Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tại Hà Tĩnh, đáp ứng yêu cầu phát triển vùng và liên kết vùng

ThS. Nguyễn Thị Thương - Trường Đại học Hà Tĩnh

Phát triển vùng và liên kết vùng để đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới là chủ trương lớn của Đảng ta đề ra tại Đại hội lần thứ XIII. Đối với Hà Tĩnh, phát triển vùng và liên kết vùng là vấn đề có ý nghĩa chiến lược. Xác định tầm quan trọng đó, tỉnh này đã đề ra nhiều giải pháp để thực hiện vấn đề này, trong đó đặc biệt quan tâm đến phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển vùng và liên kết vùng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Phát triển vùng và liên kết vùng

Phát triển vùng và liên kết vùng là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, không chỉ đối với từng vùng mà với cả nước. Trong những năm qua, Việt Nam luôn quan tâm phát triển vùng và liên kết vùng, khai thác tiềm năng, lợi thế của mỗi vùng để phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống nhân dân. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: Nghiên cứu phân vùng phù hợp, nâng cao chất lượng quy hoạch vùng theo hướng tích hợp, đa ngành; khai thác, phát huy tốt nhất các lợi thế của mỗi vùng về kết cấu hạ tầng, điều kiện tự nhiên, vị trí địa kinh tế - chính trị, nguồn nhân lực và tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng để tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tạo không gian phát triển mới... Để hiện thực chủ trương của Đảng, Nghị quyết số 57/NQ-CP ngày 22/4/2022 của Chính phủ đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện thể chế liên kết vùng KT-XH.

Trong những năm qua, Hà Tĩnh đã tích cực phát triển vùng và liên kết vùng bằng những việc làm cụ thể. Theo đó, Tỉnh này đã phối hợp với Bộ Xây dựng, các tỉnh Quảng Bình, Nghệ An triển khai lập quy hoạch các vùng Nam Hà Tĩnh - Bắc Quảng Bình và Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh; phối hợp với Thanh Hóa và Nghệ An tổ chức hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch với chủ đề “Ba địa phương, một điểm đến, nhiều trải nghiệm”, để xây dựng các sản phẩm du lịch mới, thu hút và trao đổi du khách giữa các địa phương… Tuy nhiên, trước sự bùng nổ của kinh tế số thì phát triển vùng và liên kết vùng là quá trình lâu dài, phức tạp, do vậy cần nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò của công việc này; đồng thời, chuẩn bị cả về vốn, công nghệ đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Tình hình phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở Hà Tĩnh

Nguồn nhân lực chất lượng cao là bộ phận của nguồn nhân lực xã hội, có sự phát triển toàn diện về thể lực, trí lực và tâm lực, được đào tạo cơ bản và trải nghiệm qua thực tiễn, có trình độ cao về khoa học, công nghệ, có khả năng sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào thực hiện công việc được giao với năng suất, chất lượng và hiệu quả cao nhất.

Nhận thức được tầm quan trọng của nguồn nhân lực chất lượng cao đối với sự phát triển vùng và liên kết vùng, thời gian qua, Hà Tĩnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó tập trung vào đào tạo nghề; nâng cao kiến thức, kỹ năng làm việc trong các lĩnh vực như du lịch, công nghiệp và nông nghiệp.

Số liệu thống kê cho thấy, đến hết quý I/2023, Hà Tĩnh có gần 691.000 lao động tham gia hoạt động kinh tế trên địa bàn Tỉnh; khoảng 200.000 lao động đang sinh sống, làm việc ở ngoài tỉnh và nước ngoài. Chất lượng nguồn nhân lực tại Hà Tĩnh được cải thiện và nâng cao qua các năm. Năm 2022, lao động qua đào tạo đạt 74%; cơ cấu lao động có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ lệ lao động lĩnh vực nông, lâm nghiệp, tăng tỷ lệ lao động lĩnh vực công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ - du lịch.

Đến hết năm 2022, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Tỉnh đã duy trì tổ chức đào tạo nghề cho khoảng 19.671 người. Trong đó, trình độ cao đẳng nghề khoảng 662 người; trình độ trung cấp nghề khoảng 4.190 người; trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng khoảng 14.819 người. Những năm qua, Tỉnh đã ban hành nhiều chính sách và các văn bản chỉ đạo, điều hành về phát triển nguồn nhân lực, sử dụng, thu hút, đãi ngộ nhân lực trên địa bàn.

