Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Cảnh báo về sự thiếu bền vững
Ðầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNƯDCNC) đang thu hút sự quan tâm của cả cơ quan soạn thảo chính sách và cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, làm sao chính sách vừa đủ độ hấp dẫn dòng vốn, nhưng vẫn phải chặt chẽ để không tạo ra những kẽ hở gây nên sự méo mó của thị trường và phân bổ lợi ích không công bằng, cũng cần được xem xét thấu đáo!
Ðúng hướng, nhưng không dễ "xơi"
Sản xuất NNƯDCNC là xu hướng chủ đạo, tất yếu trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thích ứng với hội nhập, biến đổi khí hậu. Nhìn thấy lợi thế đó, nhiều địa phương đã chủ động xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù về tích tụ đất đai, các chính sách ưu đãi về đất, thuế... để thu hút các DN đầu tư phát triển khu NNƯDCNC như: Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, Phú Thọ, Lâm Ðồng, TP. Hồ Chí Minh, Ðồng Nai, Hà Nam...
Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT) cho biết, đến nay Bộ NN&PTNT đã công nhận 26 DN NNƯDCNC, trong lĩnh vực giống cây trồng, vật nuôi, sản xuất thực phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm. Ðồng thời, để tạo cơ sở cho giải ngân gói vay 100 nghìn tỷ đồng cho NNƯDCNC, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ đã ban hành tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp CNC, nông nghiệp sạch, danh mục CNC ứng dụng trong nông nghiệp, làm cơ sở để các ngân hàng xét cho vay ưu đãi…
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đúng là đã có chính sách ưu đãi, nhưng nghịch lý ở chỗ hầu như DN chưa hội đủ các yếu tố về vốn, thị trường, kiến thức, kinh nghiệm, công nghệ… để đón nhận các ưu đãi nói trên. Ðó là bởi sản xuất NNƯDCNC hiện mới chỉ dừng ở một số mô hình sản xuất nhỏ, tập trung vào việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về giống, đầu tư hạ tầng thiết yếu, chưa ứng dụng công nghệ tự động hóa, thông tin, chưa ứng dụng quy trình canh tác tiên tiến rộng rãi.
Trở ngại vay vốn đến từ yêu cầu về tài sản thế chấp, và rất nhiều các loại thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp khác… Ông Trần Văn Tần, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) thừa nhận, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp, trong đó tài sản hình thành trên đất nông nghiệp của các dự án NNƯDCNC như nhà kính, nhà lưới, nhà xưởng, trang thiết bị… đầu tư lớn nhưng lại chưa được chứng nhận là tài sản bảo đảm để vay vốn là một thách thức đối với DN và cả phía NH. Chính vì vậy, hỗ trợ tín dụng (như qua lãi suất) phải được xem là sự chia sẻ rủi ro trong trường hợp không thành công. Ngược lại, nếu đầu tư sản xuất, kinh doanh thành công, DN cần bồi hoàn (một phần hoặc đầy đủ) sự hỗ trợ đó. Ngoài ra, cần hoàn thiện cơ chế bảo hiểm sản xuất nông nghiệp để chia sẻ rủi ro cho DN và người nông dân.
Một trở ngại lớn nữa mà chính các "đại gia" cũng thấy khó khi đầu tư đó là thiếu quỹ đất sạch, diện tích đủ độ lớn để đưa ứng dụng công nghệ vào canh tác.
Sản xuất gắn với chuỗi giá trị
Ông Lê Thành, Viện trưởng Kinh tế Nông nghiệp hữu cơ, Tổng Giám đốc Công ty CP Ðầu tư Kết nối xanh cho rằng, hiện đang có nhiều lầm tưởng về nông nghiệp CNC. Chẳng hạn như, quan điểm rằng, đầu tư vào lĩnh vực này sẽ giúp nâng cao sức cạnh tranh của các mặt hàng nông sản. Nhưng, nông nghiệp CNC là một phương thức sản xuất chứ không phải mô hình kinh tế, nó phải gắn liền với chuỗi giá trị mới gọi là nông nghiệp CNC. "Vậy nên, nông nghiệp CNC đầu tư tới 3.000 - 4.000 tỷ đồng mà không có thị trường sẽ trở thành gánh nặng cho các ngân hàng, DN và nhà đầu tư", ông Thành phân tích.
