Chuyển đổi số trong ngành dịch vụ Logistics Việt Nam
Là ngành dịch vụ trọng yếu, có giá trị gia tăng cao, Logistics là nền tảng cho thương mại hàng hóa, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Với sự bùng nổ của công nghệ số và Cách mạng công nghiệp 4.0, ngành Logistics đang có rất nhiều cơ hội bứt phá để đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế nếu sớm đẩy nhanh chuyển đổi số. Bài viết đánh giá thực trạng và đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành dịch vụ logistics Việt Nam một cách hiệu quả, nhanh chóng trong thời gian tới.
Đặt vấn đề
Ngành dịch vụ logistics có vai trò thiết yếu, là ngành dịch vụ mũi nhọn, có giá trị gia tăng cao, làm nền tảng cho phát triển thương mại, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Theo Hiệp hội doanh nghiệp (DN) dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), tốc độ phát triển của ngành logistics tại Việt Nam những năm gần đây đạt hoảng 14%-16%, với quy mô khoảng 40-42 tỷ USD/năm. Đặc biệt, thời gian gần đây, với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, thương mại điện tử và phương thức hậu cần trực tuyến (e-Logistics) đã phát triển mạnh mẽ.
Theo Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương), thương mại điện tử tăng trưởng 35%/năm; doanh số bán lẻ thương mại điện tử của Việt Nam trong giai đoạn 2016-2020 ước tính tăng 20%/năm và tổng doanh số bán lẻ thương mại điện tử Việt Nam dự kiến đạt 10 tỷ USD vào năm 2020. Những thay đổi trong thương mại điện tử trên thế giới và tại Việt Nam đã thúc đẩy ngành logistics Việt Nam cải thiện phương thức cung cấp dịch vụ theo hướng ngày càng chuyên nghiệp và hiệu quả hơn.
Hiện nay, thị trường logistics Việt Nam có sự tham gia của khoảng 3.000 DN trong nước và khoảng 30 DN cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia, với các tên tuổi lớn như: DHL, FedEx, Maersk Logistics, APL Logistics, CJ logistics, KMTC Logistics… Các DN logistics có quy mô vừa và nhỏ, trong đó 89% là DN Việt Nam, 10% DN liên doanh và 1% là DN 100% vốn nước ngoài.
Điều này cho thấy, sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường dịch vụ logistics vốn rất nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 đã khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy và đảo lộn, trong đó có các hoạt động logistics vốn được coi là “xương sống” của chuỗi cung ứng cũng bị ảnh hưởng mạnh mẽ.
Thực tế đó đặt ra yêu cầu cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực Logistics để vừa khắc phục được những vấn đề nảy sinh trong đợt dịch bệnh vừa qua, vừa có thể tận dụng được lợi thế hiện nay của cách mạng số và thành tựu Cách mạng công nghiệp 4.0.
Ngoài ra, các nghiên cứu cũng cho thấy, quá trình chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích như cắt giảm chi phí hoạt động, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn, trong thời gian dài hơn, lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn, qua đó, hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của DN được nâng cao...
Thông qua hoạt động chuyển đổi số, các DN cung cấp dịch vụ logistics sẽ thay đổi tư duy trì trệ, tạo sự đột phá để nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm chi phí logistics, tăng trưởng, có thêm khách hàng và đạt lợi nhuận tối đa vượt trội so với trước khi chuyển đổi số.
Thực trạng chuyển đổi số trong ngành dịch vụ logistics Việt Nam
Trong những năm qua, xác định logistics là một trong các ngành xương sống của nền kinh tế số, Việt Nam đã quan tâm đến phát triển dịch vụ logistics. Ngày 14/02/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 200/QĐ-TTg về việc phê duyệt kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025.
Theo đó, ngành dịch vụ logistics phấn đấu đạt tỷ trọng 8%-10% GDP, tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 15%-20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50%-60%, xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) trên thế giới đạt thứ 50 trở lên; Tập trung thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng logistics, xây dựng các trung tâm logistics cấp khu vực và quốc tế, nâng cao hiệu quả kết nối giữa Việt Nam với các nước...
