Phát triển thị trường vốn: Chờ kinh tế hồi phục
(Taichinh) - Một giải pháp phát triển thị trường vốn được TS. Nguyễn Trí Hiếu đưa ra là cần hình thành và phát triển các tổ chức xếp hạng tín nhiệm và cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm cho thị trường vốn.
Hệ thống Ngân hàng vẫn chi phối trên thị trường vốn
Theo quy định tại Nghị định 34/2015/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 53/2013/NĐ-CP của Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của VAMC, công ty này có thể phát hành trái phiếu(TP) để mua nợ của các TCTD. Với quy định trên, nhiều ý kiến kỳ vọng thị trường trái phiếu (TTTP) sẽ có thêm một loại hàng hóa, giúp cho mặt hàng thị trường này đa dạng hơn.
Tuy nhiên, tại Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 19/2013/TT-NHNN của Thống đốc NHNN quy định về việc mua, bán, xử lý nợ xấu của VAMC lại đưa ra quy định TP VAMC phát hành chỉ được phép chuyển nhượng giữa các TCTD, chi nhánh NH nước ngoài… hay nói cách khác chỉ giao dịch nội bộ. Điều này làm giảm sức hấp dẫn của TP trên. Nhưng việc không cho phép TP VAMC phát hành “lên sàn” mua bán tự do cũng dễ hiểu.
Trái phiếuVAMC không gắn với câu chuyện đầu tư vào kinh tế thực, mà dùng để xử lý những vấn đề nội tại của hệ thống NH như: tài chính, thanh khoản, qua đó, NHNN có thể kiểm soát được tốt hơn cung tiền cũng như tốc độ xử lý nợ xấu. “Đây chỉ là giải pháp kỹ thuật giải quyết vốn cho VAMC có thể mua đi bán lại nợ xấu nhanh hơn”, một lãnh đạo NHTMCP đưa ra nhận định. Như vậy, sự xuất hiện của TP do VAMC không hề ảnh hưởng đến rổ hàng hóa của TTTP.
Trong mấy năm trở lại đây, có thể nhận thấy rổ hàng hóa của TP khá hạn chế nếu không nói là èo uột. Các đợt phát hành TP chủ yếu tập trung TPCP. Do nền kinh tế khó khăn nên TPDN cũng gần như không có biến chuyển. Còn TP do các địa phương phát hành cũng khá khiêm tốn, hầu như rất ít. Sự sôi động trên thị trường TPCP trong suốt thời gian qua có đóng góp tích cực của các NHTM.
Theo số liệu thống kê của HNX, trong số 23 thành viên tham gia đấu thầu TPCP năm 2014 có tới 17 NHTM. Không khó để nhận ra ý đồ mua TPCP của các NHTM là vì trong bối cảnh tín dụng gặp khó thì đây là kênh đầu tư hấp dẫn mà an toàn hơn cả. Vì TP, đặc biệt là TPCP bằng nội tệ có lợi thế là độ rủi ro bằng 0 và thanh khoản gần như số 1.
Cũng bởi có đến 85-90% khách hàng mua TPCP là các NHTM nên khi các NH đã khơi thông đầu ra dòng vốn, họ đã không còn mặn mà đối với mua TPCP nữa. Biểu hiện rõ nét, theo báo cáo UBGSTCQG, phát hành trái phiếu KBNN giảm so với cùng kỳ năm trước. Từ đầu năm đến ngày 20/4/2015, phát hành trái phiếu KBNN đạt 62.370 tỷ đồng, giảm 10.784 tỷ đồng (15%) so với cùng kỳ năm 2014.
TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, đó cũng là tín hiệu tốt đối với thị trường tiền tệ. Vì NH không thể cứ mãi dùng tiền của dân chúng mua TPCP và trở thành nhà tài trợ Chính phủ mãi thế được. Mà tiền đó phải được đưa vào hỗ trợ sản xuất kinh doanh của DN. Mấy năm vừa rồi do đầu ra tín dụng khó khăn, nên cực chẳng đã các NH mới buộc phải tìm lối thoát cho đầu ra qua một kênh an toàn đó là TPCP.
TPCP ế do tín dụng NH tăng mạnh một lần nữa cho thấy thị trường tiền tệ gánh nhiều nhiệm vụ cho thị trường vốn và hệ thống NH vẫn đóng vai trò chi phối trên thị trường vốn. Không có thị trường vốn để dựa, nên NH đành phải sử dụng vốn ngắn hạn dưới 12 tháng để đi cho vay trung, dài hạn. Như vậy, lại càng khoét sâu vào mâu thuẫn và rủi ro khi các NH lấy ngắn nuôi dài.
