Phát triển bảo hiểm liên kết ngân hàng ở Việt Nam

Minh Việt

Bảo hiểm kiên kết ngân hàng (bancassurance) là kênh phân phối tiềm năng, với sự tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm qua và đóng góp tỷ trọng doanh thu phí bảo hiểm ngày càng cao bên cạnh các kênh phân phối bảo hiểm truyền thống khác. Để phát triển kênh phân phối này tại Việt Nam cần giải quyết một số vấn đề đặt ra

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tính đến cuối năm 2020, thị trường bảo hiểm Việt Nam có 69 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, trong đó: 31 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ; 18 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ; 02 doanh nghiệp tái bảo hiểm; 18 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và 01 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.

Không thể phủ nhận việc phát triển bancassurance đang là một trong những chiến lược quan trọng của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm, bancassurance đang là một trong những kênh phát triển nhanh nhất và là kênh phân phối đứng thứ hai ở Việt Nam.

Song tỷ lệ doanh thu phí của kênh bancassurance trên tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường vẫn thấp so với nhiều quốc gia. Điều này xuất phát từ các nguyên nhân sau:

- Chưa có nhiều sản phẩm chuyên biệt, đặc thù dành riêng cho kênh phân phối bancassurance. Các sản phẩm bảo hiểm được bán qua ngân hàng hiện nay chủ yếu là các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, mà phần lớn các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ của thị trường Việt Nam là các sản phẩm kết hợp giữa tiết kiệm và rủi ro hoặc tiết kiệm và đầu tư, điều này tạo ra sự cạnh tranh trực tiếp đối với dịch vụ tiết kiệm ngân hàng.

- Khách hàng còn ít hiểu biết về các sản phẩm, dịch vụ bảo hiểm được b ngân hàng. Đến nay, phần đông khách hàng chưa quen hoặc không biết việc sản phẩm bảo hiểm có thể được bán tại ngân hàng. Mặc dù số lượng khách hàng gửi tiết kiệm ở các ngân hàng Việt Nam rất lớn nhưng phần lớn dân chúng chưa có tài khoản ngân hàng; những người có tài khoản thì đa phần chưa thói quen sử dụng các dịch vụ thanh toán ngân hàng.

- Các ngân hàng và công ty bảo hiểm Việt Nam chưa giải quyết tốt các vấn đề cần thiết của hoạt động bancassurance như: đào tạo đội ngũ bán hàng, thù lao, cách thức tiếp cận với khách hàng, không gian tiếp cận với khách hàng…

Trên thực tế, việc đào tạo về bảo hiểm cho nhân viên ngân hàng mới được thực hiện ở mức sơ sài, thời gian đào tạo ngắn điều này dẫn đến nhân viên ngân hàng chưa thật sự am hiểu về sản phẩm bảo hiểm để tư vấn cho khách hàng.

- Hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động bancassurance ở Việt Nam chưa được ban hành đầy đủ, kịp thời gây khó khăn cho các ngân hàng thương mại và công ty bảo hiểm khi tham gia vào hoạt động phân phối này.

- Tồn tại tình trạng các ngân hàng chạy đua theo chỉ tiêu nên dẫn đến các nhân viên ép khách hàng vay vốn phải mua bảo hiểm mới được giải ngân, hay bằng mọi giá “chèo kéo” khách hàng gửi tiết kiệm mua bảo hiểm.

Điều này làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh sản phẩm và công ty bảo hiểm đối với khách hàng, tình trạng nhiều hợp đồng bảo hiểm được ký kết bị khách hàng chấm dứt trước thời hạn do họ chưa hiểu rõ về lợi ích sản phẩm bảo hiểm.

Để kênh phân phối Bancassurance ở nước ta phát triển một cách bền vững đem lại lợi ích cho cả 3 bên, đòi hỏi cần thực hiện các giải pháp:

Đội ngũ nhân viên ngân hàng phải am hiểu về lĩnh vực bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm và ngân hàng phải đảm bảo nhân viên ngân hàng có đủ kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng cần thiết để bán các sản phẩm bảo hiểm phù hợp nhất theo nhu cầu của khách hàng.

Việc xây dựng và cung cấp sản phẩm phù hợp tại các ngân hàng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự phát triển và thành công của bancassurance. Sản phẩm phải chuyên biệt dành riêng cho kênh phân phối này nhằm tránh sự cạnh tranh giữa các ngân hàng và doanh nghiệp bảo hiểm.

Hiện nay, người dân và doanh nghiệp ở Việt Nam chưa có thói quen mua bảo hiểm tại ngân hàng, ít người biết đến kênh phân phối bancassurace. Đây là trở ngại lớn cho các công ty bảo hiểm khi triển khai bancassurance tại Việt Nam, vì vậy đòi hỏi các doanh nghiệp bảo hiểm cần chú trọng đến công tác tuyên truyền, quảng bá về công ty và sản phẩm của mình tại các ngân hàng và trên các phương tiện thông tin.

Xây dựng hành lang pháp lý đầy đủ và kịp thời như bổ sung quy định trực tiếp về việc trình tự, thủ tục khi công ty bảo hiểm tiếp nhận phần vốn góp, cổ phần từ ngân hàng thương mại, nhằm tạo cơ sở pháp lý đầy đủ giúp cho việc đầu tư của ngân hàng thương mại vào công ty bảo hiểm được nhanh chóng, thuận tiện; bổ sung thêm quy định phân định rõ trách nhiệm của ngân hàng thương mại và công ty bảo hiểm đối với khách hàng trong trường hợp ngân hàng thương mại làm đại lý bảo hiểm nhưng có hành vi vi phạm điều cấm trong hoạt động đại lý.

Xây dựng chiến lược bộ phận và có chính sách cụ thể về phát triển kinh doanh bancassurance trong chiến lược phát triển tổng thể; tận dụng tối đa cơ sở dữ liệu khách hàng sẵn có kết hợp thông tin thu thập bên ngoài, sử dụng kỹ thuật hiện đại để phân tích nhu cầu khách hàng và tìm kiếm khách hàng phù hợp cho bancassurance.

Hy vọng, với lợi ích của kênh phân phối bancassurance đem lại cùng với thị trường bảo hiểm Việt Nam đầy tiềm năng đây là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp bảo hiểm khai thác sản phẩm qua kênh phân phối này.