Phát triển du lịch xanh ở Việt Nam
Du lịch xanh là loại hình du lịch dựa vào tự nhiên và văn hóa, có giáo dục môi trường, đóng góp cho nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững, có sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương. Phát triển du lịch xanh là chìa khóa để phát triển du lịch có trách nhiệm, đảm bảo du lịch bền vững. Trước bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra trên phạm vi toàn cầu, trong những năm gần đây, du lịch xanh đã và đang phát triển nhanh chóng ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Tiềm năng phát triển du lịch xanh và kết quả đạt được
Việt Nam có bờ biển dài 3.260 km, với 125 bãi tắm biển, trong đó hầu hết là các bãi tắm đẹp và thuận lợi cho khai thác du lịch. Bên cạnh đó, Việt Nam có 8 di sản vật thể và danh thắng được công nhận Di sản thế giới.
Việt Nam còn có cả kho tàng di sản văn hóa phi vật thể với 191 di sản thuộc cả 7 loại hình di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc sinh sống trên mọi miền đất nước được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Có thể thấy, tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa - nhân văn của Việt Nam rất phong phú, đa dạng, đó là điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch xanh. Mặt khác, Việt Nam là một quốc gia chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Do vậy, phát triển du lịch xanh là rất cần thiết nhằm góp phần phát triển một nền kinh tế xanh bền vững.
Nhận thức rõ được tiềm năng và vai trò của du lịch xanh, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017, khẳng định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó có phát triển du lịch bền vững; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; bảo vệ môi trường và thiên nhiên; giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm và an sinh xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Ngày 22/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 882/QĐ-TTg về Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030. Theo đó, đối với lĩnh vực du lịch, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì 2 nhóm nhiệm vụ là “Hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững” và Ưu tiên phát triển các loại hình du lịch theo hướng tăng trưởng xanh (du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp và nông thôn, du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo gắn với phát triển kinh tế biển xanh...
Trong số đó, nhóm nhiệm vụ “Hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững” có 2 nhiệm vụ cụ thể là: “Xây dựng, triển khai hiệu quả Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 gắn với kinh tế xanh, kinh tế biển xanh” và “Hoàn thiện thể chế, chính sách ưu tiên phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp và nông thôn, du lịch cộng đồng. Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá, triển khai hệ thống xếp hạng về tăng trưởng xanh cho các điểm đến du lịch, các cơ sở kinh doanh du lịch ở Việt Nam”. Đây là 2 nhiệm vụ thuộc nhóm A, có mức độ ưu tiên cao.
Nhóm nhiệm vụ “Ưu tiên phát triển các loại hình du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, phát triển sản phẩm du lịch xanh” cũng gồm 2 nội dung là: “Phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ các loại hình du lịch theo hướng tăng trưởng xanh chú trọng tính kết nối của kết cấu hạ tầng” và “Khuyến khích nhà đầu tư du lịch chú trọng đầu tư hệ thống thu gom, phân loại và tái chế nhằm tái sử dụng nước thải, rác thải cho các mục đích khác nhau.”
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cũng xác định: “Phát triển du lịch bền vững gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; bảo tồn, phát huy tối ưu các giá trị di sản văn hóa, lịch sử và tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt coi trọng bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu”. Chiến lược đã nêu một trong những giải pháp mang tính hỗ trợ là: “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý tài nguyên; kiểm soát, cảnh báo ô nhiễm và sự cố môi trường tại các khu, điểm du lịch và thực hiện các quy hoạch du lịch; Ứng dụng mô hình thương mại điện tử trong kinh doanh du lịch; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xúc tiến quảng cáo và xây dựng thương hiệu du lịch...
Đặc biệt, trong các nội dung liên quan đến “Tăng cường bảo vệ môi trường”, Chiến lược đã thể hiện rõ những việc cần làm là: “Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao năng lực, nhận thức, ý thức về bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch; Tăng cường xây dựng và triển khai thực hiện các đề án, nhiệm vụ bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch; Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch; tăng cường khả năng thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu; Nâng cao năng lực kiểm soát ô nhiễm môi trường; thực hiện đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường đối với các đề án,dự án phát triển du lịch theo quy định hiện hành...
Từ chiến lược, chính sách phát triển du lịch của Đảng và Nhà nước, có thể thấy, việc phát triển du lịch xanh được đặt ra như một nội dung chiến lược quan trọng của du lịch Việt Nam nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành Du lịch. Để cụ thể hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành chính sách và nhiều hoạt động liên quan đến du lịch xanh như: Ban hành Bộ tiêu chí “Nhãn du lịch bền vững Bông sen xanh”; tổ chức “Tuần văn hóa Du lịch Di sản xanh - Nơi gặp gỡ con người và thiên nhiên”…
Nhờ đó, thời gian qua, một số địa phương đã tiên phong trong phát triển du lịch xanh. Trong đó, các tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Quảng Bình, Nghệ An… phát triển du lịch cộng đồng; Huế phát triển du lịch nhà vườn; Nha Trang phát triển du lịch biển đảo; một số tỉnh Nam Bộ phát triển du lịch miệt vườn... Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện du lịch có trách nhiệm, hướng dẫn khách du lịch bảo vệ môi trường khi tham gia tour đi rừng, leo núi như tour thám hiểm hang động tại Phong Nha- Kẻ Bàng (Quảng Bình); xây dựng các sản phẩm du lịch làm sạch môi trường như tour vớt rác tại Hội An (Quảng Nam), Sơn Trà (Đà Nẵng)...
Khảo sát của Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam (TAB) cho thấy, xu hướng của khách du lịch Việt Nam quan tâm nhiều đến du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch khám phá thiên nhiên đứng ngay hàng thứ 2 và có hướng tăng lên nhiều so với lần khảo sát trước đây (từ 48% tăng lên 56%).
Những hạn chế, tồn tại
Bên cạnh những kết quả bước đầu, có thể khẳng định hiện nay hoạt động du lịch xanh chưa phát huy được hết tối đa tiềm năng và tồn tại những hạn chế nhất định. Cụ thể, phát triển du lịch chưa gắn với khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên, hiệu suất sử dụng tài nguyên thấp; Phát triển du lịch chưa tính đến biến đổi khí hậu… Đặc biệt, việc phát triển nóng ngành Du lịch đã gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường.
Tại nhiều khu, điểm du lịch xuất hiện các chất thải rắn, rác thải, nước thải chưa thu hồi, xử lý triệt để, việc phát triển du lịch làm gia tăng mức độ tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm không khí, nước, tiếng ồn, thay đổi cảnh quan thiên nhiên và thay đổi quân bình môi sinh đối với môi trường sống của sinh vật. Ngày càng có nhiều cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch xây dựng trên các đảo không theo quy hoạch, đã làm tăng nguy cơ xói mòn đường bờ biển, làm suy thoái hệ sinh thái biển đảo.
Nước thải chưa qua xử lý từ các cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch xả trực tiếp vào môi trường, làm tăng mức độ hữu cơ nước biển ven bờ. Sự xung đột về lợi ích kinh tế giữa các chủ thể kinh tế và các ngành, tầm nhìn ngắn hạn và hạn chế về công nghệ dẫn tới một số tài nguyên du lịch bị tàn phá, sử dụng sai mục đích; những tệ nạn xã hội, văn hóa ngoại lai và những hạn chế trong nhận thức về bảo vệ môi trường đã làm giảm hiệu quả kinh tế do du lịch mang lại, làm môi trường xuống cấp, gây ảnh hưởng xấu tới hình ảnh và sự phát triển bền vững của du lịch Việt Nam.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do ngành Du lịch chưa xây dựng, ban hành các hướng dẫn đầy đủ về tiêu chí, điều kiện, đánh giá tác động môi trường và hệ thống kiểm soát, quản lý các vấn đề về môi trường liên quan đến các hoạt động du lịch, nhất là với các cơ sở kinh doanh du lịch, gây lúng túng khi áp dụng trong thực tiễn; Chưa có nghiên cứu đánh giá một cách toàn diện và hệ thống về môi trường du lịch Việt Nam làm căn cứ đề ra các giải pháp khai thác hợp lý tài nguyên, đảm bảo môi trường cho phát triển du lịch bền vững.
Về phía doanh nghiệp, vì mục đích kinh tế, với mục tiêu kinh doanh ngắn hạn là nhằm giảm chi phí và tăng thu, tăng lợi nhuận, nhiều công ty du lịch thay vì phải tiến hành điều tra khảo sát xây dựng chương trình tour, đánh giá cung - cầu... để xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp với xu thế hướng tới du lịch xanh, thì đã tiến hành việc “sao chép” sản phẩm du lịch của các công ty khác mà chưa thực sự chú ý đến bảo vệ môi trường và sự phát triển lâu dài, bền vững.
