Phát triển liên kết du lịch cộng đồng bền vững tại các tỉnh Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang
Tại Việt Nam, du lịch cộng đồng đã đem lại nhiều lợi ích về mặt kinh tế - xã hội cho cộng đồng dân cư địa phương. Việc phát triển du lịch cộng đồng bền vững, có giải pháp liên kết du lịch cộng đồng đúng đắn là hết sức quan trọng.
Phát triển du lịch có sự tham gia của cộng đồng là quan điểm phát triển đúng đắn ngày càng được xã hội quan tâm và khuyến khích. Tại Việt Nam, du lịch cộng đồng cũng đã đem lại nhiều lợi ích về mặt kinh tế - xã hội cho cộng đồng dân cư địa phương. Mặt khác, sau dịch COVID-19, xuất hiện nhiều thách thức mà ngành Du lịch nước ta, các doanh nghiệp du lịch, các điểm đến cần có trách nhiệm giảm thiểu các tác động tiêu cực và tăng cường các tác động tích cực, những hành động mới quan trọng để phát triển bền vững, có trách nhiệm. Vì thế, việc phát triển du lịch cộng đồng bền vững, có giải pháp liên kết du lịch cộng đồng đúng đắn là hết sức quan trọng.
Tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng tại Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang
Tiểu vùng Đồng Tháp Mười gồm 3 tỉnh: Tiền Giang, Đồng Tháp và Long An, có diện tích khoảng 700 ngàn ha, trong đó, Đồng Tháp chiếm 36%; Long An chiếm 45%; Tiền Giang chiếm 19%. Tiểu vùng nằm trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), với sản phẩm khai thác du lịch chủ yếu là du lịch sinh thái, du lịch văn hóa và du lịch cộng đồng. Thời gian qua, Đảng và Chính phủ đã có chỉ đạo về tái cơ cấu nền kinh tế nói chung, liên kết phát triển vùng và phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ở cấp độ vùng ĐBSCL và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và quốc gia nói chung, phát triển bền vững tiểu vùng Đồng Tháp Mười góp phần thúc đẩy nối kết phát triển dịch vụ - thương mại liên vùng, tăng năng lực cạnh tranh. Hợp tác liên kết phát triển tiểu vùng Đồng Tháp Mười góp phần mở rộng khả năng kết nối về mặt không gian sinh thái và kinh tế - xã hội của tiểu vùng, phát huy thế mạnh của mỗi địa phương và tối ưu hóa khả năng và tiềm năng của cả tiểu vùng cũng như liên vùng.
Du lịch cộng đồng là một loại hình du lịch do chính cộng đồng người dân phối hợp tổ chức, quản lý và làm chủ để đem lại lợi ích kinh tế và bảo vệ được môi trường chung thông qua việc giới thiệu với du khách các nét đặc trưng của địa phương (phong cảnh, văn hoá…).Phát triển du lịch cộng đồng 3 tỉnh Đồng Tháp-Long An-Tiền Giang sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển du lịch tiểu vùng trong mối liên kết phát triển du lịch cả vùng ĐBSCL.
Thực trạng du lịch cộng đồng tại Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang
Chính sách phát triển du lịch
Thời gian qua, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang đã thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNNVV) để thực hiện chính sách của chính phủ về trợ giúp Phát triển DNNVV nói chung và doanh nghiệp ngành du lịch nói riêng. Các giải pháp nhằm thu hút đầu tư và hỗ trợ DNNVV phát triển bền vững, bên cạnh đó cũng đã ban hành văn bản thống nhất danh mục dự án kêu gọi đầu tư cùng các ưu đãi đối với nhà đầu tư.
Theo đó, 3 tỉnh đã ưu tiên phát triển du lịch theo hướng sinh thái, nông nghiệp và trải nghiệm làng nghề; Tiếp tục vận dụng hiệu quả các Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định về chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh cũng triển khai nhiều chương trình, kế hoạch trọng tâm nhằm thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng. Đó là đang triển khai xây dựng mô hình sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ. Xây dựng các sản phẩm phục vụ cho hoạt động du lịch nông nghiệp theo mô hình nông nghiệp xanh, ưu tiên phát triển các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp công nghệ cao.
Khả năng tiếp cận điểm đến du lịch cộng đồng
Khả năng tiếp cận điểm đến của 3 tỉnh ngày càng được cải thiện nhiều hơn, có sức hấp dẫn đối với khách du lịch nhưng vẫn chưa đạt hiệu quả. Phát triển du lịch của vùng vẫn còn đơn điệu, rời rạc, chất lượng phục vụ chưa cao và có sự trùng lặp trong khai thác tài nguyên du lịch. Ngoài ra, sự liên kết giữa các DN lữ hành với các điểm đến du lịch cộng đồng để tạo nguồn khách còn yếu. Khách tham quan trải nghiệm các địa điểm du lịch hiện nay chủ yếu mang tính tự phát, tốc độ phát triển nhanh với nhiều mô hình nhưng chủ yếu ở quy mô nhỏ; sản phẩm du lịch cộng đồng còn giản đơn. Các tỉnh vẫn chưa biết tận dụng lợi thế để cùng khai thác du lịch cộng đồng xuyên suốt 3 tỉnh.
