Phát triển khu công nghiệp sinh thái tại TP. Hồ Chí Minh

ThS. Đặng Quốc Toàn - NCS Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh

TP. Hồ Chí Minh là địa phương phát triển công nghiệp từ khá sớm, có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất hoạt động, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của ngành Công nghiệp trên cả nước. Tuy nhiên, ngành Công nghiệp của TP. Hồ Chí Minh đang có dấu hiệu phát triển chậm lại; vấn đề ô nhiễm môi trường và cạn kiệt tài nguyên đến từ các khu công nghiệp cũng là mối lo ngại đặt ra. Vì vậy, phát triển mô hình khu công nghiệp sinh thái đang là xu hướng tất yếu. Bài viết này phản ánh thực trạng phát triển khu công nghiệp sinh thái của TP. Hồ Chí Minh trong bối cảnh hiện nay và đề xuất các giải pháp nhằm phát triển trong thời gian tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thực trạng phát triển khu công nghiệp sinh thái ở TP. Hồ Chí Minh

Hiện nay, TP. Hồ Chí Minh có 19 khu công nghiệp - khu chế xuất (KCN, KCX) đã thành lập và đi vào hoạt động với tổng diện tích 4.546,14 ha. Tính đến ngày 31/12/2022, các KCN, KCX đã thu hút được 1.681 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 12,42 tỷ USD. Trong đó vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng 55%; bình quân hàng năm các KCN, KCX thu hút hơn 260 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài, chiếm tỷ trọng 58% vốn đầu tư nước ngoài của Thành phố trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp.

Giá trị xuất khẩu trung bình hàng năm của KCN, KCX đạt 7 tỷ USD, chiếm trên 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của Thành phố; trung bình hàng năm nộp ngân sách nhà nước hơn 22.000 tỷ đồng, chiếm 6% thu ngân sách Thành phố (không kể dầu thô). Các KCN, KCX đã giải quyết việc làm cho hơn 281.000 lao động, chiếm 6% lực lượng lao động của Thành phố, trong đó tính riêng lao động trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng là 18% (Uỷ ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh, 2023).

Nhìn chung, các KCN, KCX tại TP. Hồ Chí Minh đã đáp ứng yêu cầu đặt ra về mục tiêu thu hút vốn đầu tư, phát triển sản xuất công nghiệp, giải quyết việc làm, du nhập kỹ thuật và kinh nghiệm quản lý tiên tiến, nâng cao giá trị xuất khẩu, từng bước tham gia vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội của Thành phố phát triển thành khu đô thị - công nghiệp phát triển.

Tuy nhiên, các KCN ở TP. Hồ Chí Minh hiện hoạt động theo mô hình công nghiệp cũ, không thể phát huy thêm giá trị bởi chủ yếu thu hút đầu tư mang tính đại trà đa ngành, trong đó, cộng đồng doanh nghiệp hầu như không có những mắt xích liên kết với nhau về kinh tế. Cùng với đó, tình trạng ô nhiễm môi trường ở các KCN đã đến hồi báo động đỏ, đang tạo thêm bất lợi, hạn chế trong thu hút đầu tư.

Tính đến nay, tuy TP. Hồ Chí Minh chưa có KCN sinh thái, nhưng đây là mô hình tương lai mà các KCN, KCX của Thành phố phải từng bước chuyển đổi theo hướng cộng sinh sinh thái. TP. Hồ Chí Minh đóng vai trò là địa phương đầu tàu trong quá trình phát triển công nghiệp ở Việt Nam từ những năm 1980 và luôn đón nhận những thành tích vượt trội so với cả nước.

Do đó, nếu các KCN của Việt Nam đang ở giai đoạn chuyển dần từ việc sản xuất tận dụng các yếu tố đầu vào (vốn, lao động, tài nguyên) về mặt số lượng sang giai đoạn sử dụng hiệu quả các yếu tố đầu vào, thì các KCN ở TP. Hồ Chí Minh đã chuyển sang giai đoạn đạt ngưỡng hiệu quả do yếu tố đầu vào vì thu nhập bình quân đầu người tại TP. Hồ Chí Minh gấp đôi với mức trung bình của cả nước, đạt 5.000-6.000 USD/người.

Vai trò động lực góp phần tăng trưởng từ yếu tố đầu vào và hiệu quả của TP. Hồ Chí Minh chiếm 90%, trong đó yếu tố đổi mới sáng tạo góp phần tăng trưởng địa phương đạt 10%. Nói cách khác, TP. Hồ Chí Minh đã bước sang giai đoạn hậu công nghiệp, là giai đoạn hiệu quả các yếu tố đầu vào và bước đầu chuyển tiếp sang giai đoạn đổi mới sáng tạo. Đây sẽ là giai đoạn thách thức cho các doanh nghiệp trong các KCN của TP. Hồ Chí Minh nếu không đổi mới công nghệ, cũng như các KCN không đầu tư phát triển các yếu tố bền vững về cơ sở hạ tầng xã hội trong KCN. Hệ quả có thể là giai đoạn này sẽ chuyển đổi chậm và thời gian hậu công nghiệp kéo dài, dẫn đến sự kém hiệu quả cho bản thân doanh nghiệp và các nhà đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là không tạo ra động lực tăng trưởng mới cho TP. Hồ Chí Minh từ công nghiệp trong 10 - 20 năm tới.

Bên cạnh đó, các tập đoàn lớn khi dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc tới các quốc gia khác Đông Nam Á như Việt Nam thì họ luôn chú trọng đến yếu tố KCN bền vững, trong đó mô hình KCN sinh thái mang tính tiêu biểu và xu hướng trong 10 năm tới cũng như các năm sau nữa. Đồng thời, với vị thế siêu đô thị như TP. Hồ Chí Minh, đất đai là tài nguyên khan hiếm, muốn duy trì yếu tố công nghiệp trong TP. Hồ Chí Minh thì mô hình KCN sinh thái trong 10-20 năm tới phải là mô hình kiểu mẫu.

Tuy nhiên, trong giai đoạn đổi mới sáng tạo để chuyển đổi các KCN theo hướng KCN sinh thái, TP. Hồ Chí Minh đang gặp một số rào cản như sau:

Thứ nhất, các KCN chủ yếu phát triển theo hướng đa lĩnh vực, liên kết, hợp tác trong KCN, KCX còn thấp. Đây chính là rào cản lớn để chuyển đổi các KCN ở TP. Hồ Chí Minh sang KCN sinh thái. Giữa các doanh nghiệp trong KCN thiếu sự kết nối, chia sẻ để khai thác hiệu quả các nguồn lực, như: tận dụng nguồn nguyên vật liệu và thị trường tiêu thụ tại chỗ còn hạn chế, vì vậy chưa xây dựng được hệ sinh thái công nghiệp.

Chuỗi liên kết về nguyên vật liệu giữa các doanh nghiệp trong cùng một KCN, KCX còn hạn chế, chỉ có 4,8% nguồn nguyên liệu của các doanh nghiệp trong KCN, KCX ở TP. Hồ Chí Minh là được sử dụng từ nội bộ các doanh nghiệp trong KCN, KCX. Mức độ đáp ứng về dịch vụ hỗ trợ sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp trong KCN, KCX chỉ dưới 10%. Doanh nghiệp chủ yếu phải sử dụng các dịch vụ hỗ trợ từ doanh nghiệp ở các KCN, KCX khác trong TP. Hồ Chí Minh và ngoài TP. Hồ Chí Minh.

Thị trường tiêu thụ của doanh nghiệp trong nội bộ KCN, KCX chỉ chiếm 4,3% còn lại là khách ngoài KCN, KCX hiện tại, khách hàng ngoài TP. Hồ Chí Minh, và khách hàng quốc tế (xuất khẩu). Điều này khẳng định thêm mức độ liên kết yếu giữa các doanh nghiệp trong KCN, KCX về khía cạnh đầu ra. Hệ quả là chi phí vận chuyển lớn, những khó khăn trong vận chuyển và xây dựng hệ thống phân phối, và vấn đề tìm kiếm khách hàng. (UBND TP. Hồ Chí Minh, 2023).

Thứ hai, về bảo vệ môi trường, qua phân tích 5 chỉ báo về bảo vệ môi trường đáp ứng yêu cầu sản xuất sạch của các KCN, KCX hiện hữu cho thấy đạt mức chung là 69,2% (mức khá). Trong đó, 2 chỉ báo khá và tốt là: xử lý nước thải tập trung và đấu nối thoát nước; có 2 chỉ báo đạt mức trung bình và trung bình khá là: đấu nối thoát nước tại các KCN, KCX; mức độ ảnh hưởng ô nhiễm môi trường đến khu dân cư xung quanh (khí thải, tiếng ồn, độ rung…) và giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu (hồ sự cố, giải quyết chống ngập, giải pháp kỹ thuật khác…); có một chỉ báo ở mức độ yếu là: thu gom, quản lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải công nghiệp. (UBND TP. Hồ Chí Minh, 2023).

Thứ ba, hạ tầng phục vụ KCN còn thiếu đồng bộ. Một số KCN được thành lập giai đoạn đầu thiếu các công trình hạ tầng xã hội phục vụ công nhân, do KCN không quy hoạch đủ đất dành cho các dự án dịch vụ, hạ tầng phúc lợi xã hội. Một số vị trí trong KCN, KCX được quy hoạch làm công viên cây xanh, nhưng thực tế là không thể thực hiện được vì công tác giải phóng mặt bằng gặp khó khăn. Đây là một trong những hạn chế lớn cho tiếp cận chuyển đổi các KCN hiện hữu theo tiếp cận định hướng KCN sinh thái trong thời gian tới.

Hệ thống giao thông kết nối đến KCN, KCX mặc dù có cải thiện nhưng chưa được quy hoạch và đầu tư xây dựng đồng bộ với sự phát triển của KCN, KCX. Các hạn chế về sự kết nối KCN, KCX do mạng lưới giao thông chưa phát triển tương xứng với quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa của TP. Hồ Chí Minh đã gây ảnh hưởng đến hiệu quả về chi phí vận chuyển và giá thành của các doanh nghiệp trong KCN, và dần dần trở nên mất lợi thế so với các tỉnh khác thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Thứ tư, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu chuyển dịch cơ cấu đầu tư. Hiện nay tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên qua đào tạo ở TP. Hồ Chí Minh chiếm 35,6%, cao hơn so với mức 26,4% chung của cả nước, nhưng lại thấp hơn so với TP. Hà Nội (chiếm 50,3%) và TP. Đà Nẵng (48,5%) (Tổng cục Thống kê, 2023). Điều này khiến TP. Hồ Chí Minh mất đi lợi thế cạnh tranh so với các địa phương này về nguồn nhân lực chất lượng cao. Đổi mới công nghệ và áp dụng các công nghệ mới là chìa khóa trong quá trình chuyển đổi sang KCN sinh thái, và cùng với đó đòi hỏi phải có nguồn nhân lực chất lượng cao để áp dụng các công nghệ mới.

Một số khuyến nghị

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra nhiệm vụ: “Phát triển công nghiệp có hàm lượng khoa học - công nghệ dựa trên nền tảng công nghiệp công nghệ cao và kinh tế số; đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ và tiếp tục phát triển bốn ngành công nghiệp trọng yếu (bao gồm chế biến lương thực, thực phẩm; hóa chất - cao su - nhựa; cơ khí; điện tử)”.

Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định, TP. Hồ Chí Minh phải cơ cấu lại tổng thể kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên nền tảng kinh tế tri thức, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và năng suất lao động cao.

Quy hoạch, chuyển đổi mô hình các khu công nghệ cao, KCN, KCX theo hướng phát triển công nghệ cao, sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; lựa chọn các sản phẩm và công đoạn có giá trị gia tăng cao tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra của Trung ương, Đảng bộ Thành phố và với thực tiễn phát triển các KCN ở TP. Hồ Chí Minh hiện nay, việc chuyển đổi, phát triển KCN sinh thái là xu hướng tất yếu và cần quan tâm thực hiện một số khuyến nghị sau:

Một là, nâng cao nhận thức và kỹ năng để thực hiện các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn. Một hệ sinh thái công nghiệp lý tưởng có thể không bao giờ đạt được trong thực tế, nên tư tưởng ngại thay đổi từ KCN hiện hữu sang KCN sinh thái còn tồn tại khá phổ biến ở các doanh nghiệp. Do đó, cả người sản xuất và người tiêu dùng cần phải thay đổi thói quen, thay đổi nhận thức về khả năng tiếp cận các giải pháp hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn trong một hệ sinh thái công nghiệp khép kín để mức sống, môi trường sống ngày càng được cải thiện, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp được cải thiện. Trong các doanh nghiệp cần có nhà quản lý chuyên nghiệp hoặc nhân viên kỹ thuật trong áp dụng các giải pháp hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn.

Hai là, xây dựng mối quan hệ hợp tác, liên kết trong quy trình sản xuất dựa trên tinh thần tự nguyện, vừa đảm bảo lợi ích chung cho xã hội, vừa đảm bảo lợi ích kinh tế cho bản thân các doanh nghiệp.

Ba là, chính quyền Thành phố đóng vai trò vô cùng quan trọng trong tiến trình nâng cấp các KCN thành KCN sinh thái thân thiện với môi trường. Với chức năng là bà đỡ, chính quyền cần có các chính sách, chủ trương và giải pháp cụ thể để hỗ trợ, khuyến khích hình thành các KCN sinh thái như: miễn giảm phí thuê đất, hỗ trợ tài chính, đào tạo nhân lực, xây dựng thể chế, thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng…

Bốn là, nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng ứng dụng, nghiên cứu và triển khai các giải pháp công nghệ, quản lý cho sự phát triển KCN sinh thái là nhân tố có tính nền tảng để đảm bảo quá trình chuyển đổi KCN và phát triển KCN sinh thái thành công. Chính vì vậy, chiến lược đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chiến lược phát triển khoa học – công nghệ cần gắn với thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển các ngành công nghiệp thâm dụng công nghệ, ngành công nghiệp mới và chuyển đổi, phát triển các KCN sinh thái của Thành phố.

Tài liệu tham khảo:

  1. Bộ Chính trị (2022), Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30/12/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;
  2. Uỷ ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh (2023), Đề án Định hướng phát triển các khu chế xuất, KCN TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2023 – 2030 và tầm nhìn đến năm 2045;
  3. Tổng cục Thống kê (2023), Niên giám thống kê năm 2022, truy cập từ https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2023/06/nien-giam-thong-ke-2022/;
  4. Baily, M. N., & Montalbano, N. (2018), Clusters and innovation districts: Lessons from the United States experience, Economic Studies at Brookings Institutions;
  5. Chertow, M., & Ehrenfeld, J. (2001), Industrial symbiosis: The legacy of Kalundborg. Handbook of Industrial Ecology, 334-350.
  6. Veleva, V., Todorova, S., Lowitt, P., Angus, N., & Neely, D. (2015),Understanding and addressing business needs and sustainability challenges: lessons from Devens eco-industrial park, Journal of cleaner production, 87, 375-384.
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 7/2023