Giải pháp phát triển bảo hiểm xã hội trong tình hình mới
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế - xã hội, lao động, việc làm và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp (DN). Bối cảnh đó đặt ra nhiều thách thức đối với ngành Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam trong việc thực hiện mục tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH năm 2022 và các năm tiếp theo. Để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, ngành BHXH đã và đang triển khai nhiều giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHXH phù hợp với tình hình mới.
Những thách thức trong phát triển đối tượng
Trong 2 năm gần đây, đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế - xã hội nói chung và trực tiếp đến thực hiện chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) nói riêng. Tuy nhiên, với việc bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ và diễn biến thực tiễn của dịch bệnh, doanh nghiệp (DN), ngành BHXH Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp để đảm bảo không sụt giảm mạnh số người tham gia BHXH, giữ vững mục tiêu, kế hoạch đề ra.
Theo đó, ngay từ đầu năm 2022, Ban Lãnh đạo BHXH Việt Nam đã chỉ đạo quyết liệt BHXH các tỉnh, thành phố vừa chủ động với công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, vừa phải đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người tham gia BHXH, BHYT. Trong thực hiện nhiệm vụ được giao, BHXH Việt Nam đã ban hành các văn bản chỉ đạo đẩy mạnh công tác thu và phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT.
Theo đó, BHXH các cấp đã tích cực nắm bắt, phân tích tình hình, chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương phát triển đối tượng BHXH. Cụ thể, giám đốc BHXH các địa phương đã yêu cầu các đơn vị phân tích tình hình kinh tế - xã hội, nhu cầu sử dụng lao động, nhu cầu phát triển người tham gia BHXH, BHYT của địa phương để xây dựng các kịch bản, sẵn sàng tăng tốc và bứt phá, hoàn thành nhiệm vụ được giao sau khi dịch bệnh được khống chế.
Cùng với đó, ngành BHXH Việt Nam kịp thời triển khai các giải pháp hỗ trợ DN, người dân gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và diễn biến tình hình dịch bệnh. Nhờ đó, đến hết tháng 3/2022, cả nước có trên 16,4 triệu người tham gia BHXH, trong đó có trên 15,1 triệu người tham gia BHXH bắt buộc và trên 85,34 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 86,1% dân số.
So với cùng kỳ năm 2021, quý I/2022, số người tham gia BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp đều tăng với mức tăng lần lượt là 1,47%, 10,77% và 1,95%. Tuy nhiên, số người tham gia BHXH tự nguyện giảm 168 nghìn người và số người tham gia BHYT giảm 3,49 triệu người so với cùng kỳ năm 2021… Điều này cho thấy, ngoại trừ loại hình BHXH tự nguyện có số lượng người tham gia giảm, các loại hình bảo hiểm khác đều tăng cho thấy, ngành BHXH Việt Nam đã có kịch bản phát triển đối tượng phù hợp với bối cảnh dịch bệnh COVID-19.
Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 lan rộng trong tháng 2 và 3 vừa qua đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN và cuộc sống của người lao động. Tuy nhiên, với sự chung sức, đồng lòng, đoàn kết của cán bộ, công chức, ngành BHXH Việt Nam đã đạt được kết quả tích cực. Kết quả này đạt được một phần là do cơ quan BHXH các cấp đã tập trung triển khai hiệu quả giải pháp phát triển đối tượng như: Nắm bắt tình hình hoạt động DN trên địa bàn để thông tin đến người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương hoặc chấm dứt hợp đồng lao động quay trở lại làm việc, tiếp tục tham gia BHXH, BHYT; tích cực rà soát dữ liệu cơ quan thuế cung cấp để phát triển đối tượng tham gia; tăng cường các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành; thanh tra chuyên ngành đột xuất các đơn vị nợ đọng, không tham gia hoặc tham gia không đầy đủ; chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý đối với các đơn vị cố tình vi phạm; phối hợp, đôn đốc cơ quan tài chính chuyển tiền đóng, hỗ trợ đóng BHXH; tham mưu, đề xuất chính quyền địa phương tiếp tục trích tiền ngân sách mua thẻ BHYT cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở những vùng có điều kiện kinh tế khó khăn...
