Phát triển du lịch xanh theo hướng bền vững ở Việt Nam
Du lịch xanh là loại hình du lịch dựa vào tự nhiên, văn hóa, đóng góp cho nỗ lực bảo vệ môi trường, phát triển bền vững và thu hút sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương. Đây đang là xu hướng phát triển trên thế giới, cũng là hướng đi tất yếu để du lịch phát triển bền vững. Phát triển du lịch xanh là chìa khóa để phát triển du lịch có trách nhiệm, đảm bảo du lịch bền vững. Trước bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra trên phạm vi toàn cầu, trong những năm gần đây, du lịch xanh đã và đang phát triển nhanh chóng ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Tổng quan về du lịch xanh
Trong những năm qua, mối quan tâm ngày càng tăng của quốc tế về tính bền vững môi trường và biến đổi khí hậu đang khiến cho tất cả các công ty phải đối mặt với thách thức trong việc lồng ghép các vấn đề môi trường vào chiến lược kinh doanh.
Người tiêu dùng cũng quan tâm hơn đến lối sống thân thiện với môi trường vì họ không chỉ có trách nhiệm với môi trường mà còn mong đợi lợi ích cá nhân từ các sản phẩm xanh. Do đó, nhiều doanh nghiệp (DN) đang tận dụng xu hướng xanh để cung cấp nhiều hơn các sản phẩm và dịch vụ trách nhiệm với môi trường và xã hội. Các sáng kiến xanh này hầu như có sẵn ở mọi nơi như: thực phẩm xanh, năng lượng xanh, bao bì xanh, du lịch xanh, công trình xanh, thời trang xanh, kiến trúc xanh, chính phủ xanh...
Liên quan đến lĩnh vực du lịch, du lịch xanh bắt nguồn từ châu Âu, nó thường được sử dụng thay thế cho du lịch nông thôn nói chung. Hay theo Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc, du lịch xanh là “hoạt động giải trí kiểu lưu trú để tận hưởng thiên nhiên và văn hóa của điểm đến và tương tác với cư dân địa phương ở các vùng nông thôn và miền núi có cảnh quan thiên nhiên phong phú”. Theo như Niñerola và các cộng sự (2019), du lịch xanh/du lịch sinh thái là loại hình du lịch trong đó mọi người được khuyến khích theo đuổi các hoạt động giải trí ở nông thôn theo cách có lợi cho vùng đó. Cùng với quan điểm như vậy, nhiều tác giả nghiên cứu phạm vi rộng hơn của du lịch xanh, chứ không chỉ bó hẹp trong phạm vi du lịch nông thôn hay một loại hình điểm đến cụ thể nào. Theo Hiệp hội Du lịch Xanh Đài Loan, du lịch xanh là “các hoạt động du lịch nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường, giảm thiểu việc sử dụng năng lượng và phát thải carbon, đồng thời tận hưởng sự toàn vẹn về sinh thái - nhân văn - văn hóa”.
Tại Việt Nam, ngành Du lịch đối diện với các thách thức là nhiều cảnh quan đặc sắc, hệ sinh thái nhạy cảm ở vùng ven biển, hải đảo và các khu bảo tồn tự nhiên, vườn quốc gia bị thay đổi hoặc suy giảm cùng với việc phát triển các khu du lịch mới như: đảo Cát Bà, Tuần Châu, Hạ Long… Bên cạnh đó, một số loài sinh vật hoang dã quý, hiếm như san hô, đồi mồi… bị săn bắt để phục vụ nhu cầu ẩm thực, làm quà lưu niệm, buôn bán mẫu vật... đe dọa đến đa dạng sinh học. Không những thế, chu trình sống (di trú, kiếm ăn, mùa giao phối, sinh sản) của động vật hoang dã ở các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia cũng bị tác động. Các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc vốn rất nhạy cảm của cộng đồng các dân tộc thiểu số khu vực Sa Pa, Bản Đôn… dễ bị biến đổi do xu hướng hội nhập và thị trường hóa hoặc sự tiếp thu thiếu chọn lọc những nét văn hóa mới khi tiếp xúc thường xuyên với khách du lịch.
Thực trạng phát triển du lịch xanh ở Việt Nam
Việt Nam có tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa - nhân văn rất phong phú, đa dạng. Đó là điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch xanh. Mặt khác, Việt Nam cũng là quốc gia chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Do vậy, Việt Nam cần phát triển du lịch xanh, góp phần phát triển một nền kinh tế xanh bền vững.