Lấy dẫn chứng vào dự án 1.500 tỷ đồng xây dựng nhà máy Tanifood (Công ty CP Lavifood) chế biến rau củ quả ở Tây Ninh xuất đi Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ô-xtrây-li-a, ông Thành cho biết, nông dân tham gia vào chuỗi này, sẽ được định lượng về chi phí phân bón, thuốc trừ sâu, nhân công… trên mỗi đơn vị diện tích. Sau đó, nông dân được ứng tiền mặt để sản xuất trên chính diện tích của mình. Như vậy, nhà máy và nhóm cung cấp vật tư sẽ gánh lãi suất cho nông dân, giúp giảm chi phí xuống rất nhiều… "Về thị trường, khi chúng tôi đầu tư theo chuỗi CNC 1.500 tỷ đồng, các nhà bán lẻ hàng đầu thế giới sẽ tìm đến, nên chi phí marketing rất thấp", ông Thành cho biết thêm.
Từ góc nhìn nghiên cứu, TS Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, sản xuất NNƯDCNC trước hết phải dựa trên tín hiệu thị trường, phản ánh cả nhu cầu và đòi hỏi mới. Sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư, DN trước hết và chính là ở điểm này. Trong đó, vai trò của Nhà nước phải loại bỏ các rào cản thể chế, khắc phục "thất bại thị trường", giảm thiểu các rủi ro trong kinh doanh, hạn chế phân phối lợi ích thiếu công bằng…
Một điểm quan trọng nữa được một số chuyên gia nông nghiệp khuyến nghị, đó là cần cẩn trọng với nguy cơ chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp CNC mang tính "phong trào", không thực chất dẫn đến quá trình chuyển đổi thiếu bền vững, thiếu động lực. Nếu xảy ra việc lạm dụng chính sách, làm méo mó thị trường, thì người nông dân sẽ không được hưởng lợi tương xứng từ chính sách hỗ trợ. Sản xuất NNƯDCNC còn cần những lời giải thấu đáo về vấn đề tích tụ đất đai, dịch chuyển lao động, phân bổ lợi ích trước mắt và lâu dài của người nông dân.
"Mô hình sản xuất NNƯDCNC cần có lợi thế nhờ quy mô, từ đó tạo khả năng tốt hơn trong hấp thụ vốn và công nghệ. Cùng đó, sản xuất phải gắn với chuỗi giá trị, từ R&D (nghiên cứu và triển khai), tạo giống, trồng trọt, thu hoạch, sơ chế-tinh chế, đến phân phối tiêu thụ ở trong nước và ngoài nước… Mặt khác, phải gắn bó về mặt KT-XH với cuộc sống của người nông dân, tính đến đặc thù vùng miền, dân tộc và bảo đảm khả năng "mặc cả" của người nông dân trong chuỗi", TS Võ Trí Thành nhận định.
Phát triển NNƯDCNC là cả chặng đường dài đầy thử thách, do đó, những cảnh báo của các chuyên gia, những chỉ dấu từ thực tế phản ánh về sự bất cập trong cơ chế chính sách cần phải được nghiêm túc nhìn nhận và điều chỉnh trong quá trình nâng cao năng lực quản lý, để tạo bệ đỡ cho nông nghiệp nước nhà phát triển đột phá nhưng thực chất và bền vững.
Theo kết quả Tổng điều tra của Ban chỉ đạo Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản T.Ư vừa công bố: Năm 2016 cả nước có 3.846 DN nông, lâm nghiệp và thủy sản (tăng 51,7% so với năm 2011). Tính đến 1-7-2016, cả nước có 2.294 xã tiến hành dồn điền đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp, chiếm 25,6% tổng số xã; có 2.262 cánh đồng lớn, tổng diện tích đạt 579,3 nghìn ha và 1.495 đơn vị được cấp chứng nhận VietGAP và tương đương. Năm 2016, có 781 DN thực hiện liên kết, chiếm 20,3% tổng số DN nông, lâm nghiệp và thủy sản, 2.469 HTX thực hiện liên kết (chiếm 35,5% tổng số HTX nông, lâm nghiệp và thủy sản), 25,3 nghìn hộ tham gia liên kết sản xuất với các đơn vị được cấp chứng nhận VietGAP và 619,3 nghìn hộ tham gia liên kết sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn.