Phát triển doanh nghiệp: Kỷ lục nhiều, trăn trở không ít
Số lượng doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới liên tục ghi nhận những kỷ lục mới đầy ấn tượng trong những năm qua. Tuy nhiên, “sức khỏe” của DN cho thấy vẫn còn rất nhiều vấn đề đáng bàn, đặc biệt trước sức ép cạnh tranh trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN4.0) đang bùng nổ. Đây là vấn đề đặt ra tại Diễn đàn Đổi mới và Phát triển DN, diễn ra ngày 18/6, tại Hà Nội.
Liên tiếp ghi nhận kỷ lục
Bàn về sự phát triển của DN Việt Nam, ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho rằng, số lượng DN thành lập mới liên tiếp đạt kỷ lục trong những năm gần đây. Năm 2018, cả nước có hơn 131.000 DN thành lập mới, với số vốn đăng lý là 1,4 triệu tỷ đồng, tăng 3,5% về số DN và tăng 14,1% về số vốn đăng ký. “Đây là tín hiệu rõ ràng cho thấy niềm tin ngày càng lớn của xã hội vào môi trường đầu tư kinh doanh”, ông Cương nói.
Bổ sung cho nhận xét của đại diện Cục Phát triển DN, bà Lê Thị Xuân Huế, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh thuộc Bộ KH&ĐT cho hay, số DN thành lập mới tiếp tục tăng trong 5 tháng đầu năm nay. Cụ thể, 5 tháng đầu năm 2019, cả nước có gần 54.000 DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 669,7 nghìn tỷ đồng, tăng 3,2% về số DN và tăng 29,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018.
Nếu tính cả 987,4 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các DN thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký trong 5 tháng đầu năm 2019 là gần 1,7 triệu tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn có 19.600 DN quay trở lại hoạt động, tăng 48,1% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số DN đăng ký thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động trong 5 tháng lên hơn 73.600 DN.
Về tình hình thành lập của các DN khởi nghiệp sáng tạo, đại diện Cục Phát triển DN cho rằng, đang có sự bùng nổ tại Việt Nam với khoảng hơn 3.000 DN.
Không ít trăn trở
Bên cạnh những điểm sáng về sự phát triển của khu vực DN tư nhân, nhiều ý kiến tại Diễn đàn bày tỏ lo lắng trước thực tế số DN thành lập nhiều, nhưng tỷ lệ DN hoạt động trên thị trường không cao. Theo đó, tính đến ngày 20/12/2018, cả nước có 715.000 DN, trong đó số lũy kế DN đăng ký thành lập đến nay khoảng 1,3 triệu DN. Như vậy, tỷ lệ DN đang hoạt động đạt khoảng 55% tổng số DN đăng ký thành lập mới. Nguyên nhân chính của thực trạng này được Bộ KH&ĐT chỉ ra là do các DN Việt Nam chủ yếu là DN nhỏ và vừa nên năng lực cạnh tranh còn kém; môi trường kinh doanh dù được cải thiện nhưng vẫn còn nhiều rào cản...
Bà Nguyễn Thy Nga, Giám đốc Công ty Vstartup Việt Nam cũng chia sẻ: Môi trường kinh doanh trong nước vẫn còn không ít thách thức đối với DN khởi nghiệp như hành lang pháp lý chưa đầy đủ, thiếu không gian giới thiệu sản phẩm, khó khăn khi muốn giải thể...
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Hoa Cương, DN đăng ký thành lập mới tăng là điểm đáng mừng, chứng tỏ kỳ vọng của cộng đồng DN về môi trường kinh doanh tăng lên. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn ngoài con số này là năng lực kinh doanh, năng lực cạnh tranh của DN thông qua hàm lượng trí tuệ, hàm lượng khoa học công nghệ phải được gia tăng. Chỉ có như vậy các DN Việt Nam mới thể hiện được sức cạnh tranh của DN cũng như của cả nền kinh tế trong bối cảnh CMCN4.0.
Cũng theo đại diện Cục Phát triển DN, nhìn vào con số DN khởi nghiệp hiện nay cho thấy có sự thiếu cân đối giữa số lượng và chất lượng. “Hiện chúng ta có hơn 700.000 DN, nhưng chỉ có hơn 3.000 DN đổi mới sáng tạo. Đây là chuyện lạ… Và tại Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam năm 2019 vừa tổ chức có hiện tượng là lần đầu tiên số quỹ đầu tư khởi nghiệp tham gia còn đông hơn cả số startup tham gia…
Bàn thêm về vấn đề này tại Diễn đàn, ông Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hiệp hội tự động hóa Việt Nam cũng nêu 3 vấn đề cần quan tâm để thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam. Theo ông Quân, hiện Việt Nam chưa có hệ thống pháp luật đầy đủ về đầu tư mạo hiểm.
Tổ chức dịch vụ trong hệ sinh thái khởi nghiệp được đánh giá là thành tố quan trọng của hệ sinh thái khởi nghiệp, nhưng gần như chưa được quan tâm xây dựng. Chúng ta cũng thiếu chính sách phù hợp khuyến khích các viện nghiên cứu, trường đại học thương mại hóa kết quả nghiên cứu và thúc đẩy các DN đặt hàng các sản phẩm nghiên cứu này…
Nhìn nhận về sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam hiện nay, PGS.TS Hồ Sỹ Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN cho rằng, phát triển kinh tế tư nhân vẫn còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác. Vì vậy, để DN tư nhân thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế Việt Nam, ông Hùng đề xuất 2 chính sách ưu tiên. Trước hết là chính sách hỗ trợ phát triển DN. Thứ hai là ưu tiên phát triển DN trong nền kinh tế số.
Ông Hùng nhấn mạnh: “Các DN cần chủ động đầu tư cải tiến công nghệ, nghiên cứu, học hỏi và ứng dụng những mô hình, phương pháp kinh doanh mới, quyết khai tử những yêu tố lạc hậu không còn phù hợp, ứng dụng cách thức mới để phát triển nhanh hơn…”.