Phát triển tín dụng xanh ở Việt Nam
Phát triển tín dụng xanh đang là xu hướng toàn cầu và ngày càng được quan tâm trong các chương trình nghị sự quốc tế, nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực từ tăng trưởng kinh tế đến môi trường và xã hội. Tuy nhiên, phát triển tín dụng xanh còn khá mới mẻ đối với Việt Nam. Bài viết sử dụng phương pháp thu thập tài liệu thứ cấp từ các nguồn Internet, tạp chí, sách… nghiên cứu về thực trạng phát triển tín dụng xanh tại Việt Nam hiện nay; đồng thời đề xuất một số giải pháp thúc đẩy phát triển tín dụng xanh ở Việt Nam hiện nay.
Đặt vấn đề
Xu hướng xanh hóa tín dụng là một trong những hành động được ưu tiên hàng đầu trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra trên toàn cầu, được sự quan tâm ở nhiều ngân hàng thương mại. Tín dụng xanh chỉ những khoản tín dụng mà ngân hàng cấp phát cho các dự án sản xuất - kinh doanh không gây rủi ro hoặc nhằm mục đích bảo vệ môi trường. Những lợi ích về tín dụng xanh đối với công tác bảo vệ môi trường là rất lớn. Tín dụng xanh, ngân hàng xanh đóng vai trò rất quan trọng trong việc triển khai thành công Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, hoạt động này còn mới, dù đã có những tín hiệu tích cực nhưng vẫn tồn tại một số khó khăn, chưa khai thác hết tiềm năng. Các giải pháp về tín dụng xanh còn ít, chưa có giải pháp ngân hàng xanh trong chiến lược tăng trưởng xanh. Các ngân hàng thương mại truyền thống chưa sẵn sàng cung ứng sản phẩm và dịch vụ tín dụng xanh. Bài viết nghiên cứu thực trạng và đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển tín dụng xanh ở Việt Nam hiện nay.
Khái niệm tín dụng xanh
Tín dụng xanh là đối tượng nghiên cứu của nhiều công trình nghiên cứu về lĩnh vực tài chính bền vững, tài chính xanh trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, khái niệm tín dụng xanh vẫn chưa được đưa ra một cách chính thức, thống nhất, mà có nhiều cách tiếp cận khác nhau trong các nghiên cứu, báo cáo về tài chính xanh của các nhà nghiên cứu, tổ chức tài chính quốc tế. Tại Việt Nam, thuật ngữ tín dụng xanh được sử dụng gắn liền với nhiệm vụ là kênh dẫn vốn cho nền kinh tế của các ngân hàng thương mại trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng xanh.
Tín dụng xanh là khoản tín dụng hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh với mục đích bảo vệ môi trường cũng như hệ sinh thái chung, đây là khoản tài chính cho phát triển bền vững và không thể phủ nhận vai trò quan trọng của hệ thống ngân hàng nói chung và các ngân hàng thương mại nói riêng trong việc đầu tư tín dụng xanh. Trên thế giới, tín dụng xanh đang là một chiến lược rất phổ biến và ngày càng được nhiều các tổ chức tín dụng áp dụng. Hiện nay, các quốc gia trên thế giới sử dụng đồng thời nhiều chính sách để khuyến khích tín dụng xanh, gồm các chính sách giám sát cẩn trọng vĩ mô, giám sát cẩn trọng vi mô, tạo lập thị trường và phân bổ tín dụng.
Thực trạng phát triển tín dụng xanh ở Việt Nam
Thời gian qua, ngành Ngân hàng luôn tích cực và nỗ lực hướng đến các mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản quy định về tín dụng phù hợp mục tiêu bảo vệ môi trường, giảm phát thải các-bon, hướng tới tăng trưởng xanh như: Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 24/3/2015 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, chỉ rõ, hoạt động cấp tín dụng của ngành Ngân hàng cần chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng; cải thiện chất lượng môi trường và bảo vệ sức khỏe con người, đảm bảo phát triển bền vững; Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020; rà soát, bổ sung nội dung về tín dụng xanh vào Chiến lược phát triển ngành ngân hàng, lồng ghép các yêu cầu về bảo vệ môi trường vào quy định hiện hành về hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016.
