Đảm bảo an sinh xã hội cho người nông dân
Đó là một trong những vấn đề được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có buổi đối thoại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, giải đáp những kiến nghị, vấn đề mà đại biểu nông dân, đại diện cho hơn 12 triệu hội viên, nông dân cả nước nêu ra sáng ngày 10/12/2019, tại TP. Cần Thơ.
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Thào Xuân Sùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết: Sau hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân lần thứ nhất ở Hải Dương năm 2018 đã tạo động lực tinh thần cho nông dân, cổ vũ động viên người nông dân tự lực tự cường, tăng cường hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, tiếp tục vượt qua khó khăn và đạt được kết quả ngày một cao.
Hoan nghênh và chào mừng 300 đại biểu nông dân đại diện cho nông dân cả nước đã về đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn bà con nông dân nêu lên những vấn đề từ thực tiễn sản xuất, chế biến tiêu thụ nông sản; nguồn vốn tín dụng, đất đai, môi trường, biến đổi khí hậu; xây dựng nông thôn mới văn minh hiện đại… Nhà nước phải làm gì? người dân phải làm gì? Thủ tướng đặt vấn đề và cho biết, dự đối thoại còn có lãnh đạo của nhiều bộ, ngành, cơ quan liên quan đến sản xuất, tiêu thụ nông sản... sẽ giúp giải đáp các vướng mắc trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của nông dân.
Đặc biệt, hiện nay vấn đề biến đổi khí hậu đang diễn ra rất nặng nề, nhất là ở 13 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng mong muốn lắng nghe ý kiến của bà con vùng đồng bằng sông Cửu Long, khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu.
Thủ tướng bày tỏ mong muốn lắng nghe ý kiến sâu sắc, sát thực của các cấp Hội Nông dân và các bộ, ngành cần tham gia trả lời thẳng thắn, trách nhiệm.
Tại buổi đối thoại, đại biểu nông dân cả nước đã có nhiều kiến nghị về các vấn đề như: Tiêu thụ nông sản, sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng nâng cao giá trị, phát triển bền vững; Vấn đề về đất đai, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường; Vấn đề về vốn...
Ban tổ chức cho biết, đã nhận 2.000 câu hỏi từ nông dân, chuyên gia, doanh nghiệp trong nước gửi đến Thủ tướng. Các câu hỏi của bà con nông dân tập trung vào 3 nhóm vấn đề lớn, gồm: Vấn đề tiêu thụ nông sản, sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng nâng cao giá trị, phát triển bền vững; Vấn đề về đất đai, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường; Vấn đề về vốn, đảm bảo an sinh xã hội cho bà con nông dân…
Kết luận hội nghị, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng đánh giá cao tâm huyết, trách nhiệm, khát vọng vươn lên của nông dân nước ta. Theo Thủ tướng, đây là điều rất quan trọng đối với một giai cấp, một dân tộc, nếu không có khát vọng, chúng ta không thể thành công.
Thủ tướng cho biết, Chính phủ, các thành viên Chính phủ tiếp thu, giao cho Văn phòng Chính phủ phối hợp chặt chẽ với Hội Nông dân Việt Nam tổng hợp các đề xuất, kiến nghị của nông dân để giao các bộ, ngành tiếp tục thực hiện.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Chúng ta đều biết nông nghiệp Việt Nam và nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long đều đạt được những thành công quan trọng. Tuy vậy, tại hội nghị này còn nhiều vấn đề bất cập, tồn tại trong sản xuất nông nghiệp đã được nêu ra về tình hình sản xuất nông nghiệp của cả nước nói chung và đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, thông qua các ý kiến trao đổi tại hội nghị có thể hình dung một cách hệ thống những vấn đề bà con nông dân quan tâm.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bà con còn nhiều thắc mắc, băn khoăn về cơ chế hỗ trợ, trong đó có cơ chế ứng dụng công nghệ cho phát triển thương mại điện tử, vấn đề hỗ trợ lãi suất, quy hoạch vùng nuôi hay thị trường, liên kết vùng… Một vấn đề được bà con nông dân quan tâm đó là cơ chế kiểm soát để phát triển bền vững, tình trạng nhũng nhiễu tiêu cực ở bộ phận này, bộ phận khác, tình trạng phân bón, thuốc trừ sâu giả…
Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu trên trang web của Bộ Công thương, Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT, của Hội Nông dân Việt Nam nên có thông tin rõ ràng hơn về thị trường, về dự báo các khả năng xảy ra. Đặc biệt là về các cơ chế hỗ trợ đối với những sản phẩm nông nghiệp chủ lực, liên quan đến công tác quy hoạch, thị trường hoặc các yếu tố đầu vào của sản xuất. Đồng thời, cần nêu rõ những sản phẩm vật tư hóa chất nào trong bảo vệ thực vật được phép sử dụng vì vấn đề này liên quan đến an toàn thực phẩm, uy tín thương hiệu Việt Nam…
Thủ tướng yêu cầu sau Hội nghị này, các bộ, ngành, địa phương phải có những chuyển biến thực chất, tạo thuận lợi cho bà con nông dân sản xuất, kinh doanh có hiệu quả hơn. Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương hướng dẫn nông dân, nhất là ngành nông nghiệp sản xuất theo chuỗi, ứng dụng công nghệ, phát triển mạnh mẽ nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch.
Thủ tướng cũng bày tỏ, trong thời đại công nghệ, nông dân Việt Nam cần nâng cao học vấn và kiến thức, không những kiến thức khoa học công nghệ mà cả kiến thức về thị trường để sản xuất có hiệu quả hơn.
Thủ tướng cũng ghi nhận cần tiếp tục tăng cường nguồn lực cho nông nghiệp nông dân, trước hết là những vấn đề cấp bách, bảo vệ chống sạt lở và biến đổi khí hậu.