Phát triển doanh nghiệp cỡ vừa để đón cơ hội mới từ hội nhập

DUY MINH

(Tài chính) Những năm gần đây, Việt Nam là quốc gia được nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm và tìm cơ hội đầu tư dự án mới. Dù còn ẩn chứa nhiều thách thức, nhưng đây sẽ là cơ hội lớn, đòi hòi Việt Nam cần một chiến lược căn cơ để “nắm bắt” kịp thời.

Để đón cơ hội mới từ hội nhập, Việt Nam phải chú trọng phát triển doanh nghiệp cỡ vừa - Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã nhấn mạnh như vậy khi nói về cơ hội và thách thách của các doanh nghiệp Việt Nam trước hàng loạt những Hiệp định thương mại quan trọng được ký kết trong năm 2014 và có hiệu lực ngay trong năm 2015.

Phát triển doanh nghiệp cỡ vừa để đón cơ hội mới từ hội nhập - Ảnh 1
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
Phóng viên: Năm 2014 được đánh giá là năm môi trường kinh doanh Việt Nam có nhiều chuyển biến tích cực, là người luôn sát cánh cùng cộng đồng doanh nghiệp, ông nhìn nhận thế nào về vấn đề này?

Ông Vũ Tiến Lộc: Năm 2014 là một năm nền kinh tế Việt Nam phải trải qua nhiều thách thức. Song, với những nỗ lực to lớn của Chính phủ trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu thể chế kinh tế, kiềm chế lạm phát,... kinh tế nước ta đã có những tín hiệu phát triển tích cực. Lạm phát đã được kiểm soát ở mức thấp (1,84%), lãi suất ngân hàng đã giảm đáng kể (1,5 - 2%) so với năm 2013 , tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp có nhu cầu phục hồi và mở rộng sản xuất. Bên cạnh đó, nhiều công trình hạ tầng giao thông lớn đã đi vào khai thác, mở ra nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp phát triển.

Đặc biệt, Chính phủ đã có nhiều hành động cụ thể, thiết thực trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Sự ra đời của Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam, Chỉ thị số 11/2014/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về giải quyết khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp, đã trở thành “làn gió mới” thúc đẩy cải cách. Cùng với đó là một loạt các chỉ đạo kịp thời của Thủ tướng Chính phủ đối với các bộ ngành, địa phương về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, gỡ bỏ các nút thắt trong việc thực hiện thủ tục hành chính, mà điển hình là về thuế, hải quan. Ước tính, số doanh nghiệp thực hiện kê khai thuế điện tử trong năm 2014 tăng từ 65% lên 95%, thời gian nộp thuế của doanh nghiệp giảm được 290 giờ, từ 537 giờ/năm xuống còn 247 giờ/năm. Bên cạnh đó, với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật Thuế (có hiệu lực từ ngày 01/01/2015), thời gian kê khai thuế giảm thêm được 80 giờ, từ 247 giờ/năm xuống còn 167 giờ/năm; hay áp dụng Cơ chế một cửa hải quan quốc gia giảm được 10 - 20% chi phí và 30% thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp... đã tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp cũng ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành trong việc hoàn thiện thể chế, với việc thông qua một số đạo luật quan trọng như Luật Đầu tư, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật Thuế… có nhiều điểm mới, thông thoáng hơn được kỳ vọng sẽ gỡ bỏ những gánh nặng về thời gian và chi phí cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động, sản xuất. Công tác cải cách khu vực doanh nghiệp  nhà nước cũng đã được khởi động trở lại bằng Nghị quyết số 15/NQ-CP của Chính Phủ, hy vọng sẽ tạo nên những tác động tích cực đối với sự phát triển kinh tế trong thời gian tới.

Năm 2014, Việt Nam kết thúc đàm phán nhiều Hiệp định quan trọng, như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan Belarus, Kazakhstan và Nga... được cho là sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, với đặc điểm phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, theo ông, liệu các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu để đón nhận những cơ hội mới từ những hiệp định này?

 Xét về mặt số lượng, hiện Việt Nam có trên 400.000 doanh nghiệp đang hoạt động, ngoài ra còn có 4,6 triệu hộ kinh doanh (trong đó có 2,5 triệu hộ kinh doanh đã đăng ký), đây là một lực lượng cộng đồng doanh nghiệp khá đông. Tuy nhiên, xét về mặt cấu trúc của doanh nghiệp thì thấy có nhiều điểm bất hợp lý. Trong nền kinh tế, số doanh nghiệp lớn chỉ có 2%, doanh nghiệp cỡ vừa cũng khoảng 2%, còn lại có tới 96% số doanh nghiệp trong nền kinh tế của Việt Nam là nhỏ và siêu nhỏ. Điều này khiến nền kinh tế Việt Nam đứng trước “hội chứng” thiếu doanh nghiệp cỡ vừa và điều này làm hạn chế năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam. Vì, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay, chỉ có những doanh nghiệp cỡ vừa và lớn mới có khả năng kết nối hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu, còn các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ khó có khả năng tham gia vào cơ cấu phát triển. Điều này lý giải vì sao khi các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam luôn tồn tại như một “ốc đảo”, không có tác động lan tỏa với cộng đồng doanh nghiệp trong nước, do các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam không thể tham gia vào chuỗi giá trị của họ để vươn lên chuỗi giá trị toàn cầu.

