Phát triển nguồn nhân lực cơ sở lưu trú du lịch Việt Nam
Hoạt động du lịch Việt Nam đã phục hồi trở lại vào năm 2022, sau 2 năm gián đoạn do đại dịch COVID-19, với những dấu hiệu phục hồi rất tích cực, thị trường khách nội địa tăng trưởng mạnh, thị trường khách du lịch quốc tế phục hồi dần. Tuy nhiên, hiện nay nhân sự du lịch bị thiếu hụt cả về số lượng và chất lượng, đặc biệt là khối cơ sở lưu trú du lịch. Bài viết này phân tích về thực trạng nhân lực của cơ sở lưu trú du lịch Việt Nam và một số giải pháp gợi ý nhằm phát triển nguồn nhân lực du lịch trong bối cảnh mới.
Nhân lực cơ sở lưu trú du lịch Việt Nam
Những năm qua, hệ thống cơ sở lưu trú du lịch (CSLTDL) Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ, đa dạng về loại hình, cách thức vận hành và hình thức sở hữu, quản lý, đáp ứng nhu cầu của hàng chục triệu lượt khách mỗi năm ở các mức chi tiêu khác nhau. Làn sóng đầu tư vào lĩnh vực này diễn ra khắp cả nước, tập trung vào các khu nghỉ dưỡng biển, nghỉ dưỡng núi.
Bên cạnh khách sạn và nhà nghỉ du lịch còn có căn hộ du lịch, homestay, khu căn hộ du lịch chia sẻ kỳ nghỉ, biệt thư du lịch, tàu thủy lưu trú du lịch bãi cắm trại du lịch. Đáng chú ý, mạng lưới nhà dân cung ứng qua hệ thống Airbnb chiếm thị phần lớn, làm tăng cung, cạnh tranh mạnh mẽ với các cơ sở lưu trú truyền thống. Cùng với những tập đoàn khách sạn lớn có thương hiệu trên thế giới từ nhiều năm như Hyatt, Intercontinental, Accor, Sheraton, Hilton, IHG, đã có sự lớn mạnh của các tập đoàn khách sạn do người Việt đầu tư và quản lý, hình thành những thương hiệu Việt nổi tiếng được đánh giá cao như Vinpearl, Saigontourist, Mường Thanh…
Năm 2011, cả nước có hơn 13.700 CSLTDL, với trên 256.000 buồng. Đến năm 2023, con số này đã đạt khoảng 40.000 cơ sở với 800.000 buồng, tăng hơn 2,5 lần về số cơ sở và hơn 3 lần về sức chứa, trong đó có hơn 9.200 khách sạn, 282 căn hộ du lịch, 16.000 nhà nghỉ du lịch, 5600 nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê, 386 biệt thự du lịch, 245 tàu thuỷ lưu trú du lịch...
Trong đó: 1) Nhóm CSLTDL 4 sao đến 5 sao: có 530 cơ sở với hơn 114.000 buồng chiếm gần 20%. Khối 5 sao có sức chứa lớn nhất. Phân khúc 4-5 sao ngày càng chiếm tỷ trọng lớn tại khu vực Nam Trung bộ, Phú Quốc và các trung tâm du lịch; 2) Nhóm CSLTDL 1 sao đến 3 sao: có 5.360 cơ sở với khoảng 156.000 buồng. Nhóm này có xu hướng giảm dần qua các năm; 3) Nhóm CSLTDL đủ điều kiện có 14.200 cơ sở với hơn 220.000 buồng. Trong nhóm này, nhà nghỉ du lịch có xu hướng giảm, còn các loại hình khác có xu hướng tăng.