Xu hướng truyền thông số du lịch đã phát triển mạnh ở nhiều quốc gia trên thế giới, tuy nhiên hiện nay tại khu vực tiểu vùng Đồng Tháp Mười nói riêng, công tác truyền thông chủ yếu vẫn sử dụng các kênh truyền thống như báo chí, truyền hình,… hơn nữa lại chưa gắn kết với nhau, vẫn là tỉnh nào truyền thông tỉnh đó, chưa linh động truyền thông trên các kênh online xu hướng hiện nay như facebook, zalo, instagram,.. Hoạt động truyền thông vẫn chủ yếu dựa vào các công ty du lịch lữ hành, blogger du lịch tự phát.
Khả năng cung ứng các dịch vụ
Hạ tầng giao thông về cơ bản đáp ứng được nhu cầu di chuyển, đi lại của khách du lịch, hầu hết các điểm du lịch cộng đồng hệ thống giao thông đã được bê tông hóa, rải thảm, tuy nhiên có một số điểm đường vẫn còn hư hỏng, đây là hạn chế nhất định cho khách du lịch trong việc di chuyển đi lại.
Hệ thống nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê: Đến hết năm 2022, với xu hướng du lịch sau đại dịch tăng mạnh, theo số liệu thống kê tại các tỉnh số hộ có thể đón khách ăn, nghỉ và các hoạt động du lịch văn hóa, văn nghệ ở các tỉnh: Đồng Tháp có 102 hộ, Long An có 81 hộ, Tiền Giang có 75 hộ. Nhìn chung, các homestay có thể đáp ứng được nhu cầu nghỉ ngơi của du khách, tuy nhiên chất lượng homestay chưa cao, công suất sử dụng homestay còn thấp, chỉ đạt trung bình khoảng 20-30%.
Các cơ sở vui chơi giải trí, thể thao, dịch vụ phục vụ du khách còn nhiều hạn chế, điều nay không những không kích thích được nhu cầu chi tiêu của khách mà còn không giữ được khách lưu trú lại. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho du lịch chỉ đi về trong ngày và có mức chi tiêu thấp, bởi thế doanh thu dịch vụ du lịch cộng đồng còn thấp.
Cộng đồng dân cư
Nhận thức về du lịch cộng đồng của người dân địa phương. Người dân xác định du lịch là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm và tăng thêm thu nhập cải thiện cuộc sống cộng đồng dân cư khi cùng tham gia phát triển các dịch vụ phục vụ du lịch và phục vụ trực tiếp khách du lịch. Chính vì vậy cần đa dạng hóa sản phẩm du lịch và đầu tư cơ sở vật chất và cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch.
Khách du lịch
Du lịch cộng đồng đã và đang ngày càng thu hút được nhiều du khách đến thăm quan. Tuy nhiên, do tình hình diễn biến của dịch bệnh nên số lượng khách du lịch giảm từ năm 2020 đến 2022 sau đại dịch đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ.
Nhìn chung, lượng khách nội địa chiếm phần lớn, lượng khách du lịch có số ngày lưu trú trung bình còn thấp, điều này có thể giải thích là do các điểm du dịch cộng đồng chưa có nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, thiếu các hoạt động và dịch vụ hỗ trợ để giữ chân khách du lịch cộng đồng.
Công tác xúc tiến, quảng bá
Hiện nay, ở các tỉnh Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang đều đã thực hiện hình thức quảng bá như: Lắp biển quảng cáo, in tờ rơi và lập trang website giới thiệu về du lịch cộng đồng của tỉnh, các tuyến du lịch và các dịch vụ phục vụ du lịch, những thông tin, hình ảnh liên quan.
Ngoài ra, các tỉnh cũng chủ động phối hợp cùng các cơ quan chuyên môn của tỉnh tích cực tuyên truyền và định hướng tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trong những năm vừa các tỉnh Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang thực hiện xây dựng và in ấn hơn 50.000 bản đồ, sản phẩm du lịch cộng đồng tỉnh Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang để quảng bá du lịch cho địa phương, phục vụ cho nhu cầu tham quan, tìm hiểu du lịch Tỉnh Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang của khách du lịch. Phối hợp cùng Đài truyền hình Việt Nam xây dựng các phóng sự giới thiệu về du lịch Tỉnh Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, du lịch cộng đồng… để giới thiệu điểm đến du lịch mới.
