Phát triển kinh tế hợp tác xã Việt Nam trong bối cảnh mới

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 11/2019

Hợp tác xã là một thành phần kinh tế quan trọng, là nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Phát triển kinh tế tập thể đã trở thành chủ trương xuyên suốt và nhất quán của Đảng, Nhà nước. Xác định rõ vai trò và tầm quan trọng đó, Nhà nước đã có nhiều chính sách, tạo động lực thúc đẩy hợp tác xã phát triển và bước đầu đã mang lại kết quả tích cực đối với phát triển kinh tế - xã hội, tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng, đòi hỏi kinh tế hợp tác xã ở nước ta cần đổi mới mạnh mẽ để thích ứng và phát triển…

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với kinh tế hợp tác xã

Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/03/2002, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT) khẳng định rõ vai trò, vị trí quan trọng nòng cốt của kinh tế hợp tác xã (HTX) trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nghị quyết số 13-NQ/TW đặt ra mục tiêu là sớm đưa KTTT nói chung và kinh tế HTX thoát khỏi yếu kém, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn, tiến tới có tỷ trọng ngày càng lớn hơn trong nền kinh tế quốc dân. 

Sau hơn 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, hàng loạt cơ chế, chính sách đối với kinh tế HTX đã được ban hành, tạo động lực cho HTX phát triển, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Các tỉnh, thành, địa phương đã xây dựng, ban hành Nghị quyết của Ban Thường vụ tỉnh, thành ủy; Hội đồng nhân dân, UBND cấp tỉnh, huyện đều có các Chương trình, kế hoạch, văn bản hướng dẫn triển khai; các sở, ngành, huyện uỷ, thành ủy, UBND các huyện, thành phố thuộc một số tỉnh, thành phố đã đề ra chương trình hành động, kế hoạch triển khai cụ thể. Qua đó, tạo sự chuyển biến tích cực và thống nhất trong nhận thức về quan điểm phát triển KTTT và bản chất HTX.

Nhận thức các quan điểm phát triển KTTT của các cấp ủy đảng, chính quyền đã có sự chuyển biến tích cực. Nhận thức của nhân dân về mô hình HTX kiểu mới được nâng cao, từ chỗ chưa nhận thức đầy đủ, thống nhất đã từng bước hiểu rõ bản chất HTX kiểu mới, gắn với lợi ích của từng thành viên, thấy được vai trò, vị trí, tính tất yếu khách quan của KTTT, HTX trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Vị trí, vai trò của HTX đối với phát triển kinh tế hộ thành viên, kinh tế địa phương nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung dần được khẳng định.

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 13-NQ/TW dần được hoàn thiện. Nhiều văn bản hướng dẫn và bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù được các cấp, các ngành quan tâm xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện. Luật Hợp tác xã năm 2003 và năm 2012 được Quốc hội thông qua đã tạo hành lang pháp lý đầy đủ, chặt chẽ, khuyến khích và thúc đẩy sự phát triển của khu vực HTX, Liên hiệp HTX. Luật HTX năm 2012 đã thể hiện tư duy mới về mô hình HTX kiểu mới với hạt nhân là “hợp tác”, góp phần hoàn thiện quan hệ sản xuất, phù hợp với cơ chế thị trường, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Theo đó, các quy định của Luật phù hợp với điều kiện phát triển HTX tại Việt Nam (số lượng thành viên tối thiểu, số vốn góp tối thiểu, tỷ lệ dịch vụ phục vụ thành viên, điều kiện gia nhập và duy trì tư cách thành viên…) và tương đồng với quy định về HTX của Liên minh HTX quốc tế.

Để triển khai Luật HTX, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành 63 Nghị định; Thủ tướng Chính phủ ban hành 42 Quyết định và 07 Chỉ thị; các bộ, ngành trung ương ban hành 89 Thông tư, 43 quyết định, 07 chỉ thị và nhiều văn bản hướng dẫn có liên quan; 893 văn bản cấp địa phương do tỉnh ủy, thành ủy, HĐND, UBND các cấp ban hành. Đến nay, có 53/63 tỉnh, thành phố ban hành Nghị quyết, Kết luận, Chỉ thị của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, toàn bộ 63/63 tỉnh, thành phố có Quyết định, Chỉ thị về triển khai thi hành Luật Hợp tác xã 2012.

