Phát triển thương mại điện tử trong bối cảnh mới


Thời gian qua, thương mại điện tử (TMĐT) ở Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể bởi những lợi ích to lớn mà hoạt động này mang lại. Tăng trưởng hoạt động TMĐT hàng năm thường ở mức rất cao. Tuy nhiên, trên bình diện chung, nhiều người tiêu dùng và doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa thấy hết hiệu quả mà TMĐT đem lại. Do vậy, tiềm năng phát triển TMĐT tại Việt Nam còn rất lớn.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Đặt vấn đề

Trong những năm gần đây, mô hình kinh doanh trên toàn cầu tiếp tục thay đổi đáng kể với sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của TMĐT. Mô hình kinh tế này đã có những đóng góp lớn cho sự tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0.

Theo dự báo nhanh đến năm 2025, thị trường TMĐT toàn cầu sẽ tăng trưởng 30%, trong đó doanh thu của ngành hàng tiêu dùng chiếm 4,6%, đóng góp tới 36% mức tăng trưởng toàn cầu. Hơn nưa, TMĐT sẽ tiếp tục tăng trưởng vượt trội so với mô hình bán lẻ truyền thống. Dự báo đến năm 2025, thị trường hàng tiêu dùng nhanh thông qua TMĐT sẽ trở thành thị trường trị giá 170 tỷ USD và nắm giữ 10% thị phần.

Sự tăng trưởng bứt phá của TMĐT đã đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường tiềm năng nhất khu vực ASEAN. Đây là bước phát triển tất yếu, phù hợp với xu thế của thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, tiềm năng to lớn đó, TMĐT ở Việt Nam cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Bài viết đánh giá thực trạng phát triển của TMĐT, cũng như đưa ra một số kiến nghị nhằm thúc đẩy phát triển TMĐT tại Việt Nam trong thời gian tới.

Tổng quan về hoạt động thương mại điện tử

TMĐT (e-commerce), là sự mua bán sản phẩm hay dịch vụ trên các hệ thống điện tử như Internet và các mạng máy tính. TMĐT dựa trên một số công nghệ như chuyển tiền điện tử, quản lý chuỗi dây chuyền cung ứng, tiếp thị Internet, quá trình giao dịch trực tuyến, trao đổi dữ liệu điện tử (EDI), các hệ thống quản lý hàng tồn kho và các hệ thống tự động thu thập dữ liệu. TMĐT hiện đại thường sử dụng mạng World Wide Web là một điểm ít nhất phải có trong chu trình giao dịch, mặc dù nó có thể bao gồm một phạm vi lớn hơn về mặt công nghệ như email, các thiết bị di động cũng như điện thoại.

Theo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), “TMĐT bao gồm việc sản xuất, quảng cáo, bán hàng và phân phối sản phẩm được mua bán và thanh toán trên mạng Internet, nhưng được giao nhận một cách hữu hình, cả các sản phẩm giao nhận cũng như những thông tin số hoá thông qua mạng Internet”.

Phát triển thương mại điện tử trong bối cảnh mới - Ảnh 1

Khi nói về khái niệm TMĐT (E-Commerce), nhiều người nhầm lẫn với khái niệm Kinh doanh điện tử (E-Business). Tuy nhiên, TMĐT đôi khi được xem là tập con của kinh doanh điện tử. TMĐT chú trọng đến việc mua bán trực tuyến (tập trung bên ngoài), trong khi đó kinh doanh điện tử là việc sử dụng Internet và các công nghệ trực tuyến tạo ra quá trình hoạt động kinh doanh hiệu quả dù có hay không có lợi nhuận, vì vậy tăng lợi ích với khách hàng (tập trung bên trong).

TMĐT chỉ xảy ra trong môi trường kinh doanh mạng Internet và các phương tiện điện tử giữa các nhóm (cá nhân) với nhau thông qua các công cụ, kỹ thuật và công nghệ điện tử. Ngoài ra, theo nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học Texas (Mỹ), các học giả cho rằng, TMĐT và kinh doanh điện tử đều bị bao hàm bởi nền kinh tế Internet.

