Phát triển quỹ hỗ trợ nông dân tại huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên


Võ Nhai là huyện miền núi, huyện nghèo của tỉnh Thái Nguyên, song đây là Huyện luôn đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới của Tỉnh. Để đạt được các kết quả đó, có vai trò và đóng góp của Hội Nông dân trong việc phát triển Quỹ Hỗ trợ nông dân tại Huyện. Tuy nhiên, hoạt động này trong những năm vừa qua tại Võ Nhai chưa đạt được chất lượng và số lượng như mong muốn.

Nguồn vốn trong xây dựng nông thôn mới. Nguồn: Internet
Nguồn vốn trong xây dựng nông thôn mới. Nguồn: Internet

Bài viết phân tích thực trạng, tìm ra các nguyên nhân của hạn chế để đẩy mạnh phát triển Quỹ Hỗ trợ nông dân tại huyện Võ Nhai giai đoạn 2018 - 2025, góp phần xây dựng tổ chức Hội nông dân ngày càng vững mạnh.

Thực trạng phát triển Quỹ Hỗ trợ nông dân tại huyện Võ Nhai, Thái Nguyên

Trong những năm gần đây, tình hình kinh tế - xã hội của huyện Võ Nhai đã tiến triển rõ nét, tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức khá, cơ cấu kinh tế có những chuyển biến tích cực, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Huyện năm 2017 đạt 13,26%. Đến hết năm 2017, thu nhập bình quân đầu người của Huyện đạt khoảng 22,8 triệu đồng/người/năm.

Để đánh giá tình hình phát triển Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) tại huyện Võ Nhai thời gian qua, nhóm tác giả phân tích các nội dung huy động vốn, hoạt động cho vay...

Huy động nguồn vốn cho Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện Võ Nhai

Hiện nay, Quỹ HTND huyện Võ Nhai được hình thành chủ yếu từ các nguồn (Vốn ủy thác của Hội Nông dân Việt Nam; Vốn ủy thác của Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên; Vốn được cấp từ ngân sách Huyện). Tuy nhiên, trong giai đoạn 2015-2017, nguồn vốn của Quỹ HTND huyện Võ Nhai huy động chủ yếu từ nguồn vốn vay và ngân sách nhà nước (NSNN) (Bảng 1).

Số liệu thống kê cho thấy, tình hình huy động vốn vào Quỹ HTND của huyện Võ Nhai năm sau luôn cao hơn năm trước. Năm 2015, tổng số tiền huy động của Quỹ HTND huyện Võ Nhai quản lý là 900 triệu đồng (Huy động chủ yếu từ vốn vay và NSNN). Năm 2016, đạt 2,2 tỷ đồng, tăng 1,3 tỷ đồng so với năm 2015. Đặc biệt, năm 2017, nguồn vốn của Quỹ đã huy động được 3,5 tỷ đồng, tăng gần gấp 4 lần so với năm 2015. Đáng chú ý, cơ cấu nguồn vốn của Quỹ HTND của Hội Nông dân Huyện có sự chuyển biến qua các năm, nguồn vốn vay tăng chủ yếu từ Quỹ HTND Tỉnh.

Về hoạt động cho vay của Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện Võ Nhai

Để duy trì hoạt động cho vay của Quỹ HTND, Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên phối hợp với Hội Nông dân cấp huyện lập kế hoạch giải ngân vốn vay gồm: ngày, giờ, thành phần, địa điểm... và cử cán bộ chứng kiến lễ giải ngân. Số tiền được phê duyệt, bộ phận kế toán Quỹ HTND Tỉnh chuyển khoản tới tài khoản của Quỹ HTND cấp huyện trước thời điểm giải ngân trực tiếp tới hộ vay vốn. Người vay khi nhận tiền phải có chứng minh nhân dân hoặc sổ hộ khẩu hoặc hộ chiếu hoặc giấy xác nhận của địa phương và là người đứng tên trong giấy đề nghị vay vốn, phải ký nhận tiền đúng với chữ ký trong hồ sơ vay vốn.

