Phát triển tài chính vi mô tại vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 Tháng 3/2020

Tài chính vi mô đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia thông qua sự hỗ trợ công cuộc xóa đói giảm nghèo. Ở Việt Nam, công tác xóa đói giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu của quốc gia đã được quan tâm triển khai thực hiện trong những năm qua. Tuy nhiên, kết quả đạt được tùy thuộc vào chính sách và tổ chức thực hiện trong mỗi giai đoạn, cho mỗi vùng, địa phương khác nhau. Tại vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, việc phát triển tài chính vi mô, bước đầu có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên so với yêu cầu thực tiễn cần tới các giải pháp hữu hiệu hơn nữa để nâng cao hiệu quả hoạt động của tài chính vi mô, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội…

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Sơ lược về tài chính vi mô

Cho đến nay có nhiều khái niệm khác nhau về tài chính vi mô (TCVM), được tiếp cận theo từng quan điểm, thời điểm ở từng chương trình mục tiêu khác nhau. Theo Legerwood (1999), “TCVM được coi là một phương pháp phát triển kinh tế nhằm mang lại lợi ích cho cư dân thu nhập thấp”. Theo Muhamad Yunus (2005), “TCVM được phát triển dựa trên tiền đề rằng người nghèo có những kỹ năng mà chưa được sử dụng hoặc chưa được sử dụng đúng mức, vì họ chưa được trao quyền để phát huy chúng. Giải phóng năng lượng và sự sáng tạo trong mỗi con người là lời giải cho bài toán đói nghèo”.

Tại Việt Nam, thuật ngữ TCVM được đề cập phổ biến dưới một số tên gọi khác nhau. Nghị định số 28/2005/NĐ-CP của Chính phủ đã dùng một cụm từ khác, đó là “Tài chính quy mô nhỏ” và được hiểu như sau: “Tài chính quy mô nhỏ là tổ chức tài chính hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, với chức năng chủ yếu là sử dụng vốn tự có, vốn vay và nhận tiết kiệm để cung cấp một số dịch vụ tài chính, ngân hàng nhỏ, đơn giản cho các hộ gia đình, cá nhân thu nhập thấp”. Theo Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) số 47/2010/QH12: “Tổ chức TCVM là loại hình TCTD chủ yếu thực hiện một số hoạt động ngân hàng, nhằm đáp ứng nhu cầu của các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp và doanh nghiệp (DN) siêu nhỏ”. Các tổ chức TCVM là các trung gian tài chính chuyên cung cấp các dịch vụ tài chính cho đối tượng khách hàng là người nghèo, những người sản xuất nhỏ, các nhóm cá nhân kinh doanh, các DN nhỏ hoặc siêu nhỏ.

Các tổ chức TCVM gồm các tổ chức chính thức, bán chính thức và phi chính thức. Tổ chức TCVM cung cấp các dịch vụ tín dụng vi mô, dịch vụ tiết kiệm vi mô, dịch vụ bảo hiểm vi mô, dịch vụ thanh toán và dịch vụ phi tài chính. Bên cạnh đó, còn cung cấp các dịch vụ trung gian xã hội, đó là quá trình xây dựng con người và xã hội cho đối tượng thụ hưởng là người nghèo nhằm phát triển sản xuất và ổn định đời sống kinh tế.

Phát triển tài chính vi mô tại vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Ảnh 1

Dịch vụ tín dụng vi mô là dịch vụ cung ứng vốn, đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ cho các hoạt động kinh doanh nhỏ, cải thiện đời sống cho các hộ nghèo ở các vùng nông thôn, vùng núi và các vùng đặc biệt khó khăn. Khoản vốn cung ứng thường nhỏ, lẻ và lãi suất thấp với các điều kiện vay vốn, phương thức trả nợ tương đối đơn giản. Dịch vụ tín dụng vi mô mang lại hiệu quả tài chính và cả hiệu quả xã hội cho người thụ hưởng.

Dịch vụ tiết kiệm vi mô là nghiệp vụ huy động các nguồn vốn nhỏ, lẻ cho các tổ chức TCVM thông qua các khoản tiết kiệm bắt buộc khi khách hàng vi mô vay vốn, hoặc các khoản tiết kiệm của các DN gởi vào các tổ chức TCVM. Nguyên tắc quản lý khoản tiết kiệm này đối với các tổ chức TCVM là khoản bù dư, tạm giữ cho khách hàng nhằm tạo nguồn tiết kiệm cho khách hàng khi vừa tham gia hoạt động vay vốn tại các tổ chức TCVM và hoàn trả cho khách hàng khi hoàn tất các khoản vay. Đối với các DN là khách hàng của tổ chức TCVM là những DN siêu nhỏ, hoạt động tại địa phương, sử dụng nguồn nguyên liệu và nhân công tại chỗ. Việc sử dụng dịch vụ tiết kiệm không kỳ hạn đáp ứng nhu cầu sử dụng các dịch vụ thanh toán.