Tại 61/63 tỉnh có Kế hoạch, chương trình, đề án nhằm phát triển KTTT, HTX và 42/63 tỉnh, thành phố có chính sách hỗ trợ phát triển KTTT theo đặc thù của địa phương. Đặc biệt, Luật HTX năm 2012 đã đưa ra 6 chính sách hỗ trợ đối HTX, Liên hiệp HTX: Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; Xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; Ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới; Tiếp cận vốn và quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã; Tạo điều kiện tham gia các chương trình mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế - xã hội; Thành lập mới hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Cùng với đó là 02 chính sách ưu đãi: Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp và các loại thuế khác theo quy định của pháp luật về thuế; Ưu đãi lệ phí đăng ký hợp tác xã, liên hiệp HTX theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.

Riêng đối với HTX, liên hiệp HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp, ngoài việc được hưởng chính sách hỗ trợ, ưu đãi quy định nêu trên, còn được hưởng 5 chính sách hỗ trợ, ưu đãi khác (Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; Giao đất, cho thuê đất để phục vụ hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của pháp luật về đất đai; Ưu đãi về tín dụng; Vốn, giống khi gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh; Chế biến sản phẩm).

Phát triển kinh tế hợp tác xã Việt Nam trong bối cảnh mới - Ảnh 1

Cùng với việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, bộ máy và hoạt động quản lý nhà nước đối với KTTT ngày càng được kiện toàn, Ban chỉ đạo đổi mới, phát triển KTTT, HTX các cấp được xây dựng và tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ theo quy định. Trong năm 2017, Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển KTTT, HTX ở Trung ương được thành lập do một Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư là Phó Trưởng ban thường trực, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam là Phó trưởng ban, các thành viên Ban Chỉ đạo là đại diện Lãnh đạo các bộ, ngành liên quan.

Đến nay, đã có 58/63 địa phương trên cả nước thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, một số địa phương thành lập Ban Chỉ đạo cấp huyện. Các bộ, ngành trung ương có liên quan đều đã có các đơn vị đầu mối, tham mưu, giúp việc. 63/63 tỉnh, thành phố đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước cấp tỉnh về KTTT, HTX, trong đó 26/63 tỉnh, thành phố thành lập phòng chức năng chuyên môn về doanh nghiệp, KTTT và tư nhân.

Chuyển biến tích cực của kinh tế hợp tác xã

Sau hơn 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW và 7 năm thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012, mặc dù tình hình kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng có nhiều bất ổn, nhưng khu vực HTX vẫn phát triển ổn định. Số lượng HTX tăng theo từng năm, phát triển khá đồng đều trên khắp các vùng miền, chất lượng hoạt động được nâng lên. Các HTX từng bước hoạt động đúng bản chất, ngày càng tập trung hơn vào việc hỗ trợ kinh tế hộ thành viên thông qua cung cấp các dịch vụ hoặc việc làm cho thành viên, nhất là HTX nông nghiệp.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giai đoạn 2013-2016, có 554 lượt HTX đã được tạo điều kiện tham gia các chương trình mục tiêu, phát triển kinh tế- xã hội với tổng kinh phí là 74.965 triệu đồng, trong đó kinh phí từ ngân sách trung ương là 7.484 triệu đồng, từ ngân sách địa phương là 67.481 triệu đồng. Riêng 2018, cả nước có 596 HTX được tạo điều kiện tham gia các chương trình mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế - xã hội.

Giai đoạn 2013-2016, có 554 lượt hợp tác xã đã được tạo điều kiện tham gia các chương trình mục tiêu, phát triển kinh tế- xã hội với tổng kinh phí là 74.965 triệu đồng, trong đó kinh phí từ ngân sách trung ương là 7.484 triệu đồng, từ ngân sách địa phương là 67.481 triệu đồng. Riêng 2018, cả nước có 596 hợp tác xã được tạo điều kiện tham gia các chương trình mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế - xã hội.

