Phát triển nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp tại Thanh Hóa còn hạn chế
Hiện giá đất tại các mặt bằng đô thị ở Thanh Hóa đang ở mức trần cao khiến nhiều đối tượng thu nhập thấp rất khó tiếp cận. Trong khi đó nguồn cung về nhà ở xã hội lại chưa đáp ứng được nhu cầu.
Trong bối cảnh hiện nay, phân khúc thị trường nhà ở xã hội đang thu hút sự quan tâm khá lớn của người có thu nhập thấp. Hiện nay, toàn tỉnh Thanh Hoá hiện có khoảng 20 dự án nhà ở xã hội trong đó 6 dự án đã đi vào hoạt động với khoảng 8.000 căn hộ.
Đa số nhà ở xã hội phân bố chủ yếu tại TP. Thanh Hóa, các dự án này chưa đáp ứng hết nhu cầu của khách hàng bởi quy mô nhỏ trong khi theo dự báo thời gian tới, nhu cầu nhà ở xã hội của các nhóm đối tượng được hưởng chính sách lớn gấp 2 lần hiện tại.
Theo thống kê của tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021 - 2030 nhu cầu về nhà ở dự báo cần tăng thêm hơn 42,5 triệu m2 sàn. Trong đó, mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 diện tích nhà ở bình quân toàn tỉnh đạt khoảng 28,6m2 sàn/người (cả nước dự kiến đạt 28m2 sàn/người), giai đoạn 2026 - 2030 diện tích nhà ở bình quân toàn tỉnh đạt khoảng 33,0m2 sàn/người (cả nước dự kiến đạt 30m2 sàn/người).
Tại Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030 theo Nghị quyết số 113/NQ-HĐND của HĐND tỉnh ban hành ngày 17/7/2021 thì tổng diện tích xây dựng nhà ở tăng thêm đến năm 2025 khoảng 19.642.267m2 sàn, tương ứng với khoảng 193.939 căn (trong đó nhà ở thương mại là 87.695 căn, nhà ở xã hội chỉ 8.383 căn, nhà ở tái định cư là 19.854 căn, nhà ở dân tự xây là 78.007 căn). Dự báo nguồn vốn phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2025 là 49.255 tỷ đồng diện tích xây dựng khoảng 8.533,7ha.
Diện tích xây dựng nhà ở tăng thêm đến năm 2030 khoảng 22.929.042m2 sàn, tương ứng với khoảng 225.604 căn (trong đó nhà ở thương mại là 105.214 căn, nhà ở xã hội là 10.000 căn, nhà ở tái định cư là 21.346 căn, nhà ở dân tự xây là 89.044 căn). Nguồn vốn trong giai đoạn 2026 - 2030 là 223.202 tỷ đồng diện tích xây dựng khoảng 3.825,0ha.
Trong đó, nhu cầu quỹ đất phát triển các dự án đầu tư xây dựng nhà ở giai đoạn 2021 - 2025 cho nhà ở thương mại là 7.400,1ha, nhà ở xã hội hạn hẹp là 173,0ha, nhà ở tái định cư là 960,6ha; giai đoạn 2026 - 2030 nhu cầu quỹ đất cho nhà ở thương mại là 2.825,0ha, nhà ở xã hội là 375,0ha, nhà ở tái định cư là 625,0ha.
Trước đó, giai đoạn 2016 - 2020, chỉ tiêu diện tích nhà ở thương mại đạt 268,72% so với mục tiêu của chương trình, nhà ở xã hội đạt chỉ đạt 5,95% so với mục tiêu chương trình, nhà ở tái định cư đạt 30,05%, nhà ở dân tự xây đạt 98,27%…
Nhằm hạn chế về khó khăn trong công tác phát triển nhà ở dành cho đối tượng chính sách, người có thu nhập thấp và đóng góp tích cực vào Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó có một mục tiêu quan trọng là giải quyết chỗ ở cho các nhóm đối tượng chính sách xã hội. Thì mới đây Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản chỉ đạo về việc rà soát đối với các dự án xây dựng nhà ở thương mại (tại đô thị loại III trở lên) đã có quy hoạch chi tiết nhưng chưa bố trí quỹ đất phát triển nhà ở xã hội...
Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các đơn vị đề xuất dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô sử dụng đất từ 2ha trở lên tại đô thị loại I, hoặc từ 5ha trở lên tại các đô thị loại II và loại III cần tiến hành rà soát, tổ chức lập điều chỉnh quy hoạch chi tiết các dự án nhằm bố trí quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.
Đối với trường hợp dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị thuộc diện phải bố trí quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định nhưng có sự thay đổi quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết của địa phương, dẫn đến việc bố trí quỹ đất 20% không còn phù hợp thì giao các đơn vị đề xuất dự án có báo cáo rà soát và đề xuất ý kiến cụ thể.
Trong đó phải xác định rõ vị trí, diện tích đất bố trí thay thế tại địa điểm khác trên phạm vi địa bàn gửi Sở Xây dựng để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trước ngày 5/8/2021 để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận.
Như vậy, so với tình hình thực tế hiện nay và dự báo nhu cầu nhà ở trong tương lai thì quỹ đất dành cho xây dựng nhà ở xã hội tại khu vực đô thị trên địa bàn tỉnh là rất hạn hẹp. Trong khi đó, sự mở rộng của các khu công nghiệp, nhà máy ven đô thị và sự di cư lên thành phố của những gia đình trẻ, công nhân, viên chức và lao động có thu nhập trung bình, thấp ngày càng nhiều. Do vậy sự bố trí các chung cư cao tầng hay chung cư thu nhập thấp là sự lựa chọn khả thi, đáp ứng nhu cầu hiện tại và tương lai.