Phát triển nguồn nhân lực chất lượng trong bối cảnh mới
Nhu cầu lao động chất lượng cao ngày càng gia tăng, trong khi thứ hạng chỉ số lao động có chất lượng của Việt Nam còn thấp. Đây là vấn đề đặt ra cần giải quyết trong tình hình hiện nay.
Cùng với xu hướng hội nhập và hiện đại hóa nền kinh tế, nhân lực Việt Nam tham gia nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo có xu hướng tăng. Tuy nhiên, trước yêu cầu mới và thực tiễn nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay còn rất nhiều hạn chế.
Quan niệm, nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của nhân lực đối với phát triển kinh tế - xã hội ở các cấp lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp/người sử dụng lao động nhìn chung còn hời hợt, chưa thấu đáo.
Tình trạng có quan điểm nhưng thiếu định hướng; có chủ trương nhưng thiếu hành động và có chính sách nhưng thiếu nguồn lực còn phổ biến. Một số địa phương coi giáo dục đào tạo là quốc sách, song việc tổ chức thực hiện như thế nào cho xứng tầm lại không được quan tâm đúng mức.
Hiện nay, sinh viên tốt nghiệp có năng lực chuyên môn chưa phù hợp với yêu cầu của thực tiễn sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; còn yếu về ngoại ngữ và các kỹ năng mềm như tác phong công nghiệp, khả năng làm việc theo tổ, nhóm.., kỹ năng khởi nghiệp. Chất lượng giáo dục đại học còn thấp và không đáp ứng nhu cầu kỹ năng của thị trường lao động.
Theo báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2018, Việt Nam xếp thứ 84/137 quốc gia về kỹ năng của sinh viên tốt nghiệp đại học và xếp thứ 79/134 về năng lực đổi mới sáng tạo; kết quả đầu ra của nghiên cứu còn đứng sau khá xa so với Thái Lan và Malaysia.
Tình trạng người lao động làm việc không phù hợp với ngành nghề được đào tạo, cũng như với trình độ chuyên môn và tay nghề được đào tạo. Số liệu thống kê cho thấy 81,1% lao động có trình độ cao đẳng, 60,4% số lao động có trình độ trung cấp, 23,8% số lao động có trình độ đại học trở lên làm các công việc có yêu cầu trình độ chuyên môn kỹ thuật, kỹ năng thấp hơn so với trình độ chuyên môn kỹ thuật được đào tạo (theo bằng cấp/chứng chỉ).
Mặt khác, có khoảng 35,1% lao động làm các công việc đòi hỏi trình độ chuyên môn kỹ thuật, /kỹ năng cao hơn so với bằng cấp của họ.
Việt Nam đang chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển nền kinh tế tri thức, tăng cường đổi mới sáng tạo đòi hỏi nhiều hơn và cao hơn các kỹ năng kỹ thuật và kỹ năng xúc cảm xã hội.
Trong cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 với sự phát triển liên quan đến tự động hóa, số hóa, nhu cầu về kỹ năng thay đổi nhanh chóng, một số nghề sẽ biến mất, một số khác xuất hiện và những ngành khác lại thay đổi. Nguồn nhân lực cũng phải được chuẩn bị sớm hơn, nhanh hơn, cập nhật hơn và theo cách tiếp cận thực tế hơn.
Trong bối cảnh mới, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần tăng năng suất lao động quốc gia, Việt Nam cần giải quyết các vấn đề đặt ra.
Tăng cường nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của nhân lực đối với phát triển kinh tế xã hội ở tất cả các cấp lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp/người sử dụng lao động và người dân.
Phải nhất quán giữa chủ trương và hành động về phát triển con người, giữa ban hành chính sách và đảm bảo nguồn lực thực hiện. Coi đầu tư cho con người là đầu tư cho phát triển và phải đi trước một bước. Kế hoạch về nguồn nhân lực phải là cấu phần quan trọng trong mọi chương trình dự án đầu tư phát triển kinh tế-xã hội.
Cần có chiến lược căn cơ về xây dựng vốn con người Việt Nam bao gồm kiến thức, kỹ năng và sức khỏe, được tích lũy trong suốt cuộc đời, để người dân nhận ra tiềm năng của mình như là thành viên hữu ích của xã hội.
Xây dựng môi trường làm việc, trọng dụng nhân tài đồng bộ, tạo cơ hội cho người tài phát huy năng lực và thu hút nhân lực trình độ cao là người Việt đang làm việc ở nước ngoài, Việt kiều và chuyên gia nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh hơn nữa hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong các trường đại học, nhất là các trường đại học định hướng nghiên cứu. Nhà trường chủ động tiếp cận thị trường và tạo ra nhu cầu cho doanh nghiệp.
Các trường đại học, cơ sở đào tạo được quyền sở hữu kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, xây dựng cơ chế phân chia lợi ích hợp lý với tác giả và các bên liên quan phù hợp với Luật Sở hữu trí tuệ và Khoa học Công nghệ.
Đồng thời, cần tăng cường kết nối đào tạo và sử dụng lao động. Tăng cường thông tin thị trường lao động. Mở rộng liên kết giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp trong xây dựng chương trình đào tạo, mở rộng môi trường và cơ hội thực hành và cơ hội việc làm cho học sinh/sinh viên.