Hiện nay, cả nước có 22.861 HTX (13.856 HTX nông nghiệp, 1.183 Quỹ Tín dụng nhân dân và 7.822 HTX phi nông nghiệp), thu hút gần 6 triệu thành viên tham gia. Doanh thu bình quân của một HTX năm 2018 đạt 4.477,3 triệu đồng/HTX, tăng 3.622,7 triệu đồng (gấp khoảng 5,2 lần) so với năm 2003. Cùng với doanh thu, lãi bình quân của một HTX tăng từ 74 triệu đồng/HTX/năm 2003 lên 240,5 triệu đồng/HTX/năm 2018. Cùng với đó, cả nước có 74 Liên hiệp HTX, tăng 49 đơn vị so với năm 2003, cả giai đoạn 2003-2018 thành lập mới là 51 Liên hiệp HTX (tập trung nhiều nhất năm 2017) và giải thể 28 liên hiệp.

Các Liên hiệp HTX thành lập chủ yếu ở các vùng: Đồng bằng sông Hồng (16 Liên hiệp HTX), Đông Nam Bộ (11 Liên hiệp HTX) và Đồng bằng sông Cửu Long (10 Liên hiệp HTX)… hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp 39/74 Liên hiệp HTX, tương đương khoảng 52,7%% tổng số Liên hiệp HTX; thu hút 375 HTX thành viên tăng 324 thành viên so với năm 2003, tạo việc làm cho 25,2 nghìn lao động, với tổng số vốn hoạt động là hơn 441 tỷ đồng; doanh thu bình quân 1 liên hiệp là 944 triệu đồng/năm và lãi bình quân 01 Liên hiệp HTX là 148,3 triệu đồng/năm.

Bên cạnh đó, Tổ hợp tác (THT) trong những năm qua cũng có sự tăng trưởng mạnh. Cả nước hiện có 101,4 nghìn THT (58,5 nghìn THT trong lĩnh vực nông nghiệp và 42,9 nghìn THT phi nông nghiệp), tăng 587 THT (khoảng 0,58%) so với năm 2003, thu hút 1,34 triệu thành viên tham gia (bình quân một THT có trên 13 thành viên), tăng khoảng 57,3% so với năm 2003. Số lao động thường xuyên trong THT khoảng 1,1 triệu lao động, tăng 11,2% so với năm 2003. Doanh thu bình quân của 1 THT là 408 triệu đồng, tăng 75,7% so với năm 2003. Lãi bình quân của 1 THT là 61,2 triệu đồng/năm, tăng 127,5% so với năm 2003. Thu nhập bình quân của 1 lao động thường xuyên trong THT là 26 triệu đồng/năm, tăng 21% so với năm 2003…

Cùng với sự gia tăng mạnh về số HTX trên, trong những năm qua Quỹ hỗ trợ phát triển HTX cũng đã trở thành động lực quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của kinh tế HTX. Có thể khẳng định, việc hình thành Quỹ hỗ trợ phát triển HTX có ý nghĩa rất lớn. Ở Trung ương, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX được giao cho Liên minh HTX Việt Nam quản lý. Vốn điều lệ do ngân sách nhà nước cấp ban đầu là 100 tỷ đồng để hỗ trợ cho hoạt động của các HTX. Ngày 22/6/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 23/2017/QĐ-TTg, theo đó vốn điều lệ của Quỹ hỗ trợ phát triển HTX do ngân sách nhà nước cấp từ nguồn chi đầu tư phát triển, năm 2018 tăng lên 500 tỷ đồng. Ở địa phương, đa số các tỉnh, thành phố đã thành lập được Quỹ hỗ trợ phát triển HTX và bước đầu hoạt động có hiệu quả.

