Phát huy thế mạnh, khẳng định vai trò quan trọng
Xử lý nợ xấu, tham gia tái cơ cấu doanh nghiệp, góp phần đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là những nhiệm vụ quan trọng của Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC). Thực hiện nhiệm vụ này, trong những năm qua DATC luôn hoàn thành tốt các mục tiêu kế hoạch được giao…
Khẳng định vai trò quan trọng
Hiện nay, để xử lý nợ xấu, DATC và Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) là hai tổ chức được giao nhiệm vụ chính về tham gia mua bán, xử lý nợ xấu của các DN và ngân hàng. Được thành lập cách đây 3 năm, VAMC được nhắc đến nhiều như là giải pháp để “thu xếp” gánh nặng nợ ở các ngân hàng. Tuy nhiên, VAMC mới dừng lại ở “làm sạch” bảng cân đối cho các ngân hàng hơn là mua bán nợ xấu, xử lý thực sự bằng phương pháp thị trường. Còn với DATC đã quá quen thuộc với cộng đồng doanh (DN) và thị trường mua bán nợ Việt Nam là xử lý nợ xấu, tái cơ cấu vực dậy hoạt động của DN...
6 tháng đầu năm 2015, DATC đã hỗ trợ xử lý nợ và tài sản tồn đọng cho 33 DNNN. Doanh thu từ xử lý tài sản và thu hồi nợ loại trừ đã tiếp nhận là 62,4 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2014; nộp ngân sách 68,3 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ 2014
Ra đời từ năm 2003, DATC là một định chế tài chính được giao nhiệm vụ không chỉ mua bán nợ xấu mà còn là công cụ quan trọng tham gia vào quá trình tái cơ cấu DNNN theo lộ trình của Chính phủ. Ngay từ khi thành lập, DATC đã tham gia vào hỗ trợ quá trình cổ phần hóa DNNN. Đối với các DNNN thực hiện cổ phần hóa, khi xác định giá trị DN không còn vốn nhà nước nên không cổ phần hóa được và không chuyển sang sắp xếp theo các hình thức khác được, Chính phủ đã giao cho DATC cơ cấu lại nợ để các DN có thể cổ phần hóa được. Với kinh nghiệm từ quá trình cổ phần hóa DNNN, DATC đã tích cực tham gia mua bán các khoản nợ của DNNN với các ngân hàng thương mại theo cơ chế thỏa thuận. Sau hơn 10 năm hoạt động, DATC là DN đi đầu trong lĩnh vực mua bán nợ gắn với tái cơ cấu.
Ngoài ra, DATC đã giúp cho trên 70 DN phục hồi hoạt động. Các DN sau khi được DATC tái cơ cấu, phục hồi hoạt động đã được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội như: Đường Kon Tum (KTS), Mía đường Sơn La (SLS), Sadico Cần Thơ (SDG), Vitaly (VTA), Procimex Việt Nam (PRO)...
Ở vai trò là tổ chức kinh doanh, hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận, DATC đã thực hiện hàng trăm phương án mua nợ theo giá thỏa thuận với giá trị sổ sách là hơn 11.000 tỷ đồng. Hầu hết các phương án mua nợ là mua theo thỏa thuận với mức giá tạo chênh lệch so với nợ gốc đảm bảo nguồn xử lý khoản âm vốn chủ sở hữu của DN. DATC cũng thực hiện hoạt động đầu tư trực tiếp tại 12 DN, bước đầu mua DN hoặc một phần vốn chi phối nhằm hỗ trợ quá trình phục hồi và phát triển DN.
Đặc biệt, trong những năm gần đây, DATC đã thực hiện xử lý nợ, tái cơ cấu tại các DNNN lớn, trong đó có Tổng Công ty tàu thủy Việt Nam (SBIC), Tổng Công ty Hàng Hải Việt Nam (Vinalines), Công ty thực phẩm Miền Bắc thuộc Tổng công ty thuốc lá Việt Nam, Tổng công ty Haprocimex... được Chính phủ đánh giá cao và cộng đồng DN ghi nhận…
Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2015, DATC đã hỗ trợ hàng chục DNNN xử lý nợ và tài sản tồn đọng, trong đó có những tập đoàn, tổng công ty. Cụ thể, DATC đã hỗ trợ xử lý nợ và tài sản tồn đọng cho 33 DNNN. Doanh thu từ xử lý tài sản và thu hồi nợ loại trừ đã tiếp nhận là 62,4 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2014. Công ty đã nộp ngân sách 68,3 tỷ đồng (trong đó 43,7 tỷ đồng nộp qua Tổng công ty Đầu tư Kinh doanh vốn nhà nước - SCIC), tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ 2014.