TMĐT ngày nay liên quan đến tất cả mọi thứ từ đặt hàng nội dung “kỹ thuật số” cho đến tiêu dùng trực tuyến tức thời, để đặt hàng và dịch vụ thông thường, các dịch vụ “meta” đều tạo điều kiện thuận lợi cho các dạng khác của TMĐT. Ở cấp độ tổ chức, các tập đoàn lớn và các tổ chức tài chính sử dụng Internet để trao đổi dữ liệu tài chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho kinh doanh trong nước và quốc tế. Tính toàn vẹn dữ liệu và tính an ninh là các vấn đề rất nóng gây bức xúc trong TMĐT.

Hiện nay, có nhiều quan điểm về các hình thức tham gia cũng như cách phân chia các hình thức này trong TMĐT. Nếu phân chia theo đối tượng tham gia thì có 3 đối tượng chính bao gồm: Chính phủ (G - Goverment), doanh nghiệp (B - Business) và Khách hàng (C - Customer hay Consumer). Các dạng hình thức chính của TMĐT bao gồm: doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B); doanh nghiệp với Khách hàng (B2C); doanh nghiệp với Nhân viên (B2E); doanh nghiệp với Chính phủ (B2G); Chính phủ với doanh nghiệp (G2B); Chính phủ với Chính phủ (G2G); Chính phủ với Công dân (G2C); Khách hàng với Khách hàng (C2C); Khách hàng với doanh nghiệp (C2B); online-to-offline (O2O); Thương mại đi động (mobile commerce hay viết tắt là m-commerce).

Thực trạng phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam

Để tạo môi trường hành lang pháp lý cho thị trường TMĐT phát triển, trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách. Điển hình như Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về TMĐT (thiết lập hành lang pháp lý cho các giao dịch TMĐT được tiến hành một cách minh bạch, trên cơ sở cạnh tranh lành mạnh); Nghị định số 124/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Quyết định số 689/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển TMĐT giai đoạn 2014-2020.

Từ năm 2005 đến nay, Chính phủ Việt Nam đã có các chính sách lâu dài và nhất quán nhằm phát triển TMĐT với các kế hoạch tổng thể cho từng giai đoạn 5 năm, gần đây nhất là Quyết định số 645/QĐ-TTg, ngày 15/5/2020 của Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021-2025. Chính sách này đã đưa ra những giải pháp toàn diện và nguồn lực cụ thể làm cơ sở cho thị trường TMĐT phát triển trong giai đoạn 5 năm tới.

Nhờ hành lang pháp lý ngày càng hoàn thiện, thị trường TMĐT ngày càng rộng mở với nhiều mô hình, chủ thể tham gia, các chuỗi cung ứng cũng đang dần thay đổi theo hướng hiện đại hơn khi có sự hỗ trợ từ số hóa và công nghệ thông tin. Theo Cục TMĐT và Kinh tế số - Bộ Công Thương (2020), trong những năm qua, Việt Nam liên tục ghi nhận mức tăng trưởng mạnh cả về tỷ lệ người dân sử dụng internet cũng số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến và giá trị mua sắm. Ước tính, số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến trong năm 2020 khoảng 49,3 triệu người với giá trị mua sắm mỗi người trung bình khoảng 240 USD. Tỷ lệ người dùng internet tham gia mua sắm trực tuyến năm 2020 ở Việt Nam chiếm 88%, trong khi đó năm 2019 là 77%.

Thị trường TMĐT ở Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển nhanh. Tốc độ tăng trưởng của TMĐT trong giai đoạn 2013 – 2019 luôn ở mức cao, trên 20%/năm. Nhờ vậy, từ xuất phát điểm thấp 2,2 tỷ USD vào năm 2013, quy mô thị trường TMĐT lên đến khoảng 10,08 tỷ USD vào năm 2019.

