷ XX, khi nghiên cứu về sự phát triển thần kỳ của Nhật Bản, Chalmers Johnson đã đưa ra thuật ngữ chính phủ kiến tạo phát triển (developmental government), nhà nước kiến tạo phát triển (developmental state). Chalmers Johnson đã nhận ra có ba mô hình chính phủ: chính phủ điều chỉnh (chính phủ của các nước theo mô hình thị trường tự do); chính phủ kế hoạch hóa tập trung quan liêu (chính phủ của các nước phủ nhận vai trò của thị trường) và chính phủ kiến tạo phát triển (chính phủ của các nước coi trọng vai trò của thị trường, nhưng không tuyệt đối hóa vai trò này, mà tích cực can thiệp để định hướng thị trường). Như vậy, theo nhận thức của Chalmers Johnson, chính phủ kiến tạo phát triển nằm ở giữa hai mô hình chính phủ điều chỉnh và chính phủ kế hoạch hóa tập trung, quan liêu.

Bàn đến Chính phủ kiến tạo thì có nhiều, tuy nhiên theo chúng tôi cần chú ý đến một số điểm sau:

Thứ nhất, nói đến chính phủ kiến tạo phải xem xét hoạt động của chính phủ đó có hiệu quả hay không, thể hiện ở bộ máy công vụ được xây dựng và hoạt động theo thiết chế nào?. Có lẽ việc đầu tiên là chính phủ kiến tạo phải được hình thành và tạo dựng trên nền tảng của một thiết chế chính trị dân chủ và tự do, ở đó con người được tự do sáng tạo, tự do kinh doanh, tự do sở hữu tài sản và tự do hoạt động vì lợi ích cá nhân và quốc gia, dân tộc. Đến lượt nó, chính phủ kiến tạo sẽ tạo dựng môi trường sống và hoạt động tốt nhất cho con người, ở đó con người được phục vụ tốt nhất về tinh thần và vật chất, hạnh phúc của người dân được coi trọng và được coi là mục tiêu hàng đầu.

Thứ hai, một chính phủ kiến tạo phải là chính phủ mạnh, tức là chính phủ phải gồm những người có trí tuệ, có kiến thức, có tư duy tốt, chuyên nghiệp, có khả năng nhìn xa trông rộng, có tầm nhìn chiến lược, có khả năng đề ra định hướng phát triển đất nước một cách tốt nhất và có kỹ năng hành động tầm chiến thuật, kỹ năng thiết kế, đề ra được cơ chế, chính sách tốt, cũng như vận hành bộ máy hành chính, thực thi công vụ một cách hiệu lực và hiệu quả nhất.

Thứ ba, chính phủ kiến tạo là một chính phủ lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm phương châm hành động với một phương thức hoạt động minh bạch, công khai và có đủ khả năng giải trình, lấy phục vụ nhân dân làm mục tiêu đầu tiên và lấy kết quả thực tiễn đem lại làm thước đo mức độ thực thi công vụ.

Thứ tư, một chính phủ kiến tạo là chính phủ thân thiện với xã hội, với người dân, thị trường và doanh nghiệp, lấy sự ấm no của người dân, sự thành công của các doanh nghiệp và hạnh phúc của nhân dân làm phương châm hành động của mình. Chính phủ hoạt động với tinh thần tạo môi trường thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và người dân làm ăn thuận lợi.

Thứ năm, chính phủ kiến tạo là chính phủ có tư duy luôn luôn đổi mới, nhạy bén và linh hoạt, biết tạo ra sự phát triển và chia sẻ sự phát triển mọi mặt của xã hội.

Thứ sáu, để có chính phủ kiến tạo thì phải thiết kế và có một bộ máy hành chính gọn nhẹ, hiệu quả, trong sạch và hoạt động trên nền tảng công nghệ cao theo hướng chính phủ điện tử, chính phủ số, chính phủ của cách mạng công nghiệp 4.0.

Như vậy, nếu một chính phủ đạt được 6 điểm nêu ở trên và đáp ứng mô hình chính phủ kiến tạo phát triển theo cách phân chia của Chalmers Johnson thì đó là chính phủ kiến tạo đầy đủ. Nội hàm của chính phủ kiến tạo cũng được hình thành từ 6 điểm được nêu ra đó.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, khái niệm về chính phủ kiến tạo cũng được hoàn thiện từng bước. Đầu tiên đó là chính phủ định hướng kiến tạo, đó là chính phủ luôn hoàn thiện mình tiến đến hiện đại, phục vụ, xây dựng hành lang pháp lý và môi trường cho cho người dân và doanh nghiệp phát triển ngày một tốt hơn. 

Thực tế hiện nay, thông điệp chính phủ kiến tạo có thể được hiểu hướng tới có chính phủ như vậy và có các hành động cụ thể để đạt được, đó là: tập trung hoàn thiện thể chế; rà soát toàn bộ cơ chế chính sách, hành lang pháp lý theo hướng xóa bỏ rào cản, tháo gỡ khó khăn cho người dân, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; phải chuyển mạnh hơn từ quản lý sang phục vụ người dân, doanh nghiệp và cán bộ phải gương mẫu trong lời nói và hành động, nói đi đôi với làm dù trong bất cứ trường hợp nào(1).

Thời cơ và thách thức đối với xây dựng chính phủ kiến tạo hiện nay

Xây dựng chính phủ kiến tạo ở Việt Nam hiện nay có nhiều thời cơ, thuận lợi, nhưng cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Có thể nêu một số thời cơ và thuận lợi như sau:

Xây dựng chính phủ kiến tạo là sự kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh(2). Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố trước quốc dân đồng bào, Chính phủ sẽ hành động vì dân, vì quyền lợi và cuộc sống của dân, dựa vào dân... Người luôn yêu cầu đội ngũ cán bộ, đảng viên phải cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư...

Xây dựng chính phủ kiến tạo là tiếp tục tinh thần đổi mới tư duy của Đảng trong hơn 30 năm vừa qua với tinh thần cái gì đưa đất nước phát triển, giàu mạnh và vì lợi ích quốc gia, dân tộc thì đó là việc phải làm, không giáo điều, sách vở, quan liêu, bảo thủ. Đại hội XII của Đảng và các hội nghị Trung ương khóa XII, trong đó đặc biệt là Hội nghị Trung ương 4 đã nhấn mạnh việc đổi mới và hoàn thiện hệ thống công vụ, bộ máy hành chính hiệu quả và liêm chính, chống tham nhũng, suy thoái, tha hóa...

Xây dựng chính phủ kiến tạo khi lòng dân đang khao khát có một chính phủ hiệu quả, đổi mới mạnh mẽ, đột phá để đất nước phát triển, do vậy được sự đồng tình ủng hộ cao của nhân dân trong cả nước.

Xây dựng chính phủ kiến tạo trong thời điểm đất nước đã có đội ngũ cán bộ, công chức được đào tạo khá bài bản, có năng lực trình độ phù hợp và có nhiều yếu tố khách quan, chủ quan cho hình thành chính phủ kiến tạo. Đặc biệt, các điều kiện cần và điều kiện đủ cho xây dựng chính phủ kiến tạo đang được hình thành và từng bước định hình.

Xây dựng chính phủ kiến tạo trong điều kiện đất nước hội nhập quốc tế ngày một sâu rộng, nhiều FTA được ký kết, nhiều hoạt động kinh tế, văn hóa, khoa học, công nghệ, giáo dục và quốc phòng, an ninh được triển khai hợp tác. Nhiều đối tác chiến lược, chiến lược toàn diện được ký kết với nước ta.

Nhiều tri thức, kinh nghiệm hay của nhân loại, những kiến thức quản trị chính phủ, quản trị doanh nghiệp và quản trị xã hội hiệu quả trên thế giới đang tác động tích cực đến Việt Nam. Hơn nữa, công nghệ cao đang phát triển như vũ bão, đặc biệt là cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra thách thức và yêu cầu đổi mới, cải cách chính phủ hiện nay. 

