Phát huy tiềm năng kinh tế biển gắn với du lịch của tỉnh Thừa Thiên Huế
Là địa phương có nhiều tiềm năng trong phát triển kinh tế biển, Thừa Thiên Huế đã xác định một trong các mục tiêu phát triển trong thời gian tới là phải trở thành tỉnh mạnh về biển, giàu từ biển. Thừa Thiên Huế quan tâm đầu tư phát triển kinh tế biển nói chung và du lịch biển nói riêng, tuy nhiên, vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh, kinh tế biển vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế, bất cập, chưa gắn với khai thác sản phẩm du lịch từ tiềm năng biển. Do đó, cần có sự quan tâm hơn nữa của các cơ quan, ban ngành, chính quyền địa phương để phát huy tối đa tiềm năng biển của tỉnh gắn với du lịch.

Chủ trương phát triển kinh tế biển gắn với du lịch của Thừa Thiên Huế
Thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế về biển và vùng đầm phá, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có những chủ trương, đầu tư đúng hướng để phát triển kinh tế biển nói chung, du lịch biển nói riêng. Phát triển du lịch biển tại Thừa Thiên Huế được xem là hướng đi có nhiều triển vọng trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Với 120km đường bờ biển, Thừa Thiên Huế có nhiều tiềm năng phát triển du lịch biển. Đặc biệt khu vực biển Hải Vân, đảo Sơn Chà và đầm Lập An nằm ở huyện Phú Lộc được đưa vào danh sách 15 khu bãi biển của Việt Nam. Ở cấp độ hệ sinh thái, trên một diện tích không lớn, khoảng 7.000 ha, chỉ tính riêng phần dưới nước, khu vực này bao gồm năm hệ sinh thái là hệ sinh thái rạn san hô, hệ sinh thái cỏ biển, hệ sinh thái vùng triều đá, hệ sinh thái vùng triều cát và hệ sinh thái rừng ngập mặn. Chính sự có mặt hệ sinh thái rạn san hô đã làm cho bức tranh đa dạng sinh học biển ở đây trở nên ấn tượng và đặc sắc. Thông thường, các rạn san hô chỉ xuất hiện ở các vùng biển, đảo ngoài khơi, nhưng khu vực này các rạn san hô có mặt ở ngay bờ biển. Đặc biệt, trên thềm lục địa biển Đông ở về phía Đông Bắc cách mũi cửa Khém nơi gần nhất khoảng 600m có đảo Sơn Trà. Tuy diện tích đảo không lớn (khoảng 160ha), nhưng có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ an ninh quốc phòng đối với nước ta nói chung và tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng. Có cảng Thuận An và vịnh Chân Mây với độ sâu 18 - 20m là nơi ra vào của các thuyền chở hàng và du lịch lớn.
Hệ đầm phá ven biển - Đầm phá Tam Giang - Cầu Hai là hệ thống đầm phá gần kín, rộng nhất so với các đầm phá khác của nước ta và thuộc loại lớn của thế giới với tổng diện tích mặt nước khoảng 23.100 ha, có chiều dài 68km. Hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai được đánh giá là một khu vực giàu tiềm năng cho phát triển của Thừa Thiên Huế, có tầm quan trọng quốc tế, được xem như "viên ngọc sinh học quý giá". Các điều kiện tự nhiên thuận lợi của khu vực đầm phá về chế độ thủy, hải văn, độ mặn, môi trường nước trong sạch, tạo ra nguồn lợi thủy sinh vô cùng phong phú, đa dạng. Ngoài nguồn lợi thuỷ sinh phong phú, tính đa dạng sinh học cao ở cả ba cấp độ hệ sinh thái, giống loài và nguồn gien, nơi đây còn là một điểm dừng chân của hơn 30 loài chim nước di trú, trong số đó có nhiều loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam và Danh mục chim bảo vệ nghiêm ngặt của cộng đồng châu Âu. Đây cũng là địa điểm có các thảm cỏ biển tập trung - những khu rừng dưới nước lớn thứ hai Việt Nam.