Dịch vụ bảo hiểm vi mô: Người dân có thu nhập thấp, thường sinh sống trong các vùng khó khăn, ô nhiễm… dễ bị tổn thương bởi các yếu tố dịch bệnh, thiên tai, vấn đề an ninh. Vì vậy, cần có dịch vụ bảo hiểm vi mô giúp các gia đình, các DN siêu nhỏ có điều kiện ổn định tài chính, ổn định đời sống, quản lý rủi ro tốt hơn. Xét về bản chất, bảo hiểm là sự phân chia tổn thất của một, hoặc một số người cho tất cả những người tham gia bảo hiểm. Nguyên tắc hoạt động lấy số đông bù số ít, có nghĩa là số đông người tham gia bảo hiểm và số ít người gặp rủi ro, tổn thất. Với nhu cầu trên, các tổ chức TCVM cung cấp dịch vụ bảo hiểm là một sản phẩm bán chéo, vừa thỏa mãn nhu cầu của khách hàng, vừa đảm bảo an toàn cho hoạt động cung ứng vốn vay của các tổ chức TCVM.

Ngoài ra, các tổ chức TCVM còn cung cấp dịch vụ thanh toán như thu hộ, chi hộ, chuyển tiền điện tử, ví điện tử… Các dịch vụ phi tài chính như dịch vụ tư vấn kỹ thuật, thị trường và các yếu tố đầu ra cho sản phẩm…

Thực trạng hoạt động tài chính vi mô tại vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

Vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) miền Trung được thành lập theo Quyết định số 1085/QĐ-TTg ngày 12/8/2008 của Thủ tướng chính phủ,  gồm 5 tỉnh, thành phố (Thừa Thiên - Huế, TP. Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định), có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh đối với cả khu vực Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên. Dân số vùng KTTĐ miền Trung phân bổ cả đồng bằng, trung du và núi cao. Đời sống dân cư các vùng nông thôn và miền núi rất khó khăn như thiếu vốn tối thiểu để phục vụ sản xuất nông nghiệp, đời sống dân cư còn ở mức rất thấp, nên việc tiếp cận các dịch vụ tài chính còn nhiều hạn chế. Do vậy, việc đánh giá thực trạng và đề xuất những giải pháp phát triển hoạt động TCVM cho vùng KTTĐ miền Trung trong thời gian tới là cần thiết.

Phát triển tài chính vi mô tại vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Ảnh 2

Vùng KTTĐ miền Trung phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua đã đạt được những thành tựu đáng kể như phát triển công nghiệp chế biến thủy hải sản, phát triển công nghiệp dệt may, phát triển công nghệ lọc dầu… Tuy nhiên, vùng KTTĐ miền Trung có thu nhập bình quân trong năm 2018 đạt 2,92 triệu đồng/người/tháng, chỉ cao hơn vùng Trung Du, vùng núi phía Bắc và vùng Tây Nguyên. Tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2008-2018 của vùng có giảm nhiều, năm 2008 trung bình hộ nghèo toàn vùng gần 16,5% nhưng đến năm 2018 chỉ còn gần 7%, nhưng vẫn còn 3 tỉnh (Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình định) có tỷ lệ hộ nghèo trên 7%, công tác thực hiện chương trình giảm nghèo của vùng thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn.

Như vậy, muốn thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo tại vùng KTTĐ miền Trung, thì hoạt động TCVM cần được đưa lên hàng đầu. Bên cạnh các chương trình TCVM của các tổ chức TCVM chính thức (như các tổ chức tín dụng cung cấp các dịch vụ TCVM, các tổ chức TCVM được cấp phép…), thì các tổ chức TCVM bán chính thức (như các chương trình, dự án của các tổ chức phi chính phủ, các dự án tài trợ cho người nghèo của các chương trình mục tiêu quốc gia…) cần được thúc đẩy mở rộng. Khảo sát cho thấy, tại vùng KTTĐ miền Trung hoạt động cung cấp các dịch vụ TCVM được thực hiện qua các TCTD, các tổ chức TCVM bán chính thức là chủ yếu.

Các tổ chức tín dụng cung cấp dịch vụ TCVM chủ yếu được thực hiện bởi Ngân hàng Chính sách Xã hội thông qua các hoạt động tín dụng người nghèo dưới sự chỉ đạo của Nhà nước nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Vùng nói riêng và toàn quốc nói chung. Trong khi, các chương trình TCVM bán chính thức hoạt động trên địa bàn còn ít, các chương trình của các tổ chức xã hội (như Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân, Quỹ Phát triển thanh niên, Quỹ Trợ vốn cho người nghèo của Liên đoàn lao động… và các tiểu dự án hoạt động trên địa bàn) cũng còn khiêm tốn so với khu vực miền Trung và cả nước.

Bảng 2 cho thấy, các tổ chức TCVM trên địa bàn vùng KTTĐ miền Trung khá khiêm tốn về số lượng, khó khăn rất lớn cho việc phát triển tổ chức TCVM đáp ứng các dịch vụ TCVM cho người dân trong Vùng. Trong khi đó, việc tổ chức các hoạt động của các tổ chức TCVM chưa đáp ứng nhu cầu của khách hàng là các hộ nghèo, các DN nhỏ và siêu nhỏ trong vùng. Mặc dù, phân đoạn thị trường đã tập trung vào vùng nông thôn, vùng sâu và vùng xa, song các tổ chức TCVM trên địa bàn vẫn khó đáp ứng nhu cầu về vốn cho các hộ nghèo… trên địa bàn vùng KTTĐ miền Trung.

Phát triển tài chính vi mô tại vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Ảnh 3

Bảng 3 cho thấy, TP. Đà Nẵng với 3 chương trình hoạt động và có thời hạn cấp phép tương đối sớm hơn các địa phương; Quảng Ngãi chỉ có 1 chương trình; riêng Quảng Nam chưa có chương trình, dự án TCVM  nào. Với số lượng các chương trình, dự án hoạt động trong vùng như vậy khá mỏng so với số lượng hộ nghèo và hộ cận nghèo hoạt động trên địa bàn.

Giải pháp phát triển tài chính vi mô tại vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

Để phát triển hoạt động TCVM tại vùng KTTĐ miền Trung, cần triển khai các giải pháp sau:

Một là, tăng cường nguồn vốn huy động.

Các tổ chức TCVM hoạt động tại Vùng hiện nay là 2 tổ chức lớn là Ngân hàng Chính sách Xã hội và Quỹ Tín dụng nhân dân còn lại là các chương trình, dự án nhỏ thuộc các tổ chức bán chính thức. Nguồn vốn của các tổ chức này là khá khiêm tốn cho việc phát triển quy mô cho vay đối với người nghèo trong Vùng. Cần xây dựng các điều kiện thu hút nguồn tài trợ từ bên ngoài như củng cố bộ máy tổ chức hoạt động, tuân thủ các nguyên tắc kế toán để minh bạch thông tin và đảm bảo an toàn hoạt động của tổ chức bên cạnh đó bảo vệ lợi ích cho khách hàng. Đồng thời, chú trọng công tác thu hút các nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân thông qua tìm kiếm các nhà đầu tư tiềm năng hướng vào dịch vụ tài chính trên thị trường. Mặc dù là khách hàng có thu nhập thấp, món vay nhỏ lẻ, nhưng hoạt động TCVM có mức độ an toàn vốn tương đối cao, rủi ro phân tán. Đa dạng hóa các sản phẩm tiết kiệm về kỳ hạn, quy mô, lãi suất và phương thức thanh toán nhằm gia tăng nguồn vốn tiết kiệm tự nguyện nhằm bổ sung nguồn vốn cho hoạt động của các tổ chức TCVM.

Hai là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Cán bộ tín dụng của các tổ chức TCVM có những đặc điểm khác biệt với cán bộ của các TCTD ở chỗ phải thạo địa bàn cư trú, gần gũi với người dân, nắm được các điều kiện sinh sống và sản xuất của người dân nên việc tuyển dụng cán bộ là người địa phương nhằm tăng thêm mức độ gắn bó, giảm chi phí và giảm thiểu rủi ro có thế gặp phải. Trong thời Cách mạng công nghiệp 4.0, việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động kinh doanh là khá phổ biến. Vì vậy, việc đào tạo và đào tạo lại cán bộ nhằm nắm bắt quy trình, công nghệ và nguyên tắc kinh doanh là khá cần thiết. Thường xuyên mở các lớp tập huấn, đào tạo ngắn ngày, đào tạo trực tuyến vừa công tác vừa học tập để nâng cao tay nghề, cập nhật các kiến thức mới cho nhân viên.

Trong hoạt động kinh doanh, khách hàng là nhân tố trọng tâm. Trình độ của khách hàng tác động rất lớn đến hiệu quả hoạt động của các tổ chức. Khách hàng của TCVM phần lớn là người có thu nhập thấp, hộ nghèo và một bộ phận DN siêu nhỏ. Là nhóm đối tượng thụ hưởng có nhiều hạn chế trong việc tiếp nhận các thông tin kinh tế, thị trường, quy trình và nghiệp vụ tín dụng. Tâm lý e ngại tiếp cận kiến thức mới đã cản trở cho khả năng tiếp cận dịch vụ TCVM. Vì vậy, cần chú ý đến các tổ chức đoàn thể hoạt động tại địa phương, các tổ chức này sẽ hỗ trợ công tác tuyên truyền, tập huấn và giúp nhau vượt qua tâm lý e ngại trên.

Ba là, ứng dụng công nghệ tài chính trong hoạt động của các tổ chức TCVM.

Việc cung ứng các dịch vụ TCVM truyền thống được thực hiện trên nền tảng hạ tầng tài chính thấp, chưa bắt kịp với sự phát triển khoa học kỹ thuật, đặc biệt lĩnh vực tài chính – ngân hàng. Nhằm tạo ra chiến lược cung ứng sản phẩm dịch vụ tài chính đa dạng thì việc ứng dụng công nghệ tài chính (Fintech) trong cung cấp dịch vụ để phổ cập tài chính là một xu hướng mới. Fintech được hiểu là ngành công nghiệp bao gồm các tổ chức không phải ngân hàng trong đó có các tổ chức khởi nghiệp sử dụng công nghệ để hỗ trợ hoạt động cung ứng các dịch vụ tài chính hiệu quả hơn. Fintech là những ứng dụng, quy trình, sản phẩm hay mô hình kinh doanh trong lĩnh vực tài chính nhằm mục tiêu cạnh tranh với những phương thức cung cấp dịch vụ tài chính truyền thống. Fintech đã góp phần đẩy mạnh công tác phổ cập tài chính cho người dân sống ở vùng nông thôn, vùng xa và vùng sâu thông qua các thiết bị điện tử mà trong đó điện thoại di động được xem như công cụ khá phổ biến.

Bốn là, hỗ trợ sinh kế, đào tạo nghề nhằm nâng cao thu nhập cho người nghèo.

Với tỷ lệ hộ nghèo tại vùng KTTĐ miền Trung còn ở mức khá cao, việc thoát nghèo và tránh tái nghèo là điều mà chính hộ nghèo mong đợi. Vì vậy, việc hỗ trợ từ các cấp chính quyền địa phương, từ các chương trình quốc gia về việc cung ứng cây giống, vật nuôi, vật tư, phân bón… là cần thiết. Một lực lượng cán bộ khuyến nông, khuyến ngư cần có đủ để hỗ trợ người dân trong việc lựa chọn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi, trồng, cấy, ghép. Sau đó đến việc đào tạo tay nghề đáp ứng nhu cầu tại chỗ, hướng sang xuất khẩu lao động… nhằm cải thiện thu nhập cho người nghèo, nâng cao đời sống vật chất và kể cả đời sống tinh thần cho người dân.

Kết luận

Hoạt động TCVM vùng KTTĐ miền Trung bước đầu đã mang lại kết quả thiết thực, đóng góp quan trọng vào công tác xóa đói, giảm nghèo của các địa phương, tuy nhiên, so với tiềm năng phát triển còn chưa tương xứng với nhu cầu dịch vụ TCVM của người dân. Với các giải pháp trên hy vọng góp phần cho công tác phát triển hoạt động TCVM của vùng KTTĐ miền Trung nhằm giúp cho người có thu nhập thấp, hộ nghèo và các DN siêu nhỏ tăng thu nhập, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống, thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của Vùng như mục tiêu đề ra.              

Tài liệu tham khảo:

Quốc hội (2010), Luật số 47/2010/QH12 Luật các Tổ chức tín dụng;

Chính phủ (2005), Nghị định số 28/2005/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của các tổ chức tài chính quy mô nhỏ tại Việt Nam;

Nguyễn Kim Anh, Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phí Trọng Hiển và cộng sự. (2017), Ứng dụng công nghệ tài chính  trong hoạt động tài chính vi mô hướng tới phổ cập tài chính tại Việt Nam;

Lê Văn Tề, Huỳnh Thị Hương Thảo (2011), Thị trường tài chính và các định chế tài chính trung gian, NXB Phương Đông;

Ledgerwood J. (1999), Microfinance handbook: an institutional and financial perspective, The World Bank, Washington, DC;

Microcredit changes lives - ProQuest, <https://search.proquest.com/openview/0d5efc3b70cf39af00273d5b870dce58/1?pq-origsite=gscholar&cbl=25518>, accessed: 17/06/2019.