Năm 2015, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã tham mưu và được Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép Trường Đại học Hà Tĩnh ký kết thỏa thuận hợp tác với 10 trường đại học trên toàn quốc, để liên kết đào tạo nhân lực có trình độ đại học và trên đại học; Cho phép tuyển sinh đào tạo nghề trình độ đại học theo hình thức xét tuyển đối với các thí sinh tại Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình để đào tạo theo các ngành nghề, đáp ứng nhu cầu của các Khu công nghiệp tiếp giáp với vùng Nam Nghệ An, Bắc Quảng Bình.

Đến tháng 5/2023, Tỉnh đã rà soát, sắp xếp, kiện toàn mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Hiện nay, toàn Tỉnh có 21 cơ sở GDNN; thực hiện có hiệu quả nguồn kinh phí các dự án đổi mới và phát triển dạy nghề, dự án đào tạo nghề cho lao động nông thôn; đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề; bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên…, nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Một số hạn chế và nguyên nhân

Bên cạnh những chuyển biến tích cực trên, việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở Hà Tĩnh còn có một số tồn tại, hạn chế như: Chất lượng nguồn nhân lực có chuyên môn chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của Tỉnh. Trường hợp có nghề chủ yếu là sơ cấp, đào tạo 3 tháng tại cơ sở không có bằng hoặc đã làm việc một thời gian trở thành có nghề, có kinh nghiệm hoặc kèm cặp trực tiếp tại doanh nghiệp. Lao động có nghề trình độ trung cấp, cao đẳng chiếm tỷ lệ chưa cao so với yêu cầu thực tế.

Trong khi lao động trình độ cao đẳng, đại học chủ yếu làm nhân viên văn phòng, kế toán, nhân sự, xuất nhập khẩu, thống kê, phiên dịch. Đến năm 2022, tỷ lệ lao động qua đào tạo là khoảng 85%, trong đó lao động qua đào tạo, có bằng cấp chứng chỉ là 50%.

Cùng với đó, chương trình đào tạo của các cơ sở GDNN chưa theo kịp công nghệ và xu thế phát triển của kinh tế số, nên người lao động sau khi được đào tạo phần lớn chưa đáp ứng ngay được nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Trong khi đó, cán bộ lãnh đạo, quản lý, quản trị doanh nghiệp giỏi và đội ngũ chuyên gia trong các ngành kinh tế, kỹ thuật thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển.

Tại báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nêu rõ: Hà Tĩnh chưa có nhiều đột phá trong phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. Ngoài ra, từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 72/2017/NQ-HĐND ngày 13/12/2017 của Hội đồng nhân dân Tỉnh đến nay không thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao là các giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ, chuyên gia đầu ngành.

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trên là do:

- Chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao của Hà Tĩnh chưa đạt được kết quả như kỳ vọng, do mức hỗ trợ, ưu đãi chưa tương xứng.

- Hà Tĩnh chưa ban hành danh mục ngành nghề cần thu hút nguồn nhân lực hàng năm hoặc theo giai đoạn để các cơ quan, đơn vị, cá nhân có cơ sở thu hút, tuyển dụng những người đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định.

- Một số quy định về chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao chưa phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành nên gây ra không ít khó khăn cho các đơn vị, địa phương trong quá trình thực hiện.

- Những năm gần đây, việc mở rộng quy mô học sinh, sinh viên của các cơ sở giáo dục ngày càng khó khăn, các ngành đào tạo chưa có thu hút với người học; việc thu hút số lượng giảng viên, chuyên gia có trình độ cao gặp nhiều khó khăn.

- Do sự cạnh tranh quyết liệt trong tuyển sinh nên trong phát triển vùng và liên kết vùng giữa Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình có nhiều ngành nghề có thể liên kết với nhau để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhưng chưa có sự liên kết đào tạo giữa các trường đại học, cao đẳng trong vùng, thậm chí trong Tỉnh.

Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tại Hà Tĩnh

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, thời gian tới, Hã Tĩnh cần triển khai các nội dung sau:

Một là, tăng cường hợp tác giữa các cơ sở đào tạo, người lao động với các doanh nghiệp. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao không phải là trách nhiệm riêng của các cơ sở đào tạo mà phải có sự kết hợp đồng bộ giữa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước với nội dung, chương trình, hình thức, ngành nghề đào tạo của các cơ sở đào tạo, đặc biệt là sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp vào công tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

- Về phía các cơ sở đào tạo trên địa bàn Tỉnh: Để có thể đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đòi hỏi các cơ sở đào tạo các cấp phải có định hướng rõ ràng, cụ thể về sản phẩm do mình đào tạo ra sao cho phù hợp với nhu cầu của các doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh.