Đến cuối năm 2018, tổng nguồn vốn của Quỹ hỗ trợ phát triển HTX Trung ương là 136,4 tỷ đồng. Trong đó, vốn điều lệ ngân sách nhà nước cấp ban đầu là 100 tỷ đồng, vốn bổ sung trong quá trình hoạt động là 36,4 tỷ đồng. Tổng doanh số cho vay của Quỹ hỗ trợ HTX Trung ương từ khi thành lập (năm 2006) đến nay là 258,7 tỷ đồng cho 110 dự án, trong đó dư nợ vay là 99,3 tỷ đồng, nợ xấu 5,025 tỷ đồng, chiếm 6,06% tổng dư nợ.

Các dự án vay vốn của Quỹ tập trung chủ yếu vào lĩnh vực nông nghiệp, địa bàn nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa (chiếm 70% tổng số dự án) tại 35 tỉnh, thành phố. Đến 2018, cả nước có 50/63 tỉnh đã thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tại địa phương. Các dự án vay vốn của các Quỹ địa phương tập trung chủ yếu vào phát triển sản xuất kinh doanh, đổi mới công nghệ kỹ thuật, mở rộng quy mô sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Việc ra đời và đi vào hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển HTX đã tạo thêm một kênh hỗ trợ về nguồn vốn đối với các HTX.

Về cơ bản, các HTX sau khi vay vốn của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX phát triển khá hiệu quả, đã tăng trưởng về quy mô và hiệu quả sản xuất kinh doanh. Cụ thể, doanh thu, lợi nhuận sau thuế tăng bình quân 50% - 60%; số thành viên tăng bình quân 4%; số lao động tăng bình quân 37%; thu nhập bình quân tăng 35%; số nộp ngân sách tăng bình quân 74%. Có thể thấy, những phát triển trong khu vực kinh tế tập thể với mô hình HTX, THT và các Liên hiệp HTX cả về số lượng, chất lượng đã từng bước vượt qua tình trạng yếu kém kéo dài, có nhiều tín hiệu phát triển trong tương lai.

Một trong những chuyển biến tích cực về kinh tế HTX là nếu như ở giai đoạn trước, thành viên tham gia HTX theo mệnh lệnh hành chính, không góp vốn thì giờ đây người dân tham gia HTX trên tinh thần tự nguyện, cùng góp vốn, cùng chịu trách nhiệm về hoạt động của HTX. Nhiều HTX có phạm vi hoạt động toàn xã, thậm chí toàn huyện. Số lượng các HTX áp dụng khoa học công nghệ mới, hiện đại vào sản xuất, kinh doanh, tham gia vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ngày càng nhiều, đặc biệt, các HTX nông nghiệp đã hoạt động gắn với các sản phẩm chủ lực của vùng, thực hiện liên kết chuỗi, nhiều HTX liên kết với các siêu thị, doanh nghiệp lớn để mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh.

Một số HTX đã chủ động nghiên cứu, mở rộng thị trường, không những trong nước mà còn xuất khẩu. Một số HTX có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng trên phạm vi nhiều tỉnh, doanh thu cao hàng trăm tỷ đồng đã xuất hiện tại các địa phương như: HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Anh Đào (Lâm Đồng), HTX Evergrowth (Sóc Trăng), HTX bò sữa Tân Thông Hội (TP. Hồ Chí Minh)...

Một số tồn tại, hạn chế

Những kết quả trên cho thấy, kinh tế HTX đang phục hồi và phát triển đúng hướng, phù hợp với chủ trương phát triển nền kinh tế nhiều thành phần ở nước ta, vừa khuyến khích kinh tế cộng đồng thành viên HTX, vừa tôn trọng và nâng cao vị thế kinh tế hộ thành viên. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tiễn và tiềm năng phát triển, những kết quả về phát triển HTX còn khiêm tốn và còn những tồn tại, hạn chế.

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, công tác nghiên cứu lý luận, thực tiễn, giáo dục, đào tạo, tuyên truyền về KTTT còn yếu; một số cấp ủy đảng chưa nhận thức đúng, đầy đủ tinh thần của Nghị quyết số 13-NQ/TW, chưa thấy rõ vị trí, vai trò của HTX trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; công tác chỉ đạo, thực hiện mới dừng ở chủ trương, chưa xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện, chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các HTX.