Để phát huy tiềm năng được thiên nhiên ưu đãi, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành nhiều văn bản quan trọng đến phát triển du lịch biển; trong đó có Kế hoạch 156/KH-UBND ngày 20/6/2020 về thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 5/3/2020 của Chính phủ ban hành Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ tám, BCH Trung ương Đảng Khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh.
Mục tiêu đề ra là: “Đưa Thừa Thiên Huế thành một trong những trung tâm kinh tế biển phát triển mạnh của cả nước, kinh tế biển ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thể nền kinh tế của tỉnh; phấn đấu đạt các chỉ tiêu về phát triển bền vững kinh tế biển theo quy định của Chính phủ.
Bên cạnh đó, Thừa Thiên Huế sẽ phát triển kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa xã hội, phát triển con người của cộng đồng dân cư ven biển, đầm phá. Củng cố, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên vùng biển và khu vực ven biển của tỉnh”. Theo đó, Thừa Thiên Huế sẽ nâng cao tỷ trọng đóng góp của kinh tế biển vào GRDP; Phấn đấu đến năm 2030, kinh tế biển giữ vai trò trọng yếu; Các ngành kinh tế biển phát triển bền vững theo các chuẩn mực quy định của Chính phủ.
Kết quả phát triển kinh tế biển gắn với du lịch của Thừa Thiên Huế
Phát triển du lịch và dịch vụ biển
Thời gian qua, du lịch và dịch vụ biển ở Thừa Thiên Huế đã được quan tâm chú trọng đầu tư. Các địa phương có biển hiện nay đã và đang từng bước phát triển, hoàn thiện du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, các khu du lịch nghỉ dưỡng biển chất lượng cao tại các vùng ven biển; xây dựng, phát triển, đa dạng hoá các sản phẩm, chuỗi sản phẩm, thương hiệu du lịch biển đẳng cấp quốc tế trên cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, phát huy giá trị di sản thiên nhiên, văn hoá, lịch sử đặc sắc của các vùng, miền, kết nối với các tuyến du lịch quốc tế để Thừa Thiên Huế trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Các dịch vụ du lịch như nhà hàng, khu nghỉ dưỡng, khách sạn, khu vui chơi giải trí... dần được hình thành. Tỉnh đã nghiên cứu thí điểm phát triển du lịch ra các đảo, vùng biển xa bờ; tăng cường năng lực tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn...
Thừa Thiên Huế đã đẩy mạnh gắn kết phát triển loại hình du lịch biển, đảo của tỉnh với vùng duyên hải miền Trung và vùng Đông Nam Bộ để tạo nên thương hiệu du lịch biển Việt Nam. Phát huy thế mạnh về tiềm năng tự nhiên và văn hóa các khu vực dọc bờ biển như Thuận An, Cảnh Dương, Lăng Cô… Tạo ra các sản phẩm du lịch, dịch vụ có chất lượng cao. Riêng đối với các huyện có biển đã chú trọng vào hình thành các sản phẩm dịch vụ du lịch đặc trưng, gắn với văn hóa địa phương đồng thời đáp ứng yêu cầu của thị trường, các sản phẩm được đánh giá là ngày càng có chất lượng.
Huyện Phú Lộc đã tập trung khai thác tốt các lợi thế, tiềm năng và lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên để chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng du lịch - dịch vụ. Trong đó, chú trọng phát huy vai trò Lăng Cô - Vịnh biển đẹp thế giới; khu du lịch quốc gia Cảnh Dương - Bạch Mã - Lăng Cô - Hải Vân và vùng bờ biển, đầm Lập An, hệ thống suối thác gồm suối Voi, thác Mơ, suối Tiên… Bên cạnh đó, du lịch đầm phá Tam Giang đang được hình thành, nhiều sản phẩm du lịch sinh thái thu hút lượng du khách rất lớn. Hiện nay, cùng với quy hoạch các vùng trọng điểm nuôi trồng, khai thác thủy sản, huyện Phú Lộc đã phát triển được nguồn thủy đặc sản trên đầm phá, giá trị kinh tế cao. Nhiều sản phẩm nông sản đã có thương hiệu địa phương gắn với sản phẩm du lịch như: hải sản đầm Cầu Hai, dầu tràm Lộc Thủy; các sản phẩm từ trái vả, dâu tiên, thanh trà, chè Truồi, bánh lọc, bánh ướt xứ Truồi... đồng thời hướng đến tổ chức các hoạt động du lịch trải nghiệm trên đầm phá.
Kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu đề tài “Phát triển kinh tế biển gắn với du lịch tại tỉnh Thừa Thiên Huế” của Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh thực hiện năm 2022 cho thấy, chất lượng các dịch vụ du lịch được du khách đánh giá chủ yếu ở mức độ tốt và khá tốt với một số tiêu chí đáng chú ý là là giá cả tham gia các hoạt động du lịch biển, chi phí hợp lý (27,33%). Đây cũng là điểm hấp dẫn đối với du khách và lợi thế của các sản phẩm du lịch biển của Tỉnh. Thậm chí có tới 97,67% số du khách được hỏi đã trả lời có dự định quay trở lại tham quan du lịch biển tỉnh Thừa Thiên Huế; 99,67% du khách cho biết họ sẽ giới thiệu những địa điểm du lịch biển tại Thừa Thiên Huế này với gia đình, người thân, bạn bè.
Phát triển kinh tế hàng hải, khai thác cảng biển gắn với du lịch
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Cảng biển Thừa Thiên Huế được xác định là cảng biển loại I. Trong đó, khu bến Chân Mây gồm các bến tổng hợp, container, hàng rời, hàng lỏng/khí, kết hợp tiếp nhận tàu khách quốc tế, phục vụ trực tiếp khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và khu vực lân cận, kết hợp tiếp chuyển hàng cho Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Đông Bắc Vương Quốc Thái Lan; tiếp nhận tàu hàng trọng tải đến 70.000 tấn, tàu container sức chở đến 4.000 TEU hoặc lớn hơn, tàu khách quốc tế đến 225.000 GT, tàu hàng lỏng/khí trọng tải đến 150.000 tấn hoặc lớn hơn.
Cảng Chân Mây được xác định là cửa ngõ quan trọng thông ra biển Đông nối các nước trên hành lang kinh tế thương mại Đông – Tây. Đây là điểm trung chuyển, liên kết, hỗ trợ cho các cụm cảng vùng kinh tế trọng điểm Trung bộ, gồm Chu Lai (Quảng Nam), Tiên Sa, Liên Chiểu (Đà Nẵng), Dung Quất (Quảng Ngãi), Nhơn Hội (Bình Định), tạo thành chuỗi Khu kinh tế ven biển miền Trung, là hạt nhân tăng trưởng chính của khu vực này. Cảng là một trong 46 cảng biển được Hiệp hội Du thuyền châu Á lựa chọn xây dựng điểm dừng chân cho các du thuyền ở khu vực Đông Nam Á, hội đủ điều kiện và tiềm năng để phát triển trở thành cảng đón được các cỡ tàu du lịch mới nhất và lớn nhất thế giới.
Về phát triển cảng biển Chân Mây gắn với du lịch, tỉnh Thừa Thiên Huế và địa phương Thị trấn Lăng Cô cùng với Ban quản lý Công ty Cổ phần Cảng Chân Mây đã tổ chức nhiều hoạt động thu hút khách du lịch khi cập Cảng. Mỗi năm Cảng đón khoảng 40-50 tàu du lịch quốc tế cập cảng. Ngày 10/10/2022, cảng Chân Mây đã đón chuyến tàu du lịch 5 sao Le Lapérouse, đây là chuyến tàu du lịch biển quốc tế đầu tiên đến với cảng sau hơn 2 năm gián đoạn vì dịch COVID-19. Chuyến tàu hạng sang Le Lapérouse mang quốc tịch Wallis & Futuna của hãng tàu nổi tiếng Ponant chở hơn 200 du khách quốc tế, chủ yếu từ thị trường Âu Mỹ với chương trình khám phá bờ biển và các địa danh nổi tiếng của Việt Nam. Chương trình khám phá bờ biển và các địa danh nổi tiếng của Việt Nam kéo dài từ 8 -11 ngày. Tàu du lịch quốc tế cập cảng là dấu hiệu đáng mừng cho thấy sự hồi sinh của ngành du lịch Việt Nam sau một thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.