“Cho đến bây giờ dù NHNN đưa ra quy định mới cho phép các NHTM được sử dụng tối đa 60% vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Nhưng nếu các NH cứ dùng vốn ngắn hạn cho vay dài hạn quay vòng như vậy rất nguy hiểm, rủi ro”, một chuyên gia NH cảnh báo. Chính vì thế, vị chuyên gia này nhận định, nếu không có thị trường vốn, nó ảnh hưởng đến hệ thống tài chính nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung.
Làm sao để phát triển thị trường vốn?
TS. Võ Trí Thành cho biết, trên thế giới hệ thống tài chính hoạt động theo 2 mô hình: dựa nhiều vào NH và dựa vào thị trường vốn nói chung. Hệ thống tài chính Mỹ là quốc gia điển hình dựa nhiều hơn vào thị trường vốn: trái phiếu, cổ phiếu… Dù Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất có hệ thống tài chính dựa vào rất nhiều thị trường tiền tệ NH, nhưng hiện tại ai cũng biết hệ thống NH đang trong quá trình tái cấu trúc nên bản thân họ chịu nhiều sức ép gánh nặng tài chính. Do đó, cần thiết phải giảm áp lực gánh nặng cung cấp vốn trung, dài hạn cho hệ thống NH.
Muốn có thị trường vốn dài hạn, một chuyên gia NH cho rằng phải đa dạng hóa công cụ tài chính, TTCK phát triển ổn định, bền vững hơn, thị trường bảo hiểm cũng cần có những cú hích tăng trưởng trở lại sau một thời gian dài “ngủ đông”… Song, vốn dài hạn là vốn tích lũy của nền kinh tế. Vì thế, khi nền kinh tế khởi sắc, người dân, DN mới có của ăn của để, vốn tích lũy mới được cải thiện. “Phải đến năm 2020 khả năng tích lũy, tiết kiệm của nền kinh tế mới cải thiện được” – ông nói.
Đồng quan điểm, TS. Võ Trí Thành cho rằng, để phát triển thị trường vốn đòi hỏi thời gian lâu dài hơn. Ví như phải xây dựng TPCP trở thành một công cụ nợ của thị trường, nhưng muốn trở thành công cụ, thị trường phải mua bán được. Và để thị trường này thông suốt cần xây dựng được hạ tầng hệ thống thanh toán, khung khổ pháp lý, thành phần tham gia thị trường… hoàn thiện hơn.
Đồng tình là không thể vội vàng, nhưng TS.Hiếu cho rằng, phải khẩn trương hoàn thiện thị trường này trong vòng 5 năm tới. Nhất là khi Việt Nam ký kết nhiều hiệp định thương mại TPP, AEC, đến 2020 theo cam kết WTO phải mở cửa thị trường tài chính.
Một giải pháp phát triển thị trường vốn được TS. Hiếu đưa ra là cần hình thành và phát triển các tổ chức xếp hạng tín nhiệm và cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm cho thị trường vốn. Việc không có hệ thống chấm điểm tín nhiệm là một trong những hạn chế và cũng là lực cản phát triển thị trường vốn Việt Nam trong nhiều năm qua.
“Nhờ có hệ thống chấm điểm tín nhiệm, người dân có thể tin tưởng vào trái phiếu của mình muốn đầu tư, nắm giữ. Còn ở Việt Nam, NĐT chỉ dám nắm giữ TPCP còn TPDN do không được chấm điểm nên không có độ tin cậy cao vì thế loại TP này luôn trong tình trạng ế khách. Trái phiếu địa phương cũng hạn chế, rất ít nơi phát hành. Trong khi đó, ở bên Mỹ các loại trái phiếu khá đa dạng và đắt khách, ngoài TPCP còn có trái phiếu liên bang, tiểu bang…”, ông Hiếu cho biết thêm.
Để biết được mức độ rủi ro của mỗi khoản đầu tư, một lãnh đạo NH cho rằng: Những thông tin về chỉ số tín nhiệm của các DN, các ngành trong nền kinh tế sẽ giúp các NĐT có định hướng tốt hơn mỗi khi ra quyết định đầu tư. Không chỉ “khách hàng nội”, với sự minh bạch trên có thể giúp thu hút được các NĐT ngoại, nhất là các hãng bảo hiểm, quỹ đầu tư - vốn rất có tiềm lực.