Phát triển tài chính toàn diện, đẩy lùi tín dụng đen tại Việt Nam
Trong những năm gần đây, tín dụng đen đã len lỏi từ thành thị tới nông thôn, nhiều trường hợp vay tín dụng đen dẫn đến vỡ nợ, làm đảo lộn cuộc sống của người dân, gây ra hệ lụy cho xã hội. Trước tình hình đó, tài chính toàn diện là một trụ cột quan trọng trong việc đẩy lùi tín dụng đen, giúp phát triển thị trường tài chính đồng bộ, lành mạnh; thúc đẩy đầu tư và hỗ trợ an sinh xã hội, tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế đất nước. Bài viết phân tích thực trạng tín dụng đen ở Việt Nam và làm rõ vai trò của tài chính toàn diện hiện nay, từ đó đưa ra một số giải pháp phát triển tài chính toàn diện nhằm đẩy lùi tín dụng đen.
Khái quát về tín dụng đen và tài chính toàn diện
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2014): “Tín dụng đen được dùng để chỉ các hoạt động cho vay dân sự giữa các cá nhân, tổ chức không qua hệ thống tín dụng chính thức”. Đặc trưng cơ bản nhất của tín dụng đen là cho vay với mức lãi suất cao và bị pháp luật nghiêm cấm. Vì vậy mà nó được gọi là tín dụng cho vay nặng lãi hay tín dụng đen. Lãi suất tín dụng đen không có quy định cụ thể mà do cá nhân hoặc tổ chức cho vay tín dụng đen tự đặt.
Theo Ngân hàng Thế giới (World Bank) (2018), tài chính toàn diện (TCTD) là các cá nhân và doanh nghiệp (DN) có quyền truy cập vào các sản phẩm và dịch vụ tài chính hữu ích với giá cả phải chăng, đáp ứng nhu cầu của họ. Các dịch vụ đó (bao gồm giao dịch thanh toán, tiết kiệm, tín dụng và bảo hiểm) được cung cấp một cách có trách nhiệm và bền vững.
Hiện nay, TCTD được xem là một trong những trụ cột quan trọng để tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo bền vững, góp phần huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội. Tại các nước đang phát triển như Việt Nam, TCTD đặc biệt có vai trò quan trọng trong việc giúp hệ thống tài chính phát triển và huy động tối đa nguồn lực trong nước nhằm thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, TCTD ngày càng được quan tâm ở cả cấp độ toàn cầu và quốc gia, các nhà hoạch định chính sách cũng đang ngày càng nhận ra các cơ hội mà TCTD mang lại.
Các nghiên cứu của Demirguc-Kunt và Levine (2007), Johnston và Murdoch (2008), Hastak và Gaikwad (2015) đều khẳng định: TCTD là một công cụ quan trọng đối với rất nhiều quốc gia đang phát triển nhằm tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính của khu vực có thu nhập thấp, qua đó góp phần xoá đói, giảm nghèo và thúc đẩy phát triển kinh tế.
Từ các nghiên cứu trên, vai trò của TCTD đối với sự phát triển kinh tế có thể được tổng quát như sau:
Thứ nhất, tạo ra những tác động tích cực, thúc đẩy quá trình tăng trưởng kinh tế. TCTD góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua khả năng huy động các khoản tiết kiệm và đầu tư vào lĩnh vực sản xuất. Các chính sách TCTD hiệu quả tác động lên các ngành kinh tế, góp phần giảm nghèo và tăng trưởng kinh tế nhanh.
Thứ hai, TCTD giúp người nghèo được tiếp cận các dịch vụ tài chính phù hợp với giá cả phải chăng. Do thu nhập thấp và không ổn định, nên khi các nhu cầu tài chính xuất hiện, nếu không thể tiếp cận các dịch vụ chính thức và bán chính thức, người nghèo phải tìm đến các dịch vụ tài chính phi chính thức hoặc tín dụng đen. Điều này mang lại nhiều rủi ro cho chính bản thân họ. Trong khi đó, TCTD mang lại cơ hội tiếp cận hệ thống tài chính chính thức với mức chi phí hợp lý cho tất cả các thành phần của nền kinh tế, đặc biệt là nhóm dân cư “yếu thế”.
Thứ ba, TCTD góp phần tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo và tăng phúc lợi cho người nghèo. Tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ tài chính như tiết kiệm, dịch vụ thanh toán, chuyển tiền kiều hối và bảo hiểm sẽ giúp người nghèo tăng khả năng tích lũy tài sản, chống chịu trước những cú sốc kinh tế, đồng thời tăng khả năng tạo công ăn việc làm, cải thiện thu nhập thông qua các khoản tín dụng tiếp cận được. Đồng thời, tạo niềm tin thúc đẩy nhu cầu đầu tư, kinh doanh, cải thiện năng suất lao động tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Thứ tư, cung cấp một nền tảng thúc đẩy giáo dục tài chính, tạo thói quen tiết kiệm, đặc biệt là đối với những người có thu nhập thấp, luôn sống dưới áp lực tài chính, thiếu kỹ năng quản lý dòng tiền, làm cho họ trở thành nhóm dễ bị tổn thương.
Thứ năm, TCTD là một phương thức chống thất thoát trong việc phân phối những khoản trợ cấp và các khoản phúc lợi khác của Chính phủ thông qua tài khoản.
Vai trò phát triển tài chính toàn diện trong đẩy lùi tín dụng đen
Hiện nay, nhu cầu tìm đến nguồn tín dụng đen là rất lớn và cũng gây ra nhiều khó khăn cho cơ quan quản lý. Theo thống kê của World Bank, khoảng 70% dân số Việt Nam chưa tiếp cận được vốn ngân hàng. Số DN có khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính thức cũng chỉ mới chiếm 1/3 tổng số DN.
Thực tế cho thấy, những người tìm đến tín dụng đen phần nhiều đều trong hoàn cảnh bế tắc, công việc bấp bênh, đa số không có bảo hiểm y tế. Nhiều cá nhân, DN, tổ chức gặp khó khăn về nguồn vốn kinh doanh, do đó phải tìm đến vay vốn tại các cơ sở tín dụng đen, các điểm cho vay nặng lãi. Nhìn chung, tín dụng đen có thể đến tay người vay rất dễ dàng, nhanh chóng, đáp ứng được nhu cầu vay vốn cấp bách của người dân, thậm chí là cả DN.
Theo Liên Hiệp Quốc, phát triển TCTD là tăng cường việc cung cấp các dịch vụ tài chính chất lượng cao (tín dụng, tiết kiệm, thanh toán, bảo hiểm…) từ các nhà cung cấp dịch vụ chính thức một cách đầy đủ, thuận tiện, phù hợp với nhu cầu và với chi phí hợp lý cho mọi cá nhân, tổ chức, đặc biệt đối với người có thu nhập thấp và dễ bị tổn thương trong độ tuổi lao động. Chủ thể cần được cung cấp dịch vụ tài chính khá đa dạng, phần lớn là khu vực tư nhân, đối tượng cần được quan tâm như người khuyết tật, người nghèo, những người sống ở khu vực nông thôn, những người sống ở khu vực miền núi…
Phát triển TCTD sẽ góp phần thu hẹp và đẩy lùi tín dụng đen dựa trên những lý do sau:
Một là, hành lang pháp lý để hoạt động minh bạch và phát huy hiệu quả. Khi các chính sách được đề ra để phát triển TCTD một cách hợp lý sẽ giúp nâng cao ý thức, trách nhiệm của người vay cũng như sự chuyên nghiệp, ý thức chấp pháp của bên cho vay, tạo ra sự cởi mở, cạnh tranh lành mạnh của thị trường. Các tổ chức kinh doanh (nhà cung cấp dịch vụ tài chính) sẽ chính thức hoạt động an toàn và hiệu quả. Các dịch vụ tài chính được quản lý bởi hành lang pháp lý và những tiêu chuẩn hoạt động ngành rõ ràng nên có đầy đủ tính pháp lý để bảo vệ người vay và người cho vay.
Hai là, khi mục tiêu của TCTD là đẩy lùi tín dụng đen sẽ kích thích các tổ chức tín dụng chính thức, đặc biệt là ngân hàng trong việc phát triển công nghệ thông tin với nền tảng công nghệ 4.0, hỗ trợ thuận tiện và nhanh chóng, đáp ứng nhu cầu cấp bách của khách hàng, góp phần thúc đẩy đất nước ngày càng hiện đại. TCTD cũng sẽ giúp đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển các dịch vụ cho vay, thanh toán trực tuyến giúp giảm chi phí giao dịch và rào cản địa lý.
Ba là, TCTD cung cấp tài khoản giao dịch (tài khoản thanh toán) cho tất cả mọi người, tạo điều kiện thuận lợi để bước đầu tiếp cận tài chính đầy đủ. Đây cũng chính là tiền đề để có thể tiếp cận đến toàn bộ sản phẩm và dịch vụ tài chính đáp ứng nhu cầu của người sử dụng như tín dụng, bảo hiểm, tiết kiệm và đầu tư. Phát triển TCTD thông qua việc đẩy mạnh phát triển tài chính tiêu dùng sẽ giúp cung cấp các khoản vay nhỏ nhanh chóng, kịp thời, an toàn, hiệu quả đến tay người cần vốn, giúp đẩy lùi ảnh hưởng xấu của tín dụng đen.
Bốn là, góp phần giáo dục nhận thức về tài chính và bảo vệ người tiêu dùng. Đẩy mạnh tuyên truyền cho mọi tầng lớp nhân dân về mức độ rủi ro và nguy hiểm khi đi vay với lãi suất cao. Giúp mọi người nhận biết được thủ đoạn của các đối tượng hoạt động tín dụng đen (thường hoạt động dưới hình thức là các cơ sở kinh doanh, hội nhóm như cơ sở cầm đồ, cơ sở kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê, công ty tài chính, các tổ chức tín dụng hoạt động biến tướng dưới mọi hình thức (khuyến mãi, hoa hồng, huy động vốn để đầu tư, ủy thác đầu tư trái phiếu… với lãi suất cao).