Tuy nhiên, qua khảo sát của nhóm nghiên cứu đề tài nói trên, trong số doanh nghiệp đang tham gia hoạt động tại cảng được hỏi thì đa số ý kiến đánh giá chất lượng dịch vụ tại cảng hiện nay ở mức bình thường chiếm tỷ lệ 63,64%; có 36,36% ý kiến được khảo sát đánh giá tốt. Về tiềm năng kết hợp phát triển du lịch của cảng biển, đa số ý kiến nhận định Cảng Chân Mây có tiềm năng nhưng ít (chiếm tỷ lệ 90,90%); có 01/11 ý kiến doanh nghiệp khảo sát nhận định không có tiềm năng (9,10%).
Như vậy, để Cảng Chân Mây trở thành một cảng biển lớn, bên cạnh hoạt động chính là vận tải hàng hóa, vấn đề phát triển cảng gắn với du lịch là vấn đề không đơn giản, do đó, chính quyền địa phương cũng cần quan tâm, định hướng và quy hoạch trong lộ trình xây dựng, phát triển cảng.
Nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản gắn với hoạt động du lịch
Về hoạt động khai thác nuôi trồng đánh bắt thủy hải sản gắn với du lịch, trong thời gian qua để phát huy tiềm năng lợi thế vùng đầm phá, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp kinh doanh du lịch tại các huyện cũng như các công ty du lịch lữ hành nổi tiếng đã quan tâm xây dựng rất nhiều tour du lịch mới, bước đầu một số hoạt động du lịch gắn với khai thác mặt đầm và các hoạt động du lịch trải nghiệm được hình thành, quan tâm phát triển, hấp dẫn du khách.
Điển hình như tour khám phá đầm phá Tam Giang - Đầm Chuồn. Du khách lần lượt sẽ được tham quan rừng ngập mặn Rú Chá. Đây là khu rừng nguyên sinh có diện tích khoảng 4ha, tồn tại cách đây hơn 100 năm mang vẻ đẹp hoang sơ và thơ mộng, thanh bình. Sau đó du khách sẽ đến bến thuyền Đầm Chuồn, một phần của phá Tam Giang, du khách bắt đầu tham quan hệ sinh thái lớn nhất Đông Nam Á.
Tại đây du khách có một trải nghiệm tuyệt vời với một số hoạt động đánh cá với người dân địa phương: tự mình thử chèo thuyền, đánh bắt tôm cá; sáng tác ảnh và tự do nghỉ ngơi trên nhà chồ. Thưởng thức bữa ăn tối với thực đơn hải sản tại nhà hàng Đầm Chuồn Lagoon, một ốc đảo độc nhất giữa đầm phá với ẩm thực đặc sản không thể thiếu “Bánh khoái cá kình và rượu làng Chuồn ngâm cua lửa”. Sau đó thuyền đưa quý khách ngắm hoàng hôn, về lại bến thuyền để quay về thành phố Huế.
Tour khám phá vẻ đẹp hoàng hôn phá Tam Giang: Huế – Cồn Tộc – Ngư Mỹ Thạnh. Du khách sẽ được tham quan thôn Ngư Mỹ Thạnh, làng bích họa, sau đó thuyền đưa du khách tham quan hệ thống đầm phá Tam Giang – Phá Tam Giang với vẻ đẹp mộc mạc hoang sơ, thuyền tiếp tục đưa du khách đến khu vực Nò Sáo – như những ma trận đánh bắt cá, tôm được người ngư dân sắp xếp hết sức công phu. Tại đây du khách trải nghiệm hoạt động đổ Nò, một phương thức đánh bắt tôm, cá của ngư dân phá Tam Giang.
Để hoạt động du lịch trải nghiệm đầm phá ngày càng được mở rộng và phát triển, Chính quyền địa phương cần nắm bắt xu hướng và cơ hội phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 có chiến lược đầu tư dài hạn cho vùng đầm phá, phát triển nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản gắn với du lịch.
Giải pháp phát triển kinh tế biển gắn với du lịch của Thừa Thiên Huế
Để phát huy tiềm năng kinh tế biển gắn với phát triển du lịch, các giải pháp cần thực hiện gồm:
Thứ nhất, tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết 03– NQ/TU, ngày 8/11/2016 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch, dịch vụ Thừa Thiên Huế giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn đến năm 2030, phát triển du lịch thành ngành kinh tế chủ lực trên cơ sở phát huy các lợi thế của vùng đầm phá và ven biển. Kết nối vùng đầm phá và ven biển với du lịch Cố đô Huế để phát triển tổng hợp du lịch sinh thái, văn hóa, du lịch biển. Phát huy thế mạnh về tiềm năng tự nhiên và văn hóa các khu vực dọc bờ biển như: Thuận An, Cảnh Dương, Lăng Cô… Tạo ra các sản phẩm du lịch, dịch vụ có chất lượng cao như: Các khu du lịch nghỉ dưỡng, du lịch chữa bệnh, du lịch hội nghị, hội thảo, các trung tâm du lịch thể thao, du lịch tâm linh… tại vùng đầm phá, ven biển, nhất là khu vực đầm Lập An và đảo Sơn Chà. Gắn du lịch với việc tôn tạo, bảo vệ các di sản văn hóa. Góp phần giữ gìn và phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa Việt Nam, văn hóa Huế. Tạo ra nhiều việc làm, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân trong vùng.
Thứ hai, khuyến khích, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch tại các vùng ven biển. Phát huy kết quả bảo tồn đa dạng sinh học, giá trị di sản thiên nhiên, văn hóa. Lịch sử đặc sắc của vùng để xây dựng, phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm, chuỗi sản phẩm, thương hiệu du lịch biển đẳng cấp quốc tế. Tăng cường kết nối với các tuyến du lịch quốc tế để Thừa Thiên Huế trở thành điểm đến hấp dẫn của cả nước và thế giới về du lịch biển.
Thứ ba, tập trung huy động, thu hút nguồn lực; chú trọng đầu tư hạ tầng du lịch phát triển Khu du lịch quốc gia Lăng Cô – Cảnh Dương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1774/ QĐ–TTg, ngày 19/12/2018. Là điểm đến mang tầm cỡ quốc tế, với những sản phẩm du lịch nổi bật về nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, nơi tổ chức các sự kiện văn hóa – thể thao, cảng quốc tế; hình thành được thương hiệu gắn với nâng cao sức cạnh tranh, kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch.
Thứ tư, tiếp tục rà soát quy hoạch, nâng cao hiệu quả quản trị biển và đại dương, quản lý vùng bờ. Điều tra, đánh giá tài nguyên sinh vật và phi sinh vật vùng ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế; xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên sinh vật và phi sinh vật vùng ven biển tỉnh... Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung chiến lược của ngành, địa phương ven biển có nội dung liên quan đến khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường cho phù hợp với chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo. Kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo; ứng phó, khắc phục sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển. Thiết lập và quản lý hành lang bảo vệ bờ biển tỉnh Thừa Thiên Huế. Lập, phê duyệt và tổ chức thực hiện chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường vùng bờ tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2020 - 2025. Cập nhật Kế hoạch phân vùng sử dụng tổng hợp vùng bờ tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Lập hồ sơ tài nguyên đảo Sơn Chà, huyện Phú Lộc tỉnh Thừa Thiên Huế.
Với những kết quả đã đạt được và quyết tâm chính trị rất lớn của các cấp, các cơ quan, ban ngành và chính quyền địa phương, có thể tin tưởng trong thời gian tới, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp đột phá nhằm phát huy mọi lợi thế, tiềm năng để Thừa Thiên Huế thực sự trở thành tỉnh mạnh về biển, giàu từ biển, góp phần quan trọng trong mục tiêu đưa Thừa Thiên Huế sớm trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương.
Tài liệu tham khảo:
- Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;
- Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;
- Kế hoạch số 156/KH-UBND ngày 20/6/2020 về thực hiện Nghị quyết số 26/ NQ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ ban hành Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ tám BCH Trung ương Đảng Khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của tỉnh Thừa Thiên Huế;
- Khoa Lý luận cơ sở (2022): Phát triển kinh tế biển gắn với du lịch tại tỉnh Thừa Thiên Huế, đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở.