Phát triển khoa học, công nghệ từ doanh nghiệp

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Nhiều nước, doanh nghiệp được coi là động lực chính để phát triển. Nhưng lâu nay, doanh nghiệp nước ta chưa thực sự chú ý đến khoa học, công nghệ mà chủ yếu quan tâm đến các hình thức kinh doanh thu lợi nhanh nhất, cao nhất. Vì vậy nhiều doanh nghiệp phải phá sản, tạm dừng hoạt động

Nhiều nước, doanh nghiệp được coi là động lực chính để phát triển. Nguồn: internet
Nhiều nước, doanh nghiệp được coi là động lực chính để phát triển. Nguồn: internet

Một điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) từng chỉ ra là hiện có đến 80% máy móc của doanh nghiệp vừa và nhỏ được sản xuất từ năm 1990. Điều tra của Viện Quản lý kinh tế Trung ương cũng cho thấy, 97% doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc nâng cấp công nghệ; 42% số doanh nghiệp cho biết chỉ có thể đầu tư công nghệ mới so với chính họ (mới hơn công nghệ cũ đã dùng); 55% doanh nghiệp có công nghệ mới so với thị trường và chỉ có 3% doanh nghiệp có công nghệ mới của thế giới. Trong khi đó, 2 yếu tố chính quyết định đến tăng trưởng là nguồn lực (gồm vốn, nhân lực, quản trị…) và công nghệ của doanh nghiệp.

Việc thiếu động lực tăng trưởng quan trọng này là một nguyên nhân khiến số lượng doanh nghiệp phá sản, tạm dừng hoạt động tăng nhanh, thậm chí một số doanh nghiệp có quy mô khá sau thời gian cầm cự cũng phải buông tay. Thực tế, dù chưa có số liệu cụ thể về từng loại  doanh nghiệp ở nước ta, nhưng không khó gặp những doanh nghiệp được hình thành chủ yếu bằng nguồn vốn vay mượn, tranh thủ kinh doanh các lĩnh vực mang lại nguồn lợi nhanh như bất động sản, giao dịch vàng, bán hàng... Các đơn vị chưa tự chủ được nguồn vốn kinh doanh, nên khi kinh tế khó khăn, lãi suất ngân hàng cao, họ không thể trụ vững được.

Chính sách cho doanh nghiệp khoa học đã được Nhà nước chú trọng ban hành từ nhiều năm trước. Trong đó, Nghị định 80 của Chính phủ có hiệu lực từ năm 2007 quy định, doanh nghiệp khoa học công nghệ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm đầu và giảm 50% trong chín năm tiếp theo, ngoài ra còn được ưu tiên sử dụng các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia; miễn phí tư vấn, đào tạo từ các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp của Nhà nước; miễn lệ phí trước bạ khi đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà; ưu tiên cho thuê đất, cơ sở hạ tầng với mức giá thấp nhất... Các luật vừa được QH ban hành trong thời gian qua cũng có nhiều quy định ưu đãi cho việc ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ.

Vậy, vì sao doanh nghiệp vẫn khó khăn cập nhật công nghệ? Các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp khoa học, công nghệ khá rộng nhưng đến nay mới có hơn 130 doanh nghiệp được công nhận. Bài học từ nhiều quốc gia phát triển cho thấy, tăng số lượng doanh nghiệp khoa học, công nghệ không là mục tiêu duy nhất, mà quan trọng phải tạo điều kiện để các đơn vị này có thể ứng dụng những kết quả nghiên cứu, sáng tạo từ viện nghiên cứu. Nhà nước sẽ đứng ra để liên kết viện nghiên cứu và doanh nghiệp, nhằm chuyển những ý tưởng sáng tạo, công trình nghiên cứu thành sản phẩm có giá trị thương mại, khả năng cạnh tranh cao. Các quốc gia tiên tiến lựa chọn mô hình này vì doanh nghiệp chủ động nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ là tốt, nhưng đòi hỏi kinh phí lớn nên sẽ chỉ thích hợp với nơi có tiềm lực tài chính mạnh. Vì thế, việc hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng kết quả nghiên cứu, sáng tạo sẽ không chỉ giúp họ nâng cao sức cạnh tranh, mà còn tạo động lực để phát triển các viện nghiên cứu.

Mới đây, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia đã được ra mắt, với số vốn hoạt động ban đầu 1.000 tỷ đồng. Nguồn lực tài chính của Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia chưa lớn, nhưng rất có ý nghĩa, vì sẽ thúc đẩy đổi mới công nghệ của đất nước thông qua hỗ trợ các tổ chức, trọng tâm là các doanh nghiệp. Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Nguyễn Quân cho biết, Quỹ sẽ tập trung đầu tư cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây là hướng hoàn toàn đúng, vì điều kiện tiếp cận vốn của các doanh nghiệp này hạn chế hơn đơn vị có quy mô lớn.

Lấy đổi mới công nghệ ở doanh nghiệp làm trọng tâm là tư duy rất mới. Tuy nhiên, để nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, nhập khẩu công nghệ, thuê chuyên gia nước ngoài phục vụ đổi mới công nghệ, bảo lãnh vốn vay... có hiệu quả, cơ quan vận hành quỹ nên có cơ chế định hướng, hỗ trợ các đơn vị lựa chọn công nghệ. Thực tế, các công nghệ mà doanh nghiệp trong nước áp dụng vẫn chủ yếu sử dụng sức người (80% số doanh nghiệp đang sử dụng máy, thiết bị do con người vận hành, chỉ có 8% doanh nghiệp sử dụng dây chuyền sản xuất, thiết bị được điều khiển và vận hành bằng máy). Đa phần các doanh nghiệp hiện có tâm lý nâng cấp công nghệ chỉ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm đang sản xuất, ít vì mục tiêu mở rộng sản xuất, nâng cao năng suất lao động. Những hạn chế này nếu không sớm được khắc phục, nguồn vốn sẽ chỉ có tác dụng ngắn hạn, không có giá trị thay đổi trong dài hạn.