Bên cạnh những thời cơ và thuận lợi, có thể nêu một số khó khăn và thách thức đối với xây dựng chính phủ kiến tạo như sau:

Để xây dựng một chính phủ kiến tạo cần có một nhà nước kiến tạo. Tuy nhiên, để có được điều đó cần phải có thời gian, có sự đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt, đột phá hơn nữa tư duy, đặc biệt là tư duy lý luận. Đảng phải được đổi mới căn bản và triệt để hơn nữa, chống suy thoái, ngăn chặn bằng được một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất. Đảng phải trở thành Đảng của văn minh và hiện đại.

Muốn xây dựng một chính phủ kiến tạo, điều kiện tiên quyết là phải có thể chế chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội kiến tạo. Tuy nhiên, những thể chế này hiện nay còn thiếu, chưa hoàn chỉnh hoặc chưa được định hình ở Việt Nam nên sẽ là lực cản lớn đối với xây dựng chính phủ kiến tạo. Hay nói cách khác, chính phủ kiến tạo sẽ khó có thể hình thành nếu thiếu các thể chế nêu trên. 

Nhận thức về chính phủ kiến tạo còn khác nhau và không ít tư duy, tư tưởng không chấp nhận khái niệm này. Nói về xây dựng chính phủ kiến tạo thì mọi người dễ thống nhất nhưng khi vận hành xây dựng chính phủ kiến tạo một cách thật sự thì không dễ đạt được sự ủng hộ cao vì đụng chạm đến lợi ích, đặc biệt là lợi ích nhóm.

Bộ máy nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội hiện nay còn quá cồng kềnh, hoạt động dựa vào nguồn ngân sách nhà nước và bị quan liêu hóa cao, thiếu gắn kết trực tiếp với thành quả lao động của các thành viên các tổ chức đó, một sản phẩm tạo ra còn được coi là thành tích của nhiều tổ chức thì khó có thể có một chính phủ kiến tạo được hình thành, trừ khi có cải cách mạnh mẽ và có giải pháp đột phá tổ chức lại các tổ chức này.

Hệ thống luật pháp chưa đồng bộ, còn mâu thuẫn và chồng chéo, thiếu tính thống nhất, khó áp dụng. Cùng một vấn đề nhưng lại có nhiều văn bản hướng dẫn khác nhau, văn bản của cấp thấp hơn có thể phủ quyết văn bản của cấp cao hơn và nhiều khi trái ngược với văn bản của cấp cao hơn...

Nhiều điểm nghẽn trong hệ thống hành chính còn tồn tại chưa được loại bỏ, nền hành chính còn kém hiệu lực, hiệu quả.

Tính kỷ luật, đạo đức và văn hóa sống của đội ngũ cán bộ, công chức và người dân còn chưa cao, thói hình thức, dối trá, nói không đi đôi với làm, “nói thế mà không phải thế” vẫn còn tồn tại nhiều, tham nhũng, tiêu cực còn trầm trọng nên sẽ gây khó khăn không ít cho xây dựng một chính phủ kiến tạo.

Một số giải pháp

Xây dựng chính phủ kiến tạo không phải là việc dễ dàng trong điều kiện hiện nay, đòi hỏi phải có nhiều giải pháp đồng bộ, phải được sự đồng tình ủng hộ của toàn thể hệ thống chính trị và của toàn thể dân tộc Việt Nam, đặc biệt cần có quyết tâm chính trị cao và sự lãnh đạo quyết liệt của Đảng. Có thể nêu một số giải pháp sau:

Thứ nhất, cần có sự đổi mới mạnh mẽ tư duy lý luận của Đảng. Đảng cần có quyết tâm chính trị cao trong xây dựng nhà nước kiến tạo để làm nền tảng cho việc hình thành chính phủ kiến tạo, tức là phải đồng bộ của ba bộ phận: Lập pháp, tư pháp và hành pháp, được xây dựng và vận hành theo tinh thần kiến tạo.

