Phát huy yếu tố thị trường và hoàn thiện chính sách an sinh xã hội để nâng cao năng suất lao động
đó, đáng chú ý là nhân tố lao động, vốn và tài nguyên thiên nhiên; các nhân tố như năng suất lao động, công nghệ và thể chế đóng góp còn hạn chế hoặc ở mức thấp. Như vậy, năng suất lao động thấp sẽ là một nút thắt trong phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Bài viết này đánh giá thực trạng năng suất lao động của Việt Nam - nút thắt của nền kinh tế những năm qua, trên cơ sở đó hoàn thiện chính sách an sinh xã hội để nâng cao năng suất lao động, phát triển lực lượng sản xuất.
Năng suất lao động của Việt Nam - "Nút thắt" của nền kinh tế
Hơn 20 năm tham gia Cộng đồng ASEAN (28/07/1995) và hơn 30 năm đổi mới, nhưng Việt Nam vẫn nằm trong nhóm 4 quốc gia lạc hậu hơn so với phần còn lại. Trong hơn 20 năm qua, lượng vốn ODA đổ vào Việt Nam là 90 tỷ USD, gần bằng 1/2 GDP hiện tại, tuy nhiên những bài toán tụt hậu vẫn chưa có lời giải.
Các số liệu thống kê cũng cho thấy, năng suất lao động (NSLĐ) của người Việt vẫn thấp khi so sánh với các nước trong khu vực. Các số liệu này càng khó chấp nhận hơn nếu với tiềm năng của một đất nước 92 triệu dân đang trong thời kỳ dân số “vàng”, có hơn 400 trường đại học, cao đẳng; 24.000 tiến sỹ; hơn 225.000 cử nhân, thạc sỹ.
Cụ thể hơn, nếu xét riêng NSLĐ của Việt Nam qua các giai đoạn nhìn chung NSLĐ của Việt Nam vẫn duy trì mức tăng đáng kể. NSLĐ của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2018 ước tính đạt 102,2 triệu đồng/lao động (khoảng 4.512 USD/lao động), so với năm 2017 tăng 5,93%. Mức độ tăng trưởng năng suất lao động đạt bình quân 4,77%/năm trong giai đoạn 2011 - 2018. Điều đó là một tín hiệu đáng mừng cho thấy sự phục hồi và phát triển hơn so với giai đoạn 2007 – 2010, khi mức tăng năng suất lao động xã hội mới đạt 3,17%/năm.
Tuy nhiên, so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, năng suất lao động của Việt Nam hiện vẫn còn rất thấp. Đặc biệt là khoảng cách chênh lệch tuyệt đối vẫn tiếp tục gia tăng. Từ năm 2013 cho đến nay, năng suất lao động của Việt Nam vẫn xếp vào nhóm thấp nhất của khu vực châu Á – Thái Bình Dương, thấp hơn Singapore 15 lần, Nhật Bản 11 lần, Hàn Quốc 10 lần, Malaysia 5 lần, Thái Lan 2,5 lần và là 1 trong 3 nước có năng suất lao động thấp nhất ASEAN, (xấp xỉ Lào và cao hơn chút ít so với Myanmar và Campuchia). Nếu năm 2011, năng suất lao động của Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia lần lượt gấp năng suất lao động của Việt Nam 17,6 lần; 6,3 lần; 2,9 lần và 2,4 lần thì đến năm 2018 khoảng cách tương đối này giảm xuống tương ứng còn 13,7 lần; 5,3 lần; 2,7 lần và 2,2 lần. Nếu tính theo sức mua tương đương (PPP) năm 2011, năng suất lao động của Việt Nam theo giá hiện hành (năm 2018) ước tính đạt 11.142 USD, chỉ bằng 7,3% của Singapore; 19% của Malaysia; 37% của Thái Lan; 55,9% của Phillippines và 44,8% của Indonesia .
Bên cạnh đó, năng suất lao động xã hội phân theo các ngành kinh tế của Việt Nam cũng đang mất cân đối, tập trung chủ yếu vào nhóm ngành công nghiệp - xây dựng. Năng suất lao động xã hội trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản vẫn còn thấp. Theo số liệu thống kê năm 2018, năng suất lao động xã hội trong lĩnh vực này chỉ bằng 1/60 của ngành công nghiệp xây dựng và bằng 1/25 của ngành dịch vụ cơ bản. Trong đó, năng suất lao động xã hội của các ngành sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả của quá trình sản xuất và phân phối sản phẩm và phân bổ lợi ích kinh tế.