Công ty đã tăng cường hoạt động thu nợ, xử lý nợ đối với các DN đã mua nợ, xử lý tài sản đảm bảo để thu nợ, kể cả việc phối hợp với tòa án để theo sát và đẩy nhanh tiến độ xét xử với các DN đã bị khởi kiện… Cùng với đó, DATC đã phối hợp chặt chẽ với Ban đổi mới DN thuộc các bộ, ngành, địa phương và các tập đoàn, tổng công ty nhằm chủ động tổ chức tiếp nhận nợ và tài sản loại trừ khỏi giá trị DN. Bên cạnh đó, trong 6 tháng đầu năm DATC đã triển khai thoái vốn tại 11/24 DNNN.
Theo lãnh đạo DATC, từ đầu năm đến nay Công ty đã đẩy mạnh đàm phán mua nợ đối với các ngân hàng song quá trình đàm phán mua nợ với một số ngân hàng rất chậm do cơ chế bán nợ đặc thù của một vài ngân hàng thường rất phức tạp, quá trình phê duyệt để bán khoản nợ thường kéo dài
Với các đối tác nước ngoài, DATC đã trực tiếp làm việc với nhà đầu tư quốc tế, các tổ chức tín dụng nước ngoài để mua, xử lý nợ của tập đoàn, Tổng Công ty nhà nước như: Credit Suisse AG, Goldman Sachs International. Về hợp tác quốc tế, DATC ký biên bản ghi nhớ với Tổng Công ty quản lý tài sản Hàn Quốc (Kamco), đồng thời tham gia diễn đàn quốc tế của các công ty quản lý tài sản công (IPAF) với tư cách thành viên sáng lập năm 2013 theo lời mời của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB). Phối hợp với các nhóm nghiên cứu của WB, JICA nhằm trao đổi kinh nghiệm và hợp tác trong lĩnh vực xử lý nợ.
Tiếp thêm lực để thực hiện nhiệm vụ
Nhằm phát huy hiệu quả và những khả năng vốn có, mới đây Chính phủ, Bộ Tài chính đã “tăng thêm lực” bằng việc bổ sung thêm 3.600 tỷ đồng vốn điều lệ và mở rộng thêm cơ chế cho DATC để đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu.
Theo đó, DATC được tăng vốn điều lệ từ mức 2.400 tỷ đồng lên mức 6.000 tỷ đồng. Việc tăng vốn này được DATC kiến nghị từ nhiều năm qua, nay được Chính phủ chấp thuận. Thông tư số 135/2015 của Bộ Tài chính ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của DATC có hiệu lực từ ngày 1/11/2015 đã chính thức công bố việc tăng vốn trên.
Các hoạt động của DATC theo quy định mới, gồm mua lại nợ theo giá thị trường và xử lý tài sản thế chấp có liên quan, hoặc tham gia tái cơ cấu DN theo hình thức góp vốn từ nợ được chuyển đổi… Có một thay đổi đáng lưu ý, từ trước tới nay DATC được thành lập và hoạt động tập trung vào xử lý nợ xấu cho DNNN trước và sau cổ phần hóa. Nay DATC được bật đèn xanh để tham gia vào việc mua bán nợ với các tổ chức tín dụng.
Với cách làm việc của DATC, ngân hàng có thể mua bán nợ theo giá thị trường với công ty này và DATC có thể thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt đối với nợ mua lại từ ngân hàng, tức là mua đứt bán đoạn nợ xấu. Điều này sẽ hỗ trợ tích cực cho VAMC trong việc xử lý nợ xấu đang tồn đọng trong hệ thống tổ chức tín dụng tại Việt Nam.