Giải pháp phát triển du lịch cộng đồng bền vững liên kết Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang
Thời gian tới, để thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng bền vững liên kết Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, cần chú trọng các giải pháp sau:
Thứ nhất, đa dạng hóa sản phẩm – Phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng đặc trưng.
Nghiên cứu xây dựng được thương hiệu du lịch nói chung và mô hình du lịch cộng đồng nói riêng của địa phương mình để phát huy hiệu quả liên kết theo Đề án “Liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Đồng Tháp Mười đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Xây dựng du lịch theo các nét đặc trưng riêng của Các khu du lịch cộng đồng Đồng Tháp Mười nhằm phát triển các sản phẩm đặc trưng gắn với thế mạnh của khu. Liên kết với nhau trong việc đa dạng hóa sản phẩm, hình thức du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của du khách. Tiếp tục phát huy hiệu quả của chương trình “Một hành trình ba điểm đến”, xây dựng những hành trình du lịch tới lần lượt 3 địa điểm đẹp và nổi tiếng của 3 tỉnh, đồng thời, dựa vào mục đích và nhu cầu của du khách để xây dựng những tour phù hợp.
Thứ hai, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, giao thông, cơ sở vật chất.
Các tỉnh phối hợp để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông một cách đồng bộ, nhất là các đường liên tỉnh trong vùng. Ngoài ra, các tỉnh cần đầu tư trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa ở Đồng Tháp Mười và các vùng lân cận để đưa vào các tuyến điểm tham quan du lịch nhằm làm phong phú thêm sản phẩm du lịch, tăng tính hấp dẫn đối với du khách, kéo dài thời gian lưu trú và tăng khả năng chi tiêu của du khách.
Nâng cấp, phát triển hệ thống các cơ sở lưu trú và công trình phục vụ du lịch chất lượng cao. Phát triển hệ thống cơ sở dịch vụ thông tin, tư vấn du lịch, cơ sở dịch vụ đặt giữ chỗ, đại lý lữ hành, hướng dẫn; phương tiện và cơ sở dịch vụ phục vụ vận chuyển khách du lịch… Xây dựng hệ thống các điểm trưng bày các làng nghề thủ công truyền thống của tiểu vùng Đồng Tháp Mười, vùng ĐBSCL phục vụ khách tham quan, mua sắm và trải nghiệm.
Thứ ba, bồi dưỡng và đào tạo nguồn nhân lực du lịch.
Có kế hoạch và chiến lược chung để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho từng lĩnh vực quản lý điều hành, hướng dẫn viên, hoạt động dịch vụ, bảo vệ môi trường…; Đào tạo các kỹ năng theo tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch Việt Nam cho nhân viên phục vụ trong ngành du lịch; tập huấn kiến thức về du lịch cho cộng đồng dân cư vùng có khu du lịch để người dân có điều kiện tham gia vào các hoạt động kinh doanh dịch vụ tại các khu du lịch góp phần cải thiện thu nhập cho người dân. Về phía các khu du lịch cộng đồng Đồng Tháp Mười, cần nâng cao nhận thức và chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển
Thứ tư, tăng cường các hoạt động truyền thông, quảng bá du lịch cộng đồng tiểu vùng Đồng Tháp Mười.
Mỗi tỉnh cần khẩn trương xúc tiến kết nối với TP. Hồ Chí Minh về việc kích cầu du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch của địa phương, tổ chức nhiều tour "du lịch chậm" và sớm hình thành tour du lịch "Một hành trình, ba điểm đến". Mặt khác, các khu du lịch cộng đồng Đồng Tháp Mười cần đẩy mạnh, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, quảng bá thông qua truyền hình, truyền thanh, báo chí, trang web về những hình ảnh đặc sắc của từng khu. Bên cạnh đó, các khu cũng có thể xây dựng và giới thiệu các slogan ngắn gọn, hấp dẫn đối với du khách; sản xuất các ấn phẩm giấy hoặc video về các tuyến, điểm, sản phẩm du lịch cộng đồng đặc trưng… Liên kết các công ty du lịch lữ hành, doanh nghiệp hoạt động trong chuỗi giá trị du lịch.
Tài liệu tham khảo:
- Chính phủ (2016). Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch ĐBSCL đến năm 2020 tầm nhìn 2030;
- Hà Quang Thanh (2019), Phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/phat-trien-du-lich-vung-dong-bang-song-cuu-long-trong-boi-canh-toan-cau-hoa-va-hoi-nhap-quoc-te-74832.htm;
- Du lịch cộng đồng và sinh kế bền vững https://special.nhandan.vn/dulichcongdong/index.html.