Phát triển thị trường dịch vụ kế toán - kiểm toán gắn với thực hiện Chiến lược kế toán - kiểm toán


Phát triển thị trường dịch vụ kế toán - kiểm toán là một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tại Chiến lược kế toán - kiểm toán đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt tại Quyết định số 633/QĐ-TTg ngày 23/5/2022.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trong thời gian qua, thị trường dịch vụ kế toán kiểm toán của Việt Nam cơ bản được phát triển theo tất cả các tiêu chí, cả về chất lượng dịch vụ lẫn quy mô hoạt động; từ đó góp phần nâng cao chất lượng, làm lành mạnh hóa và nâng cao tính công khai, minh bạch của các hoạt động kinh tế, tài chính của tất cả các đơn vị, tổ chức trong nền kinh tế. Trong thời gian tới, với việc triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Chiến lược kế toán - kiểm toán đến năm 2030, cần tiếp tục triển khai đồng bộ một số giải pháp trọng tâm nhằm thúc đẩy thị trường dịch vụ kế toán - kiểm toán phát triển chuyên nghiệp, bền vững.

Bước phát triển của thị trường dịch vụ kế toán - kiểm toán Việt Nam

Sau gần 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kế toán, kiểm toán đến năm 2020, tầm nhìn 2030 được ban hành theo Quyết định số 480/QĐ-TTg ngày 18/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ, hệ thống kế toán, kiểm toán Việt Nam nói chung và thị trường dịch vụ kế toán - kiểm toán nói riêng đã có được sự phát triển và bước tiến dài đáng ghi nhận. Đến nay, đã từng bước phát triển thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán theo các tiêu chí, cả về chất lượng và quy mô; từ đó, góp phần lành mạnh hóa và nâng cao tính công khai, minh bạch các hoạt động kinh tế, tài chính của các đơn vị, tổ chức trong nền kinh tế - xã hội. Trong đó, có thể nhìn nhận trên một số giác độ sau:

- Về khuôn khổ pháp lý quản lý thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán: Khuôn khổ pháp lý về dịch vụ kế toán, kiểm toán bước đầu được hoàn thiện đồng bộ. Các Luật Kế toán (2003, 2015), Luật Kiểm toán độc lập đã được sửa đổi, bổ sung để đáp ứng những thay đổi trong hoạt động kế toán, kiểm toán nói chung và dịch vụ kế toán, kiểm toán nói riêng. Trong đó, các quy định về hoạt động dịch vụ kế toán, kiểm toán đã được quan tâm điều tiết, góp phần tạo khuôn khổ pháp lý đầy đủ cho sự phát triển của thị trường. Từ đó, tạo ra môi trường pháp lý về kế toán, kiểm toán đầy đủ và phù hợp tạo điều kiện cho hoạt động kế toán, kiểm toán phát triển.

- Về vai trò và năng lực quản lý nhà nước về kế toán, kiểm toán: Công tác quản lý từng bước được nâng cao; công tác quản lý, giám sát hoạt động kế toán, kiểm toán tiếp tục được đẩy mạnh. Bộ máy cơ quan quản lý nhà nước về kế toán, kiểm toán được củng cố một bước, tạo cơ sở nền tảng để thực hiện chức năng quản lý giám sát hoạt động kế toán, kiểm toán phù hợp. Việc kiểm tra, giám sát tuân thủ pháp luật về kế toán, kiểm toán được thực hiện thường xuyên theo kế hoạch đề ra với các giải pháp phù hợp, hiệu quả, đảm bảo hài hòa giữa công tác quản lý nhà nước và tạo điều kiện, môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp (DN).

