Phát triển thị trường bất động sản cần tránh lệch pha cung - cầu
Tập trung vào các giải pháp nào trong thời gian tới, nhất là trong giai đoạn 2016 - 2021 để phát triển thị trường bất động sản bền vững là câu hỏi lớn. Theo đó, yêu cầu về việc rà soát một cách tổng thể các phân khúc trên thị trường, tập trung cân đối cung - cầu trên thị trường gắn liền với nâng cao năng lực tài chính của các doanh nghiệp là “những việc cần làm ngay”.
Theo ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam, đầu năm 2016 đến nay, thị trường bất động sản đã phát triển một cách ổn định, giá bất động sản tăng 3 - 7% có cao hơn so với cùng kỳ 2015 là 3 - 5%. Hàng tồn kho giảm còn hơn nửa.
Vốn FDI vào thị trường bất động sản có 25 dự án mới và giá trị vốn đầu tư tăng thêm 604,8 triệu USD (năm 2015 có 7 dự án và tổng vốn 465,5 triệu USD). Hệ thống chính sách mới về bất động sản đã bắt đầu phát huy tác dụng trên thực tế và từng bước đi vào cuộc sống.
Tuy nhiên, thị trường bất động sản vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Trong đó, nguy cơ lặp lại “vết xe đổ” 3 năm trước, là mất cân đối cung - cầu cần được Bộ Xây dựng điều chỉnh ngay. Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam khuyến cáo: "Với nguy cơ mất cân đối, thiếu vắng các sản phẩm trung bình, sản phẩm nhà ở xã hội bị chậm lại, nếu không có các cảnh bảo, điều chỉnh sớm, rất có nguy cơ trong những năm tới, thị trường quay trở lại “vết xe đổ”, thừa những cái không cần, thiếu những sản phẩm xã hội cần. Chúng tôi cũng đã nhiều lần lên tiếng và đề nghị Bộ Xây dựng hết sức lưu tâm vấn đề này".
Sự mất cân đối thể hiện ở phân khúc nhà ở cho thuê chưa có điều kiện phát triển. Cụ thể, đó là thông tin trên thị trường chưa thực sự đầy đủ, hệ thống và toàn diện. Năng lực phần lớn các chủ đầu tư còn yếu cả về tài chính, năng lực quản lý, triển khai các dự án. Kết quả là làm không đủ cho thuê.
Muốn giải quyết vấn đề này, bước đi đầu tiên theo kiến nghị của Hiệp hội bất động sản Việt Nam, là tiếp tục hoàn thiện về mặt chính sách pháp luật. Theo đó, Bộ Xây dựng cần ban hành các quy định việc soát xét thủ tục trước khi bán đổi với nhà ở hình thành trong tương lai và có các biện pháp kiểm tra, kiểm soát đảm bảo thực hiện đầy đủ theo quy định của luật. Muốn vậy, chính sách phát triển nhà ở xã hội cần được hoàn thiện.
Theo quy định của pháp luật, các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, được sử dụng một phần để kinh doanh thương mại, nhưng đang vấp phải 3 khó khăn lớn cần sớm tháo gỡ. Ông Tạ Văn Tố - Tổng Giám đốc CEO Group lấy ví dụ ngay tại dự án một dự án ở Hà Nội: "Thứ nhất, trong quá trình triển khai, thì thủ tục rất nhiều. Trong đó, có công tác xác định giá bán. Thứ hai, một số diện tích kinh doanh thương mại, khi triển khai xong, đã kinh doanh thì hướng dẫn làm thủ tục sổ đỏ chưa có. Thứ ba là khó khăn đối với các khách hàng khi vay tiền mua nhà ở xã hội".
Một yếu tố quan trọng nữa cần cải thiện để thúc đẩy giao dịch trên thị trường, tạo cân đối cung - cầu. Đó chính là quan tâm tới các quy định tới các giao dịch về nhà ở đối với người nước ngoài. Theo đó, kiến nghị chung là Bộ Xây dựng cần chủ trì làm việc với các cơ quan chức năng để có hướng dẫn cụ thể về việc thủ tục cấp Visa cho người nước ngoài khi vào Việt Nam, thủ tục chuyển tiền vào, chuyển tiền ra khi mua bán bất động sản, quy định cụ thể các khu vực hạn chế mua bán
bất động sản vì lợi ích, an ninh quốc gia.
Bà Hương Trần Kiều Dung - Tổng Giám đốc FLC Group thì cho rằng, quy định cấp giấy chứng nhận và bán nhà cho người nước ngoài chưa rõ, làm khó cho doanh nghiệp. Hay Chủ tịch Công ty Địa ốc Hoàng Quân - Trương Anh Tuấn chỉ ra một thực tế, 80% dự án là nhà ở xã hội các doanh nghiệp đã bán hết không cần phải bảo lãnh, nhưng 20% phần thương mại còn lại rất khó bán. Điều này gây khó khăn rất nhiều cho doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội.
Những vướng mắc trong triển khai dự án bất động sản dẫn đến lệch pha trong cung - cầu đã được chỉ rõ và giải đáp trong cuộc đối thoại mới đây với Hiệp hội bất động sản Việt Nam, các doanh nghiệp bất động sản, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà thẳng thắn thừa nhận rằng, thị trường bất động sản hiện nay còn nhiều khó khăn, các chính sách liên quan đến bất động sản chồng chéo.
Đồng thời đưa ra 6 giải pháp phát triển thị trường này. Nhưng điểm mới nhất tại cuộc đối thoại này, chính là việc Bộ trưởng Phạm Hồng Hà lần đầu tiên khuyến nghị về 3 nguy cơ tác động tiêu cực tới thị trường
bất động sản.
Thứ nhất, thị trường đang có sự lệch pha cao trong cung - cầu sản phẩm.
Thứ hai, tốc độ tăng dư nợ tín dụng và khối lượng tín dụng cho thị trường bất động sản ở giới hạn an toàn, nhưng lại tập trung vào sản phẩm cao cấp.
Thứ ba, việc tăng giá sản phẩm 3-7% không phải chung cho thị trường, mà có vị trí, dự án mức tăng giá cao hơn nhiều. Khắc phục 3 nguy cơ này chính là từng bược hoàn thiện và phát triển thị trường
bất động sản Việt Nam ngày một ổn định, bền vững.