Thời gian qua, một số địa phương, công ty lữ hành, khách sạn đã có sự chú phát triển du lịch xanh, như một số tỉnh Tây Bắc, Quảng Bình, Nghệ An… phát triển du lịch cộng đồng; Huế phát triển du lịch nhà vườn; Nha Trang phát triển du lịch biển đảo; một số tỉnh Nam Bộ phát triển du lịch miệt vườn. Nhiều công ty lữ hành xây dựng các tour du lịch xanh; khách sạn đạt chứng chỉ xanh…
Chiến lược phát triển du lịch của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định: ”Tập trung đầu tư phát triển các loại hình sản phẩm du lịch có thế mạnh về tài nguyên du lịch của đất nước và của từng địa phương. Ưu tiên phát triển loại hình du lịch gắn với biển, hải đảo: nhấn mạnh các yếu tố văn hóa và sinh thái đặc sắc trong sản phẩm du lịch, tập trung phát triển các khu du lịch biển tầm cỡ, chất lượng cao, tạo thương hiệu và sức cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới”. Chiến lược đã đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2023, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành quốc gia có ngành du lịch phát triển, tốc độ tăng trưởng bình quân từ nay đến năm 2025 đạt từ 13% đến 15%/năm. Theo đó, năm 2020, Việt Nam đón từ 10 đến 10,5 triệu lượt du khách quốc tế và từ 47 đến 48 triệu lượt du khách trong nước với tổng thu nhập từ 28 đến 32 tỷ USD, đóng góp 7,5 đến 8% GDP và tạo ra hơn 3 triệu việc làm với 870 ngàn lao động trực tiếp. Đến năm 2030, tổng thu từ khách du lịch của Việt Nam sẽ tăng gấp 2 lần năm 2022.
Không chỉ Hội An, một số địa phương trên cả nước đã đưa ra định hướng phát triển du lịch xanh nhằm thu hút lượng lớn du khách sẵn sàng chi tiền cho các trải nghiệm xanh, ví dụ như Huế phát triển du lịch xanh dựa trên tiềm năng di sản. Du khách tới Huế giờ đây có thêm trải nghiệm như tour đạp xe thăm nhà vườn Đại nội… Hay tại Phú Quốc, với chuyển hướng trở thành điểm đến giảm nhựa từ năm 2020, địa phương giờ đang có sự chuyển dịch trong cả dịch vụ lưu trú và ăn uống. Các khách sạn và nhà hàng không dùng đồ nhựa một lần bắt đầu nhiều hơn. Bên cạnh đó, tại Việt Nam, các chính sách, chiến lược, quy hoạch, định hướng phát triển du lịch đều hướng đến mục tiêu phát triển du lịch theo hướng bền vững, phát triển du lịch phải gắn với bảo vệ môi trường tự nhiên, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương, đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế xã hội và thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Những hạn chế, tồn tại
Bên cạnh những kết quả bước đầu, có thể khẳng định hiện nay hoạt động du lịch xanh chưa phát huy được tối đa tiềm năng và còn tồn tại những hạn chế nhất định. Cụ thể, phát triển du lịch chưa gắn với khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên, hiệu suất sử dụng tài nguyên thấp; Phát triển du lịch chưa tính đến biến đổi khí hậu… Đặc biệt, việc phát triển nóng ngành Du lịch đã gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường.
Tại nhiều khu, điểm du lịch xuất hiện các chất thải rắn, rác thải, nước thải chưa thu hồi, xử lý triệt để, việc phát triển du lịch làm gia tăng mức độ tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm không khí, nước, tiếng ồn, thay đổi cảnh quan thiên nhiên và thay đổi quân bình môi sinh đối với môi trường sống của sinh vật. Ngày càng có nhiều cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch xây dựng trên các đảo không theo quy hoạch, đã làm tăng nguy cơ xói mòn đường bờ biển, làm suy thoái hệ sinh thái biển đảo. Nước thải chưa qua xử lý từ các cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch xả trực tiếp vào môi trường, làm tăng mức độ hữu cơ nước biển ven bờ. Sự xung đột về lợi ích kinh tế giữa các chủ thể kinh tế và các ngành, tầm nhìn ngắn hạn và hạn chế về công nghệ dẫn tới một số tài nguyên du lịch bị tàn phá, sử dụng sai mục đích; những tệ nạn xã hội, văn hóa ngoại lai và những hạn chế trong nhận thức về bảo vệ môi trường đã làm giảm hiệu quả kinh tế do du lịch mang lại, làm môi trường xuống cấp, gây ảnh hưởng xấu tới hình ảnh và sự phát triển bền vững của du lịch Việt Nam.
Nguyên nhân là do nhận thức chưa đầy đủ về phát triển du lịch xanh của các cơ quan quản lý nhà nước các cấp cũng như của các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư; ngành Du lịch chưa xây dựng, ban hành các hướng dẫn đầy đủ về tiêu chí, điều kiện, đánh giá tác động môi trường và hệ thống kiểm soát, quản lý các vấn đề về môi trường liên quan đến các hoạt động du lịch, nhất là với các cơ sở kinh doanh du lịch, gây lúng túng khi áp dụng trong thực tiễn; chưa có nghiên cứu đánh giá một cách toàn diện và hệ thống về môi trường du lịch Việt Nam làm căn cứ đề ra các giải pháp khai thác hợp lý tài nguyên, đảm bảo môi trường cho phát triển du lịch bền vững.
Bên cạnh đó, vì mục đích kinh tế, với mục tiêu kinh doanh ngắn hạn là nhằm giảm chi phí và tăng thu, tăng lợi nhuận, nhiều công ty du lịch thay vì phải tiến hành điều tra khảo sát xây dựng chương trình tour, đánh giá cung - cầu... để xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp với xu thế hướng tới du lịch xanh đã tiến hành việc “sao chép” sản phẩm du lịch của các công ty khác mà chưa thực sự chú ý đến bảo vệ môi trường và sự phát triển lâu dài, bền vững.
Giải pháp phát triển du lịch xanh theo hướng bền vững
Để phát triển du lịch xanh theo hướng bền vững cần thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, xây dựng chính sách ưu đãi về thuế nhằm khuyến khích các dự án đầu tư phát triển du lịch xanh gắn với bảo tồn tự nhiên và văn hóa; quy định về xây dựng hệ thống xử lý nước thải, thu gom, tái chế chất thải trong các cơ sở kinh doanh; cơ chế khuyến khích doanh nghiệp sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, thực hiện sản xuất sạch hơn bằng cách tiết kiệm năng lượng và sử dụng các công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, nhằm hạn chế chất thải từ hoạt động du lịch ra môi trường. Song song đó, cần đánh giá mức độ tác động đến kinh tế - môi trường - xã hội của các dự án, kiên quyết từ chối những dự án ảnh hưởng đến môi trường và không thu hút đầu tư bằng mọi giá. Ngoài ra, các địa phương cần có chính sách đào tạo cán bộ của Sở Du lịch về quản lý phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững. Cần có chính sách đào tạo đối với đội ngũ hướng dẫn viên du lịch sinh thái, nhân viên trong các doanh nghiệp lữ hành... để nâng cao hiểu biết và thực hành về du lịch xanh. Các kiến thức về bảo vệ môi trường du lịch, du lịch xanh, kỹ năng giao tiếp cũng cần được lồng ghép vào chương trình đào tạo, huấn luyện nhân lực của huyện, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần có các chương trình, hoạt động kêu gọi du khách và nâng cao nhận thức cho cộng đồng địa phương trong quá trình phát triển du lịch xanh. Các địa phương cần chú trọng phát triển các chính sách bảo đảm sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư.
Hai là, tạo điều kiện cho các công ty tổ chức các sản phẩm du lịch xanh, các tour chuyên đề với mục tiêu kết hợp du lịch với hoạt động bảo vệ môi trường. Trong đó, du khách giữ vai trò chủ đạo đóng góp vào hoạt động bảo vệ môi trường bằng những việc làm thiết thực như trồng cây gây rừng, nhặt rác trên bãi biển, phát túi nilon tự hủy…
Ba là, tổ chức xây dựng phát triển các sản phẩm “Du lịch xanh”, chủ yếu là loại hình du lịch sinh thái gắn với bảo vệ môi trường như: xác định tiềm năng tài nguyên du lịch xanh, thực hiện khảo sát nghiên cứu thị trường, khuyến khích và tăng cường tính “xanh” trong phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch và trong các dịch vụ du lịch. Thực hiện liên kết - hợp tác với các tỉnh, vùng trong xúc tiến quảng bá sản phẩm du lịch sinh thái, cập nhật thường xuyên những thông tin của hoạt động du lịch xanh, các điển hình phát triển du lịch xanh, kinh nghiệm phát triển du lịch xanh, các doanh nghiệp hoạt động theo hướng du lịch xanh và các tour du lịch xanh... Một số sản phẩm du lịch sinh thái cần khai thác và phát triển là sản phẩm du lịch sinh thái tự nhiên (du lịch sinh thái biển đảo, du lịch sinh thái vườn hồ tiêu…) và sản phẩm du lịch sinh thái nhân văn (du lịch sinh thái gắn với làng chài, làng nước mắm, nuôi cấy ngọc trai, văn hóa truyền thống cách mạng…).
Cuối cùng, để thực hiện tốt việc phát triển du lịch xanh, cần chú trọng nâng cao sự phối hợp chặt chẽ với các ban ngành trong Tỉnh và địa phương để xây dựng chính sách, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động kinh doanh du lịch theo hướng bền vững.
Tài liệu tham khảo:
- Thanh Lê (2012). Du lịch xanh: Chìa khóa của du lịch bền vững;
- Phạm Trung Lương (2015). Phát triển du lịch sinh thái ở Việt Nam trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Bài báo được trình bày tại Hội thảo “Môi trường và phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu”, ngày 12/11/2015, Hà Nội.
- Nguyễn Văn Đính (2021), Phát triển du lịch xanh Việt Nam, Tạp chí Môi trường số 1/2021;
- Hội đồng Tư vấn Du lịch (2022), Kết quả dự án thí điểm Xây dựng Bộ Chỉ số Năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam (VTCI) 2021;
- Hong, S. K., Kim, S. I., & Kim, J. H. (2003). Implications of potential green tourism development. Annals of tourism research, 30(2), 0-341.