Thị trường TMĐT ở Việt Nam được dự đoán vẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ cao trong thời gian tới. Theo Báo cáo e-Conomy SEA 2019 của Google và Temasek, tốc độ tăng trưởng hàng năm kép (Compound Average Growth Rate – CAGR) của giai đoạn 2015 – 2025 là 49%, và quy mô thị trường dự kiến đạt 23 tỷ USD vào năm 2025. Khi đó, Việt Nam sẽ trở thành nước có quy mô TMĐT lớn thứ hai Đông Nam Á, sau Indonesia (82 tỷ USD). Không chỉ tăng trưởng nhanh về quy mô, TMĐT phát triển đa dạng trên nhiều mặt.

Về hình thức, TMĐT cung cấp các hình thức bán hàng rất đa dạng, bao gồm một, một số hoặc tất cả các hoạt động thương mại (từ quảng cáo, tìm kiếm khách hàng, chăm sóc khách hàng đến giao dịch, thanh toán, giải quyết tranh chấp...). Một số hình thức tương đối đơn giản, sơ khai như các trang rao vặt trên các diễn đàn; các nhóm có hoạt động giới thiệu hàng hoá, trao đổi thông tin mua bán trên mạng xã hội. Ngoài ra, các nền tảng TMĐT mang đến nhiều tiện ích như trải nghiệm đa nền tảng (website, ứng dụng trên di động); các phương thức thanh toán đa dạng (tiền mặt, ví điện tử, tài khoản di động, thẻ thanh toán...

Về kênh bán và giới thiệu hàng hóa, sản phẩm, hiện có 3 kênh TMĐT chủ yếu được sử dụng là diễn đàn (forum), mạng xã hội; sàn giao dịch TMĐT và các website bán hàng. Theo thống kê của Cục TMĐT và Kinh tế số, tính cộng dồn đến hết năm 2019, cả nước có 29.370 website bán hàng và 999 sàn giao dịch TMĐT. Trong đó, 4 sàn giao dịch TMĐT hàng đầu hiện nay là Shopee, Lazada, Tiki và Sendo. Bản đồ TMĐT Việt Nam của Iprice cho thấy rằng lượng truy cập web mỗi tháng của 4 sàn giao dịch TMĐT hàng đầu rất cao, như Shopee gần 52,5 triệu, Tiki khoảng 21 triệu lượt... và vượt xa các sàn giao dịch TMĐT khác.

Về mặt hàng, các loại hàng hóa và dịch vụ được giới thiệu và cung cấp trên nền tảng TMĐT rất đa dạng, từ các mặt hàng thông thường như sách báo, văn phòng phẩm, thời trang, phụ kiện đến các mặt hàng được kiểm soát về chất lượng như ô tô, xe máy, thuốc, thực phẩm chức năng… Tuy nhiên, theo báo cáo của Cục TMĐT và Kinh tế số, giá trị hàng hóa, dịch vụ được trao đổi trên các nền tảng TMĐT khá nhỏ khi khoảng 70,4% hàng hóa, dịch vụ có giá trị dưới 1 triệu đồng.

Trong số các kênh mua sắm online, website TMĐT và các sàn giao dịch TMĐT năm 2020 tăng vượt bậc, với tỷ lệ người mua tăng vọt từ mức 52% lên 74%. Trong khi đó, tỷ lệ người mua hàng trên các kênh diễn đàn, mạng xã hội và các ứng dụng di động lại giảm so với năm trước. Việc thanh toán mua sắm online chủ yếu vẫn qua hình thức tiền mặt khi nhận hàng (COD) nhưng năm 2020 tỷ lệ này đã giảm từ 86% năm 2019 xuống còn 78%. Đặc biệt, báo cáo ghi nhận tỷ lệ thanh toán qua ví điện tử và thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ, thẻ cào đã tăng hơn so với năm trước (mặc dù mức độ vẫn còn thấp).