Về phía khách du lịch, nhận thức về tiêu dùng xanh của khách du lịch còn kém. Khách du lịch là lực lượng chính hỗ trợ ngành Du lịch và hành vi tiêu dùng của họ có tác động đến toàn bộ quá trình du lịch. Tuy nhiên, do khái niệm tiêu dùng xanh, du lịch xanh vẫn còn mơ hồ, tính thuyết phục chưa cao, nên một số khách du lịch vẫn chưa ý thức được, vì vậy họ vẫn có những hành vi ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của du lịch xanh.
Giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch xanh
Với thực trạng nêu trên, để đẩy mạnh phát triển du lịch xanh, các giải pháp cần tập trung thực hiện gồm:
Một là, chú trọng tới hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, quy định quản lý về phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh; ban hành các văn bản pháp quy cụ thể và hướng dẫn triển khai thực hiện phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh ở cả cấp trung ương và địa phương.
Sớm nghiên cứu, xây dựng và ban hành các mô hình, quy chuẩn, tiêu chuẩn, tiêu chí về phát triển du lịch theo hướng này phải áp dụng trên phạm vi cấp ngành, vùng, địa phương và cho từng khu, điểm du lịch cụ thể…
Hai là, giáo dục, phố biến chính sách phát triển du lịch xanh. Cụ thể là: (i) Tuyên truyền nâng cao nhận thức về du lịch xanh cho tất cả các thành phần tham gia vào hoạt động du lịch, chẳng hạn như: các nhà quản lý các cấp, các nhà quản trị doanh nghiệp, cộng đồng làm du lịch và du khách. Đồng thời, nâng cao nhận thức nhà quản lý về du lịch, doanh nghiệp và cộng đồng về tăng trưởng xanh, kinh tế xanh; phát triển xanh trong phát triển cơ sở vật chất, kỹ thuật du lịch, cũng như các dịch vụ du lịch ứng dụng năng lượng xanh, giao thông xanh, tiêu dùng xanh; (ii) Nâng cao vai trò nhận thức bảo vệ môi trường du lịch; (iii) Liên kết với các đơn vị truyền thông chuyên nghiệp về lĩnh vực du lịch để đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền bảo vệ môi trường, phát triển du lịch xanh cho cộng đồng làm du lịch và du khách.
Các cấp chính quyền địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và mỗi người dân cùng chung tay, tạo dựng môi trường xanh cho sự phát triển bền vững của ngành Du lịch bằng những hành động thật thiết thực, xuất phát từ những hành vi nhỏ nhất, nhưng có trách nhiệm lớn nhất đối với cộng đồng và xã hội.
Ba là, tiếp tục mở rộng, phát triển các ý tưởng và tham gia tích cực vào các hoạt động của Công ước quốc tế về bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, xây dựng nền kinh tế xanh. Phối hợp với UNESCO để làm tốt hơn công tác bảo tồn, phát huy, quảng bá nền văn hóa Việt Nam ra thế giới. Tiếp cận nhanh những kiến thức xanh và công nghệ sạch của cộng đồng khoa học thế giới, của các nước có nền du lịch xanh phát triển, từ đó vận dụng vào phát triển du lịch xanh Việt Nam. Ứng dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 vào việc quản lý phát triển du lịch xanh, chú ý.
Bốn là, nâng cao chất lượng các sản phẩm và dịch vụ du lịch.
Theo đó, hệ thống sản phẩm chất lượng, đặc sắc, đa dạng và đồng bộ, có giá trị tăng cao cần được xây dựng, bảo đảm đáp ứng nhu cầu của du khách; phát triển sản phẩm du lịch xanh, tôn trọng yếu tố tự nhiên và văn hoá địa phương. Quy hoạch, đầu tư phát triển sản phẩm du lịch dựa vào thế mạnh nổi trội và hấp dẫn về tài nguyên du lịch; tập trung ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch biển, đảo, du lịch văn hoá và sinh thái; từng bước hình thành hệ thống khu, tuyến, điểm du lịch của quốc gia, của địa phương và các đô thị du lịch. Phát huy thế mạnh và tăng cường liên kết giữa các vùng, miền, địa phương hướng tới hình thành sản phẩm du lịch đặc trưng theo các vùng du lịch phù hợp với các điều kiện tự nhiên cũng như nguồn lực của các địa phương.
Tài liệu tham khảo:
- Bộ Chính trị (2017), Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn;
- Nguyễn Văn Đính (2021), Phát triển du lịch xanh Việt Nam, Tạp chí Môi trường số 1/2021;
- Hội đồng Tư vấn Du lịch (2022), Kết quả dự án thí điểm Xây dựng Bộ Chỉ số Năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam (VTCI) 2021.