Phát triển dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt tại các ngân hàng thương mại Việt Nam
Nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam, những năm gần đây, hệ thống các ngân hàng thương mại đã liên tục phát triển các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, đảm bảo giao dịch thanh toán của khách hàng được thực hiện an toàn, thuận tiện; đồng thời, giúp tăng tốc độ lưu thông hàng hóa trong nền kinh tế. Tuy nhiên, việc triển khai dịch vụ thanh toán không sử dụng tiền mặt tại các ngân hàng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như dịch vụ chưa đảm bảo tính đa dạng và ổn định cao, chưa thu hút được một lượng lớn khách hàng sử dụng… do đó, cần có các giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt tại ngân hàng thương mại
Thanh toán không dùng tiền mặt tại ngân hàng thương mại (NHTM) hiện nay chủ yếu gồm các dịch vụ sau:
- Thanh toán bằng ủy nhiệm chi: Người thanh toán (người gửi tiền) ủy nhiệm cho một bên thứ ba (ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng) để chuyển số tiền được chỉ định từ tài khoản của mình đến tài khoản của người nhận thanh toán (người được ủy nhiệm chi).
- Thanh toán bằng ủy nhiệm thu: Giao cho một bên thứ ba (thường là một tổ chức tín dụng hoặc ngân hàng) để nhận số tiền cụ thể từ một người nào đó hoặc từ một tổ chức khác.
- Thanh toán bằng séc: Người thanh toán (người gửi tiền) phát hành một chứng từ gọi là séc cho một bên thụ hưởng (người nhận tiền), trong đó séc đó có ghi số tiền cụ thể được thanh toán và thông tin về người nhận.
- Thanh toán bằng thư tín dụng: Người thanh toán (người gửi tiền) sử dụng một thư tín dụng phát hành bởi một tổ chức tài chính (như một ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng) để cam kết thanh toán số tiền cụ thể cho người nhận (người được hưởng).
- Thanh toán bằng thẻ thanh toán: Sử dụng một loại thẻ được phát hành bởi một tổ chức tài chính, thường là ngân hàng, để thực hiện thanh toán cho hàng hóa và dịch vụ.
Thực trạng phát triển dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt tại các ngân hàng thương mại Việt Nam
Tính đến tháng 12/2023, Việt Nam có 35 NHTM, trong đó có 4 NHTM Nhà nước và 31 NHTM cổ phần. Năm 2023, dù được nhận định là chịu nhiều tác động tiêu cực từ nền kinh tế như doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn để sản xuất kinh doanh, do sức cầu cũng như cầu tiêu dùng giảm; tín dụng trì trệ, nợ xấu tăng cao, ngân hàng phải gia tăng trích lập dự phòng… nhưng nhiều ngân hàng vẫn ghi nhận lợi nhuận trên 1.000 tỷ đồng và tăng trưởng ở mức 2 con số như: Vietcombank, BIDV, Agribank, VietinBank, ACB, MB và Techcombank.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến kết quả tích cực là trong những năm gần đây các NHTM Việt Nam đã không ngừng phát triển thêm các dịch vụ thanh toán mới, làm phong phú thêm các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt. Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tại các NHTM đã đạt được những kết quả nhất định. Theo đó, các tổ chức tín dụng đã tăng cường ứng dụng công nghệ tin học trong hoạt động thanh toán: Công nghệ đã được tích hợp vào các nghiệp vụ thanh toán của ngân hàng, cung cấp thông tin báo cáo hỗ trợ cho quản lý và các hoạt động khác.
Công nghệ thông tin được sử dụng rộng rãi trong thực hiện chuyển tiền điện tử, quản lý thông tin phòng ngừa rủi ro và giám sát thanh toán từ xa. Điều này đã giảm đáng kể thời gian mà vốn bị “đọng” trong quá trình thanh toán, rút ngắn thời gian chờ đợi của khách hàng và đảm bảo rằng tiền được chuyển đến người nhận một cách an toàn và chính xác trong thời gian ngắn nhất có thể. Các nghiệp vụ được thực hiện một cách chặt chẽ và hiệu quả. Nhiều nghiệp vụ đã được số hóa hoàn toàn 100% (tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi có kỳ hạn, mở và sử dụng tài khoản thanh toán, mở thẻ ngân hàng, ví điện tử, chuyển tiền...). Đến cuối năm 2023, có khoảng 40 ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử với hơn 35 triệu tài khoản thanh toán đang hoạt động.
Việc phát triển mạng lưới máy ATM, POS và công tác đảm bảo hoạt động các máy ATM. Tất cả các ATM đã được trang bị hệ thống chống rò điện và mỗi máy ATM đều có bảo vệ túc trực, đảm bảo an toàn cho người dùng. Các ngân hàng đã áp dụng giải pháp công nghệ để quản lý và giám sát hoạt động của các máy ATM trên toàn hệ thống, đảm bảo rằng mọi máy ATM đều hoạt động ổn định. Mạng lưới ATM, POS được phủ sóng đến tất cả các tỉnh, thành trên cả nước. Đến cuối năm 2023, toàn thị trường có 21.014 máy ATM và 513.550 máy POS (tăng tương ứng 0,6% và 26,89% so với năm 2022).
Bên cạnh đó, các ngân hàng chú trọng tới công tác chăm sóc khách hàng. Các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục phát triển mạnh mẽ, gia tăng thêm nhiều tiện ích, nhất là các dịch vụ thanh toán mới, hiện đại ứng dụng công nghệ thông tin. Thẻ ATM tiếp tục phát triển, số lượng thẻ phát hành, số lượng và giá trị giao dịch thẻ tăng nhanh. Các NHTM đã tích hợp thêm nhiều tính năng vào thẻ ngân hàng để sử dụng thanh toán, từ hàng hóa, dịch vụ bán lẻ; đồng thời, chất lượng dịch vụ thẻ cũng như độ an toàn trong thanh toán thẻ được các ngân hàng chú trọng.
Số liệu thống kê cho thấy, đến cuối năm 2023, số lượng tài khoản thanh toán của cá nhân là hơn 182,88 triệu tài khoản, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm 2022; có 147 triệu thẻ lưu hành, tăng 1,27% so với năm 2022. Gần 27 triệu tài khoản thanh toán được mở bằng phương thức điện tử (eKYC) hoạt động và 12,9 triệu thẻ lưu hành phát hành bằng eKYC.
Các ngân hàng cũng tập trung mở rộng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt trong các lĩnh vực như: Thu ngân sách nhà nước, dịch vụ giáo dục, y tế, điện, nước, chi trả lương hưu, bảo hiểm y tế, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp. Đến cuối năm 2023, tại khu vực đô thị, trên 60% số người hưởng nhận các chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân; 63 Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh trong cả nước đã kết nối với hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng; 100% các dịch vụ công trực tuyến của hải quan được thanh toán trên Cổng dịch vụ công Quốc gia; 54/63 tỉnh, thành phố đã chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt với kinh phí trả trong năm 2023 là gần 1.093 tỷ đồng; 98% người lao động nhận trợ cấp thất nghiệp thông qua thẻ ATM; 100% các trường đại học, cao đẳng thanh toán học phí không dùng tiền mặt.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, năm 2023, các giao dịch thương mại không dùng tiền mặt đạt khoảng 11 tỷ giao dịch, tăng gần 50% so với năm 2022. Tổng giá trị giao dịch đạt hơn 200 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được trên, vẫn còn một số khó khăn, thách thức trong phát triển dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt tại các NHTM như sau:
- Môi trường pháp lý của dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt còn chưa được hoàn thiện. Một số văn bản pháp lý vẫn còn nhiều hạn chế, chưa phù hợp với thực tế nên chưa tạo môi trường và hành lang vững chắc cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.
- Thói quen, tâm lý và trình độ dân trí: Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt bị hạn chế một phần là do mặt bằng xã hội chưa cao về mọi mặt, trình độ dân trí còn thấp, nên việc tiếp cận và sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt chưa phát triển. Khách hàng thường chỉ biết đến ngân hàng là một tổ chức huy động tiết kiệm và cho vay chứ chưa hiểu biết về các hoạt động thanh toán khác của ngân hàng.
Thêm vào đó, thói quen sử dụng tiền mặt, đơn giản, thuận tiện từ lâu không thể dễ dàng thay đổi ngay được và muốn sử dụng phương tiện thanh toán hiện đại cũng cần có sự am hiểu nhất định về các phương tiện này.
- Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin: Hệ thống thanh toán không đồng bộ giữa các tỉnh, thành phố trong toàn quốc và tốc độ truyền dữ liệu vẫn còn chậm tại Việt Nam. Hệ thống cơ sở hạ tầng chưa được phát triển đồng đều và đồng bộ, ảnh hưởng đến hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt là trong việc sử dụng thẻ.
- Trình độ cán bộ ngân hàng về kỹ thuật thanh toán còn nhiều bất cập dẫn tới sự hiểu biết của các cán bộ ngân hàng về hệ thống thanh toán hiện đại có sự không đồng đều. Điều này ảnh hưởng đến việc phát triển của hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt, vì nếu cán bộ ngân hàng không có kiến thức vững chắc về các phương tiện thanh toán hiện đại, sẽ khó có thể hướng dẫn khách hàng tiếp cận với những tiện ích mới của ngân hàng.
- Các phương tiện thanh toán còn nhiều bất cập. Ví dụ như: Ủy nhiệm thu bị thời gian luân chuyển chứng từ kéo dài do quy trình thanh toán phức tạp, không thuận tiện, thanh toán qua thẻ chưa được phát triển do nguồn lực tài chính yếu và vấn đề kỹ thuật, cần phải đầu tư vốn lớn cho các trang thiết bị như máy móc, thiết bị đường truyền, cơ sở chấp nhận thẻ, máy đọc thẻ và các thiết bị đầu cuối….
Giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại các ngân hàng thương mại Việt Nam
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, trong thời gian tới, các NHTM Việt Nam cần tập trung thực hiện các giải pháp sau:
Một là, tăng cường đào tạo và phát triển nguồn nhân lực về ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời xây dựng các chương trình đào tạo gồm đào tạo cơ bản, đào tạo kỹ năng kỹ thuật, đào tạo về an ninh và quản lý rủi ro, đào tạo về dịch vụ và hỗ trợ khách hàng… nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của thị trường.
Hai là, tiếp tục đẩy mạnh thanh toán thẻ qua các thiết bị POS và áp dụng các công nghệ, phương thức thanh toán hiện đại như: Thanh toán qua QR Code, mã hóa thông tin thẻ, thanh toán di động, thanh toán phi tiếp xúc, ví điện tử.
Chủ động xúc tiến việc kết nối với các cổng thanh toán qua internet trên thị trường Việt Nam kết hợp với việc nghiên cứu quy trình xác thực chủ thẻ khi giao dịch qua mạng nhằm đảm bảo tính an toàn của dịch vụ và lòng tin của khách hàng khi sử dụng dịch vụ thẻ. Phát triển các tiện ích kèm theo thẻ qua mạng Internet cho khách hàng như: đăng ký phát hành thẻ, theo dõi số dư và giao dịch thẻ, nhận sao kê qua mạng, kích hoạt dịch vụ thẻ qua mạng.
Ba là, quan tâm đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, tạo tiền đề để phát triển công nghệ thanh toán không dùng tiền mặt tại ngân hàng. Các ngân hàng cần đầu tư vào hạ tầng công nghệ thông tin để cải thiện khả năng kết nối mạng, bảo mật dữ liệu và hiệu suất hệ thống. Xây dựng các biện pháp bảo mật mạnh mẽ để bảo vệ tối ưu dữ liệu thanh toán khách hàng, bao gồm việc triển khai các biện pháp mã hóa, xác thực hai yếu tố, quản lý khóa và giám sát an ninh mạng.
Bốn là, tăng cường công tác quản trị rủi ro trong dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Các ngân hàng cần xác định các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình thanh toán không dùng tiền mặt, bao gồm rủi ro về an ninh thông tin, gian lận, và sự cố hệ thống. Tiến hành phân tích chi tiết và đánh giá mức độ nghiêm trọng của từng rủi ro. Cung cấp đào tạo định kỳ về an ninh thông tin và quản trị rủi ro cho nhân viên, bao gồm cách phát hiện và phản ứng với các hoạt động gian lận và sự cố an ninh...
Tài liệu tham khảo:
- Quốc hội, Luật số 47/2010/QH12, Luật Các tổ chức tín dụng;
- Chính phủ, Nghị định số 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt;
- Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 về việc phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 – 2025;
- Ngân hàng Nhà nước, Thông tư số 08/TT-NHNN, hướng dẫn thực hiện thể lệ thanh toán không dùng tiền mặt.