CSLTDL cung ứng dịch vụ lưu trú và nhiều dịch vụ bổ sung, liên quan trực tiếp đến nhiều người, nhiều ngành nghề, thu hút lao động từ giản đơn đến trình độ cao. Chất lượng CSLTDL phụ thuộc nhiều vào năng lực người lao động, đặc biệt là quan điểm, tư duy, phương pháp quản lý của nhóm quản trị gồm 3 cấp: Cấp cao (thành viên hội đồng quản trị, giám đốc/phó giám đốc điều hành), cấp trung (trưởng/phó phòng ban, bộ phận chức năng như buồng, bàn, bar, bếp, kinh doanh…), cấp cơ sở (trưởng nhóm, giám sát, tổ trưởng, tổ phó). Nhiều bộ phận không đòi hỏi trình độ văn hóa cao, như phục vụ buồng, tạp vụ, vệ sinh, chăm sóc cây cảnh, bảo vệ... chiếm tỷ trọng lớn, cần được đào tạo nghề. Những bộ phận cần chuyên môn sâu là quản trị, lễ tân, bếp, pha chế, kinh doanh, tin học, kỹ thuật. Những bộ phận trực tiếp tiếp xúc với khách nước ngoài yêu cầu ngoại ngữ.
Sau 2 năm gián đoạn do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, ngành Du lịch đã phục hồi và phát triển nhanh chóng. Dự báo tăng trưởng du lịch Việt Nam 10 năm tới khá lạc quan, năm 2025 cả nước cần có 950.000 đến 1.050.000 buồng lưu trú và đến năm 2030 cần 1.300.000 đến 1.450.000 buồng; Như vậy, năm 2025, cầu về lao động khối CSLTDL khoảng hơn 800.000 người và năm 2030 là hơn 1 triệu người, giai đoạn 2025 - 2030, trung bình cần bổ sung mỗi năm trên 60.000 lao động.
Một số thách thức đặt ra
Thách thức bên ngoài
Việc tham gia khu vực kinh tế tự do ASEAN tạo ra sân chơi bình đẳng giữa các doanh nghiệp du lịch trong nước và nước ngoài. Các nước ASEAN đã ký kết Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong du lịch. Theo đó, lao động các nước ASEAN có chung bộ tiêu chuẩn nghề và có thể tự do đi làm việc trong khu vực. Điều này sẽ hạn chế cơ hội việc làm của lao động Việt Nam nếu không cải thiện được chuyên môn nghiệp vụ và năng suất lao động.
Thách thức ở trong nước
Thứ nhất, kinh nghiệm, trình độ và nhận thức của chủ đầu tư. Sự thiếu kinh nghiệm của chủ đầu tư dẫn đến những sai lầm trong quá trình đầu tư, duy trì chất lượng và phát triển thương hiệu. Nhiều chủ đầu tư chọn tư vấn thiết kế không đủ năng lực nên xây dựng công trình có nhiều bất cập, không đáp ứng công năng, khó vận hành, không đạt tiêu chuẩn theo mục đích ban đầu. Một số chủ đầu tư chưa quan tâm đến tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng lao động.
Thứ hai, thiếu hụt và khó tuyển dụng nhân lực. Sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, giãn cách và gãy, đứt chuỗi cung ứng, nhân sự chất lượng cao, lao động giỏi, có kỹ năng, thạo nghề, kinh nghiệm làm việc lâu năm bị giảm thu nhập hoặc mất việc làm, người có khả năng điều hành, quản lý CSLTDL chuyển việc nhiều nên rất thiếu so với yêu cầu thực tế, không theo kịp sự tăng trưởng CSLTDL và nhu cầu thị trường. Việc tuyển lao động có kinh nghiệm, có chuyên môn tốt rất khó khăn gây ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ.
Thứ ba, chất lượng nhân lực. Hiện nay, còn một số vấn đề cần khắc phục đối với nhân lực tại CSLTDL: Về thái độ, còn hạn chế về ý thức bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Về kỹ năng, nhóm nhân lực mới tuyển dụng, mới ra trường ít kinh nghiệm, thiếu hụt nhân lực quản trị cấp cao và cấp trung. Về kiến thức, thiếu kinh nghiệm thực tiễn, hạn chế về ngoại ngữ, đội ngũ lãnh đạo, quản lý mới chưa đủ năng lực quản trị, yếu nghiên cứu phân tích thị trường, kiến thức chuyển đổi số chưa tương ứng với yêu cầu của Ngành trong bối cảnh hội nhập.
Thứ tư, chính sách với người lao động. Ở một số nơi, người lao động chưa được coi trọng, chế độ lương, chính sách đãi ngộ, điều kiện làm việc chưa được quan tâm đầy đủ, nên khó tuyển nhân sự, lực lượng lao động thường xuyên thay đổi, cơ sở đào tạo khách sạn khó tuyển sinh viên chất lượng cao.
Thứ năm, tính thời vụ. Yếu tố thời vụ ảnh hưởng lớn đến chất lượng, uy tín của nhiều đơn vị do thời gian thấp điểm, cơ sở vật chất bị xuống cấp, nhân viên không ổn định, nhiều nơi không dám tuyển đủ nhân lực vì sợ không đủ chi phí cho quỹ lương sau thời gian dài cạn kiệt nguồn vốn dự phòng. Những thời gian cao điểm như lễ hội, nghỉ hè, nghỉ tết... do cung thấp hơn cầu dễ gây đến tình trạng nâng giá, ép giá, cung ứng dịch vụ không đảm bảo chất lượng.
Thứ sáu, chất lượng đào tạo. Cả nước hiện có gần 200 cơ sở giáo dục, đào tạo bồi dưỡng du lịch, gồm các trường đại học có khoa du lịch, trường cao đẳng (với 10 trường chuyên về du lịch, 45 trường có ngành du lịch), trường trung cấp, trung tâm dạy nghề. Với lĩnh vực lưu trú du lịch, các chuyên ngành chủ yếu ở trình độ trung cấp và dạy nghề là kỹ thuật chế biến món ăn, kỹ thuật phục vụ buồng, bàn, bar và lễ tân; các chuyên ngành ở trình độ cao đẳng và đại học là quản trị kinh doanh khách sạn, marketing du lịch, kỹ thuật. Hàng năm, các đơn vị đào tạo du lịch cho ra trường khoảng 40.000 lao động, riêng nghề khách sạn khoảng 30.000 người. Đào tạo nhân lực lưu trú du lịch dù đang hướng tới đạt kiến thức, kỹ năng theo các tiêu chuẩn đã được thỏa thuận trong khu vực và mở rộng ra phạm vi toàn cầu nhưng vẫn chưa đạt kỳ vọng.
Giải pháp phát triển nguồn nhân lựccơ sở lưu trú du lịch Việt Nam
Một là, đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch. Nâng cao ý thức người dân, doanh nghiệp, cộng đồng trong ứng xử văn minh, thân thiện với khách du lịch và bảo vệ hình ảnh, môi trường, góp phần phát triển bền vững, không ngừng nâng cao uy tín, thương hiệu và sức thu hút của du lịch Việt Nam.
Hai là, phát triển nguồn nhân lực du lịch, theo cơ cấu hợp lý, bảo đảm số lượng, chất lượng, cân đối về cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh, hội nhập; có chính sách khuyến khích thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực và thị trường lao động toàn diện, nâng cao chất lượng nhân lực du lịch cả về quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp và kỹ năng nghề du lịch, chú trọng đào tạo nhân lực quản lý cấp cao và lao động lành nghề; Đa dạng các hình thức đào tạo; đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo nhân lực du lịch; chú trọng đào tạo kỹ năng nghề và kỹ năng mềm cho lao động trực tiếp phục vụ du lịch, đặc biệt là đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên tại điểm du lịch; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho cộng đồng dân cư tham gia kinh doanh du lịch và góp phần quảng bá điểm đến, hình ảnh du lịch địa phương; Khuyến khích hình thành đội ngũ tình nguyện viên hướng dẫn, hỗ trợ khách du lịch...
Đối với việc liên kết vùng để phát triển du lịch chất lượng cao, để đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực CSLTDL, bài viết đề xuất một số đề xuất gợi ý cụ thể như sau:
- Rà soát lực lượng lao động CSLTDL trên địa bàn, nhận diện những hạn chế, yếu kém, thiếu hụt về chuyên môn nghiệp vụ của từng bộ phận, nghiên cứu nhu cầu thị trường, dự báo du lịch để tính toán nhu cầu đào tạo tập trung/tại chỗ, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ và xây dựng kế hoạch tuyển dụng, đào tạo của từng địa phương, cơ sở. Địa phương không đủ nhân sự hoặc không có cơ sở đào tạo có năng lực cần liên hệ với các cơ sở đào tạo ở các địa phương khác đến nhận sinh viên thực tập và làm việc, trao đổi hỗ trợ nhân sự giữa các tập đoàn và các cơ sở cùng hạng.
