Phú Thọ:

Phát triển công nghiệp hỗ trợ, nâng cao giá trị gia tăng

Báo Đại biểu Nhân dân (daibieunhandan.vn)

Tỉnh Phú Thọ xác định, phát triển công nghiệp hỗ trợ là một trong những khâu đột phá để nâng cao giá trị gia tăng và tạo nền tảng phát triển ngành công nghiệp bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh nhanh và toàn diện.

Nhiều tiềm năng

Tỉnh Phú Thọ có nhiều ưu thế về địa lý nằm ở vị trí trung tâm miền núi phía Bắc và là cầu nối giữa các tỉnh Tây Bắc với đồng bằng sông Hồng. Do đó, địa phương này đang trở thành một trong những trọng điểm thu hút đầu tư trong khu vực trung du và miền núi Bắc Bộ. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nhận được nhiều sự quan tâm của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Theo số liệu thống kê của Sở Công thương tỉnh, tổng số cơ sở, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đạt con số 250 cơ sở, doanh nghiệp. Các nhóm ngành hoạt động chủ yếu như dệt may; da giày; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic; cơ khí, cơ khí chế tạo; sản xuất, sửa chữa, bảo dưỡng, lắp đặt máy móc, thiết bị và phương tiện vận tải; hóa chất - phân bón; thiết bị điện - điện tử; chế biến gỗ - giấy; chế biến thực phẩm - đồ uống; chế biến nông sản…

Một số cơ sở, doanh nghiệp đầu tư sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cơ khí, chế tạo, bước đầu đã có thương hiệu, tạo được lòng tin và chỗ đứng trên thị trường. Mặc dù có nhiều tiềm năng, song ngành công nghiệp hỗ trợ của tỉnh còn khá non trẻ, chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất tại địa phương.

Tập trung ưu tiên 6 lĩnh vực

Tại Quyết định số 856/QĐ-UBND ngày 23/4/2020 của UBND tỉnh Phú Thọ về việc phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, tỉnh đã xác định phát triển công nghiệp hỗ trợ là một trong những khâu đột phá để nâng cao giá trị gia tăng và tạo nền tảng phát triển ngành công nghiệp bền vững. Theo đó, phát triển công nghiệp hỗ trợ có chọn lọc, phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh trong tổng 6 nhóm ngành hàng được Chính phủ quy định hỗ trợ: cơ khí, ô tô, điện tử, dệt may, da giày và công nghiệp công nghệ cao.

Cụ thể, sản xuất các sản phẩm cơ khí chính xác, khuôn mẫu, phụ tùng, linh kiện máy móc, thiết bị là ngành công nghiệp quan trọng và phù hợp ưu tiên hỗ trợ phát triển. Nhu cầu về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của nhóm ngành này trên địa bàn tỉnh và thị trường cả nước là rất lớn và được dự báo sẽ tăng trưởng nhanh trong những năm tới. Công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử - tin học - viễn thông cũng là lĩnh vực được ưu tiên vì đây là ngành công nghệ cao nên về dài hạn phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành này là hết sức cần thiết.  

Bên cạnh đó, thúc đẩy phát triển lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ngành sản xuất các sản phẩm công nghệ cao và vật liệu mới. Theo đó, ưu tiên thu hút đầu tư vào sản xuất vật liệu chế tạo như thép chế tạo chất lượng cao, thép không gỉ, thép lá điện từ, vật liệu điện tử, nhựa cao su, composit, gốm phục vụ cho công nghiệp công nghệ cao và các ngành công nghiệp chế tạo.

Lĩnh vực sản xuất bao bì, đóng gói cũng là lĩnh vực có tiềm năng của địa phương để phát triển và tạo sức cạnh tranh nên cần tạo điều kiện ưu tiên thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất các sản phẩm vật liệu mới, bao bì cao cấp, vật liệu tự phân hủy... sử dụng cho quá trình đóng gói, hoàn tất sản phẩm cho nhiều ngành công nghiệp hạ nguồn khác nhau như dệt may, da giày; sản xuất thực phẩm, hàng tiêu dùng; vật liệu xây dựng; công nghiệp đồ uống…

Dệt may, da giày là nhóm ngành cần thiết phải có công nghiệp hỗ trợ để phát triển vì hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có nhiều dự án may mặc đầu tư và nhu cầu thay thế nguyên phụ liệu nhập khẩu của lĩnh vực này cũng rất lớn. Cuối cùng là sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phục vụ du lịch, dịch vụ, nội thất và đồ gia dụng.

Cũng theo Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đến năm 2025, tỉnh sẽ kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng trong và ngoài tỉnh; xúc tiến thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Theo đó, hỗ trợ khảo sát, đánh giá nhu cầu, xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kiểm soát chất lượng cho sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; tổ chức các diễn đàn giữa doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh với các doanh nghiệp trong và ngoài nước; hội thảo xúc tiến thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Phú Thọ là một trong những địa phương trọng điểm thu hút đầu tư trong khu vực trung du và miền núi Bắc Bộ.
Phú Thọ là một trong những địa phương trọng điểm thu hút đầu tư trong khu vực trung du và miền núi Bắc Bộ.

Giá trị công nghiệp hỗ trợ chiếm 10 - 12% toàn ngành công nghiệp

Theo đại diện Phòng Quản lý công nghiệp tỉnh (Sở Công thương tỉnh Phú Thọ), thời gian tới sẽ ưu tiên thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp công nghiệp lớn lựa chọn Phú Thọ đầu tư để tạo điều kiện cho công nghiệp hỗ trợ phát triển. Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tham gia vào chuỗi cung ứng, sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Sở Công thương Phú Thọ cũng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý, đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất. Trên cơ sở đó, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

Với mục tiêu tăng dần tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh, đến năm 2025 chiếm khoảng 20% giá trị xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp, thời gian tới, UBND tỉnh sẽ có nhiều hoạt động thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Cụ thể, các dự án sản xuất sản phẩm thuộc danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi hiện hành quy định tại Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 3/11/2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ; Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ ban hành tại Quyết định số 68/2017/QĐ-TTg ngày 18/1/2017 của Thủ tướng Chính phủ và các chính sách ưu đãi đầu tư hiện hành của tỉnh. Ngoài ra, tỉnh đề ra mục tiêu phấn đấu giá trị công nghiệp hỗ trợ tăng bình quân 9 - 10%/năm và đến năm 2025 chiếm từ 10-12% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp.