Phát triển thẻ tín dụng tại Việt Nam: Ngân hàng nỗ lực là chưa đủ

Theo Lan Anh/bizlive.vn

Nhiều ngân hàng đang có chiến lược phát triển mạnh mẽ thẻ tín dụng nhằm thúc đẩy việc chi tiêu, mua sắm qua thẻ cũng như kích thích tiêu dùng của người dân.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tiện ích - “giá” cao

Không phủ nhận việc dùng thẻ tín dụng để chi tiêu hiện có nhiều lợi ích cho chủ thẻ, như với hạn mức được cấp khách hàng có thể chi tiêu và mua sắm miễn lãi đến 45 - 55 ngày, có ngân hàng không tính phí rút tiền mặt, thấu chi...

Nhưng đến nay, việc phát triển thẻ tín dụng (đặc biệt là thẻ tín dụng nội địa) trở nên đại chúng trong tiêu dùng của người dân vẫn khá chậm. Điều này đang được lý giải bằng những hạn chế, như về chi phí, khi các ngân hàng đang tính phí rút tiền mặt từ thẻ tín dụng quá cao, lên tới 4% trên một lần rút tiền, trong khi đây vẫn là nhu cầu giao dịch chính tại Việt Nam.

Nếu khách hàng rút 10 triệu đồng thì phải chịu mất phí rút tiền là 400.000 đồng. Như vậy, mặc dù khách hàng không bị tính lãi trong vòng 45 ngày nhưng số tiền phải trả cho phí rút tiền cũng rất cao, và phí này được ngầm hiểu là lãi. Việc lý giải của các ngân hàng cho việc đánh phí rút tiền rất cao này là hạn chế rút tiền mặt, và thẻ chỉ dùng để cà thẻ thanh toán hàng hóa, dịch vụ.

Nhưng với điều kiện mua sắm ở Việt Nam hiện chủ yếu thanh toán bằng tiền mặt khiến khách hàng dùng thẻ cũng khó khăn.

Bên cạnh phí thường niên từ 200.000 - 1.000.000 đồng tùy từng ngân hàng và từng loại thẻ, nếu là thẻ tín dụng quốc tế, chủ thẻ sẽ mất phí chuyển đổi ngoại tệ khi sử dụng thẻ để thanh toán cho các giao dịch bằng ngoại tệ tại nước ngoài. Số ngoại tệ này sẽ được chuyển đổi và thể hiện bằng tiền VND trên bảng sao kê và bạn phải trả thêm phí chuyển đổi ngoại tệ. Mức phí này có thể là 2% hay 3,5% trên số tiền của mỗi giao dịch và đối với từng loại thẻ.

Đa số ngân hàng miễn lãi chi tiêu qua thẻ tín dụng là 45 ngày, thẻ tín dụng Sacombank đang áp dụng miễn lãi 55 ngày.

Đa số ngân hàng miễn lãi chi tiêu qua thẻ tín dụng là 45 ngày, thẻ tín dụng Sacombank đang áp dụng miễn lãi 55 ngày.

Chẳng hạn, tại VIB, chủ thẻ phải trả phí thường niên của thẻ VIB Classic là 299.000 đồng, thẻ VIB Gold là 499.000 đồng, thẻ VIB Platinum là 899.000 đồng, thẻ VIB World là 999.000 đồng. Phí chuyển đổi ngoại tệ tại VIB từ 3-3,5%, tại Sacombank từ 2,1-2,95%...

Tuy nhiên, hiện Sacombank đang có chương trình ưu đãi đặc biệt dành cho các chủ thẻ tín dụng, đó là khách hàng sẽ không bị tính phí rút tiền mặt tại Sacombank. Tuy nhiên, thẻ tín dụng không miễn lãi, nghĩa là khách hàng phải trả lãi cho số tiền đã rút từ thẻ và lãi được tính theo ngày từ 2,15% - 2,5%/tháng. Hiện Sacombank miễn lãi khi mua sắm trong vòng 55 ngày thì phải thỏa mãn điều kiện như: dư nợ đầu kỳ bằng không (0), giao dịch để cà thẻ thanh toán, không rút tiền mặt trong kỳ và thanh toán hết toàn bộ dư nợ vào cuối kỳ.

Hay thẻ tín dụng Visa Bản Việt là thẻ tín dụng sử dụng công nghệ 3D đầu tiên trên thị trường với tiện ích 3.0: 0 phí thường niên suốt thời gian hiệu lực thẻ, 0 phí phát hành thẻ, 0 phí đa số các dịch vụ, và ưu đãi cho chủ thẻ với mức giảm tới 60% các dịch vụ mua sắm, giải trí, ẩm thực, du lịch, sức khỏe.

Anh Hoàng Mạnh Dương (quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh) cho biết, một điều tiện ích của thẻ tín dụng là khi có nhu cầu chi tiêu thì có thể sử dụng số tiền trong hạn mức thẻ được cấp mà không cần phải làm thủ tục vay vốn như vay tiêu dùng, điều này rất thuận tiện và nhanh chóng.

Tuy nhiên, đối với mức lãi suất phải trả cho các khoản vay không trả đúng hạn thì lãi suất phải trả rất cao. Chẳng hạn, nếu bạn muốn dùng thẻ tín dụng để mua một máy laptop 50 triệu đồng, quá 45 ngày mà bạn không trả đủ số tiền trên, mặc dù ngân hàng sẽ linh hoạt cho bạn chỉ phải trả tối thiểu 3% dư nợ tức là 1,5 triệu đồng cho mỗi lần trả nhưng phần còn lại phải trả lãi có thể lên đến 2,5%/tháng và lãi được tính theo ngày. Điều này cũng khiến người mở thẻ chùn tay.

