Doanh nghiệp vi phạm công bố thông tin: Nhà đầu tư thiệt đơn, thiệt kép

Theo Linh Đan/thoibaongnganhang.vn

Nhiều doanh nghiệp không chịu công bố thông tin, khiến nhà đầu tư không thể nắm bắt tình hình kinh doanh hay cơ cấu sở hữu mới, dẫn đến quyết định đầu tư thất bại. Thế nhưng, nhà đầu tư lại thêm một lần đau đầu khi việc vi phạm công bố thông tin cũng là một nguyên nhân khiến cổ phiếu bị hủy niêm yết bắt buộc.

Nhiều doanh nghiệp thậm chí tái đi tái lại lỗi vi phạm công bố thông tin.
Nhiều doanh nghiệp thậm chí tái đi tái lại lỗi vi phạm công bố thông tin.

Trong tháng 6, có tới 6 cổ phiếu bị hủy niêm yết bắt buộc gồm SDD của CTCP Đầu tư Xây lắp Sông Đà (từ 4/6), cổ phiếu CMI của CTCP CMI Stone (từ 6/6), ASA của CTCP Hàng tiêu dùng ASA (từ 13/6), cổ phiếu ALV của CTCP Đầu tư và Phát triển hạ tầng ALV (từ 14/6); KHB của CTCP Khoáng sản Hòa Bình (từ 18/6) và cổ phiếu LTC của CTCP Điện nhẹ Viễn thông (từ 27/6).

Trong đó có 3 cổ phiếu là ALV, ASA và CMI bị hủy niêm yết do chậm công bố báo cáo tài chính 3 năm liên tiếp. Theo thống kê trên HNX cho thấy, từ đầu năm tới nay, HNX đã hủy niêm yết bắt buộc 14 cổ phiếu.

Phớt lờ quy định

Hàng tiêu dùng ASA là một trong những doanh nghiệp vô tư phớt lờ quy định công bố thông tin điển hình trên thị trường chứng khoán. Đến nay, doanh nghiệp vẫn chưa công bố BCTC kiểm toán năm 2017, soát xét 6 tháng 2018, báo cáo tài chính quý III và quý IV năm 2018 cũng như báo cáo tài chính kiểm toán của năm 2018.

Trước đó, cổ phiếu ASA lại bị đưa vào diện bị cảnh báo từ 14/5/2018 do chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2017 quá 15 ngày kể từ ngày hết hạn công bố thông tin.

Đến ngày 31/7/2018, cổ phiếu ASA bị đưa vào diện bị kiểm soát và hạn chế giao dịch do tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin và không khắc phục nguyên nhân dẫn đến việc bị đưa vào diện cảnh báo.

Tuy nhiên, Hàng tiêu dùng ASA cũng không hề có động thái khắc phục các vi phạm. Đến tháng 9/2018, HNX đã có thông báo tạm ngừng giao dịch cổ phiếu ASA. Cổ phiếu sẽ được giao dịch trở lại hoặc chuyển sang diện cảnh báo/kiểm soát sau khi công ty khắc phục được nguyên nhân.

Thế nhưng, Hàng tiêu dùng ASA có khắc phục hay không thì đến nay các nhà đầu tư đều nắm rõ vì chỉ còn vài ngày nữa là cổ phiếu ASA sẽ chính thức bị hủy niêm yết trên sàn HNX. Phải chăng, hành vi vi phạm công bố thông tin là nằm trong chủ ý của doanh nghiệp?

Hiện, cổ phiếu ASA đang có thị giá là 700 đồng/cp và hoàn toàn không có giao dịch trong vòng hơn một năm vừa qua.

Không chỉ trên sàn HNX, theo công bố của Sở GDCK Tp.HCM (HoSE), những vụ vi phạm công bố thông tin tăng mạnh qua các năm. Nếu như trong năm 2017 có 94 vụ vi phạm thì đến năm 2018 đã là 115 vụ, tăng 22%.