Năm là, giúp triển khai hoạt động tài chính vi mô rộng khắp mọi miền đất nước, cung cấp thông tin tài chính minh bạch, đầy đủ qua các website tài chính uy tín được cơ quan chức năng bảo hộ đến mọi đối tượng và người có nhu cầu vay vốn. Bên cạnh đó, TCTD góp phần phát triển các công ty tài chính, tổ chức tài chính vi mô phủ khắp các vùng, miền với thủ tục nhanh gọn và thuận tiện, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp phục vụ đời sống, tiêu dùng của nhân dân để góp phần ngăn chặn tín dụng đen.
Định hướng phát triển tài chính toàn diện,đẩy lùi tín dụng đen
Trước tình hình tín dụng đen diễn biến phức tạp, một bộ phận người dân chưa lường hết được tác hại và vẫn đang tìm đến các hình thức cho vay nặng lãi, cùng với hoạt động của xã hội đen đã và đang gây hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt, ảnh hưởng xấu đến đời sống kinh tế, an ninh xã hội thì ngành Ngân hàng cần tiếp tục nỗ lực triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất và tiêu dùng nhằm hạn chế tín dụng đen. Những vấn đề đặt ra mà ngành Ngân hàng cần định hướng để phát triển TCTD đẩy lùi tín dụng đen là:
Về phía các ngân hàng thương mại
Thứ nhất, các ngân hàng cần nâng cao hiểu biết cũng như kỹ năng tài chính của người dân, thông qua đó họ mới có thể hiểu và sử dụng các dịch vụ được cung cấp.
Thứ hai, các ngân hàng sẽ phải mở rộng mạng lưới hoạt động ở những địa bàn có mạng lưới ngân hàng chưa tương xứng với nhu cầu tiếp cận tín dụng, dịch vụ ngân hàng của người dân, nhất là những địa bàn đang là điểm nóng về tín dụng đen. Đồng thời, các ngân hàng cần phát triển các sản phẩm cho vay tiêu dùng lành mạnh, đặc biệt sản phẩm tín dụng trong sinh hoạt đối với các khu công nghiệp, khu vực đông dân cư.
Thứ ba, các ngân hàng nên mở rộng hệ thống kênh cung cấp dịch vụ theo hướng đa dạng, đặc biệt là chú trọng các kênh mới, có tính hiệu quả cao như Internet Banking, Mobile Banking. Đồng thời các ngân hàng nên phát triển phong phú các sản phẩm dịch vụ tài chính, phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng song song với đó là cải cách thủ tục hành chính, cải tiến quy trình, thủ tục cho vay.
Về phía NHNN và các cơ quan chức năng
Thứ nhất, NHNN sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đối với việc cung cấp các dịch vụ tài chính, xây dựng khuôn khổ pháp lý bảo vệ người tiêu dùng tài chính. Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực giám sát của NHNN, Bộ Tài chính đối với các tổ chức cung ứng dịch vụ.
Thứ hai, NHNN nên khuyến khích NHTM phát triển mô hình ngân hàng lưu động ở những vùng khó khăn, tạo điều kiện cho các khách hàng thuận tiện hơn trong việc tiếp cận vốn và các dịch vụ ngân hàng khác.
Thứ ba, NHNN cũng nên tiếp tục xem xét gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ khi người dân gặp khó khăn do các nguyên nhân chính đáng chưa thể trả được nợ đúng hạn, giúp người dân tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, không phải đi vay nặng lãi từ các đối tượng cho vay tín dụng đen.
Thứ tư, NHNN tiếp tục bổ sung và sửa đổi các quy định về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính nhằm kiểm soát chặt chẽ hoạt động, tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động của loại hình này thông qua quản lý về quy mô, điều kiện kinh doanh, phạm vi địa bàn hoạt động, khuôn khổ lãi suất… để ngăn chặn tình trạng cũng như nguy cơ mất an toàn và tiếp tay cho tín dụng đen hoạt động.
Tài liệu tham khảo:
- Thorsten Beck, Asli Demirguc-Kunt and Ross Levine (2007), Finance, Inequality and the Poor, J Econ Growth 12(1): 27–49;
- Johnston, D.J., and Morduch, J. (2008), The unbanked: Evidence from Indonesia, World Bank Economic Review, 22(3): 517-537;
- Anuradha C. Hastak and Arun Gaikwad (2015), Issues relating to financial inclusion and banking sector in India, The Business & Management Review, Volume 5 Number 4;
- Trang điện tử của UN: http://www.uncdf.org/financial-inclusion; http://www.worldbank.org/en/topic/financialinclusion; sbv.gov.vn