Thứ hai, phải tổ chức lại theo hướng tinh gọn và đổi mới phương thức hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội theo hướng xóa bỏ tình trạng quan liêu, bao cấp và hành chính hóa, từng bước giảm bớt chi ngân sách nhà nước cho các tổ chức chính trị - xã hội, tiến tới không dùng ngân sách nhà nước, lấy kết quả cuối cùng gắn với việc cải thiện và nâng cao mọi mặt về vật chất và tinh thần của các thành viên của các tổ chức đó làm phương châm và mục tiêu hoạt động.

Thứ ba, phải xây dựng một thể chế chính trị, thể chế kinh tế, thể chế văn hóa, thể chế xã hội... theo hướng kiến tạo. Tạo môi trường sống và môi trường kinh doanh cho mọi người dân và doanh nghiệp thực sự tự do và dân chủ, công bằng, văn minh, các quyền của con người được bảo đảm đầy đủ.

Thứ tư, xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực đủ mạnh, công khai, minh bạch và một cơ chế giải trình rõ ràng, nghiêm minh, lấy thượng tôn pháp luật làm đầu, lấy đạo đức, văn hóa là thước đo, lấy kết quả cuối cùng để đánh giá tốt, xấu, thành công, thất bại... Tất cả phải được lượng hóa, không đánh giá chung chung, loại bỏ lối sống hình thức, giả dối, xu thời...

Thứ năm, để có chính phủ kiến tạo cần có bộ máy hành chính thực sự kiến tạo, do vậy cần cải cách mạnh mẽ bộ máy hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu quả và hiệu lực. Xây dựng một đội ngũ công chức chuyên nghiệp, có trình độ cao và có nhân cách tốt, có quyết tâm chính trị và có khát vọng đưa đất nước đi lên ngày một giàu mạnh và phồn vinh.

Thứ sáu, cần được trang bị công nghệ hiện đại trong hoạt động hành chính theo hướng chính phủ điện tử và chính phủ số. Đơn giản hóa các quy trình, thủ tục hành chính nhờ công nghệ thông minh, công nghệ số và các công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0. Bên cạnh đó, cần có chế độ lương phù hợp, thể hiện sự đánh giá của xã hội và chính phủ một cách xứng đáng đối với sự đóng góp công sức, trí tuệ của công chức, tạo động lực cho họ làm việc theo đúng tinh thần công vụ kiến tạo. 

Thứ bảy, giữ vững kỷ luật, kỷ cương, xóa bỏ tình trạng trên bảo dưới không nghe, tình trạng vô trách nhiệm trước hành động và quyết định sai trái của cá nhân và lãnh đạo; nêu cao trách nhiệm cá nhân của mỗi cán bộ, công chức trong thực thi công vụ trước chính phủ, chính quyền, trước nhân dân và dân tộc.

Thứ tám, để có chính phủ kiến tạo cần phải có sự chủ động, sáng tạo, sự đồng hành mạnh mẽ của các nhà lãnh đạo Đảng, Quốc hội, đoàn thể chính trị - xã hội, các bộ, ngành, địa phương. Mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân phải cùng cam kết và nghiêm túc, khẩn trương thực hiện đổi mới thể chế chính trị, đổi mới thể chế kinh tế, cải cách nền hành chính thì mới có thể thay đổi được tình hình.

Với quyết tâm “phải chuyển từ phương thức mệnh lệnh hành chính sang Chính phủ kiến tạo, phục vụ; quyết tâm xây dựng một chính phủ liêm chính, minh bạch, hiệu quả; nói không với tham nhũng, tiêu cực, lãng phí” của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và với sự ủng hộ của toàn hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân, thì dù còn nhiều thách thức, khó khăn ở phía trước, nhưng chúng ta vững niềm tin chắc chắn chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động và phục vụ sẽ được định hình và xây dựng ở Việt Nam trong thời gian tới, đưa đất nước phát triển trên một tầm cao mới.

______________________

(1) Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Chính phủ kiến tạo chuyển mạnh từ quản lý sang phục vụ. Vnexpress.net, 1/1/2017.

 (2) GS., TS. Hoàng Chí Bảo: Chính phủ kiến tạo là sự kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh, Báo Nhân dânđiện tử, ngày 15/1/2017.