Đây cũng là một điểm yếu và rất hạn chế cho Việt Nam khi các Hiệp định mới có hiệu lực từ đầu năm 2015. Do đó, việc phát triển và tăng quy mô các doanh nghiệp cỡ vừa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Việt Nam cần hướng tới ngay từ đầu năm nay, vì để phát triển doanh nghiệp lớn cần rất nhiều thời gian, nhưng nếu phát triển doanh nghiệp cỡ vừa thì có thể triển khai ngay.

Doanh nghiệp nhỏ chiếm tới 96%, vậy theo ông, với những bước đi của Chính phủ hiện nay thì làm thế nào để tăng số lượng doanh nghiệp lớn và cỡ vừa, đồng thời cần giải pháp gì để kết nối các doanh nghiệp này với chuỗi giá trị toàn cầu?

Tôi cho rằng, với một loạt động thái gần đây mà Chính phủ đang triển khai để cải thiện môi trường đầu tư, cũng như điều chỉnh lại cơ cấu của đầu tư nước ngoài nhằm thu hút những thương hiệu lớn hàng đầu thế giới, thì doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể lớn lên và có thể kết nối với chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, để làm được việc này thì ngoài việc cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi, gia tốc cải cách tư pháp để họ yên tâm kinh doanh, chúng ta phải hỗ trợ doanh nghiệp, không chỉ hỗ trợ trong thành lập doanh nghiệp mà còn phải hỗ trợ những doanh nghiệp đã thành lập có thể trưởng thành. Trong đó, trước mắt cần tập trung vào những ngành có lợi thế như điện tử, dệt may, giày dép, thủy sản hay chế biến thực phẩm, phần mềm, du lịch...

Đơn cử như, ngành điện tử chúng ta hoàn toàn có thể thu hút những nhà đầu tư ở những công đoạn cuối của họ như lắp ráp, nghiên cứu phát triển thương hiệu, nhưng phải có chính sách hỗ trợ để các doanh nghiệp Việt Nam có thể kết nối được với mạng lưới này. Đặc biệt, cuối năm 2014, Quốc hội đã có quyết định quan trọng là bổ sung ngành công nghiệp hỗ trợ vào danh mục các lĩnh vực đầu tư sản xuất được ưu tiên. Trong các lĩnh vực khác cũng có thể hỗ trợ để doanh nghiệp kết nối, nhưng khi kéo được các doanh nghiệp lớn vào Việt Nam thì phải tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Năm 2015 được đánh giá là sẽ có nhiều khởi sắc, vậy theo ông, cả Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp cần phải làm gì để nắm bắt thời cơ này?

Chính phủ Việt Nam đã có một bước khởi động cải cách mới, với tín hiệu rất tích cực. Một loạt chính sách cải cách (Nghị quyết số 19/NQ-CP) được thực hiện từ đầu năm của Chính phủ, đặc biệt là Chính phủ đã đặt chuẩn mực tiên tiến của ASEAN là hướng tới cải cách thể chế và thủ tục hành chính của Việt Nam. Đó là hướng đi đúng, tạo sự chuyển biến cho Việt Nam. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng đã thông qua Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật sửa đổi, bổ sung các Luật Thuế để gia tốc cải cách môi trường kinh doanh. Với những động thái đó, tôi hy vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam trong 2015 sẽ tốt hơn rất nhiều. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải có sự cải cách quyết liệt từ cơ sở, vì trong quá trình cải cách thì khâu có tốc độ chậm nhất, yếu nhất của hệ thống là cán bộ cơ sở.

Còn với doanh nghiệp, tôi cho rằng, sau nhiều bão tố của năm 2014, họ đã hiểu ra và biết phải làm gì. Họ phải nghĩ đến kinh doanh bài bản, chiến lược quản trị, nâng cao nguồn nhân lực và quản trị rủi ro, chứ không phải như kiểu kinh doanh phong trào như trước đây. Các doanh nghiệp cũng đã có ít nhiều kinh nghiệm và họ đang bắt đầu một giai đoạn mới, tuy khó khăn nhưng sẽ bền vững. Những doanh nghiệp mới thành lập sẽ cẩn trọng hơn, vì chúng ta có lợi thế tiếp cận công nghệ tiên tiến từ hội nhập, nên sẽ tạo ra một cộng đồng kinh doanh chắc chắn, bền vững và hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Cảm ơn ông!