Tỉnh Đồng Nai:

Phát triển nhiều khu đô thị tại các địa phương trong tỉnh

Theo Hương Giang/Báo Đồng Nai

Từ nay đến năm 2030, có 5 địa phương được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt quy hoạch nhiều đất để phát triển các khu đô thị (KĐT), khu dân cư (KDC) là huyện Long Thành, huyện Nhơn Trạch, huyện Cẩm Mỹ, huyện Trảng Bom và TP. Long Khánh. Các địa phương trên nằm trong dự tính sẽ phát triển nhanh khi nhiều khu công nghiệp được đầu tư xây dựng.

Khu vực hồ Cầu Dầu được TP.Long Khánh quy hoạch phát triển khu dân cư sinh thái kết hợp thương mại dịch vụ rộng 350ha. Ảnh: H.GIANG
Khu vực hồ Cầu Dầu được TP.Long Khánh quy hoạch phát triển khu dân cư sinh thái kết hợp thương mại dịch vụ rộng 350ha. Ảnh: H.GIANG

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, trong gần 9 năm tới (2021-2030), các địa phương trên của Đồng Nai sẽ chuyển đổi khoảng 7,2 ngàn ha đất nông nghiệp và những đất khác sang đất ở để triển khai các dự án khu đô thị (KĐT), khu dân cư ( KDC). Trong đó, huyện Long Thành sẽ tăng gần 2.360ha, huyện Nhơn Trạch gần 2.050ha, huyện Cẩm Mỹ gần 1,5 ngàn ha, TP.Long Khánh hơn 880ha và H.Trảng Bom khoảng 430ha.

Sẽ hình thành nhiều Khu đô thị lớn

Tại những địa phương trên, trong số những KĐT, KDC được quy hoạch sử dụng đất triển khai trong các năm tới có đến hơn 60% dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2011-2020 sang. Diện tích của các dự án dao động từ vài ha đến hàng trăm ha. Dự tính sẽ có những dự án kết hợp đầu tư theo hình thức đô thị, du lịch nghỉ dưỡng và các dịch vụ khác đan xen như: trung tâm thương mại, siêu thị, khu vui chơi giải trí, trường học… nhằm nâng cao chất lượng dự án và thu hút người mua bất động sản.

Theo đó, huyện Long Thành là một trong những địa phương “nóng nhất” với hàng loạt KĐT, KDC được quy hoạch để đón đầu và phát triển thành một thành phố sân bay với đầy đủ các phân khu chức năng, dịch vụ. Hiện nay, đây là nơi được các nhà đầu tư đánh giá là vùng “đất vàng” của Đông Nam bộ, do đó nhiều doanh nghiệp muốn sở hữu những quỹ đất lớn để phát triển bất động sản về nhà ở, công nghiệp, thương mại dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng.

Dự kiến từ nay đến năm 2030, huyện Long Thành sẽ triển khai khoảng 84 dự án KDC, KĐT, khu tái định cư. Trong đó có những dự án có diện tích đất lớn như: KĐT dịch vụ ở xã Tam An 753ha; KĐT Bình Sơn ở xã Lộc An, Bình Sơn 555ha; KDC - tái định cư Lộc An - Bình Sơn 282ha; khu tái định cư Bình Sơn 284ha; KĐT dịch vụ xã Tam An gần 200ha…

Phó Chủ tịch UBND huyện Long Thành Lê Hoàng Sơn cho biết: “Mục tiêu của huyện Long Thành là sẽ lên đô thị loại III vào năm 2030, xây dựng phát triển các KĐT, KDC là để nâng cao tỷ lệ đô thị hóa thông qua việc tăng dân số đô thị. Đồng thời, huyện hướng đến trở thành vùng kinh tế động lực của tỉnh, từng bước trở thành trung tâm đô thị - công nghiệp hiện đại của vùng”.

Tiếp đến là huyện Nhơn Trạch - nơi sẽ triển khai gần 80 dự án KĐT, KDC với mong muốn sẽ thu hút được nhiều người dân đến sinh sống và làm việc trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Trong các quy định để lên thành phố thì huyện Nhơn Trạch còn vướng một số tiêu chí, trong số đó có tiêu chí chưa thu hút đủ số lượng dân cư sống trong khu vực đô thị.

Do đó, huyện Nhơn Trạch đang kỳ vọng sắp tới đây, khi cầu Cát Lái được xây dựng, giao thông kết nối thuận lợi sẽ có nhiều người dân từ TP. Hồ Chí Minh đến Nhơn Trạch sinh sống. Vì sau đợt dịch Covid-19 vào quý III-2021, nhiều người dân TP. Hồ Chí Minh có xu hướng mua nhà ở tại các khu vùng ven thành phố để có không gian rộng rãi.

Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch Nguyễn Thị Giang Hương cho biết: “Người dân TP. Hồ Chí Minh đến huyện Nhơn Trạch mua đất, nhà ở rất nhiều, các dự án bất động sản có sản phẩm chào bán đều được mua hết trong thời gian ngắn. Trong tương lai gần, huyện sẽ ưu tiên vốn, nhân lực cho việc thực hiện các dự án kết nối hạ tầng giao thông và thu hút đầu tư vào thương mại dịch vụ để thu hút và đảm bảo các nhu cầu cho người dân đến sinh sống”. Cũng theo bà Hương, huyện sẽ thường xuyên rà soát, nhắc nhở nhà đầu tư triển khai dự án KĐT theo đúng lộ trình. Các dự án bất động sản triển khai nhanh, sớm có sản phẩm đưa ra thị trường sẽ đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước.

Huyện Nhơn Trạch là nơi thực hiện nhiều dự án KĐT lớn như: KĐT du lịch sinh thái Long Tân 127ha, KĐT du lịch sinh thái Đại Phước 2 khoảng 120ha, KĐT du lịch Đại Phước 130ha, KDC Vĩnh Thanh - Phú Thạnh 92ha, KDC Phước An 70ha. Trên địa bàn H.Trảng Bom có hàng loạt dự án dân cư lớn như: KDC dịch vụ Giang Điền 106ha (khu B), KDC dịch vụ Giang Điền (khu A) 97ha, KDC du lịch sinh thái Giang Điền 118ha.

Bổ sung nhiều dự án lớn

Nếu tại huyện Long Thành, huyện Nhơn Trạch và huyện Trảng Bom đa số các dự án có mặt trong quy hoạch giai đoạn tới là dự án KĐT chuyển tiếp từ giai đoạn 2011 - 2020 qua thì TP.Long Khánh, huyện Cẩm Mỹ là những dự án lớn đa số mới bổ sung trong quy hoạch sử dụng đất từ năm 2021 - 2030.

Cụ thể, huyện Cẩm Mỹ bổ sung mới KDC xã Sông Nhạn 180ha, KDC Xuân Quế 120ha, KDC xã Xuân Đường 220ha, KDC xã Thừa Đức 190ha. TP.Long Khánh sẽ có KDC sinh thái kết hợp thương mại dịch vụ hồ Bàu Môn khoảng 350ha, KDC sinh thái kết hợp với thương mại dịch vụ hồ Cầu Dầu gần 210ha, KDC xã Hàng Gòn 200ha…

5 địa phương được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch nhiều đất để phát triển các khu đô thị, khu dân cư từ nay đến năm 2030 (Thông tin: Hương Giang - Đồ họa: Hải Quân)
5 địa phương được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch nhiều đất để phát triển các khu đô thị, khu dân cư từ nay đến năm 2030 (Thông tin: Hương Giang - Đồ họa: Hải Quân)

Theo Chủ tịch UBND TP. Long Khánh Đỗ Chánh Quang, trong quy hoạch sử dụng đất, thành phố đã tính toán đầy đủ quỹ đất để triển khai các KĐT, KDC, nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu của người dân. Đất ở đô thị và đất ở nông thôn được cân nhắc cho từng vùng, từng điểm, phù hợp với điều kiện đặc thù từng khu vực và mục tiêu đô thị hóa của thành phố, đồng thời giải quyết được vấn đề bố trí tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án với mục tiêu TP. Long Khánh đạt chuẩn đô thị loại II vào năm 2025.

Hạ tầng giao thông từ TP. Long Khánh đi TP. Hồ Chí Minh và các khu vực khác đang được xây dựng và kết nối tạo thuận lợi cho việc lưu thông. Hiện từ TP. Hồ Chí Minh về TP.Long Khánh nếu đi đường cao tốc TP .HCM - Long Thành - Dầu Giây chỉ mất gần 1 giờ, khí hậu khu vực Long Khánh luôn thấp hơn 2OC so với các vùng lân cận nên rất thích hợp cho nghỉ dưỡng. Theo Đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP. Long Khánh đến năm 2040 và định hướng đến năm 2050, Long Khánh sẽ trở thành “đô thị xanh” - cửa ngõ phía Đông của vùng TP. Hồ Chí Minh.

Huyện Cẩm Mỹ cũng được bổ sung nhiều dự án KDC là để khai thác các lợi thế từ hạ tầng kỹ thuật như: khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các tuyến giao thông mở mới. Trên địa bàn huyện đang triển khai thành lập mới và mở rộng 4 khu công nghiệp, khu công nghệ cao là Khu công nghiệp Cẩm Mỹ, Khu công nghiệp Xuân Quế - Sông Nhạn, Khu công nghệ cao chuyên ngành công nghệ sinh học và khu công nghệ cao. Các khu công nghiệp, khu công nghệ cao trên có diện tích hơn 4,4 ngàn ha và khi hoàn thành sẽ thu hút 100 ngàn lao động từ những vùng khác đến sinh sống và làm việc.

Chủ tịch UBND huyện Cẩm Mỹ Huỳnh Tấn Thìn nhận định, huyện Cẩm Mỹ nằm gần các công trình lớn của vùng, quốc gia đang được triển khai thực hiện như: cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, tỉnh lộ 773, tỉnh lộ 770B, đường vành đai 4, tỉnh lộ 769E... Khi các dự án này đi vào hoạt động sẽ tạo nhiều điều kiện để Cẩm Mỹ chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển đô thị dịch vụ, thu hút đầu tư và giải quyết việc làm.

“Trong tương lai, khi công nghiệp, thương mại dịch vụ trên địa bàn huyện Cẩm Mỹ phát triển sẽ có nhiều người dân từ nơi khác về cư ngụ để làm việc trong các công ty, nhà máy hoặc kinh doanh, nhu cầu về nhà, đất ở sẽ tăng cao nên huyện quy hoạch sẵn các dự án KDC để đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương” - ông Thìn chia sẻ.

Từ nhiều năm trước, Đồng Nai đã là nơi được nhiều doanh nghiệp trong và nước ngoài quan tâm, muốn đầu tư vào các dự án bất động sản về nhà ở, du lịch nghỉ dưỡng, công nghiệp. Khoảng 4-5 năm trở lại đây, lĩnh vực đất đai của tỉnh có đóng góp lớn cho ngân sách trung ương, tỉnh, địa phương. Trong đó, nguồn thu từ việc mua bán, chuyển nhượng đất đai các dự án, chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở, đấu giá đất để triển khai các KDC lên đến hàng ngàn tỷ đồng/năm.