HoSE cho biết lỗi vi phạm chủ yếu là chậm nộp báo cáo tài chính, báo cáo thường niên, chậm công bố các thông tin về thay đổi nhân sự, báo cáo phải kiểm toán, khiến đơn vị này phải áp dụng biện pháp cảnh cáo, kiểm soát, kiểm soát đặc biệt đối với cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp.

Phạt doanh nghiệp hay cổ phiếu?

Trong số những cổ phiếu đang trong diện cảnh báo này, không ít doanh nghiệp vẫn lặp lại lỗi vi phạm công bố thông tin và đến nay chưa có sự cải thiện nào như cổ phiếu KAC của CTCP Đầu tư Địa ốc Khang An, cổ phiếu PNC của CTCP Văn hóa Phương Nam…

Quay trở lại với cổ phiếu ASA, trước khi chính thức rời sàn HNX, cổ phiếu này đã là một trong những mã cổ phiếu “xác sống” trên thị trường chứng khoán với thị giá vài trăm đồng/cp.

Tuy nhiên, trước khi lao dốc về mức giá “xác sống” cổ phiếu ASA đã kịp thời được đẩy lên mức 4.000 đồng/cp vào hồi đầu năm 2018, cao hơn hai lần so với giai đoạn giữa năm 2017, kèm theo đó là một đợt thay đổi các vị trí lãnh đạo chủ chốt, như Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc.

Sau đó, ASA lao dốc bằng nhiều phiên giảm sàn và dần “đóng băng” giao dịch từ khoảng tháng 7/2018 tới nay, khiến các nhà đầu tư phải “ngậm ngùi” nhìn tài khoản bốc hơi vì “kẹt hàng”.

Thông thường, đối với những doanh nghiệp không dám công bố thông tin sẽ đi kèm với vấn đề trong kết quả kinh doanh, từ đó khiến giá cổ phiếu bị ảnh hưởng không nhỏ.

Các cổ phiếu khi bị hủy niêm yết có thể chuyển xuống giao dịch trên sàn UPCoM như CMI, ALV… vừa qua nhưng với những cổ phiếu đã có “dớp”, việc niêm yết trên UPCoM cũng khó có thể là cửa ra cho các nhà đầu tư.

Hơn nữa, các chuyên gia cũng cho rằng nhà đầu tư cũng nên cẩn trọng với “game hồi sinh” bởi thực tế nhiều doanh nghiệp đang biến thị trường chứng khoán thành nơi chứa hàng hóa kém chất lượng.

Hiện, mức xử phạt hành chính với lỗi công bố thông tin của các doanh nghiệp chỉ vài chục triệu đồng, ra khỏi danh mục ký quỹ, cao nhất là hủy niêm yết. Tuy nhiên, quãng thời gian để dẫn đến tình trạng bị hủy niêm yết là khá dài, do đó, các chế tài xử phạt vẫn được cho là quá nhẹ tay.

Đáng chú ý, việc hủy niêm yết là chế tài song song với chế tài xử phạt hành chính đối với lỗi công bố thông trong vi phạm hành chính lĩnh vực chứng khoán với doanh nghiệp. Tuy nhiên, quy định như vậy khiến cổ đông bị chịu thiệt hai lần.

Trong Luật Chứng khoán (sửa đổi) vừa được trình Quốc hội mới đây, các doanh nghiệp niêm yết, công ty đại chúng vi phạm công bố thông tin có thể bị đình chỉ phát hành, riêng đối với công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, mức phạt có thể là tạm dừng hoạt động.

Vẫn biết rằng nhà đầu tư cần phải chịu trách nhiệm đối với quyết định của mình nhưng sẽ tốt hơn rất nhiều nếu nhà đầu tư được hạn chế đi một phần những thiệt hại khi vô tình đầu tư vào doanh nghiệp kém về chất lượng công bố thông tin và việc xử phạt hướng đến chính những người mắc lỗi