Phát triển quỹ hỗ trợ nông dân tại huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên - Ảnh 1

Năm 2015, Quỹ HTND huyện Võ Nhai đã cho 78 hộ vay vốn với số tiền 900 triệu đồng; năm 2016, cho 102 hộ vay vốn với số tiền là 2.200 triệu đồng; năm 2017 đã hỗ trợ cho 120 hộ được vay vốn từ Quỹ với số tiền là 3.500 triệu đồng, trong đó dư nợ từ nguồn vốn của Tỉnh là 3.100 triệu đồng cho 104 hộ vay, nguồn của Huyện cho 16 hộ vay với số tiền 400 triệu đồng (Bảng 2).

Phát triển quỹ hỗ trợ nông dân tại huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên - Ảnh 2

Tính đến đầu năm 2018, nguồn vốn từ Quỹ HTND của Hội Nông dân Tỉnh và của Hội Nông dân Huyện đang triển khai cho 120 hội viên nông dân vay để thực hiện 8 dự án trên địa bàn Huyện với tổng số tiền là 3 tỷ 500 triệu đồng. Nhằm giúp người vay sử dụng vốn đúng mục đích, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh trong quá trình triển khai các dự án, Quỹ HTND huyện Võ Nhai tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp với các cơ quan Huyện như: Trạm Khuyến nông, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm bảo vệ thực vật, Trạm chăn nuôi và thú y tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ...

Thu hồi vốn vay của Quỹ Hỗ trợ nhân dân tại huyện Võ Nhai                   

Bên cạnh việc huy động nguồn vốn và đẩy mạnh hoạt động cho vay của Quỹ HTND tại huyện Võ Nhai, các cấp Hội Nông dân đầu mỗi quý đều thực hiện thống kê các dự án đến hạn thu hồi từ các nguồn cho vay để gửi thông báo tới Hội cấp dưới chuẩn bị công tác thu hồi. Tại huyện Võ Nhai, các khoản vay trong 3 năm (từ năm 2015 đến 2017), các hộ vay đều trả gốc 1 lần, đúng thời hạn, không có trường hợp trả gốc trước khi đến hạn, cũng không có khoản vay nào xin gia hạn hoặc bị chuyển nợ quá hạn.

Tình hình thu nợ gốc trong giai đoạn 2015 – 2017 trên địa bàn Huyện có chiều hướng tích cực, thu nợ gốc đều tăng mạnh cả về số hộ và số tiền thu hồi được. Cụ thể, số tiền thu hồi được qua 3 năm là 2.417,79 triệu đồng từ 116 hộ (tính bình quân mỗi hộ trả nợ trong 3 năm là 20,84 triệu đồng).

Năm 2015, tỷ lệ thu nợ gốc là gần 9% so với dư nợ gần như là năm không thu nợ gốc nhưng trong năm 2016 tỷ lệ này đã ở mức 39,38%, năm 2017 tỷ lệ thu hồi đã tăng 42,02%. Như vậy, tỷ lệ thu hồi vốn gốc so với dư nợ cho vay cho thấy, việc vay vốn không diễn ra rải rác, luân phiên mà được tiến hành cùng một thời điểm cho nhiều dự án. Điều này lý giải tình hình tăng trưởng không đồng đều và thường tăng đột biến khi có ngân sách hỗ trợ từ Tỉnh và địa phương.

Những kết quả trên cho thấy, Quỹ HTND ở huyện Võ Nhai vừa là “công cụ” vừa là một trong những phương tiện hữu hiệu để Hội Nông dân Việt Nam nói chung và Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên hỗ trợ, hướng dẫn hội viên, nông dân xây dựng, hình thành mô hình kinh tế tập thể, liên kết sản xuất, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của nền nông nghiệp hàng hóa trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.

Một số tồn tại, hạn chế

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển Quỹ HTND huyện Võ Nhai hiện gặp một số khó khăn, hạn chế sau:

Thứ nhất, về huy động vốn: Do Hội Nông dân Huyện chưa hình thành được Ban vận động Quỹ HTND nên việc vận động ủng hộ Quỹ đạt hiệu quả chưa cao. Đặc biệt, “phiếu vận động” nhằm ghi nhận đóng góp từ cán bộ, hội viên và quản lý việc thu nguồn tiền này, do Hội Nông dân Tỉnh ban hành từ những năm 2012 trở về trước đã không còn tác dụng nhưng chưa có phương án thay thế.

Phát triển quỹ hỗ trợ nông dân tại huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên - Ảnh 3

Thứ hai, về quản lý cho vay vốn: Trong quá trình xây dựng dự án, tại một số xã trên địa bàn Huyện, việc phối hợp cùng UBND xã xác nhận danh sách hộ tham gia dự án còn chưa chặt chẽ, mang tính hình thức. Bởi vì, tính chất cho vay vốn Quỹ HTND là tín chấp, không có tài sản thế chấp, việc cho vay vốn dựa trên uy tín của Hội Nông dân cấp cơ sở và uy tín của người vay. Cùng với đó, việc quản lý phối hợp với các ngành, cơ quan chức năng trong tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cho nông dân tham gia dự án Quỹ cũng chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng.

Thứ ba, về thu hồi vốn: Việc theo dõi thu, nộp gốc và phí của Quỹ HTND tại nhiều xã còn chưa khoa học. Hội Nông dân xã tại một số địa phương còn đứng ra thu gốc từ hộ vay và Hội Nông dân cấp huyện thu hồi tiền gốc từ Hội Nông dân cấp xã, không trực tiếp thu từ các hộ vay vốn. Điều này không những vi phạm Điều lệ Quỹ mà còn tạo lỗ hổng trong khâu quản lý, dễ dẫn tới hậu quả xâm tiêu nguồn vốn của Quỹ.

Thứ tư, công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của Quỹ HTND còn mang tính hình thức.

Thứ năm, về tổ chức quản lý: Quỹ HTND huyện Võ Nhai tỉnh Thái Nguyên chưa có con dấu riêng, các cán bộ phụ trách nghiệp vụ đều là cán bộ kiêm nhiệm, chưa chủ động kế hoạch công tác, do vậy, các hoạt động của Quỹ đôi khi còn chưa hiệu quả và chất lượng hồ sơ các dự án đề nghị phê duyệt chưa cao, có dự án còn bị chậm tiến độ, do việc thẩm định dự án chưa hoàn thành đúng thời hạn...

Giải  pháp đẩy mạnh phát triển Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện Võ Nhai

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, thời gian tới cần tập trung triển khai các giải pháp sau:

Một là, về hệ thống văn bản quản lý Quỹ HTND. Nghiên cứu hoàn thiện hồ sơ, mẫu biểu, văn bản hướng dẫn quy trình vận động, cho vay, thu nợ và các hướng dẫn khác về nghiệp vụ quản lý Quỹ. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện quy trình cho vay vốn, từng bước giảm thiểu các mẫu biểu hồ sơ cho vay. Cùng với việc hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý Quỹ HTND cần nghiên cứu cơ chế vay vốn để tạo điều kiện thuận lợi cho hội viên nông dân tiếp cận vốn vay được dễ dàng.

Bên cạnh việc phát triển nguồn vốn, tăng thêm số lượng người vay, Hội Nông dân và Quỹ HTND huyện Võ Nhai cũng cần phải quan tâm đến hiệu quả sử dụng vốn vay của người vay; đồng thời, phối hợp với các ngành chức năng tổ chức chuyển giao kỹ thuật, đào tạo nghề cho hội viên nông dân những mô hình sản xuất kiểu mẫu để họ áp dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó hạn chế thấp nhất những rủi ro.

 Việc quản lý Phiếu vận động nguồn Quỹ HTND cần thực hiện đúng nguyên tắc: Mỗi phiếu có mã số riêng, được đóng thành quyển; mỗi quyển phiếu cũng có mã số riêng, được Hội Nông dân Tỉnh chuyển xuống Hội Nông dân cấp huyện, Hội Nông dân cấp huyện lại phân về Hội Nông dân cấp xã.

Hai là, về công tác tổ chức quản lý:

- Nâng cao chất lượng và năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ quản lý Quỹ HTND các cấp. Theo đó, Ban Thường vụ Hội Nông dân Huyện cần coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ quản lý cho đội ngũ cán bộ Quỹ HTND các cấp, nhất là nghiệp vụ tín dụng, kế toán, xây dựng và quản lý dự án. Đồng thời, tăng cường đội ngũ cán bộ chuyên trách, đúng người đúng việc, hạn chế việc kiêm nhiệm.

 - Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao năng lực quản lý, điều hành cho đội ngũ lãnh đạo chủ chốt của Quỹ phù hợp tình hình mới thông qua đào tạo ngắn hạn tại các trung tâm đào tạo quản lý, điều hành hoặc đào tạo dài hạn. Tùy vào mỗi vị trí, quy hoạch cán bộ trong từng thời kỳ mà lựa chọn cán bộ và hình thức đào tạo cho hợp lý.

- Tăng cường đầu tư trang thiết bị, phương tiện để nâng cao năng lực quản lý.

Về phía Ban điều hành Quỹ HTND Huyện, sau khi tập huấn ở cấp tỉnh và Trung ương có trách nhiệm lưu giữ tài liệu theo các chuyên đề, đồng thời tổ chức tập huấn các nội dung về quản lý Quỹ ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu để cán bộ chuyên trách khác và ở cơ sở dễ dàng tiếp cận.

Ban điều hành Quỹ HTND trực tiếp tập huấn hoặc phối hợp với các cơ sở, cơ quan chuyên về tài chính, tín dụng để tập huấn cho cán bộ chuyên trách cấp huyện và cấp cơ sở. Đồng thời, xây dựng kế hoạch tập huấn ít nhất một năm một lần để cập nhật cho cán bộ chuyên trách những quy định mới của Quỹ, những cách làm hay ở địa phương khác, từ đó kịp thời rút kinh nghiệm những việc đang làm chưa tốt.

Quỹ HTND huyện Võ Nhai được hình thành chủ yếu từ các nguồn (Vốn ủy thác của Hội Nông dân Việt Nam; Vốn ủy thác của Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên; Vốn được cấp từ ngân sách Huyện). Tuy nhiên, trong giai đoạn 2015-2017, nguồn vốn của Quỹ HTND huyện Võ Nhai huy động chủ yếu từ nguồn vốn vay và ngân sách nhà nước (NSNN) (Bảng 1).

Ba là, về huy động vốn cho Quỹ HTND: Để gia tăng nguồn vốn cho Quỹ HTND cần đa dạng hóa các hình thức huy động vốn như: cho vay (lãi suất thấp), ủng hộ, tài trợ...; Nhận uỷ thác hoặc đảm nhận một phần nguồn vốn của Nhà nước trong các chương trình phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, đặc biệt nguồn vốn trong xây dựng nông thôn mới.

- Khuyến khích và nhân rộng các cách làm mới, hiệu quả của cán bộ, của địa phương trong quá trình tổ chức vận động tăng trưởng Quỹ HTND.

- Tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý Quỹ HTND, Ban Thường vụ Hội Nông dân Huyện có trách nhiệm chỉ đạo xây dựng, quản lý hoạt động Quỹ HTND cấp huyện theo đúng Điều lệ Quỹ HTND do Trung ương Hội nông dân Việt Nam ban hành và Quy chế quản lý tài chính của Quỹ HTND tỉnh Thái Nguyên. Ban Thường vụ Hội nông dân Huyện có trách nhiệm tham mưu cho UBND cấp huyện ban hành các văn bản chỉ đạo và trực tiếp ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể đối với hoạt động của Quỹ HTND cấp huyện.

Bên cạnh đó, tăng cường phí quản lý cho cấp huyện, nhất là tỷ lệ % trong tính phí quản lý. Việc chuyển nguồn huy động ở xã về Huyện quản lý cần linh hoạt, không được máy móc, dập khuôn.

Ngoài ra, cũng cần tăng nguồn vốn cho Quỹ HTND trên cơ sở đề nghị tăng thêm vốn cấp của ngân sách xây dựng Quỹ HTND huyện. Đề nghị UBND các xã trích ngân sách địa phương hỗ trợ xây dựng Quỹ HTND xã; Tăng nguồn vốn do trích lập quỹ để bổ sung nguồn vốn trong quá trình hoạt động; Tăng nguồn bằng biện pháp vận động các nguồn ủng hộ, tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước ủng hộ, cho mượn không lãi hoặc lãi suất thấp; Tăng nguồn Quỹ từ hoạt động nhận uỷ thác của Hội cấp trên, của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.

Thứ tư, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của Quỹ HTND: Trong những năm qua, Quỹ HTND huyện Võ Nhai đã sát cánh cùng các hộ gia đình hội viên nông dân trong việc phát triển sản xuất, xây dựng đời sống, tuy nhiên, công tác quản lý Quỹ vẫn còn hạn chế. Chính vì vậy, việc tuyên truyền, vận động đến các cấp, các ngành, các đối tượng được vay và cho vay là vô cùng quan trọng. Về phương pháp tuyên truyền, có thể kết hợp tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; tuyên truyền bằng văn bản đến các thôn, xóm; tuyên truyền qua các cuộc họp thôn hoặc cán bộ chi tổ Hội trực tiếp tuyên truyền đến các hộ gia đình.

Bên cạnh công tác tuyên truyền cần tổ chức vận động thành đợt cao điểm vào dịp kỷ niệm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10) hàng năm để thu hút nguồn lực của toàn xã hội tham gia thông qua việc ủng hộ Quỹ HTND. Cùng với những biện pháp trên, cần tranh thủ vận động các tổ chức quốc tế, cá nhận người nước ngoài tài trợ, ủng hộ tạo nguồn lực cho Quỹ.

Trên thực tế, hiện nay, nguồn vốn từ Quỹ HTND mới chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ về nhu cầu vay vốn của hội viên nông dân trên toàn Huyện (trên 11.400 hội viên). Để chủ động hơn trong việc đổi mới phương thức hoạt động, tập hợp, vận động nông dân tham gia sinh hoạt Hội Nông dân, các cấp chính quyền huyện Võ Nhai cần đẩy mạnh hơn nữa công tác phát triển Quỹ HTND cấp huyện và tổ chức các hoạt động hỗ trợ vốn cho nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh. Thông qua hoạt động thiết thực, hiệu quả của Quỹ HTND từng bước nâng cao chất lượng, hình ảnh hoạt động của tổ chức Hội Nông dân các cấp, góp phần thu hút đông đảo nông dân tham gia sinh hoạt tổ chức hội, xây dựng Hội ngày càng vững mạnh.     

Tài liệu tham khảo:

  1. Phạm Thị Minh Nguyệt, Giáo trình Kinh tế hợp tác trong nông nghiệp, NXB Nông nghiệp, Hà Nội, 2006;
  2. Vũ Đình Thắng, Giáo trình Kinh tế phát triển nông thôn, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, NXB Thống kê, Hà Nội, 2002.
  3. Quyết định số 673/QĐ-TTg ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc Hội Nông dân Việt Nam trực tiếp thực hiện và phối hợp một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn giai đoạn 2011 – 2020;
  4. Báo cáo kết quả hoạt động Quỹ HTND của Hội Nông dân huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên qua các năm 2015, 2016, 2017 và 6 tháng đầu năm 2018;
  5. Niên giám Thống kê tỉnh Thái Nguyên năm 2017.