Ngoài ra, giá trị mua sắm trực tuyến của mỗi người dùng trong năm 2020 cũng tăng cao hơn so với năm 2019. Trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19, có khoảng 57% số người tiêu dùng cho biết đã đặt hàng trên mạng nhiều hơn. Nhờ đó, doanh thu thương mại điện điện tử B2C (doanh nghiệp - người tiêu dùng) liên tục tăng mạnh. Nếu như năm 2016, con số này chỉ đạt 5 tỷ USD thì đến năm 2019 đã tăng gấp đôi, đạt hơn 10 tỷ USD và năm 2020 là 11,8 tỷ USD.

Báo cáo TMĐT các nước Đông Nam Á năm 2019 của Google, Temasek và Brain và Company dự đoán, tốc độ tăng trưởng trung bình cho cả giai đoạn 2015-2025 của TMĐT Việt Nam là 29%. Dự báo đến năm 2025, quy mô TMĐT của Việt Nam sẽ vươn tới ngưỡng 43 tỷ USD và đứng thứ 3 trong khối ASEAN.

Bên cạnh những thành tựu đáng kể đã đạt được của TMĐT Việt Nam, báo cáo của Hiệp hội TMĐT Việt Nam năm 2019 cũng chỉ ra, vẫn còn nhiều cản trở cho sự bứt phá trong giai đoạn tới. Đơn cử như dịch vụ logistics - giao hàng chặng cuối - hoàn tất đơn hàng còn nhiều hạn chế. Dù có đến trên 70% người mua hàng trực tuyến sử dụng hình thức thanh toán dịch vụ thu hộ người bán (COD) nhưng tỷ lệ người mua hoàn trả sản phẩm đã đặt hàng trực tuyến còn cao. Ước tính, tỷ lệ trung bình tổng giá trị của các sản phẩm hoàn trả so với tổng giá trị đơn hàng lên tới 13%, có doanh nghiệp phải chịu tỷ lệ này ở mức 26%. Điều này gây khó khăn rất lớn cho các phần lớn các doanh nghiệp hiện nay.

Chính sách pháp luật thiếu tính đồng bộ cũng là một nguyên nhân quan trọng cho các trở ngại này. Điển hình như bảo vệ thông tin cá nhân có tầm quan trọng đặc biệt đối với TMĐT. Hiện nay, nước ta đã có một số văn bản quy phạm pháp luật (Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Bảo vệ người tiêu dùng, Luật Công nghệ thông tin, Luật An toàn Thông tin mạng, Luật An ninh mạng…) và nhiều văn bản dưới luật có liên quan khác đề cập tới khía cạnh bảo vệ dữ liệu cá nhân và các điều khoản yêu cầu doanh nghiệp TMĐT phải tuân thủ. Tuy nhiên, trong thực tế, việc thực thi pháp luật nhằm bảo vệ người tiêu dùng trên môi trường TMĐT còn gặp nhiều vấn đề, đôi lúc chưa phân định rõ ràng trách nhiệm cũng như các quy định chế tài còn chưa rõ ràng và chưa đủ mạnh để xử lý vi phạm. Có thể thấy, nguy cơ bị thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân là rất cao. Đây là một trong những nguyên nhân làm suy giảm lòng tin của người tiêu dùng với TMĐT.

Giải pháp phát triển thương mại điện tử trong bối cảnh mới

Thời gian tới, nhằm thúc đẩy phát triển TMĐT, cần chú trọng các nội dung sau:

Thứ nhất, hoàn thiện khung pháp lý cho phát triển TMĐT.

Hiện nay, TMĐT là một lĩnh vực mới phát triển tại Việt Nam. Ngoài ra, đây còn là lĩnh vực rất đặc thù, đó là sự kết hợp giữa công nghệ và thị trường, giữa yếu tố thực và yếu tố ảo, giữa thực thể tồn tại với thực thể trong không gian số. Chính vì vậy khung pháp lý nói chung vẫn còn nhiều mảng trống cần phải hoàn thiện. Do đó, hoàn thiện chính sách, pháp luật về TMĐT, xây dựng hệ sinh thái cho TMĐT và kinh tế số là một nội dung quan trọng cần được xác định để định hướng phát triển TMĐT trong thời gian tới.