Theo số liệu của VLA, hiện nay, các DN logisticsViệt Nam đang cung cấp từ 2 đến 17 dịch vụ logisitics khác nhau, trong đó chủ yếu là dịch vụ giao nhận, vận tải, kho hàng, chuyển phát nhanh và khai báo hải quan. 50%-60% DN đang ứng dụng các loại hình công nghệ khác nhau, tùy theo quy mô và tính chất dịch vụ của từng DN.
Trước tình trạng cạnh tranh và sự bùng nổ của nền kinh tế số, cùng với thương mại điện tử ngày càng nhanh mạnh, đặc biệt trước áp lực của dịch Covid-19, các DN logistics đã phần nào nhận thức được vấn đề đẩy nhanh chuyển đổi số và ứng dụng những thành tựu công nghệ vào hoạt động kinh doanh nhằm tăng cường hiệu quả kinh tế, cũng như tối ưu hóa trong các dây chuyền sản xuất, cung ứng sản phẩm. Hoạt động này được thúc đẩy và phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn khi làn sóng Covid-19 xuất hiện.
Ngành logistics trong nước đã có những bước tiến nhất định trong tiến trình chuyển đổi số khi 50% - 60% DN ở hầu hết các dịch vụ đang ứng dụng nhiều loại hình công nghệ khác nhau, tùy theo quy mô và tính chất của từng dịch vụ để “sáp nhập” vào nền kinh tế số.
Hiện nay, một số DN lớn đã áp dụng thành công giải pháp công nghệ mang lại hiệu quả cho dịch vụ logistics, giảm đáng kể chi phí liên quan. Chẳng hạn, cảng điện tử (ePort) và lệnh giao hàng điện tử (eDO) tại Tân Cảng Sài Gòn; ứng dụng giải pháp tổng thể trong dịch vụ logistics tại Công ty T&M Forwarding...
Tuy nhiên, ngành logistics Việt Nam vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Các DN dịchvụ logistics Việt Nam nói chung, vẫn chưa nhận thức đúng vai trò chuyển đổi số trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Với các công ty trong nước, chỉ có những DN lớn như: Công ty Tân Cảng, Gemadept, Vinafco, U&I, TBS, Transimex, Sotrans… mới có đủ nguồn lực để phát triển các ứng dụng quản lý kho hàng, đạt mức đồng bộ dữ liệu giữa các bộ phận giao hàng, quản lý hàng tồn, kế toán tài chính.
Từ thực tiễn hiện nay của ngành dịch vụ logistics, có thể nhận thấy một số cơ hội và thách thức trong hoạt động chuyển đổi số như sau:
Các cơ hội từ chuyển đổi số
- Về môi trường vĩ mô: Chính phủ quyết tâm triển khai chương trình chuyển đổi số quốc gia nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các DN công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu. Trong đó, Chính phủ chủ trương đẩy mạnh phát triển kinh
tế số nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế:
Cụ thể, đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GDP; Phấn đấu thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về công nghệ thông tin (IDI), thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về chỉ số cạnh tranh (GCI), thuộc nhóm 35 nước dẫn đầu về đổi mới sáng tạo (GII). Chủ trương chuyển đổi số quốc gia sẽ là nền tảng, cơ sở vững chắc, tạo động lực cho lĩnh vực logistics phát triển. Bên cạnh đó, Chính phủ đang có nhiều chính sách để hỗ trợ cho các DN logistics phát triển. Môi trường kinh tế vĩ mô và chính trị ổn định, cùng với những chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho lĩnh vực logistics cũng đang thu hút các ông lớn hoặc các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, kinh nghiệm quản trị đến đầu tư.
- Về sự chuyển biến nhận thức:
Các DN và VLA đều có nhận thức về đẩy nhanh chuyển đổi số. Nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với ngành dịch vụ logistics, tháng 5/2020, hội nghị Ban Chấp hành VLA đã có nghị quyết tiến hành các dự án cụ thể liên quan đến chuyển đổi số. Việc xây dựng nên nền tảng số cho chuỗi dịch vụ logistics sẽ kết nối các các bên liên quan trong chuỗi (cảng, hãng vận tải, đại lý, công ty giao nhận, kho...) để chia sẻ dữ liệu, tăng tính hiện hữu cho chuỗi, nâng cao hiệu suất sử dụng, khai thác phương tiện, hiệu quả hoạt động.
- Về tác động tích cực từ hội nhập kinh tế quốc tế:
Trong bối cảnh khôi phục và phát triển dịch vụ logistics sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do sẽ mang lại nhiều cơ hội cho ngành dịch vụ logistics nói chung và chuyển đổi số nói riêng. Đặc biệt, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 01/8/2020, mở ra cánh cửa mới và tạo động lực cho các DN xuất nhập khẩu, cung cấp dịch vụ logistics nói riêng, từ đó hỗ trợ tích cực cho quá trình chuyển đổi số để đáp ứng yêu cầu thị trường.
Các thách thức đặt ra
Bên cạnh những cơ hội, nỗ lực chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics hiện nay cho thấy một số khó khăn, thách thức cơ bản như sau:
- Về tiềm lực tài chính:
Phần lớn các DN cung cấp dịch vụ logistics là các DN có quy mô nhỏ, tiềm lực tài chính còn yếu. Theo VLA, quá trình chuyển đổi số có chi phí rơi vào khoảng từ 200 triệu tới hàng chục tỷ đồng. Mức chi phí này là khá cao đối với những DN có quy mô vừa và nhỏ của Việt Nam. Nhiều DN cho biết, nếu đầu tư theo hướng tự động hóa như các mô hình và phần mềm nước ngoài thì tốn nhiều chi phí đầu tư ban đầu; còn nếu tự làm theo mô hình nội bộ sẽ mất nhiều thời gian, khó khăn, chi phí nguồn nhân lực công nghệ thông tin… Nguồn lực tài chính dành cho đầu tư chuyển đổi số trở thành một trong những bài toán khó giải nhất hiện nay nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước và các tổ chức tài chính tín dụng...
- Về tiềm lực công nghệ:
Là một trong những ngành then chốt trong thương mại quốc tế, logistics cần được đầu tư kỹ lưỡng, đặc biệt trong khía cạnh “số hóa” để có thể đáp ứng, thích nghi với bối cảnh thị trường. Theo khảo sát năm 2018 của VLA, mức độ ứng dụng khoa học công nghệ tại Việt Nam còn chưa cao, đa phần là các giải pháp đơn lẻ. Khoảng 40% các ứng dụng công nghệ thông tin hiện đang được sử dụng tại các DN logistics là các ứng dụng cơ bản như quản lý giao nhận quốc tế, quản lý kho hàng, quản lý vận tải, trao đổi dữ liệu, đặc biệt khai báo hải quan được ứng dụng nhiều nhất 75-100%.
Theo đánh giá chung, hiện nay, đa số DN mới chỉ dừng ở mức độ số hóa, tức là chuyển dữ liệu hoạt động sang dạng lưu trữ điện tử chứ chưa có sự kết nối và khả năng tra cứu số liệu cũng như xử lý đơn hàng trên nền tảng trực tuyến. Mức độ ứng dụng khoa học công nghệ tại DN cung cấp dịch vụ logistics còn chưa cao. Các phần mềm tiêu chuẩn quốc tế chưa ứng dụng được nhiều tại Việt Nam.
- Về nguồn nhân lực:
Nguồn nhân lực logistics của Việt Nam không những thiếu về số lượng mà còn yếu về chất lượng. Đặc biệt, những người đang nắm vị trí chủ chốt dù đã được đào tạo hoặc tái đào tạo nhưng cơ bản vẫn còn thiếu kiến thức và kinh nghiệm kinh doanh logistics.