Từ những phân tích trên có thể thấy rằng, năng suất lao động đang là "nút thắt" có tính chất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế ở nước ta. Chỉ có tăng năng suất lao động xã hội mới nhanh chóng giảm được hao phí lao động xã hội, hạ giá thành sản phẩm đến mức tối ưu mà vẫn có lợi nhuận và quay vòng vốn để tái đầu tư sản xuất. Tuy nhiên, năng suất lao động xã hội lại phụ thuộc nhiều vào năng lực của người lao động và sự phát triển, khả năng ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất cũng như quy mô của tư liệu sản xuất… Chính vì thế, chìa khóa để nâng cao năng suất lao động xã hội phải tập trung vào 2 vấn đề đó là phát huy các yếu tố thị trường và hoàn thiện vấn đề an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân.
Giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
Trước hết, phải khẳng định rằng, lựa chọn mô hình nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa là đúng đắn và thực tiễn đã chứng minh cho tính đúng đắn đó với những bước phát triển của nền kinh tế đất nước trong hơn 30 năm đổi mới. Tuy chất lượng tăng trưởng còn chưa cao nhưng theo quy luật lượng chất, thì sự tăng trưởng theo mô hình chiều rộng đã được Việt Nam áp dụng trong những năm vừa qua phần nào cũng xây dựng những tiền đề để chúng ta có những bước tăng trưởng với chất lượng cao hơn. Vấn đề cần giải quyết trong nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là phát huy yếu tố thị trường để nâng cao chất lượng tăng trưởng trong thời gian tới.
Thứ nhất, tận dụng yếu tố thị trường giải quyết tốt vấn đề nguồn nhân lực.
Một nguyên nhân thường hay được đưa ra để biện minh cho câu hỏi vì sao năng suất lao động Việt Nam thấp là do tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo cao. Tuy nhiên, Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều trường đại học và nhiều tiến sỹ nhất thế giới, tỷ lệ sinh viên/dân thuộc tốp cao và hiện nay chúng ta đang lãng phí rất lớn nguồn lực này. Điều dễ nhận thấy là chất lượng nguồn nhân lực ở Việt Nam chưa cao. Nguyên nhân một phần do Việt Nam chưa giải quyết tốt ba trụ cột của nền kinh tế đó là thị trường, Nhà nước và xã hội.
Muốn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phải phát huy vai trò kết nối giữa ba trụ cột của nền kinh tế, tận dụng các nguồn lực của nền kinh tế thị trường trong xây dựng và phát triển nguồn nhân lực, phát triển thị trường sức lao động. Kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển cho thấy, cần tăng cường huy động nguồn lực xã hội hoá trong các thành phần kinh tế, từ các DN trong nền kinh tế thị trường vào thị trường giáo dục; Đưa yếu tố thị trường, giao yếu tố “tự chủ” cho các trường đại học để họ tự vận động theo cơ chế thị trường và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực; Liên kết nhiều hơn với nhiều nền giáo dục trên thế giới thông qua liên kết đào tạo, và liên kết chuyển giao quy trình, module đào tạo một cách phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Với một số giải pháp đó, có thể chất lượng nguồn nhân lực bắt đầu từ nhân lực trong giáo dục đại học ở Việt Nam sẽ mang yếu tố thị trường hơn và sẽ phù hợp hơn với những yêu cầu của thị trường.
Thứ hai, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo động lực nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Cần thực hiện một số giải pháp nhằm hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ, hiện đại trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng. Cụ thể:
- Rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật, cơ chế chính sách, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch cho doanh nghiệp (DN) và người dân. Nhà nước bảo vệ quyền sở hữu tài sản hợp pháp và quyền tự do kinh doanh của người dân, DN theo quy định của pháp luật; tạo môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, thuận lợi; Xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật Phá sản theo hướng bảo đảm việc giải quyết phá sản được nhanh chóng, chuyên nghiệp; xử lý tài sản công khai, minh bạch. Thực hiện đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả hoạt động của DN nhà nước theo cơ chế thị trường. Tạo mọi điều kiện thuận lợi phát triển mạnh DN tư nhân, tạo động lực nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Hoàn thiện pháp luật, cơ chế chính sách để DN tư nhân tiếp cận bình đẳng các nguồn lực, nhất là về vốn, đất đai, tài nguyên. Thúc đẩy xã hội hóa sở hữu và sản xuất kinh doanh, khuyến khích phát triển các hình thức DN cổ phần. Phát triển mạnh DN nhỏ và vừa. Khuyến khích hình thành DN lớn, thương hiệu mạnh. Hỗ trợ DN đầu tư nghiên cứu phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh.
- Đẩy mạnh xã hội hóa cung cấp các dịch vụ công. Đẩy mạnh hoạt động đầu tư mạo hiểm, thí điểm cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công, thực hiện mô hình đơn vị sự nghiệp công do cộng đồng quản lý, đơn vị sự nghiệp công hoạt động như DN công ích, cho thuê cơ sở vật chất, tài sản của nhà nước để kinh doanh dịch vụ công.
- Tập trung chỉ đạo đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và đề cao trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức. Tiếp tục giảm mạnh thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính. Với nút thắt được cởi về môi trường kinh doanh nền kinh tế thị trường ở Việt Nam sẽ thực sự có “yếu tố thị trường mạnh mẽ” hơn và sẽ có sự tăng trưởng chất lượng hơn.
Thứ ba, hoàn thiện chính sách an sinh xã hội trong nền kinh tế thị trường.
Ưu điểm của kinh tế thị trường là tạo cơ hội cho sự sáng tạo, cải tiến phát triển; đào thải những DN kém hiệu quả; môi trường kinh doanh tự do, dân chủ. Khuyết điểm của nó là chỉ chú trọng đến những nhu cầu có khả năng thanh toán, không chú trọng các nhu cầu thiết yếu của xã hội, nhất là nhu cầu của dân nghèo; khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng; xã hội nhiều bất công do giới chủ vừa nắm giữ tư liệu sản xuất vừa có tiếng nói về pháp luật; một số biểu hiện suy đồi đạo đức do chỉ quan tâm lợi nhuận (không tuân thủ quy chuẩn, làm hàng giả, hàng kém chất lượng...)
- Hai là, Nhà nước có thể giải quyết hài hòa vấn đề lợi nhuận của DN và ảnh hưởng ngoại biên tới môi trường và các vấn đề an sinh xã hội.
- Ba là, Nhà nước phối hợp đồng bộ chính sách an sinh xã hội với các chính sách kinh tế - xã hội khác, như chính sách việc làm, chính sách tiền lương và thu nhập, thực hiện các chương trình hỗ trợ tích cực, các chương trình mục tiêu xóa đói, giảm nghèo bền vững... tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho các đối tượng và vùng đặc thù.
Tóm lại, việc lựa chọn kinh tế thị trường định hướng XHCN là nội dung cốt lõi của chính sách đổi mới nền kinh tế của Đảng và nhà nước là hoàn toàn đúng đắn, là mục tiêu hướng tới tương lai vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ và văn minh. Trong thời gian tới, để hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam cần tận dụng tốt yếu tố thị trường và nguồn lực thị trường để giải quyết tốt hơn vấn đề an sinh xã hội, đưa nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng với chất lượng tăng trưởng ngày càng cao hơn và đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện.
Tài liệu tham khảo:
Tổng cục Thống kê (2016), Báo cáo năng suất lao động Việt Nam;
Tổng cục Thống kê (2019), Báo cáo điều tra lao động việc làm năm 2018;
Viện Năng suất Việt Nam (2017), Báo cáo năng suất Việt Nam;
Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia (2017), Tài liệu hội thảo quốc tế “Năng suất và đổi mới sáng tạo của nền kinh tế Việt Nam: Phát hiện từ nghiên cứu thực chứng”;
Tài liệu Diễn đàn Nâng cao năng suất lao động, đòn bẩy tăng trưởng kinh tế (tháng 4/2018).