- Phối hợp chặt chẽ giữa chủ đầu tư và người vận hành, quản trị CSLTDL, phối hợp cùng các cơ quản quản lý, chính quyền địa phương và ban quản lý khu du lịch, triển khai các giải pháp nâng cao nhận thức, ý thức, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ nhân lực trong việc đảm bảo quyền lợi, đáp ứng nhu cầu khách khi cung ứng dịch vụ, chú trọng các dịch vụ có lợi cho sức khỏe, đảm bảo an toàn vệ sinh, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, tạo an tâm cho du khách. Có chính sách thu hút, khuyến khích lao động có kinh nghiệm, kỹ năng nghề đã chuyển việc quay lại làm, khuyến khích nhân viên nâng cao kiến thức, kỹ năng.
- Về đào tạo: Kết hợp và liên thông giữa các cấp độ đào tạo, giữa các chuyên ngành đào tạo đặc biệt là ngoại ngữ để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực, đảm bảo liên kết chặt chẽ và cân đối giữa các bậc đào tạo, ngành nghề đào tạo. Thay đổi cách thức đào tạo phù hợp với các mùa du lịch để điều kiện thực hành thuận lợi hơn. Đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng theo hướng tiếp cận năng lực, tăng cường kỹ năng nghiệp vụ và ngoại ngữ, kỹ năng lãnh đạo, quản trị rủi ro, ứng phó với các tình huống khẩn cấp hay bất khả kháng.
Đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, tăng cường năng lực cơ sở đào tạo, cải thiện cơ sở thực hành; xây dựng mô hình trung tâm thực hành nghề, khách sạn trường để sinh viên có thể vừa học lý thuyết vừa thực hành tại chỗ. Huy động nguồn lực xã hội, đặc biệt tập đoàn lớn đào tạo nhân lực cho cả vùng chứ không chỉ phạm vi địa phương. Phát triển, nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, giảng viên, đào tạo viên, mời người có kinh nghiệm, giỏi nghề, đặc biệt là giám đốc điều hành, trưởng bộ phận khách sạn 4-5 sao thương hiệu quốc tế làm giáo viên hoặc thỉnh giảng.
- Ứng dụng công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ thông tin. Liên kết với các đơn vị cung ứng giải pháp, cho người lao động quen với công nghệ mới và các phần mềm quản lý tiên tiến, tích cực thực hiện chuyển đổi số.
- Tạo môi trường thuận lợi cho phát triển nhân lực du lịch. Nâng cao nhận thức cộng đồng về du lịch, tạo cơ hội tôn vinh và khơi dậy lòng yêu nghề, tâm huyết với CSLTDL. Nhân sự du lịch dễ bị tổn thương hơn các nghề khác, đặc biệt khi kinh tế khó... Cần có chính sách hỗ trợ và chuyển đổi nghề những ngành nghề công việc dễ tổn thương. Có chính sách thu hút, khuyến khích lao động có kinh nghiệm, kỹ năng nghề đã chuyển việc quay lại làm trong lĩnh vực du lịch: Lương, môi trường làm việc. Có chính sách lương theo bậc/năng lực khuyến khích nhân viên học nâng cao kiến thức, kỹ năng.
- Tôn vinh kịp thời người lao động có chuyên môn tốt, tay nghề cao, đạt nhiều thành tích, đặc biệt những người có đóng góp với cộng đồng và ngành du lịch, có sáng kiến tốt về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Tài liệu tham khảo:
- Quộc hội, Luật Du lịch, Luật Giáo dục;
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2021), Quyết định số 3624/QĐ-BVHTTDL ngày 31/12/2021 về việc phê duyệt Đề án “Phát triển nguồn nhân lực du lịch thích ứng với tác động của đại dịch COVID-19 giai đoạn 2021-2030”;
- Các báo cáo tổng kết, báo cáo thường niên du lịch của Tổng cục Du lịch năm 2011, 2019, 2022, 2023.