Theo kết quả khảo sát mới đây của Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh, có đến 53,3% DN thiếu đội ngũ nhân viên có trình độ chuyên môn, kiến thức logistics; 30% DN phải đào tạo lại nhân viên và chỉ có 6,7% DN hài lòng với chuyên môn của nhân viên...
- Về tiềm lực cạnh tranh:
Hiện nay, dù phần lớn các DN logistics thuộc về DN nội nhưng thực tế, sức cạnh tranh so với các DN lớn quốc tế lại cho thấy rất nhiều vấn đề, chủ yếu bắt nguồn từ những hạn chế đã đề cập gồm: Tiềm lực tài chính yếu, công nghệ lạc hậu, thiếu nguồn chất lượng cao. Ngoài ra, còn phải kể đến các nguyên nhân khác như: thiếu kỹ năng quản trị, bộ máy cồng kềnh... Nhiều DN Việt đang phải đối mặt với thách thức và sự cạnh tranh gay gắt đến từ phía thị các DN nước ngoài, với những đơn vị dày dặn kinh nghiệm, khả năng cung cấp dịch vụ và tiềm lực tài chính tốt hơn...
Kiến nghị giải pháp
Trong thời gian tới, để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong ngành dịch vụ logistics Việt Nam, cần tập trung một số nhiệm vụ sau:
Về phía các cơ quan quản lý
- Nâng cao nhận thức về sự cần thiết, tính cấp bách của chuyển đổi số trong xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực logistics.
- Hoàn thiện khung khổ pháp lý về dịch vụ logistics và việc chuyển đổi số, nhất là vấn đề bảo mật, hợp tác phòng chống phá hoại, vấn đề quản trị kỹ thuật số, thuế đánh vào công nghệ số nhằm khuyến khích phát triển… Nghiên cứu sửa đổi, ban hành mới các chính sách, pháp luật điều chỉnh dịch vụ logistics, vận tải đa phương thức, vận tải xuyên biên giới...
- Có chính sách khuyến khích chuyển đổi số, hỗ trợ về vốn vay và lãi vay ưu đãi cho các DN chuyển đổi số và cho các công ty start up về giải pháp công nghệ số. Trên cơ sở đó, DN logistics có thể mua giải pháp hoặc thuê giải pháp từ các DN cung cấp phần mềm khi chưa có đủ khả năng tài chính.
- Phát triển hạ tầng số, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu bùng nổ về kết nối và xử lý dữ liệu, các chức năng về giám sát mạng lưới và bảo đảm an toàn, an ninh mạng được tích hợp sẵn ngay từ khi thiết kế, xây dựng. Nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ mới, tiến bộ kỹ thuật trong quản lý, vận hành, đào tạo về chuỗi cung ứng và dịch vụ logistics. Khuyến khích, hướng dẫn DN trong một số ngành áp dụng mô hình quản trị chuỗi cung ứng tiên tiến trong quá trình sản xuất, kinh doanh, trong đó chú trọng triển khai các hoạt động logistics trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin và các công nghệ mới trong logistics.
- Phát huy vai trò liên kết chuyển đổi số giữa các cơ quan nhà nước và các tổ chức, DN; giữa hội, hiệp hội ngành nghề công nghệ thông tin với hội, hiệp hội logistics để tạo hiệu quả cao nhất trong nỗ lực chuyển đổi số.
Về phía doanh nghiệp logistics
DN cần thay đổi tư duy về chuyển đổi số, trong đó bắt đầu tư cấp lãnh đạo. Việc chuyển đổi số là điều tất yếu đối với hoạt động logistics, nếu không muốn bị đào thải khỏi thị trường. Mục đích của chuyển đổi số là để DN có thể tham gia vào chuỗi cung ứng rộng hơn, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Thực tế cho thấy, một số lãnh đạo DN vẫn còn bày tỏ thái độ e ngại về tính an toàn, khả năng bảo mật thông tin của các nền tảng trực tuyến, dẫn đến việc chậm chạp, thiếu nhạy bén với công nghệ. Do vậy, cần phải thay đổi tâm lý cho DN.