Các cơ sở đào tạo cần có sự chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, chương trình đào tạo tiên tiến, luôn thay đổi công nghệ đào tạo. Cần chủ động mở đào tạo các ngành nghề mới đáp ứng sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Tỉnh...

- Về phía người lao động: Cần tìm hiểu nhu cầu của thị trường lao động và xu hướng phát triển của nền kinh tế, trên cơ sở năng lực của bản thân để lựa chọn ngành học cho phù hợp, tránh lựa chọn theo xu thế. Trong quá trình làm việc, cần tích cực tìm hiểu, cập nhật kiến thức, kỹ năng làm việc của đồng nghiệp và mọi người xung quanh. Đối với người lao động trong các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài, việc nâng cao trình độ ngoại ngữ sẽ giúp cho người lao động có thể làm tốt hơn công việc của mình và có cơ hội để thăng tiến.

- Về phía các doanh nghiệp: Nên có “đơn đặt hàng” cụ thể đối với các cơ sở đào tạo sao cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển, từng lĩnh vực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Trong các khu công nghiệp cần quan tâm đến vai trò của ban quản lý là đầu mối liên kết các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài với các cơ sở đào tạo trong vùng để họ đặt hàng đối với các cơ sở đào tạo và thu hút đầu ra cho các cơ sở đào tạo. Có như vậy mới có thể phân luồng được người học tạo nguồn cung đáp ứng nhu cầu thiết thực của các doanh nghiệp.

Hai là, cần coi Đào tạo - Bồi dưỡng - Thu hút nhân tài là “kiềng ba chân” trong tiến trình phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, qua đó thu hút, lựa chọn các ứng viên có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu của từng ngành, lĩnh vực, vị trí công việc; bố trí nguồn nhân lực chất lượng cao vào các ngành, lĩnh vực, vị trí cho phù hợp với năng lực, sở trường của họ; dựa vào các tiêu chí, chỉ tiêu, định mức để đánh giá hiệu quả công việc của nguồn nhân lực chất lượng cao và trên cơ sở đánh giá nguồn nhân lực chất lượng cao, để có kế hoạch đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao sao cho phù hợp với yêu cầu đặt ra.

Ba là, tạo môi trường làm việc thuận lợi để thu hút và phát huy tối đa khả năng làm việc của người lao động có chất lượng cao như: Nhà ở, phương tiện đi lại, dịch vụ y tế, phương tiện liên lạc…

Bốn là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của các cơ quan quản lý nhà nước. Chất lượng nguồn nhân lực của các cơ quan quản lý nhà nước hạn chế sẽ không tham mưu được việc làm chính sách, công việc trì trệ và bộ máy biên chế sẽ trở nên cồng kềnh. Chất lượng đội ngũ công chức không đồng đều, hạn chế về năng lực sẽ ảnh hướng đến việc giải quyết công việc.

Năm là, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực thông qua tăng cường liên kết giữa các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp và chính quyền địa phương trong vùng. Công việc này sẽ giúp các cơ sở đào tạo trong vùng hướng đến chú trọng xây dựng chất lượng nguồn nhân lực và phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Mặt khác, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế đang tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về cơ cấu ngành nghề trong vùng cũng xuất hiện ngày càng nhiều ngành nghề mới đòi hỏi ứng dụng công nghệ cao. Do đó, việc liên kết đào tạo dựa trên thế mạnh của các cơ sở đào tạo, đặc điểm và định hướng phát triển KT-XH của từng địa phương là cần thiết để có sự phân công trong công tác đào tạo phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Tài liệu tham khảo:

  1. Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Hà Tĩnh các năm 2020, 2021, 2022;
  2. Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Hà Tĩnh 6 tháng đầu năm 2023;
  3. Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 16/8/2004 của Bộ Chính trị khóa IX; Kết luận số 25-KL/TW ngày 2/8/2012 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW;
  4. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh khoá XIX nhiệm kỳ 2020 - 2025;
  5. Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;
  6. Agwu, M. O., Ogiriki, T. 2014, ‘Human Resource Development and Organizational Performance in the Nigeria Liquefied Natural Gas Company Limited, Bonny’, Journal of Management and Sustainability, 4(4).