Huy động vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới: Những vấn đề pháp lý cần giải quyết

ThS. Nguyễn Thị Hoàng Yến

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta nhằm cải thiện đời sống của người dân được tốt hơn. Để thực hiện mục tiêu này, Nhà nước đã ban hành những cơ chế, chính sách huy động các nguồn vốn đầu tư cho Chương trình. Tuy nhiên, chặng đường xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn tới còn không ít khó khăn, thách thức, trong đó đáng chú ý là những vấn đề về pháp lý cần giải quyết về huy động vốn cho đầu tư xây dựng nông thôn mới.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tình hình huy động vốn xây dựng nông thôn mới hiện nay

Tổng kết 5 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2011-2015 cho thấy, cả nước đã huy động được khoảng 851.380 tỷ đồng. Năm 2016, cả nước huy động gần 332.475 tỷ đồng cho thực hiện Chương trình NTM, trong đó, ngân sách trung ương là 7.374 tỷ đồng (chiếm 2,2%), ngân sách địa phương là 23.193 tỷ đồng (chiếm 7%) và các nguồn vốn huy động khác (lồng ghép từ Chương trình, dự án khác là 4,7%; tín dụng khoảng 78,3%; từ DN khoảng 3,1%; người dân đóng góp khoảng 4,7%).

Số liệu tính đến hết quý I/2017, cả nước đã có 2.656 xã (chiếm 29,76%) được công nhận đạt chuẩn NTM. Các cơ chế đầu tư, chính sách huy động nguồn lực xây dựng NTM bước đầu đã đảm bảo được nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, dịch vụ, phát triển kinh tế nông thôn, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người nông dân.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong hành trình xây dựng NTM còn gặp không ít khó khăn, thách thức như:

- Quy hoạch xây dựng NTM chưa đạt yêu cầu, chậm tiến độ; chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới hình thức sản xuất chậm; hạ tầng xã hội yếu, hạn chế cả về đầu tư và hiệu quả khai thác. Hạ tầng nông thôn còn hạn chế, kết nối doanh nghiệp (DN) và người dân, nhà đầu tư còn phức tạp về thủ tục; Hạn điền, tích tụ ruộng đất quy mô nhỏ chưa thể áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp quy mô lớn… Chính quyền địa phương các cấp cũng chưa quan tâm đầu tư nguồn lực vào phát triển nông nghiệp, nông thôn, mới chỉ tập trung đầu tư cho xây dựng khu công nghiệp, hạ tầng sân bay, cảng biển.

Kết quả điều tra cho thấy, điều kiện sống và sản xuất của nông hộ hiện còn khó khăn, ở khu vực nông thôn bình quân một hộ nông dân 4 nhân khẩu thu nhập 60.000 đồng/ngày-dưới mức nghèo khổ; 50% hộ vay nợ, trong đó, chỉ có 13% hộ vay được vốn ngân hàng còn lại 87% số hộ vay nặng lãi, 47,4% hộ nông dân không hài lòng với cuộc sống. Mức tiết kiệm hàng năm chỉ đạt 5-8 triệu đồng/hộ, trong đó, 80% tiết kiệm dùng để phòng ngừa rủi ro.

- Vốn đầu tư là điều kiện quyết định tới việc thực hiện Chương trình xây dựng NTM. Trên thực tế, huy động vốn đầu tư xây dựng NTM còn hạn chế về số lượng và cơ cấu nguồn vốn. 

Nhìn vào cơ cấu nguồn vốn huy động có thể thấy, nguồn vốn đầu tư cho Chương trình xây dựng NTM chủ yếu từ ngân sách nhà nước (NSNN) nhưng còn hạn chế, (vốn từ ngân sách Trung ương cho xây dựng NTM thấp so với cam kết (hơn 3% trong khi cam kết là 23%); Chương trình xây dựng NTM, nội dung tiêu chí nhiều, việc phân bổ nguồn lực còn bị phân tán; Nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp từ ngân sách chỉ chiếm khoảng 6% trong tổng vốn đầu tư kinh tế - xã hội; Cơ chế lồng ghép nguồn lực từ các chương trình, dự án chưa rõ ràng và chưa quan tâm tới đặc thù của từng địa phương…

- Huy động vốn đầu tư của DN vào nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế. Chính sách huy động vốn và ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chưa đủ hấp dẫn. Số liệu thống kê cho thấy, cả nước có 1% tổng số DN đầu tư vào nông nghiệp với số vốn chiếm khoảng gần 3% tổng số vốn đầu tư của cộng đồng DN vào sản xuất kinh doanh. Hoạt động đầu tư vào nông nghiệp là các DN có quy mô nhỏ, số DN có quy mô vốn dưới 05 tỷ đồng chiếm 55%. Trong khi, huy động vốn đầu tư từ nông dân hiện còn ít, do nguồn thu nhập thấp, đóng góp xây dựng NTM của người dân theo nguyên tắc tự nguyện, cũng chưa phải là khoản thu bắt buộc...

Quy định pháp lý về vay vốn, nguồn trả nợ và thanh toán nợ đọng xây dựng NTM của các địa phương còn thiếu đã làm cho việc phát sinh nợ đọng và giải quyết nợ đọng gặp không ít khó khăn, vướng mắc.

Các DN có nhu cầu vay vốn lớn và dài hạn để đầu tư cho các công trình như hạ tầng nông thôn, đầu tư phát triển sản xuất quy mô lớn, đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao… bị giới hạn về thời gian và tỷ lệ vay vốn. Điều này chưa đáp ứng được nhu cầu vay vốn; Chính sách bảo hiểm nông nghiệp kém hiệu quả cũng là một nguyên nhân khiến các ngân hàng hạn chế tỷ lệ cho DN vay vốn.

- Mặc dù, thể chế NTM đã được đề cập tại Nghị quyết 26/NQ-TW nhưng việc xây dựng và ban hành các quy định pháp lý còn chưa kịp thời và đầy đủ. Huy động vốn đầu tư cho NTM còn thiếu hành lang pháp lý và cơ chế vững chắc để thu hút nguồn vốn đầu tư vào phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Quy định pháp lý về huy động vốn đầu tư của cộng đồng dân cư và giải quyết nợ đọng xây dựng NTM chưa đầy đủ, một số chính sách chỉ mang tính khuyến khích. Pháp luật về đầu tư công, cơ chế, chính sách huy động nguồn lực trong xã hội mặc dù đã có nhiều cải thiện, nhưng vẫn không tránh khỏinhững khó khăn về quy trình, thủ tục.

Những vấn đề pháp lý cần giải quyết

Để huy động vốn bền vững cho xây dựng NTM ở các giai đoạn tiếp theo, thời gian tới, cần tập trung giải quyết các vấn đề pháp lý sau:

Một là, quy định về vốn và nguồn vốn đầu tư từ NSNN. Hiện nay, có nhiều chính sách huy động vốn từ NSNN cho xây dựng Chương trình NTM đã được ban hành như: Cơ chế phân cấp NSNN giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; hệ thống định mức phân bổ ngân sách chi đầu tư và chi thường xuyên từ NSNN; hỗ trợ trực tiếp, hỗ trợ gián tiếp thông qua cơ chế ưu đãi, miễn, giảm thuế…

Trong các quy định về vốn NSNN đầu tư cho NTM chưa có quy định pháp lý phân định rõ nguồn kinh phí thuộc nội dung chi thường xuyên, chi đầu tư do NSNN phải bảo đảm và nguồn kinh phí NSNN đầu tư vốn phải thu hồi theo đúng bản chất vốn đầu tư.

Cụ thể, trong 19 tiêu chí của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, cần quy định tiêu chí, nội dung nào được NSNN bảo đảm kinh phí thực hiện, tiêu chí, nội dung nào trong bộ tiêu chí do NSNN đầu tư vốn và phải thu hồi. Từ đó, xây dựng quy chế pháp lý cho việc phân định nguồn vốn NSNN đầu tư cho chương trình xây dựng NTM.

Hai là, quy định pháp lý về vay nợ và giải quyết nợ công trong huy động vốn đầu tư xây dựng NTM. Theo Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2016 về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, nợ đọng xây dựng NTM là vấn đề nổi lên trong giai đoạn 2010-2015. Với 53/63 tỉnh, thành có nợ đọng với số tiền khoảng 15.277 tỷ đồng, chủ yếu là nợ đọng xây dựng cơ bản và câu hỏi “tiền đâu ra để trả nợ”còn chưa được giải quyết.

Luật Đầu tư công quy định, không cho phép thanh toán nợ đọng, nhiều địa phương có vốn nhưng không được thanh toán do vướng luật thì cơ sở nào để thanh toán nguồn vốn nợ đọng xây dựng NTM? Trường hợp dùng ngân sách (từ nguồn trái phiếu chính phủ, từ đầu tư công) để bù vào khoản nợ vay xây dựng NTM của các xã, huyện cần phải xem xét cơ sở pháp lý và sự công bằng giữa các địa phương.

Để giải quyết được vấn đề này, cần nghiên cứu ban hành quy định pháp lý về vay vốn đầu tư xây dựng NTM và giải quyết nợ đọng xây dựng NTM, hạn chế nợ công, chấm dứt tình trạng các địa phương thiếu kinh phí nhưng vẫn chạy theo phong trào làm NTM bằng cách đi vay nợ để đạt thành tích. 

Ba là, quy định huy động vốn của các DN đầu tư xây dựng NTM. Vốn đầu tư từ DN và các nhà đầu tư là nguồn quan trọng và cần thiết trong xây dựng NTM. Do đó, cần phải có hành lang pháp lý, cơ chế vững chắc để thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và tạo ra nhiều DN trong lĩnh vực này.

Đầu tư của DN vào phát triển sản xuất kinh doanh nông nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng sẽ mang lại hiệu ứng tích cực cho xây dựng NTM. Vì vậy, cần nghiên cứu xây dựng cơ chế pháp lý thu hút đầu tư của DN vào nông nghiệp nhưng hướng tới lợi ích của NTM; Ban hành Nghị định về phát triển DN trong nông nghiệp, nông thôn trên cơ sở sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật DN, các luật thuế, tín dụng... tiến tới nâng cấp lên thành luật về phát triển DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, tạo cơ sở pháp lý cao hơn cho việc thực hiện.

Cùng với đó, xem xét xây dựng cơ chế và cách thức thu hút vốn đầu tư của DN theo hình thức BOT, PPP áp dụng cho Chương trình NTM; Sửa đổi quy định của Luật Đất đai để thu hút vốn đầu tư của DN vào nông nghiệp, nông thôn; Nghiên cứu chính sách cho các DN thuê đất của nông dân, Nhà nước có chính sách hỗ trợ, nông dân đóng góp quyền sử dụng đất như cổ phần trong DN. Đồng thời, có cơ chế khuyến khích các DN tham gia xây dựng NTM đầu tư vào thị trường chứng khoán để huy động vốn đầu tư vào phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập của người dân nông thôn.

Bốn là, quy định huy động nguồn lực từ cộng đồng dân cư. Trong xây dựng NTM, người dân đóng vai trò là chủ thể. Huy động đúng sức dân cho xây dựng NTM là quan trọng và rất cần thiết. Người dân nông thôn có thu nhập thấp nhưng nếu được người dân đồng tình, ủng hộ thì có thể huy động được một lượng vốn không nhỏ.

Huy động đóng góp ở mức độ nào là vừa đủ, là không quá sức dân vừa không làm mất đi quyền tham gia đóng góp xây dựng NTM của các chủ thể, vừa không trái với chủ trương không huy động dân đóng góp bắt buộc; đồng thời, bảo đảm nguyên tắc không được ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Hiện nay, ở các địa phương huy động xây dựng NTM rất khác nhau, có nơi người dân chỉ đóng góp bằng ngày công, hiện vật, không đóng góp về tài chính; Có địa phương thu tiền của dân nhiều, có nơi lại thu ít, có địa phương ban hành quy định đóng góp không phù hợp, có địa phương trực tiếp thu với mức thu cao và không đồng đều.

Cách thức huy động đóng góp của người dân cho xây dựng NTM không thống nhất, khiến cho hoạt động huy động vốn từ cộng đồng người dân chưa thực sự hiệu quả. Để khắc phục tình trạng này, cần xây dựng quy chế pháp lý điều chỉnh hoạt động huy động nguồn lực của cộng đồng dân cư, tạo cơ sở triển khai công tác huy động vốn trong thời gian tới; sớm giải quyết tình trạng huy động đóng góp xây dựng NTM đang diễn ra rất khác nhau ở các địa phương hiện nay.

Tóm lại, thời gian tới, các cơ quan hữu quan cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống và văn bản pháp luật về huy động vốn xây dựng NTM đầy đủ, đồng bộ để huy động các nguồn vốn đầu tư hiệu quả. Với những quy định pháp lý rõ ràng, cụ thể và đầy đủ thì việc huy động nguồn vốn đầu tư sẽ dễ dàng hơn, quản lý sử dụng vốn cũng hiệu quả hơn, từ đó góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Chương trình NTM đã đề ra.       

Tài liệu tham khảo:

1. Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015, phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2016-2020;

2. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (2016), Báo cáo giám sát về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn (2010-2015);

3.http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/kinh-doanh/2016-03-14/dau-tu-cho-nong-nghiep-khat-von-du-co-nhieu-uu-dai-29594.aspx;

4.http://cand.com.vn/Kinh-te/Bai-1-Nhieu-rao-can-doanh-nghiep-dau-tu-vao-nong-nghiep-cong-nghe-cao-428054/.