Phát triển điện hạt nhân - Kinh nghiệm từ Phần Lan

Hạnh Phạm

(Tài chính) Điện hạt nhân, trong nhiều năm nay, được các nhà chiến lược và công nghệ năng lượng nước ta quan tâm bởi sự hội tụ những ưu điểm nội tại về mặt công nghệ và kinh tế, mặt khác việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân là việc làm thích ứng với chiều hướng hồi sinh của điện hạt nhân trên thế giới trong những năm gần đây.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thực trạng điện hạt nhân ở Việt Nam

Việc chuẩn bị cho phát triển ĐHN ở Việt Nam đã được dự kiến từ những năm của thập kỷ 90, tuy nhiên do điều kiện kinh tế chính trị chưa thuận lợi nên mới chỉ tạm dừng ở nghiên cứu tổng quan.

Cuối tháng 4/2008, Viện Năng lượng đã được Bộ Công thương và Tập đoàn điện lực Việt Nam giao nhiệm vụ lập báo cáo đầu tư xây dựng nhà máy ĐHN tại Phước Dinh và Vĩnh Hải - tỉnh Ninh Thuận. Hai địa điểm nêu trên đều đã qua giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi với kết quả điều kiện địa chất, địa chấn và kiến tạo tốt, mật độ dân cư thấp, khu đất rộng.

Ngày 25/11/2009, chủ trương đầu tư Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận đã được Quốc hội khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ 6. Theo dự kiến, nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 khởi công tháng 12/2014, vận hành thương mại tổ máy số 1 vào năm 2020, tổ máy số 2 vào năm 2021. Dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 sẽ khởi công vào tháng 5/2015, vận hành tổ máy số 1/2021 và tổ máy số 2/2022.

Ngày 18/8/2010 Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 1558/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử” và công văn số 460/TTg-KTN ngày 18/3/2010 về kế hoạch tổng thể thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, trong đó giao Tập đoàn Điện lực VN phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện dự án đào tạo nguồn nhân lực cho các dự án nhà máy điện hạt nhân tại tỉnh Ninh Thuận. Với tổng kinh phí thực hiện 3.000 tỉ đồng, đến năm 2020 chương trình sẽ đào tạo được nguồn nhân lực đủ về số lượng và chất lượng để phục vụ quản lý, ứng dụng và bảo đảm an toàn, an ninh trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, đảm bảo khả năng tiếp nhận chuyển giao công nghệ, vận hành, duy tu, bảo dưỡng, quản lý nhà máy điện hạt nhân, tiến tới từng bước nội địa hóa, tự chủ về công nghệ.

Ngày 31/10/2010, hiệp định liên Chính phủ giữa Liên bang Nga và nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam về hợp tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 đã được ký kết.

Ngày 31/10/2011, sau cuộc hội đàm tại Tokyo, Thủ tướng Việt Nam và Nhật Bản đã ký thỏa thuận hợp tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2.

Ngày 21/11/2011 tại Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Liên danh tư vấn E4 Group - JSC KIEP - LLC EPT ký kết hợp đồng dịch vụ tư vấn lập hồ sơ phê duyệt địa điểm và dự án đầu tư Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 của Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Chi phí thực hiện dịch vụ tư vấn này do Chính phủ Liên bang Nga tài trợ.

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, dự kiến đến năm 2020, tổ máy đầu tiên được đưa vào vận hành sẽ cung cấp khoảng 1% tổng lượng điện tiêu thụ trong cả nước và đến khi hoàn thành toàn bộ, 2 nhà máy này sẽ cung cấp lượng điện tăng dần, từ 6% tổng lượng điện cả nước vào năm 2030 lên 20 - 25% vào năm 2050. Ủng hộ đề án này, nhiều chuyên gia về năng lượng nguyên tử cho rằng việc xây dựng và vận hành nhà máy ĐHN ở Việt Nam là hợp lý trong bối cảnh ĐHN đang trở thành giải pháp thích hợp để thế giới đối mặt với khủng hoảng năng lượng và giảm tải phát thải khí ô nhiễm.

Kinh nghiệm từ Phần Lan


Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển ngành điện hạt nhân ở  Việt Nam rất cần nghiên cứu kinh nghiệm của các nước trên thế giới, đặc biệt là những nước tiên phong trong lĩnh vực này. Phần Lan được đánh giá là một quốc gia có nhiều tham vọng đối với nền công nghiệp điện hạt nhân.

Hiện điện năng tiêu thụ hằng năm theo đầu người của Phần Lan vào khoảng 18.000 kWh (Việt Nam là 1.140 kWh). Phần Lan không có năng lượng dầu hay khí, trong khi thủy điện đã tối đa hóa hết mức và không phát triển được nữa.

Vì lý do đó, Phần Lan đã sử dụng nguồn năng lượng hạt nhân để phát điện từ nhiều thập niên trước và đây là một phần quan trọng trong chiến lược chống biến đổi khí hậu quốc gia. Bốn lò phản ứng hiện đang hoạt động của Phần Lan với tổng công suất khoảng 2.700 MW, nằm trong những lò hoạt động hiệu quả nhất thế giới.

Hiện lò thứ 5 đang xây, lò thứ 6 sẽ sớm được khởi công và lò thứ 7 đã nằm trong tính toán. Tỷ trọng điện hạt nhân trong sản lượng điện của Phần Lan hiện là 27% và Chính phủ có kế hoạch nâng tỷ lệ này lên. Sự đồng thuận trong dư luận ở Phần Lan về vấn đề này là tương đối khả quan.

Hơn một nửa dân chúng đồng tình với điện hạt nhân. Chính sách năng lượng ở Phần Lan rất nhất quán, do đó, ngành công nghiệp điện hạt nhân ở Phần Lan phát triển rất đồng bộ.

Theo ý kiến của bà  Tiina Tigerstedt - Giám đốc Quan hệ công chúng và truyền thông quốc tế, Công ty ĐHN Fennovoima: Để có được sự đồng thuận của công chúng đối với việc phát triển điện hạt nhân thì điều quan trọng nhất là luôn cởi mở, minh bạch thông tin tuyên truyền đến cộng đồng, luôn sẵn sàng với tất cả câu hỏi.

Điều đó đồng nghĩa chúng ta phải thông tin về công nghệ, tính an toàn, năng lực chuyên gia, luôn lặp lại các thông tin về tầm quan trọng và lợi ích của điện hạt nhân đối với sự phát triển của quốc gia.

An toàn luôn là ưu tiên hàng đầu trong ngành công nghiệp hạt nhân. Cốt lõi của nó là sự không ngừng chuẩn hóa, liên tục cải tiến, phát triển, luôn hướng đến những công nghệ vượt trội hơn. Nếu có bất kỳ sự cố nào trên thế giới, cần phải phân tích nguyên nhân để rút kinh nghiệm, từ đó định hướng phải làm gì và phòng tránh như thế nào...

 Để xây dựng "văn hóa an toàn điện hạt nhân" thì câu chuyện thông tin đến người dân là vô cùng quan trọng. Người dân phải hiểu được về những gì đã diễn ra, tác động của nó, rủi ro của điện hạt nhân và đem so sánh, cân nhắc với nhu cầu điện mà họ luôn cần, để thấy chúng ta có thể làm gì để phát triển điện hạt nhân tốt hơn.

Ngoài ra, cũng cần thông tin về những hạn chế và rủi ro của tất cả các dạng phát điện khác để công chúng có sự nhìn nhận một cách công bằng. Mục tiêu của vấn đề này là làm thế nào trong tương lai chúng ta có thể sử dụng điện hạt nhân an toàn và hiệu quả hơn.