Chủ động, linh hoạt chính sách tiền tệ

Theo daibieunhandan.vn

(Taichinh) - Các chuyên gia kinh tế dự báo, năm nay, chính sách tiền tệ có khả năng sẽ hoàn thành mục tiêu của cả năm với điều kiện kinh tế thế giới không có biến động lớn, các chính sách kinh tế liên quan được triển khai tích cực, hiệu quả; tăng cường điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, quyết liệt giải quyết các vấn đề còn tồn tại trong thị trường tiền tệ nước ta hiện nay.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thống kê tình hình chính sách tiền tệ quý I.2015 cho thấy, công tác điều hành chính sách tiền tệ đã đạt được một số kết quả khả quan. Tính đến ngày 20.3, tín dụng toàn hệ thống tăng trưởng 1,25% so với thời điểm cuối năm 2014. Tổng phương tiện thanh toán của nền kinh tế tăng 2,09% so với thời điểm đầu năm 2015. Riêng 2 tháng đầu năm, tín dụng tăng trưởng 0,68%. Trong khi mức tăng trưởng tín dụng của cùng kỳ năm 2014 chỉ ở mức -0,57%. Bên cạnh đó, trước diễn biến tăng giá của đồng USD trên thế giới, tỷ giá VNĐ/USD cũng đã được điều chỉnh tăng thêm 1%, đưa tỷ giá giao dịch bình quân liên ngân hàng tăng từ 21.458 VNĐ/USD lên mức 21.673 VNĐ/USD.

Do chính sách tiền tệ có mối quan hệ mật thiết tới nhiều chính sách khác nên để điều hành chính sách tiền tệ hiệu quả cần thực hiện đồng bộ nhiều chính sách liên quan. Đối với các chính sách chung, chuyên gia Ngân hàng Thế giới khuyến nghị, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tích cực thực hiện việc tái cơ cấu nền kinh tế thay vì sử dụng chính sách tiền tệ (nới lỏng) để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bởi đây là giải pháp then chốt, nhất là trong bối cảnh lãi suất thấp đang được duy trì cùng với lạm phát giảm làm cho nền kinh tế mang tính rủi ro cao. Trong điều kiện lạm phát đang được kiểm soát tốt, giá hàng hóa thế giới có xu hướng giảm, việc điều hành giá các mặt hàng cơ bản, lãi suất và tỷ giá trong năm nay cũng cần được xem xét, điều chỉnh linh hoạt theo tín hiệu của lạm phát. Bên cạnh đó, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường hỗ trợ hoạt động kinh doanh, nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp. Bởi doanh nghiệp phát triển chính là điều kiện thuận lợi để thực hiện chính sách tiền tệ có hiệu quả và ngược lại. Ngoài ra, cần sớm đưa ra các giải pháp quyết liệt thích hợp để tăng thu và tiết kiệm chi, trong đó có tính đến vai trò hỗ trợ của chính sách tiền tệ song vẫn tạo điều kiện để chính sách tiền tệ tập trung vào mục tiêu chính là kiềm chế lạm phát và thúc đẩy phát triển sản xuất - kinh doanh. Tích cực thu hút các nguồn vốn trong và ngoài nước vào phát triển thị trường vốn trung và dài hạn thông qua việc đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa và tái cơ cấu thị trường chứng khoán. Tiếp tục cải cách thủ tục, tăng cường minh bạch, khuyến khích sự tham gia của các tổ chức xếp hạng doanh nghiệp uy tín để tăng hiệu quả hoạt động cho thị trường vốn. Phát triển thị trường vốn trung và dài hạn sẽ hỗ trợ và giảm sức ép lên chính sách tiền tệ đối với các nguồn vốn ngắn hạn. Hơn nữa, năm nay là năm thực hiện nhiều cam kết hội nhập kinh tế quốc tế. Do vậy, cần chuẩn bị những giải pháp kịp thời, hiệu quả; bảo đảm tính chủ động, linh hoạt cho chính sách tiền tệ.

Riêng đối với chính sách tiền tệ, các chuyên gia cho rằng, thời gian tới, điều hành chính sách tiền tệ cần theo sát diễn biến của tình hình kinh tế - chính trị toàn cầu, có khả năng ảnh hưởng đến kinh tế trong nước; tăng cường khả năng dự báo những biến động của kinh tế trong và ngoài nước để có các đối sách kịp thời, thích hợp. Bên cạnh đó, đây là năm cuối thực hiện đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng (TCTD). Do vậy, Chính phủ cần chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại các TCTD, bảo đảm đúng theo lộ trình của Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011 - 2015, nhằm bảo đảm an toàn hoạt động cho hệ thống các TCTD, khơi thông nguồn vốn cho nền kinh tế. Tăng cường phối hợp nhịp nhàng và linh hoạt giữa điều hành chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa theo hướng bảo đảm tổng vốn đầu tư và hỗ trợ tăng trưởng cho nền kinh tế. Căn cứ vào diễn biến lạm phát, điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt để vừa bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, vừa bảo đảm thanh khoản hệ thống ngân hàng. Hơn nữa, để gia tăng niềm tin vào đồng nội tệ, cần điều chỉnh giảm dần trình trạng dollar hóa diễn ra trong nhiều năm qua, tiếp tục kiên trì mục tiêu duy trì giá trị đồng nội tệ. Trước mắt, cần ưu tiên duy trì ổn định chính sách tỷ giá. Trong trung và dài hạn, xem xét, cân nhắc tổng thể các yếu tố của nền kinh tế trên cơ sở theo dõi sát diễn biến của kinh tế thế giới và trong nước để chủ động có những kịch bản xử lý linh hoạt khi cần thiết.