Thứ hai, hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin.

Việc hoàn thiện, đồng bộ và nâng cao hạ tầng công nghệ nói chung sẽ giúp bảo mật thông tin trên mạng được an toàn, bí mật và thuận lợi cho khách hàng. Hạ tầng công nghệ chính là những con đường cao tốc kết nối để cho các yếu tố phát triển của TMĐT lưu thông trong đó. Việc thực hiện này đòi hỏi sự nỗ lực của nhiều bên, các bộ, ngành và địa phương mới có thể tạo nên một hạ tầng hoàn thiện, đồng bộ cho phát triển TMĐT trong tương lai.

Bên cạnh đó, quan tâm đến phương thức thanh toán điện tử đang ngày càng phát triển với hàng loạt các ứng dụng thanh toán của các ngân hàng. Để TMĐT phát triển một bước cao hơn, việc thanh toán trực tuyến là yêu cầu tất yếu. Để làm được việc này, ngoài việc các ngân hàng, các trung gian thanh toán hoàn thiện về mặt hạ tầng thanh toán, cần có những tác nhân, biện pháp cụ thể để từng bước thay đổi nhận thức và thói quen người tiêu dùng đối với việc thanh toán không dùng tiền mặt.

Thứ ba, hoàn thiện hạ tầng logistics.

Để đảm bảo cho TMĐT phát triển thì hạ tầng logistics nói chung cũng như hạ tầng logistics cho TMĐT cần được đầu tư hoàn thiện. Sự liên kết giữa thị trường và hạ tầng logistics sẽ giúp thông suốt các quy trình phân phối, xuất khẩu hàng hóa, tiết kiệm chi phí, thời gian và nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa và cho doanh nghiệp Việt Nam.

Thứ tư, đẩy mạnh phát triển thị trường.

Có thể nói nhiều doanh nghiệp và người tiêu dùng ở Việt Nam hiện nay chưa thấy hết tầm quan trọng và những lợi ích mà TMĐT đem lại. Do đó, nâng cao nhận thức và kỹ năng cho các doanh nghiệp, người tiêu dùng về TMĐT, hiểu được những tác dụng tích cực mà công nghệ cũng như TMĐT mang lại, cách thức ứng dụng TMĐT vào hoạt động sản xuất kinh doanh là rất quan trọng để có thể làm thay đổi thói quan tập quán kinh doanh và tiêu dùng theo phương thức truyền thống theo hướng hiện đại hơn, hiệu quả hơn.

Về phía cơ quan quản lý, cần hỗ trợ doanh nghiệp phân phối hàng hóa trong và ngoài nước một cách hiệu quả với chi phí thấp nhất. Ngoài ra, các cơ quan quản lý cũng cần có phương án hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu thông qua TMĐT xuyên biên giới nhằm đẩy mạnh các hoạt động TMĐT xuyên biên giới một cách bài bản hơn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất Việt đa dạng hóa các kênh xuất khẩu tại các thị trường nước ngoài.

Tài liệu tham khảo:

  1. Dương Ngọc Hồng (2020), Thương mại điện tử trong phát triển kinh tế ở Việt Nam, Tạp chí Tài chính;
    Nguyễn Văn Hùng (2014), Thương mại điện tử, NXB Tài chính, Hà Nội;
  2. Nguyễn Thị Thủy (2016), Nghiên cứu phát triển thương mại điện tử trong các doanh nghiệp dịch vụ vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Luận văn Tiến sĩ quản trị kinh doanh, Đại học Huế;
  3. Bộ Công Thương (2021), Báo cáo thương mại điện tử Việt Nam năm 2021;
  4. Nguyễn Văn Minh (2009), Giáo trình thương mại điện tử căn bản, NXB Thống kê.

* Hồ Công Duy - Công ty cổ phần công nghệ giáo dục AES

** Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 2 tháng 4/2022