Hiện nhiều ngân hàng có ba hình thức mở thẻ dành cho khách hàng. Nếu khách hàng mở thẻ tín chấp bằng lương thì cần phải có xác nhận mức lương của cơ quan, hoặc sao kê lương có dấu đỏ tại ngân hàng bạn nhận chi trả lương, như vậy khách hàng sẽ được hưởng hạn mức tối đa là 5 - 10 lần lương tùy từng ngân hàng.

Nếu khách hàng mở thẻ tín dụng thế chấp bằng nhà thì hạn mức tối đa chẳng hạn ở Sacombank cấp là 10% giá trị tài sản sở hữu nhưng không quá 200 triệu đồng với điều kiện nhà của khách hàng phải là mặt tiền và đang có hoạt động kinh doanh.

Nếu khách hàng mở thẻ bằng hình thức ký quỹ hay đảm bảo bằng tài khoản khác tại ngân hàng thì hạn mức được cấp có thể từ 80-90% giá trị tài khoản đó.

Muốn đột phá trong thanh toán, phải khai thông tiềm năng

Phải nói một điều rằng, nếu các ngân hàng phát triển được mạnh mẽ loại hình thẻ tín dụng nội địa là một thành công lớn cho các ngân hàng.

Điều này thể hiện ở việc: thứ nhất, các ngân hàng đã phổ biến được việc chi tiêu, mua sắm bằng thẻ cho người dân; thứ hai, việc thúc đẩy tín dụng tiêu dùng qua thẻ sẽ tăng lên mạnh.

Một nghiên cứu của Visa đã cho thấy thanh toán không tiếp xúc qua thẻ Visa ở Việt Nam đã tăng 44%/tháng trong khoảng từ tháng 7/2017 đến tháng 5/2018.

Do đó, không ngẫu nhiên khi mà các ngân hàng đang đẩy mạnh tuyên truyền, ưu đãi cho chủ thẻ tín dụng. Các chủ thẻ tín dụng được hưởng hàng loạt các giá trị gia tăng từ các chương trình ưu đãi khủng, như: được mua sắm giảm giá từ 20 - 50 - 60% tại các thuơng hiệu lớn, tiêu 01 triệu đồng được ngân hàng hoàn tới 100.000 đồng, tham gia các câu lạc bộ và dịch vụ cao cấp hàng đầu, tận hưởng giá ưu đãi tối đa…

Một lãnh đạo phòng thẻ của Vietcombank cho biết những năm gần đây tốc độ tăng trưởng loại thẻ tín dụng tại Vietcombank lên tới 50%/năm khi ngân hàng này đẩy mạnh hình thức tín chấp qua thẻ.

Tuy nhiên, nợ xấu thông qua thẻ tín dụng cũng không phải là thấp khi điều kiện phát hành ngày càng dễ dàng, đa số thẻ phát hành dưới hình thức tín chấp, hình thức ký quỹ không nhiều.

Điều này cũng dễ hiểu tại sao lãi suất của việc sử dụng thẻ tín dụng thường rất cao, trên 20%/năm để bù cho rủi ro có thể xảy ra.

Còn theo giám đốc trung tâm thẻ một ngân hàng TMCP tại TP. Hồ Chí Minh, với tốc độ tăng trưởng thẻ của ngân hàng này khoảng 6%/tháng thời gian gần đây cho thấy thị trường thẻ rất tiềm năng, nhưng ngân hàng phấn đấu phát triển thẻ trên tiêu chí hiệu quả chứ không chỉ đạt mục tiêu thị phần và lợi nhuận. Việc phát triển mảng thẻ tín dụng nội địa cũng được ngân hàng này rất chú trọng, và hiện nay mức lãi suất rất cạnh tranh cho chủ thẻ tín dụng chỉ ở mức 1,9%/tháng, tương đương 22,98%/năm.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối quý III/2018, tổng số lượng thẻ ngân hàng phát hành lũy kế cả nước đạt 147,3 triệu thẻ. Trong đó, thẻ tín dụng trên 4,6 triệu thẻ, với tổng giá trị giao dịch đạt xấp xỉ 50.000 tỷ đồng, tăng trưởng 50% so với cùng kỳ.

Mặc dù, số lượng thẻ phát hành ngày càng tăng nhanh, nhưng số thẻ ảo cũng rất nhiều khiến cho hiệu quả phát hành và sử dụng thẻ không cao. Vấn đề là làm sao phải đẩy mạnh doanh số thanh toán qua thẻ, đó mới là điều thành công của việc phát hành thẻ. Điều này đòi hỏi cần phải nỗ lực hơn nữa về hệ thống máy cà thẻ (POS) tiện lợi, mọi lúc mọi nơi và có đông đảo các đơn vị tham gia chấp nhận thẻ với mức lãi suất phù hợp để là “vốn mồi” kích thích thói quen tiêu dùng bằng thẻ của người dân.

Bên cạnh đó, khách hàng cần được tư vấn rõ ràng về lãi suất, cách tính lãi, các loại phí, các ưu đãi được hưởng, cách thức bảo mật… để có thể yên tâm sử dụng thẻ hiệu quả nhất.