Xuất khẩu cá tra hướng tới mục tiêu 2 tỷ USD


Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu thủy sản của cả nước tháng 1/2024 đạt 730 triệu USD, tăng 60,8% so với cùng kỳ năm 2023. Các mặt hàng chủ lực đều có bứt phá đáng kể, trong đó cá tra tăng mạnh nhất với mức tăng 97% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 165 triệu USD.

Chế biến cá tra tại Công ty CP Đầu tư và Phát triển đa quốc gia (tỉnh Đồng Tháp). Ảnh: Lê Hoàng Vũ
Chế biến cá tra tại Công ty CP Đầu tư và Phát triển đa quốc gia (tỉnh Đồng Tháp). Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Giám đốc truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Lê Hằng cho biết: Đối với ngành cá tra, sản xuất và thị trường đang có dấu hiệu khả quan hơn. Đơn hàng trong tháng 1 và tháng 2/2024 bắt đầu khởi sắc, giá cá tra nguyên liệu đã thoát đáy, tăng từ 25-26.000 đồng/kg năm 2023 lên 28-29.000 đồng/kg đầu năm 2024. Tuy nhiên, khách hàng nhập khẩu vẫn thận trọng với giá mua. Do vậy, xuất khẩu cá tra năm nay dự báo sẽ tăng nhẹ so với năm 2023, có thể đạt được 2 tỷ USD, tăng hơn 10% so với 1,8 tỷ USD năm 2023.

Cơ sở cho sự tăng trưởng này là nhu cầu tiêu dùng ở một số quốc gia nhập khẩu chính cá tra của Việt Nam đang có chiều hướng tăng. Năm 2024, Trung Quốc được kỳ vọng sẽ là khu vực tăng trưởng cao về tiêu thụ cá tra khi ngay từ thời điểm cuối năm 2023, các doanh nghiệp Trung Quốc đã tích trữ hàng để cung cấp cho nhu cầu khổng lồ của các khách sạn, nhà hàng, và ngành dịch vụ, du lịch. Năm 2023, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu nhiều cá tra nhất từ Việt Nam. Thống kê cũng cho thấy, tổng quan về nhập khẩu thủy sản chung của Trung Quốc từ Việt Nam tháng 1/2024 tăng gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2023.

Trong khi đó, tại thị trường Mỹ, thực trạng hàng tồn kho chờ tiêu thụ từng là nguyên nhân lớn nhất khiến nhập khẩu cá tra của Mỹ sụt giảm mạnh trong năm 2023, thì giờ đây đã không còn là vấn đề chi phối. Giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Mỹ đang từng bước khả quan hơn, thu hẹp khoảng cách sụt giảm và tăng trưởng nhẹ vào tháng cuối cùng của năm 2023. Cụ thể, tháng 12/2023, xuất khẩu cá tra sang Mỹ lần đầu ghi nhận tăng trưởng dương 21% so với cùng kỳ năm 2022, sau 11 tháng sụt giảm liên tiếp.

Tuy nhiên, theo ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký VASEP, để xuất khẩu cá tra tăng trưởng như kỳ vọng trong năm 2024, các doanh nghiệp cần khai thác đa dạng thị trường và sản phẩm tiêu dùng. Mặc dù thị phần cá tra giảm ở một số thị trường lớn, nhưng xuất khẩu cá tra sang các thị trường nhỏ hơn như Mexico, Canada, Brazil và Anh đều có tín hiệu tốt. Trong đó, Brazil là một trong số ít các thị trường đạt tăng trưởng dương về nhập khẩu cá tra từ Việt Nam năm 2023. Quý IV/2023, Brazil nhập khẩu gần 42 triệu USD cá tra Việt Nam, tăng 78% so với cùng kỳ năm 2022. Đáng chú ý, tháng 12/2023, xuất khẩu cá tra sang Brazil tăng trưởng 3 con số, gấp đôi so với tháng 12/2022.

Theo số liệu của Trung tâm Thương mại Thế giới (ITC), Việt Nam vẫn là nhà cung cấp cá thịt trắng số 1 cho Brazil. Năm 2024, dự báo nhu cầu tiêu thụ cá tra tại Brazil vẫn tiếp tục tăng, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển thêm các sản phẩm giá trị gia tăng thay vì chỉ xuất khẩu mặt hàng phile cá tra đông lạnh sang thị trường này.

Một trong những thị trường được khuyến cáo nên chú trọng sản phẩm có giá cạnh tranh để tăng kim ngạch xuất khẩu trong năm 2024 là thị trường Đức. Theo VASEP, năm 2023, Đức tiêu thụ 38 triệu USD cá tra Việt Nam, tăng 31% so với năm 2022. Đức chủ yếu nhập khẩu các sản phẩm phile đông lạnh với giá trị gần 37 triệu USD, tăng 34% so với năm 2022, chiếm 97% tỷ trọng. Việt Nam hiện là nguồn cung cá thịt trắng thứ 6 (chủ yếu là cá tra) cho Đức, sau Trung Quốc, Nga, Na Uy, Mỹ, Ba Lan. Theo dự báo, kinh tế Đức có dấu hiệu khôi phục trong năm 2024 nhưng người dân vẫn chưa mạnh dạn mua sắm.

Do đó, các chuỗi phân phối thực phẩm quan tâm nhiều hơn đến mức độ cạnh tranh về giá nhập khẩu, trong đó có giá cá tra. Ngoài ra, trong nhập khẩu, Đức cũng sẽ chú trọng nhiều hơn đến các quy định liên quan đến kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững và phát triển xanh, sạch. Vì vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang Đức cần chú trọng vào sản phẩm có giá cạnh tranh, bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo đó, các doanh nghiệp cần đổi mới quy trình sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, tập trung chế biến sâu, trong đó lưu ý tận dụng phụ phẩm chế biến để tạo ra sản phẩm mới, giá trị mới nhằm thúc đẩy thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Theo nhandan.vn