Phát huy vai trò của chính sách bảo hiểm thất nghiệp trong đảm bảo an sinh xã hội


Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động (NLĐ) khi bị mất việc làm, hỗ trợ NLĐ học nghề, duy trì việc làm, tìm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ BHTN. Trong hai năm qua, đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều NLĐ bị mất việc làm, không có việc làm nhưng không thuộc đối tượng hưởng trợ cấp thất nghiệp. Để phát huy tính ưu việt của chính sách BHTNcũng như thực hiện các chính sách an sinh xã hội của cấp có thẩm quyền, cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) đã thực hiện tốt vai trò đảm bảo an sinh xã hội cho NLĐ và người sử dụng lao động thông qua việc giảm đóng vào Quỹ BHXH và chi hỗ trợ từ nguồn Quỹ BHTN đảm bảo kịp thời, đúng quy định.

Trong những năm qua, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã khẳng định vai trò trụ cột trong đảm bảo an sinh xã hội, trợ giúp hỗ trợ người lao động vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Trong những năm qua, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã khẳng định vai trò trụ cột trong đảm bảo an sinh xã hội, trợ giúp hỗ trợ người lao động vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Kết quả thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp

Trong những năm qua, chính sách BHTN đã khẳng định vai trò trụ cột trong đảm bảo an sinh xã hội, trợ giúp hỗ trợ NLĐ vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19. Luật BHXH năm 2006, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2009 với mục tiêu hỗ trợ NLĐ một phần thu nhập khi bị mất việc làm, hỗ trợ học nghề và tư vấn, giới thiệu việc làm, giúp NLĐ sớm trở lại thị trường lao động.

Tuy nhiên, đến ngày 01/01/2015, chính sách BHTN được thực hiện theo quy định của Luật Việc làm với những sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình thực tiễn. Việc sửa đổi, bổ sung chính sách BHTN kịp thời, phù hợp với thực tiễn đã mang lại nhiều kết quả tích cực.

Cụ thể, nếu như năm 2009, số người tham gia BHTN đạt gần 6 triệu người, thì đến ngày 31/12/2020 con số này đã tăng lên 13,3 triệu người tham gia, tăng hơn 2 lần so với năm 2009 - năm đầu tiên triển khai chính sách (chiếm tỷ lệ khoảng 27% lực lượng lao động trong độ tuổi).

Đến cuối tháng 4/2022, cả nước có hơn 13,64 triệu người tham gia BHTN, tăng hơn 200.000 người so với thời điểm cuối năm 2021, bằng gần 80% tổng số người tham gia BHXH bắt buộc. So với lực lượng lao động trong độ tuổi, số người tham gia BHTN đạt 26,97%.

Bên cạnh đó, trợ cấp thất nghiệp được chi trả cho những NLĐ bị mất việc làm tham gia BHTN từ đủ 12 tháng trở lên với mức hưởng bằng 60% mức bình quân tiền lương của 6 tháng cuối và thời gian hưởng tối thiểu 3 tháng, được cấp thẻ bảo hiểm y tế.

Cũng trong năm 2020, số NLĐ đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp trên cả nước là khoảng 1,12 triệu người, tăng khoảng 32% so với năm 2019. Số tiền chi trả trợ cấp thất nghiệp trong năm 2020 đã lên tới 17.898 tỷ đồng, tăng trên 49% so với năm 2019.

Đặc biệt, trong hai năm qua, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, dẫn tới việc nhiều NLĐ mất việc làm, mất thu nhập. Trong bối cảnh đó, cơ quan có thẩm quyền đã kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ về BHXH, BHTN để tháo gỡ khó khăn cho NLĐ và người sử dụng lao động.

Trong đó, điển hình như Nghị quyết số 42/NQ-CP và Nghị quyết số 154/NQ-CP của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; Nghị quyết số 116/NQ-CP về hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ BHTN. Nổi bật là gói hỗ trợ trên 30.000 tỷ đồng từ Quỹ BHTN theo Nghị quyết số 116/NQ-CP, đây là gói hỗ trợ trực tiếp bằng tiền lớn nhất từ trước đến nay.

Để đưa gói hỗ trợ này kịp thời đến các đối tượng thụ hưởng không thể không nhắc tới vai trò của BHXH Việt Nam. Cơ quan này đã nhanh chóng vào cuộc đẩy nhanh tiến độ giải ngân, phát huy lợi thế của hệ thống dữ liệu công nghệ thông tin và mã định danh của từng người tham gia, rút gọn tối đa các công đoạn, thủ tục và thời gian chi trả.

Nhờ đó, ngành BHXH Việt Nam đã triển khai giảm đóng vào các Quỹ BHXH và chi hỗ trợ từ nguồn Quỹ BHTN với tổng kinh phí trên 45.444 tỷ đồng cho NLĐ và người sử dụng lao động đảm bảo kịp thời, công khai, minh bạch.