- Về quy mô thị trường dịch vụ kế toán - kiểm toán: Cùng với sự mở cửa của kinh tế đất nước và hội nhập của lĩnh vực tài chính, thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể, đáp ứng yêu cầu, cam kết hội nhập. Theo số liệu của Bộ Tài chính, tính đến ngày 27/5/2022, 154 DN dịch vụ kế toán đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán. Tính đến ngày 20/5/2022, 211 DN kiểm toán đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán. Như vậy, số lượng DN kiểm toán tăng trưởng khá khiêm tốn (đến tháng 12/2020, cả nước có 204 DN kiểm toán) trong khi đó, số lượng DN được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán lại tăng khá nhanh (đến tháng 12/2020, 135 DN được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán). Điều này cho thấy thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán vẫn còn rất nhiều tiềm năng phát triển.

- Về khách hàng và nhu cầu dịch vụ kế toán, kiểm toán của nền kinh tế: Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, sự gia tăng về số lượng DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa (DNNVV), nhu cầu sử dụng dịch vụ kế toán, kiểm toán và các dịch vụ có liên quan trong nền kinh tế (dịch vụ kế toán thuế, thuê kế toán trưởng...) ngày càng gia tăng. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính chung 6 tháng đầu năm 2022, cả nước có 76,2 nghìn DN đăng ký thành lập mới, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước; gần 40,7 nghìn DN quay trở lại hoạt động, tăng 55,6%.

Bình quân một tháng có 19,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Sự gia tăng các DN được thành lập mới, đặc biệt là các DNNVV làm cho nhu cầu liên quan đến dịch vụ kế toán, kiểm toán tăng lên. Điều này cũng đồng nghĩa với việc số lượng khách hàng của các DN cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán hàng năm cũng tăng theo sự phát triển của nền kinh tế. Bên cạnh đó, theo số liệu của Bộ Tài chính, số lượng các DN thuộc diện bắt buộc kiểm toán báo cáo tài chính được mở rộng, do đó số lượng khách hàng được kiểm toán báo cáo tài chính tăng lên đáng kể khoảng 16%/năm.

- Về nguồn nhân lực tham gia thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán: Với sự hội nhập quốc tế của nền kinh tế và sự phát triển của thị trường tài chính, nguồn nhân lực trong lĩnh vực dịch vụ kế toán, kiểm toán cũng tăng về số lượng và cải thiện về chất lượng. Tất cả các kế toán viên và kiểm toán viên có chứng chỉ đều có trình độ cử nhân về tài chính, kế toán kiểm toán, ngân hàng… trở lên, có ít nhất 3 năm kinh nghiệm thực tế và được trải qua kỳ thi cấp quốc gia để được cấp chứng chỉ kiểm toán viên. Tính đến ngày 20/5/2022, gần 2.300 kiểm toán viên hành nghề đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán.

Trong khi đó, tính đến ngày 27/5/2022, 339 kế toán viên hành nghề được Bộ Tài chính cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán tại các DN/hộ kinh doanh dịch vụ kế toán và có 19 kế toán viên hành nghề đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán tại các công ty kiểm toán. Đặc biệt, trong các DN kiểm toán có hàng ngàn người có chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế được công nhận.

Ngoài ra, số lượng nhân viên của các DN kiểm toán theo học lấy chứng chỉ kế toán viên, kiểm toán viên trong nước, nước ngoài cũng tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu đến năm 2030 đạt số lượng 15.000 người được cấp chứng chỉ kiểm toán viên theo Chiến lược kế toán - kiểm toán đến năm 2030 là bài toán không hề dễ dàng, đòi hỏi sự vào cuộc của cơ quản lý, hiệp hội nghề nghiệp, các cơ sở đào tạo trong cả nước...

Định hướng trong giai đoạn mới

Theo Mai Ngọc Anh (2020), thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán Việt Nam hiện nay còn khá nhiều hạn chế, cụ thể: Quy mô thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán còn chưa tương xứng với quy mô của nền kinh tế, tổng doanh thu của thị trường chỉ chiếm khoảng 0,08% GDP/năm và sự mất cân đối trong phát triển của thị trường khi mà các công ty 100% vốn nước ngoài chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ nhưng chiếm đến 50% doanh thu toàn thị trường dịch vụ; Dịch vụ cung cấp chưa đa dạng, giá trị gia tăng thấp trong khi chất lượng dịch vụ còn chưa đáp ứng được yêu cầu; Thiếu hụt nguồn lực kế toán kiểm toán chất lượng cao...

Trong bối cảnh đó, ngày 23/5/2022, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 633/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược kế toán - kiểm toán đến năm 2030. Trong đó, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030, sẽ hoàn thiện hệ thống quy định về kế toán - kiểm toán đảm bảo chặt chẽ, hiệu lực, hiệu quả, đồng bộ hệ thống chuẩn mực kế toán - kiểm toán theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện của Việt Nam.

Nâng cao vai trò quản lý nhà nước, đẩy mạnh hoạt động của các tổ chức nghề nghiệp, chú trọng phát triển thị trường dịch vụ và nguồn nhân lực trong lĩnh vực kế toán - kiểm toán ngang tầm với các nước trong khu vực. Qua đó, nâng cao chất lượng của hệ thống thông tin kinh tế - tài chính - ngân sách ngày càng công khai, minh bạch, phản ánh trung thực các thông tin, số liệu kinh tế - tài chính trong nền kinh tế quốc dân, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý, điều hành và ra quyết định của cơ quan quản lý nhà nước cũng như các DN, đơn vị và tổ chức khác. Tăng cường hội nhập quốc tế, hợp tác với các tổ chức quốc tế về kế toán - kiểm toán, tạo lập mối liên hệ chặt chẽ, thừa nhận lẫn nhau giữa Việt Nam và các nước trong khu vực, trên thế giới.

Một số đề xuất

Nhằm khắc phục những tồn tại hạn chế, đồng thời phát triển thị trường dịch vụ kế toán - kiểm toán gắn với thực hiện Chiến lược kế toán - kiểm toán đến năm 2030 theo Quyết định số 633/QĐ-TTg ngày 23/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian tới, các cơ quan quản lý, hiệp hội nghề nghiệp, các DN kế toán, kiểm toán, cần tập trung triển khai một số nội dung trọng tâm sau:

Đối với cơ quan quản lý

- Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của cơ quan quản lý, giám sát về kế toán - kiểm toán trong công tác quản lý, giám sát hoạt động đối với các đơn vị kế toán và các đơn vị cung cấp dịch vụ kế toán - kiểm toán. Đổi mới và triển khai hiệu quả nội dung, phương thức và điều kiện thực hiện công tác quản lý, giám sát hoạt động kế toán - kiểm toán. Tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị có chức năng nhiệm vụ kiểm tra, giám sát báo cáo tài chính và việc chấp hành pháp luật kế toán - kiểm toán.

- Tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát và có chế tài xử lý phù hợp, đảm bảo việc tuân thủ pháp luật của các đơn vị kế toán và các đơn vị cung cấp dịch vụ kế toán - kiểm toán nhằm nâng cao chất lượng báo cáo tài chính và dịch vụ kế toán - kiểm toán. Phối hợp với các tổ chức nghề nghiệp, cơ sở đào tạo và đội ngũ chuyên gia có kinh nghiệm thực tế về hành nghề kế toán - kiểm toán để tăng cường công tác đào tạo chuyên môn nghiệp vụ kế toán - kiểm toán, ngoại ngữ, kỹ năng kiểm tra, giám sát báo cáo tài chính, việc tuân thủ pháp luật kế toán - kiểm toán. Đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm chuẩn mực kế toán, kiểm toán và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp.

- Có giải pháp phù hợp thu hút nhân sự có chất lượng cao để thực hiện tốt và có hiệu quả nhiệm vụ quản lý, giám sát về kế toán - kiểm toán. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, đảm bảo nguồn nhân lực thực hiện giám sát việc tuân thủ các quy định pháp luật về kế toán - kiểm toán của các DN, tổ chức trong khu vực nhà nước và khu vực DN. Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và triển khai phương án phù hợp để tổ chức hoạt động theo mô hình tham vấn ý kiến tư vấn về kế toán - kiểm toán, nhằm có các quyết định phù hợp với thông lệ quốc tế, pháp luật của Việt Nam và thực tiễn của đơn vị.

- Cụ thể hóa trách nhiệm, nghĩa vụ của các DN, đơn vị kế toán và các cá nhân trong việc tăng cường tính công khai, minh bạch tình hình tài chính, đảm bảo quyền bình đẳng trong việc tiếp cận thông tin của nhà đầu tư và các bên liên quan đối với báo cáo tài chính và các thông tin tài chính khác. Thực hiện có hiệu quả việc công khai, minh bạch thông tin kinh tế, tài chính của các DN, đơn vị kế toán, cơ quan, tổ chức kinh tế; trong đó lưu ý đối với đơn vị có lợi ích công chúng.

- Phát triển số lượng các DN cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán một cách hợp lý; khuyến khích hình thành các DN kế toán, kiểm toán có quy mô lớn, có chất lượng cao đủ sức cạnh tranh tại thị trường trong nước và hướng tới cung cấp dịch vụ tại các thị trường nước ngoài.

- Tăng cường hợp tác quốc tế trong quản lý thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán. Phát triển thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán thông qua việc tham gia các thỏa thuận quốc tế và công nhận lẫn nhau đối với kiểm toán viên hành nghề... trong khối ASEAN và giữa Việt Nam với các nước như: Anh, Australia... Tăng cường cơ chế kiểm tra, giám sát chất lượng dịch vụ kế toán, kiểm toán, đạo đức hành nghề và chất lượng hành nghề kế toán và kiểm toán…

Đối với các hiệp hội nghề nghiệp

- Nâng cao hiệu quả việc tham gia xây dựng và phản biện cơ chế, chính sách; nâng cao năng lực quản lý, giám sát việc tuân thủ các chuẩn mực nghề nghiệp, các chuẩn mực và quy định về đạo đức nghề nghiệp của các kế toán viên, kiểm toán viên; kiểm tra chất lượng dịch vụ và bồi dưỡng kiến thức chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp cho người hành nghề kế toán - kiểm toán. Trong thời gian tới, tiếp tục chủ động tham gia, phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, xây dựng các văn bản, chuẩn mực kế toán Việt Nam, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán - kiểm toán; phối hợp triển khai thực hiện các văn bản pháp luật trong lĩnh vực kế toán - kiểm toán.

- Thực hiện tổ chức bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho người làm kế toán, kế toán viên hành nghề. Tham gia tổ chức thi chứng chỉ kế toán viên, kiểm toán viên theo quy định của Bộ Tài chính. Phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện kiểm tra, kiểm soát chất lượng dịch vụ kế toán khi có yêu cầu.

- Mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức nghề nghiệp trong khu vực và trên thế giới, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của hội nghề nghiệp, góp phần thúc đẩy hội nhập kế toán - kiểm toán. Tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức nghề nghiệp quốc tế về kế toán - kiểm toán và các tổ chức phi Chính phủ trong việc nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm vê kế toán - kiểm toán; hỗ trợ kỹ thuật đổi mới mô hình quản lý nghề nghiệp kế toán - kiểm toán cũng như các kỹ thuật chuyên môn nghiệp vụ khác về kế toán-kiểm toán.

Đối với các DN kế toán kiểm toán, kiểm toán

- Tăng cường áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động chuyên môn nhằm tăng năng suất nghề nghiệp; tăng cường hợp tác kinh doanh trong việc cung cấp dịch vụ trọn gói và toàn diện cho khách hàng.

- Phối hợp nghiên cứu, tiếp thu thông lệ quốc tế về kế toán - kiểm toán và tham gia tích cực vào việc nghiên cứu, xây dựng các văn bản, chuẩn mực kế toán DN nhằm triển khai áp dụng trong thực tế hoạt động của DN.

- Tổ chức thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về kế toán - kiểm toán theo lĩnh vực hoạt động; kịp thời phản ánh những vướng mắc, khó khăn và tham gia tích cực vào quá trình nghiên cứu, soạn thảo các văn bản, chuẩn mực, chế độ kế toán DN. Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật và các cuộc thanh tra, kiểm tra cũng như kết luận của cơ quan quản lý.

- Nâng cao ý thức kỷ luật, trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp của kế toán viên, kiểm toán viên thông qua việc đổi mới quy định về nội dung, hình thức đào tạo, cập nhật kiến thức; quan tâm, khuyến khích các chương trình đào tạo chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế nhằm tiếp cận kiến thức và kỹ năng hành nghề theo thông lệ quốc tế.

- Tiếp tục mở rộng quy mô và năng lực hoạt động; Không ngừng đa dạng hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ kế toán, kiểm toán theo nhu cầu của thị trường; Nâng cao khả năng, trình độ của nhân viên chuyên nghiệp, mở rộng diện được hành nghề cho cả cá nhân...

Đối với các cơ sở đào tạo

Chiến lược kế toán - kiểm toán đến năm 2030 đặt mục tiêu đến năm 2030, sẽ hoàn thiện hệ thống quy định về kế toán - kiểm toán đảm bảo chặt chẽ, hiệu lực, hiệu quả, đồng bộ hệ thống chuẩn mực kế toán - kiểm toán theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện của Việt Nam. Nâng cao vai trò quản lý nhà nước, đẩy mạnh hoạt động của các tổ chức nghề nghiệp, chú trọng phát triển thị trường dịch vụ và nguồn nhân lực trong lĩnh vực kế toán - kiểm toán ngang tầm với các nước trong khu vực.

- Thường xuyên tổ chức các cuộc khảo sát về số lượng, chất lượng của đội ngũ kế toán, kiểm toán viên sau khi ra tốt nghiệp. Từ đó, chủ động đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực kế toán - kiểm toán, kết hợp lý luận và thực tiễn, gắn liền với quy trình số hóa và chuyển đổi số về kế toán - kiểm toán.

- Đổi mới nội dung, hình thức và chương trình đào tạo, bồi dưỡng kế toán trưởng; xây dựng nội dung, chương trình cập nhật kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ hàng năm cho kế toán trưởng của các đơn vị có lợi ích công chúng.

- Đổi mới phương thức tổ chức thi và cấp chứng chỉ kiểm toán viên, kế toán viên, đảm bảo các kiến thức và kỹ năng theo đúng yêu cầu, thông lệ quốc tế, đảm bảo các điều kiện công nhận lẫn nhau trong khu vực và trên thế giới, đến năm 2030 đạt số lượng 15.000 người được cấp chứng chỉ kiểm toán viên.     

Tài liệu tham khảo:

1. Thủ tướng Chính phủ (2022), Quyết định số 633/QĐ-TTg ngày 23/5/2022 phê duyệt Chiến lược kế toán - kiểm toán đến năm 2030;

2. Thủ tướng Chính phủ (2013), Quyết định số 480/QĐ-TTg ngày 18/3/2013 về việc phê duyệt Chiến lược kế toán - kiểm toán đến năm 2020, tầm nhìn 2030;

3. Tổng cục Thống kê (2022), Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2022;

4. Vũ Đức Chính (2020), Triển khai Chiến lược kế toán, kiểm toán Việt Nam: Kết quả và định hướng đến năm 2030, Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 4/2020;

5. Vũ Đức Chính (2021), Nâng cao chất lượng dịch vụ kế toán, kiểm toán, Tạp chí Tài chính kỳ 1+2 tháng 02/2021;

6. Mai Ngọc Anh (2020), Phát triển thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán: Những vấn đề đặt ra, Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 4/2020.

* ThS. Trần Ngân Hà, ThS. Vũ Thị Thảo - Trường Đại học Tài Chính - Quản trị kinh doanh

** Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 - Tháng 7/2022