- Việc chuyển đổi số phải làm vững chắc, theo lộ trình phù hợp với khả năng của DN. DN phải có kế hoạch dài hạn, bài bản và cẩn trọng trong từng bước như lựa chọn quy trình, tìm kiếm nhà cung cấp phù hợp về cả uy tín, chất lượng lẫn khả năng tài chính để tạo ra một hệ thống số liên hoàn, cùng chung chuẩn mực, có tính liên kết cao và dễ dàng truy xuất số liệu.
Việc lựa chọn mô hình chuyển đổi số cần được nghiên cứu tỉ mỉ và kỹ lưỡng. Việc liên kết chặt chẽ với nội bộ ngành cũng như tìm kiếm tư vấn từ các đơn vị cung cấp dịch vụ chuyển đổi số sẽ giúp DN xác định được hướng đi phù hợp. Nếu tìm ra được mô hình phù hợp, nắm bắt được công nghệ mới, DN hoàn toàn có thể trở thành người “đi tắt đón đầu”, nhanh chóng bắt nhịp được với xu thế của thị trường.
- Khi thực hiện chuyển đổi số, DN kinh doanh dịch vụ logistics cần có sự chuyển đổi đồng bộ. Để đạt hiệu quả cao, quy trình chuyển đổi số cung cấp dịch vụ đến khách hàng có rất nhiều điểm cần phải lưu ý. Một trong số đó là xây dựng nền tảng số cho chuỗi dịch vụ logistics, giúp kết nối các các bên liên quan trong chuỗi (cảng, hãng vận tải, đại lý, công ty giao nhận, kho...) để chia sẻ dữ liệu, tăng tính hiện hữu cho chuỗi, nâng cao hiệu suất sử dụng.
Về lâu dài, cần xây dựng hệ sinh thái kho vận số, khai thác dữ liệu hiện có của DN thành lợi thế cạnh tranh để lưu chuyển hàng hóa hiệu quả; Xây dựng dữ liệu chung lưu trữ và quản lý tập trung dữ liệu hành trình của các phương tiện giao thông, vận tải nhằm số hóa hoạt động, từ đó có cơ sở điều chỉnh về quy hoạch giao thông, bố trí bãi đậu xe nội thành, khu vực trung chuyển hàng hóa, bố trí giờ giấc ưu tiên.
- Không ngừng cải thiện năng lực tài chính thông qua việc hợp tác, sáp nhập với các DN có tiềm lực tài chính tốt hoặc tìm kiếm các nhà đầu tư tiềm lực để từ đó có thể có nguồn lực tài chính để đầu tư vào công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao...
- Quan tâm về các vụ tranh chấp liên quan đến “số hóa” điển hình trong hoạt động Logistics như vụ tranh chấp về trả hàng nhầm
- Xác nhận qua Zalo cá nhân giữa 2 nhân viên của công ty giao nhận và chủ hàng (dùng vận đơn gốc hay loại đã nộp)… DN nên lựa chọn các phương thức giải quyết tranh chấp phù hợp với đặc tính ngành, nghề; đơn cử là những thuận lợi khi áp dụng điều khoản trọng tài giải quyết tranh chấp trong hoạt động logistics.
Tài liệu tham khảo:
- Quốc hội (2005), Luật Thương mại năm 2005;
- Chính phủ (2017), Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 về việc phê duyệt kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025.
- Thủ tướng Chính phủ (2020),Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 phê duyệt “chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”;.
- Thanh Nhân (2020), Ngành logistics trước bước ngoặt chuyển đổi số, Báo Người Lao động;
- Như Quỳnh (2020), Dịch COVID-19 đặt ra yêu cầu cấp thiết phải chuyển đổi số trong ngành logistics, Kinh tế Tiêu dùng