Cùng với đó, thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP và Nghị quyết số 154/NQ-CP của Chính phủ, đến tháng 5/2022, BHXH Việt Nam đã tiếp nhận hồ sơ và giải quyết tạm dừng đóng vào Quỹ Hưu trí và tử tuất đối với 1.847 đơn vị, DN (cho 192.503 lao động) với số tiền tạm dừng đóng vào Quỹ trên 786,8 tỷ đồng.

 Đối với Nghị quyết số 68/NQ-CP, BHXH Việt Nam đã thực hiện điều chỉnh giảm mức đóng vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp cho trên 375,3 nghìn đơn vị, tương ứng gần 11,1 triệu lao động với số tiền khoảng 4.322 tỷ đồng; giải quyết cho 2.760 đơn vị (với 374.126 lao động) tạm dừng đóng Quỹ Hưu trí và tử tuất với số tiền 1.913 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, triển khai Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ, BHXH Việt Nam đã hoàn thành việc thông báo điều chỉnh mức đóng vào Quỹ BHTN cho 363,6 nghìn đơn vị sử dụng lao động, tương ứng 9,676 triệu lao động với số tiền khoảng 7.595 tỷ đồng.

Tính đến hết ngày 31/12/2021, BHXH Việt Nam, BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an nhân dân đã chi trả chế độ hỗ trợ từ nguồn kết dư Quỹ BHTN cho gần 12,968 triệu lao động với số tiền gần 30.804 tỷ đồng (BHXH Việt Nam, 2022).

Có thể thấy, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, chính sách BHTN đã thật sự trở thành “điểm tựa” cho hàng triệu NLĐ, giúp họ có nguồn tài chính vượt qua giai đoạn khó khăn, duy trì ổn định cuộc sống; giúp người sử dụng lao động giảm bớt áp lực về tài chính, vì không phải chi trả trợ cấp thôi việc, mất việc làm cho NLĐ. Qua đó, lợi ích của NLĐ, DN khi tham gia BHXH, BHYT càng được thể hiện rõ hơn trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách BHTN trong thời gian qua cũng gặp phải những khó khăn, thách thức như: Việc hình thành, hoàn thiện chính sách BHTN đòi hỏi thời gian dài, trong khi chính sách này mới được triển khai thực hiện trong thời gian ngắn;

Khu vực kinh tế phi chính thức không có quan hệ lao động còn lớn; Việc hỗ trợ đào tạo nghề cho NLĐ nhằm sớm đưa NLĐ thoát khỏi tình trạng mất việc làm còn có một số bất cập; Chưa có sự liên kết giữa cơ sở đào tạo với DN để xác định đúng nhu cầu DN; Chất lượng đào tạo cũng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn...

Để tiếp tục phát huy chính sách bảo hiểm  thất nghiệp trong đảm bảo an sinh xã hội

Nhằm tiếp tục phát huy chính sách BHTN trong đảm bảo an sinh xã hội trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, bên cạnh sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, cần triển khai đồng bộ các giải pháp sau:

Một là, rà soát, hoàn thiện chính sách BHTN để phù hợp hơn với tình hình thực tiễn. Tăng cường các biện pháp quản lý BHTN theo chương trình tổng thể cải cách chính sách BHXH, lao động, tiền lương.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã thật sự trở thành “điểm tựa” cho hàng triệu NLĐ, giúp họ có nguồn tài chính vượt qua giai đoạn khó khăn, duy trì ổn định cuộc sống; giúp người sử dụng lao động giảm bớt áp lực về tài chính, vì không phải chi trả trợ cấp thôi việc, mất việc làm cho NLĐ. Qua đó, lợi ích của NLĐ, doanh nghiệp khi tham gia BHXH, BHYT càng được thể hiện rõ hơn trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Hai là, tiếp tục cải cách hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ trong việc hỗ trợ NLĐ thụ hưởng chính sách BHTN ngày càng tốt hơn, đáp ứng chi trả kịp thời, đúng quy định, đúng đối tượng thụ hưởng chính sách.

Ba là, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Việc làm theo hướng chú trọng không chỉ các giải pháp xử lý hậu quả đối với người thất nghiệp thông qua việc chi trả trợ cấp thất nghiệp, tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề, mà cần xây dựng các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp thông qua hỗ trợ DN và NLĐ duy trì việc làm, bảo đảm quyền lợi chính đáng của DN và NLĐ.

Bốn là, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền để chủ động phát huy giá trị cốt lõi của chính sách BHTN, trong đó, trọng tâm là tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề và duy trì việc làm.

Tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức dịch vụ việc làm để thực hiện tốt tư vấn và hỗ trợ việc làm.

Năm là, đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền phù hợp với đặc điểm, tính chất đặc thù của từng nhóm đối tượng, vùng, miền, bảo đảm thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền gắn với phát triển đối tượng tham gia BHTN. 

*Theo ThS. Phạm Thị Thúy - Khoa cơ sở cơ bản, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam.

** Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 8/2022.