Tính đến cuối năm 2018, tổng nguồn vốn của Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã Trung ương là 136,4 tỷ đồng, trong đó, vốn điều lệ ngân sách nhà nước cấp ban đầu là 100 tỷ đồng, vốn bổ sung trong quá trình hoạt động là 36,4 tỷ đồng. Tổng doanh số cho vay của Quỹ hỗ trợ hợp tác xã Trung ương từ khi thành lập (năm 2006) đến nay là 258,7 tỷ đồng cho 110 dự án.

Công tác thực thi pháp luật về HTX chưa thực sự đi vào cuộc sống; một số chính sách chưa được thực hiện (như hỗ trợ về kết cấu hạ tầng) hoặc thực hiện chưa hiệu quả (như chính sách ưu đãi tín dụng, hỗ trợ chế biến sản phẩm); nguồn lực hạn chế và cơ chế phân bổ hỗ trợ KTTT chưa hợp lý, nhất là ở các địa phương chưa tự cân đối được thu chi ngân sách.

Công tác quản lý nhà nước về KTTT, HTX chưa thực sự hiệu quả, có nơi còn buông lỏng; chưa thực hiện tốt công tác báo cáo thống kê, dẫn tới số liệu báo cáo liên quan đến KTTT, HTX không đầy đủ, không cập nhật và chưa chính xác. Mô hình HTX kiểu mới quy mô lớn chậm được hình thành và phát triển, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị còn yếu; việc phổ biến, nhân rộng mô hình HTX hoạt động hiệu quả chưa được triển khai rộng rãi, người dân chưa được tuyên truyền, hiểu rõ và tin tưởng vào các lợi ích về kinh tế - xã hội do HTX mang lại.

Nguyên nhân chính của những hạn chế nêu trên là do các cấp, các ngành còn chưa quan tâm đúng mức trong việc chỉ đạo, định hướng, xây dựng cơ chế chính sách, tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho KTTT, HTX phát triển. Nhận thức của một số cấp ủy đảng, chính quyền, người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, đảng viên và người dân vẫn chưa đúng, chưa đầy đủ, chưa thống nhất về tinh thần của Nghị quyết, về bản chất tổ chức KTTT; chưa thấy hết được vai trò, vị trí quan trọng của khu vực KTTT trong nền kinh tế, nhất là đối với nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Công tác xây dựng cơ chế, chính sách chưa kịp thời, chậm tháo gỡ các vướng; môi trường pháp lý chưa thuận lợi cho các chủ thể kinh tế tham gia HTX; cơ chế huy động và phân bổ nguồn lực cho khu vực KTTT, HTX và kinh tế hộ còn nhiều bất cập; chính sách ưu đãi, hỗ trợ KTTT, HTX được ban hành nhiều nhưng nguồn lực thiếu nên khó đi vào thực tiễn.

Mặt khác, bộ máy quản lý nhà nước về KTTT, HTX chưa được quan tâm, kiện toàn theo yêu cầu, thiếu cán bộ chuyên trách về KTTT; cán bộ đa phần là kiêm nhiệm, chưa nắm chắc chuyên môn, thiếu thực tế; công tác tham mưu trong quản lý nhà nước về HTX còn hạn chế. Thực tế, vẫn còn tồn tại tâm lý ngại đổi mới, chưa mạnh dạn chuyển sang mô hình HTX kiểu mới, trong khi đó HTX kiểu mới chưa thực sự trở thành mô hình phổ biến đủ sức cuốn hút, huy động được sự tham gia của thành viên vào các hoạt động, chưa thể hiện được tinh thần hợp tác của tổ chức.

Thực tiễn hiện nay, năng lực nội tại của nhiều HTX còn yếu, thiếu nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực; sự gắn kết lợi ích giữa HTX và thành viên mờ nhạt; lợi ích kinh tế trực tiếp do HTX mang lại cho thành viên chưa nhiều. Việc liên kết, liên doanh giữa HTX với HTX, giữa HTX với các thành phần kinh tế khác còn ít, hiệu quả chưa cao. Tình hình kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế gặp nhiều khó khăn, thách thức; nguồn lực và cơ chế hỗ trợ KTTT còn bất cập, việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng còn gặp khó khăn, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX còn hạn hẹp.

