Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ đối với ngành công nghiệp ô tô
Nhằm tận dụng cơ hội cho sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô trong bối cảnh mới, cần đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ đối với ngành này.
Tỷ lệ nội địa hóa còn thấp
Thời gian qua, ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam đã tiếp tục phát triển, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, tính đến năm 2015, cả nước đã có trên 400 doanh nghiệp tham gia sản xuất ô tô với quy mô vừa và nhỏ, với tổng công suất lắp ráp thiết kế đạt khoảng 460.000 xe/năm, gồm hầu hết các chủng loại xe con, xe tải và xe khách. Ngành công nghiệp ô tô đã sản xuất được những sản phẩm có tiêu chuẩn quốc tế. Thị trường trong nước đã có thêm nhiều sản phẩm ô tô, với mẫu mã ngày càng đa dạng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.
Ngành công nghiệp hỗ trợ phục vụ sản xuất, lắp ráp ô tô đã đạt được những kết quả phát triển bước đầu quan trọng, cung cấp được một số phụ tùng, linh kiện, thiết bị đáp ứng một phần nhu cầu cho sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước và đã có một số sản phẩm xuất khẩu.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức như tỷ lệ nội địa hóa còn thấp chưa đạt như mục tiêu đã đề ra.
Ngành công nghiệp hỗ trợ công nghiệp ô tô mới chỉ sản xuất được một số ít chủng loại phụ tùng đơn giản, có hàm lượng công nghệ thấp như gương, kính, ghế ngồi, bộ dây điện, ắc quy, săm-lốp, sản phẩm nhựa... Chỉ một số ít doanh nghiệp đầu tư dây chuyền dập thân, vỏ xe.
Hiện chưa tạo được sự hợp tác, liên kết và chuyên môn hóa giữa các doanh nghiệp trong sản xuất, lắp ráp ô tô và sản xuất phụ tùng linh kiện; Chưa hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn...
Bên cạnh đó, giá thành sản xuất, lắp ráp ô tô còn cao, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam ngày càng mở cửa, hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới và khu vực… khiến nhập khẩu ô tô ngày càng nhiều trong khi giá lại rẻ hơn so với trong nước.
Đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ
Trong Thông báo số 133/TB-VPCP ngày 14/03/2017 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về tình hình nhập khẩu ô tô, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ đối với ngành công nghiệp ô tô, tiếp tục đề xuất Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, nhất là đối với các nhà đầu tư lớn, doanh nghiệp đầu tàu.
Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan thành lập Tổ công tác liên ngành đánh giá toàn diện thị trường ô tô Việt Nam trong mối tương quan với thị trường khu vực và thế giới, tập trung vào đánh giá cơ hội và khó khăn, thách thức đối với ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp xe ô tô Việt Nam từ thời điểm năm 2018 trở đi (đặc biệt là khi thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt ATIGA giảm về 0% đối với xe ô tô nguyên chiếc).
Bên cạnh đó, dự báo cung cầu ô tô trong nước và khu vực, đánh giá năng lực thực tế, tiềm năng phát triển sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước và khả năng thích ứng của các doanh nghiệp trong nước với môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt khi Việt Nam tiếp tục mở cửa thị trường và thực hiện giảm thuế nhập khẩu đối với xe ô tô nguyên chiếc theo các cam kết quốc tế. Nghiên cứu khả năng áp dụng biện pháp tự vệ thương mại khi xe ô tô nguyên chiếc nhập khẩu gia tăng đột biến và ảnh hưởng đáng kể đến sản xuất trong nước...
Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan tăng cường quản lý chặt chẽ trị giá tính thuế, xuất xứ xe ô tô nguyên chiếc nhập khẩu (nhất là việc đáp ứng các tiêu chí xuất xứ của ASEAN) nhằm bảo đảm thực hiện đúng quy định của pháp luật về thuế, chống gian lận thương mại và cam kết quốc tế.
Bộ Tài chính cũng nghiên cứu đánh giá lại mức thuế tiêu thụ đặc biệt, lệ phí trước bạ đối với xe ô tô bán tải (pick-up) để đề xuất báo cáo Chính phủ và Quốc hội kịp thời bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp thực tế và mục đích sử dụng của loại xe này.
Bộ Tài chính có trách nhiệm rà soát và nghiên cứu báo cáo Chính phủ xem xét sửa đổi thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi tối huệ quốc đối với linh kiện, phụ tùng ô tô phù hợp với định hướng của Chính phủ về khuyến khích phát triển sản xuất các linh kiện, phụ tùng ô tô quan trọng mà trong nước có thể sản xuất được, có tính đến mối tương quan với việc giảm thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc theo cam kết quốc tế.
Đồng thời, tiến hành rà soát các chính sách thuế đối với xe ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu để kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, không để lợi dụng, gian lận thương mại.
Tại Thông báo này, Phó Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, xây dựng các hàng rào kỹ thuật phù hợp quy định của pháp luật và cam kết quốc tế để tăng cường quản lý đối với xe ô tô nguyên chiếc nhập khẩu, bảo đảm không để xe ô tô có chất lượng kém được nhập khẩu vào Việt Nam nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước.
Bên cạnh đó, đơn giản hóa các thủ tục kiểm định xe ô tô đưa vào lưu thông, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe ô tô, đồng thời bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng.