Các công ty kiểm toán phải chuẩn bị nguồn nhân lực hiểu biết về công nghệ

Theo Xuân Hồng/baokiemtoannhanuoc.vn

Trước những thách thức đến từ Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0), các công ty kiểm toán sẽ phải chuẩn bị nguồn nhân lực hiểu biết về công nghệ để tiếp tục duy trì sự phát triển trong tương lai. Đó là nhận định của Phó Tổng Giám đốc PwC Trần Hồng Kiên trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Kiểm toán.

Các công ty kiểm toán phải chuẩn bị nguồn nhân lực hiểu biết về công nghệ.
Các công ty kiểm toán phải chuẩn bị nguồn nhân lực hiểu biết về công nghệ.

PV: Thưa ông, chất lượng nguồn nhân lực là một trong những nhân tố quan trọng đối với sự phát triển của DN. Từ thực tiễn quá trình công tác và vai trò một nhà quản lý, ông đánh giá như thế nào về chất lượng nguồn nhân lực kế toán - kiểm toán hiện nay? 

Ông Trần Hồng Kiên.
Ông Trần Hồng Kiên.

Ông Trần Hồng Kiên: Không thể phủ nhận rằng, Việt Nam đã đạt được bước tiến dài về đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong lĩnh vực kế toán - kiểm toán. Nguồn nhân lực được đào tạo trong nước có chất lượng tương đương với nguồn nhân lực được đào tạo từ nước ngoài về kiến thức chuyên môn, trình độ ngoại ngữ và kỹ năng làm việc, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng mới hằng năm của chúng tôi.

Tuy nhiên, việc tuyển dụng nhân lực có kinh nghiệm vẫn luôn là một thách thức không chỉ đối với riêng hoạt động kế toán - kiểm toán mà còn của cả nền kinh tế. Năm 2019, kết quả khảo sát các giám đốc điều hành do PwC thực hiện cho thấy, trong 10 thách thức lớn nhất ảnh hưởng tới tăng trưởng của Việt Nam, thách thức do thiếu nguồn lao động có kỹ năng riêng biệt đứng thứ 3, chỉ sau sự ổn định chính sách và ràng buộc chính sách. 

Nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu rộng, bao gồm cả sự hội nhập của lực lượng lao động có kỹ năng. Theo đó, các chuyên gia kế toán - kiểm toán nước ngoài tham gia trực tiếp vào dịch vụ kế toán - kiểm toán của Việt Nam ngày càng nhiều và dễ dàng, đặc biệt với sự hỗ trợ của công nghệ số. Nhìn chung, đội ngũ này có kỹ năng và tầm nhìn rộng hơn, đây sẽ là thách thức lớn đối với nguồn nhân lực trong nước.

Ở chiều ngược lại, lao động kế toán - kiểm toán của Việt Nam dịch chuyển ra nước ngoài còn hạn chế, cho nên, Việt Nam sẽ chưa hưởng lợi nhiều trong tương lai gần. Để thị trường lao động kế toán - kiểm toán Việt Nam có sự cạnh tranh công bằng hơn trong tương lai, chúng ta cần nâng cao công tác đào tạo, hợp tác dịch vụ với các tổ chức và chuyên gia nước ngoài. CMCN 4.0 cũng tạo ra sự chuyển dịch thông tin từ sổ sách sang số hóa, đòi hỏi mỗi nhân viên kế toán - kiểm toán phải bổ sung và trau dồi kiến thức để phù hợp với sự vận động số hóa của cả nền kinh tế. 

Có ý kiến cho rằng, CMCN 4.0 đã làm thay đổi môi trường và điều kiện làm việc của kế toán, kiểm toán viên. Thậm chí, DN hay người làm dịch vụ kế toán - kiểm toán chỉ phải thuê ít lao động mà vẫn tăng doanh số. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Tôi cho rằng, CMCN 4.0 là một thách thức lớn đối với định hướng phát triển trong tương lai của dịch vụ kế toán - kiểm toán bởi quá nhiều khả năng có thể xảy ra và mỗi khả năng lại phụ thuộc vào các yếu tố khách quan, chủ quan khác nhau. Hiện tại, tác động của CMCN 4.0 đối với công tác kế toán - kiểm toán mới chỉ ở mức tương đối hạn chế với việc các công ty kiểm toán áp dụng công nghệ để nâng cấp, cải thiện và mở rộng các quy trình kiểm toán trên không gian kỹ thuật số, hay sự xuất hiện của một số công ty công nghệ có thể cung cấp dịch vụ có tính cạnh tranh (hoặc bổ trợ) với các dịch vụ truyền thống của các DN kiểm toán và tư vấn. Tuy nhiên, điều này chưa phản ánh được tác động tiềm năng của CMCN 4.0 đối với dịch vụ kế toán - kiểm toán. 

Về tác động của CMCN 4.0 tới ngành kiểm toán - kế toán trên các mặt: mô hình hoạt động, loại hình dịch vụ, nguồn nhân lực, tiêu chuẩn chất lượng… tôi chưa có các đánh giá chi tiết. Tuy nhiên, điều rõ ràng nhất, các công ty kiểm toán sẽ phải chuẩn bị nguồn nhân lực hiểu biết về công nghệ, nhận diện những ảnh hưởng có thể có đối với các lĩnh vực, dịch vụ truyền thống để tiếp tục duy trì sự phát triển và tính cạnh tranh trong thời kỳ phát triển công nghệ khó lường này. 

Thực tế, khi thị trường tài chính ngày càng hội nhập sâu rộng, yêu cầu về chất lượng kiểm toán, tính độc lập của kiểm toán viên sẽ ngày càng được đề cao. Theo ông, đâu là những yếu tố đảm bảo tính độc lập trong hoạt động kiểm toán? 

Tính độc lập luôn là yêu cầu bắt buộc mà các DN kiểm toán độc lập phải tuân thủ, đây được hiểu như là các chi phí (hay sự từ bỏ lợi ích) mà DN kiểm toán phải thực hiện. Ở chiều ngược lại, DN kiểm toán cần thu được số thù lao (phí) hợp lý để có thể duy trì tính độc lập và phát triển bền vững. Đây là thách thức lớn đối với các DN kiểm toán, đặc biệt các DN kiểm toán không có đủ nguồn lực cần thiết để xử lý thách thức này. 

Để giúp DN kiểm toán phát triển bền vững và đáp ứng được yêu cầu về tính độc lập, tôi cho rằng, cần sự nỗ lực nội tại của DN và cơ chế quản lý, giám sát của các bên liên quan. DN kiểm toán phải thực hiện tốt công tác tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, đồng thời, xây dựng chính sách thu nhập phù hợp để duy trì đội ngũ nhân viên của mình. Để làm được điều này, mức giá phí kiểm toán cần phù hợp.

Ở các nước, các DN được kiểm toán có Ủy ban Kiểm toán độc lập thực hiện chức năng lựa chọn kiểm toán độc lập, đánh giá tính độc lập của kiểm toán và tham gia trực tiếp vào việc xác định mức phí kiểm toán phù hợp. Việc áp dụng mô hình Ủy ban này chưa thông dụng tại Việt Nam. Ngoài ra, tính độc lập của DN kiểm toán cũng sẽ được nâng cao khi cơ quan chức năng hoàn thiện công tác quản lý, giám sát chất lượng kiểm toán cùng các chế tài xử phạt có tính răn đe cao hơn. 

Vậy, để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN kiểm toán hoạt động độc lập, hiệu quả, ông có kiến nghị gì đối với cơ quan quản lý nhà nước?

Tôi đã tham gia một số cuộc thảo luận về chất lượng kiểm toán và giải quyết thách thức để nâng cao chất lượng kiểm toán. Nhiều định hướng, kế hoạch đã được thực hiện như: đào tạo các kỹ năng còn thiếu cho kiểm toán viên, ban hành hồ sơ kiểm toán mẫu hay thực hiện kiểm tra định kỳ chất lượng hoạt động các công ty kiểm toán.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, điểm khác biệt lớn trong vai trò của cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam so với các nước khác (như: PCAOB của Mỹ, FRC của Anh hay FSA của Nhật) là tính nghiêm khắc đối với các hành vi sai phạm kiểm toán, bao gồm các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và phạt tiền. Đây là điều mà cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam cần lưu tâm để tạo dựng sự cạnh tranh lành mạnh giữa các DN và nâng cao chất lượng dịch vụ kế toán - kiểm toán. 

Xin cảm ơn ông!