Đồng bộ các giải pháp phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội
Bên cạnh các kết quả đạt được, việc phát triển đối tượng tham gia BHXH thời gian qua cũng gặp phải một số khó khăn, thách thức như: Chính sách BHXH hiện hành còn bỏ sót một số nhóm có nhu cầu và có khả năng, nhưng chưa được luật hóa để tham gia; Chính sách BHXH tự nguyện chưa thực sự hấp dẫn người tham gia; Số người nhận BHXH một lần tiếp tục tăng cao; Tình trạng trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi Quỹ BHXH, Quỹ BHYT còn xảy ra ở nhiều địa phương… Mặt khác, hiện nay, mặc dù số người tham gia BHXH đạt trên 16,4 triệu người, nhưng con số này mới chỉ đạt 32,47% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia. Đây là con số khiêm tốn khi còn đến gần 68% chưa tham gia BHXH.
Thực tiễn cho thấy, mặc dù thời gian qua, ngành BHXH Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp để tăng diện bao phủ BHXH, nhưng vẫn chưa đạt kết quả như kỳ vọng. Để tạo chuyển biến tích cực hơn nữa trong việc phát triển đối tượng tham gia BHXH, thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục rà soát, tham mưu hoàn thiện cơ chế, chính sách bao phủ hết nhóm có nhu cầu, khả năng tham gia BHXH thì cơ quan BHXH các địa phương phải tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc triển khai kế hoạch, chỉ tiêu thu, phát triển người tham gia, giảm nợ đọng; Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động nghiệp vụ để tạo điều kiện tốt nhất cho người tham gia. Ngoài ra, ngành BHXH Việt Nam tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHXH, cụ thể:
Một là, tiếp tục đề xuất, kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật về BHXH, đặc biệt là BHXH tự nguyện theo hướng giảm điều kiện về thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu xuống còn 15 năm, tiến tới xuống còn 10 năm; tăng mức hỗ trợ từ Nhà nước cho người tham gia BHXH tự nguyện; bổ sung chế độ, chính sách ngắn hạn, linh hoạt nhằm tăng tính hấp dẫn cho chính sách BHXH tự nguyện; phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp để đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật BHXH, BHYT cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
Hai là, đổi mới hơn nữa nội dung, hình thức, phương pháp truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân về những lợi ích khi tham gia BHXH, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, phù hợp với đặc điểm từng vùng miền, tâm lý từng nhóm dân cư; triển khai đồng bộ, linh hoạt các nhóm giải pháp phát triển người tham gia; đôn đốc thu, giảm nợ, không để phát sinh nợ đọng BHXH, BHYT; đồng thời, giải quyết, chi trả kịp thời đầy đủ các chế độ BHXH, BHYT.
Ba là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất; chú trọng thanh tra, kiểm tra theo hình thức điện tử; kịp thời xử lý, kiến nghị cơ quan chức năng đối với các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT…
Bốn là, tiếp tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; mở rộng, đa dạng hóa các hình thức cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Đẩy mạnh chuyển đổi số, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành; hoàn thiện, bổ sung các tính năng, tiện ích mới trên ứng dụng VssID; nghiên cứu, triển khai các nền tảng, giải pháp kỹ thuật mới phục vụ chuyển đổi số, nhằm phục vụ tốt nhất quyền lợi của các đơn vị, DN và người dân.
Năm là, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ cho công chức, viên chức công tác tại cơ quan BHXH, đại lý thu. Đồng thời, nêu cao tinh thần, trách nhiệm phục vụ người tham gia và người thụ hưởng các chính sách về BHXH, góp phần xây dựng ngành BHXH Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, hướng tới sự hài lòng của người dân và DN trong bối cảnh mới.
* TS. Nguyễn Thị Hệ - Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp
** Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 2 tháng 4/2022