Giải pháp phát triển kinh tế hợp tác xã trong bối cảnh mới

Để thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra tại Nghị quyết số 13-NQ/TW, cần tập trung thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức về về bản chất, vai trò của tổ chức KTTT, HTX trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tập trung các giải pháp giáo dục, đào tạo, tuyên truyền, tập huấn sâu rộng về Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về "tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể" và các văn bản pháp luật về HTX nhằm thống nhất nhận thức cho toàn bộ hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên.

Thứ hai, tiếp tục rà soát, cập nhật, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện khung pháp luật và chính sách hỗ trợ phát triển KTTT phù hợp, gắn với thực tiễn nhằm khuyến khích, thúc đẩy khu vực KTTT, HTX phát triển mạnh mẽ và rộng khắp; nghiên cứu, xây dựng cơ chế ngân sách trung ương hỗ trợ địa phương để phát triển KTTT, HTX; xây dựng, quản lý và vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin quốc gia về KTTT, HTX trên toàn quốc.

Thứ ba, hoàn thiện và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước về KTTT theo hướng tập trung và thống nhất từ Trung ương đến địa phương; xác định rõ chức năng và nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn và cơ chế phối hợp của các bộ, ngành trung ương và địa phương. Quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về HTX. Phát huy hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển KTTT các cấp. Coi trọng công tác kiểm tra và sơ kết để tập trung tháo gỡ khó khăn cho khu vực KTTT, HTX.

Thứ tư, đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của THT, HTX, Liên hiệp HTX, thực hiện tốt chính sách đào tạo và thu hút cán bộ về công tác tại các HTX; tổ chức, củng cố lại hoạt động của các HTX; giải quyết dứt điểm tình trạng HTX ngừng hoạt động tồn tại dưới dạng hình thức; xử lý nợ tồn đọng để lành mạnh hóa khu vực hợp tác xã;tăng cường năng lực tổ chức, điều hành, hoạt động, kinh doanh cho các HTX, xúc tiến thương mại, đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, chế biến sản phẩm;tăng cường liên doanh, liên kết giữa các HTX và giữa HTX với doanh nghiệp.

Thứ năm, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, hội, hiệp hội, trong đó, xác định rõ vai trò và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, đặc biệt là người đứng đầu trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phát triển KTTT. Đưa phát triển KTTT là một trong những nội dung quan trọng trong chiến lược, kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của các bộ, ngành, địa phương. Tiếp tục phát huy vai trò và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong việc vận động, giáo dục quần chúng, hội viên, thành viên tự nguyện tham gia phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã và thực hiện các quy định pháp luật về kinh tế tập thể; Mặt trận tổ quốc Việt Nam cần xây dựng các chương trình, kế hoạch hành động, phối hợp với các tổ chức thành viên trong việc phát triển KTTT.

Thứ sáu, tăng cường vai trò, hiệu quả hoạt động của Liên minh HTX Việt Nam từ trung ương đến các tỉnh, thành phố, phù hợp quy định pháp luật có liên quan. Đồng thời, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của tổ chức liên minh HTX, tránh chồng chéo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước. Chú trọng hình thành mạng lưới tổ chức tư vấn, hỗ trợ các HTX thành lập mới, xây dựng và quản trị sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, cần tăng cường hợp tác quốc tế về phát triển KTTT, nhất là trong việc tiếp thu kinh nghiệm của các nước, vùng lãnh thổ có phong trào HTX mạnh; Tiếp thu các hỗ trợ kỹ thuật phát triển trong việc thành lập và nâng cao năng lực HTX từ các tổ chức quốc tế.       

Tài liệu tham khảo:

Ban Chấp hành Trung ương (2002), Nghị quyết số 13-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể;

Quốc hội (2012), Luật Hợp tác xã 2012;

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2019), Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2019;

 Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2019), Báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW;

Nguyễn Minh Tú, Kinh tế tập thể góp phần hướng tới xã hội hợp tác cùng phát triển – Tạp chí Kinh tế và Dự báo.