Theo đó, quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng phải phù hợp các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Năm 2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư số 17/2022/TT-NHNN ngày 23/12/2022 hướng dẫn thực hiện quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Đối với các tổ chức tín dụng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu chủ động triển khai xây dựng chương trình, chính sách tín dụng xanh, nhằm tăng dần tỷ trọng tín dụng xanh trong cơ cấu danh mục đầu tư tín dụng của ngân hàng; khuyến khích nghiên cứu xây dựng và triển khai các giải pháp quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. Hằng quý, các tổ chức tín dụng phải báo cáo kết quả triển khai tăng trưởng tín dụng xanh. Có thể nói, hành lang pháp lý tại Việt Nam đang dần hoàn thiện để tạo điều kiện cho tín dụng xanh, ngân hàng xanh phát triển.
Các tổ chức tín dụng cũng đã thể hiện sự quan tâm lớn tới trách nhiệm phát triển tín dụng xanh, xây dựng chính sách cấp tín dụng ưu đãi đối với khách hàng có phương án, dự án sản xuất, kinh doanh đáp ứng mục tiêu tăng trưởng xanh trong bối cảnh nhu cầu đối với những sản phẩm xanh, sản phẩm đáp ứng các điều kiện bảo vệ môi trường ngày càng tăng mạnh. Với các kế hoạch, đề án Ngân hàng Nhà nước đưa ra, các ngân hàng thương mại đã có những giải pháp cụ thể để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh như: tổ chức đào tạo, tập huấn nhằm tăng cường năng lực, hướng dẫn các tổ chức tín dụng xây dựng và triển khai hoạt động tín dụng xanh, quản lý rủi ro môi trường và xã hội.
Kết quả đối tượng các gói tín dụng xanh hướng tới ngày một đa dạng, nhiều ngân hàng đã đưa ra các chương trình tín dụng ưu đãi cho khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân vay vốn triển khai các dự án có yếu tố “xanh”. Một số tổ chức tín dụng cho vay trong lĩnh vực năng lượng tái tạo bao gồm: BIDV, Sacombank, TPBank, Vietcombank, HDBank, Nam A Bank và MBBank. Đối với lĩnh vực nông nghiệp xanh, các ngân hàng đi đầu trong cho vay bao gồm: Agribank, Vietcombank, Sacombank, ACB, VietinBank, HDBank và Bac A Bank.
Theo báo cáo của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho thấy, giai đoạn 2017 - 2022, “dư nợ cấp tín dụng của hệ thống đối với các lĩnh vực xanh có mức tăng trưởng dư nợ bình quân đạt hơn 23%/năm. Đến ngày 30/9/2023, dư nợ cấp tín dụng xanh đạt hơn 564 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,4% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.
Trong số 12 lĩnh vực xanh Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn các tổ chức tín dụng cho vay, dư nợ tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm gần 45%) và nông nghiệp xanh (hơn 30%). Đồng thời, các tổ chức tín dụng đã tăng cường đánh giá rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng với dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt gần hơn 2,67 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 21%/tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế.
Hiện nay, các chính sách khuyến khích tín dụng xanh chủ yếu tập trung vào các biện pháp phân bổ tín dụng, tương đồng với xu hướng chung của các quốc gia đang phát triển. Trong bối cảnh các ngân hàng lớn trong hệ thống đã đáp ứng chuẩn Basel II, việc đa dạng hóa các công cụ chính sách để khuyến khích phát triển tín dụng xanh, cân nhắc áp dụng các chính sách giám sát thận trọng vĩ mô và vi mô trong giai đoạn tới sẽ giúp ngân hàng trung ương kiểm soát rủi ro hệ thống liên quan tới rủi ro môi trường.
Đến nay, Việt Nam có hơn 10 ngân hàng thương mại thực hiện tín dụng xanh, trong đó, Vietcombank có thể cấp vốn đầu tư lên tới 70% cho các dự án phát triển năng lượng tái tạo, trong khi phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam có thể coi là một ngành phát triển rất mạnh, đặc biệt là năng lượng điện. Tuy nhiên, thực tiễn phát triển tín dụng xanh ở Việt Nam hiện nay còn tồn tại một số hạn chế: (i) Việt Nam chưa có Danh mục phân loại xanh quốc gia làm cơ sở để huy động nhiều hơn nữa nguồn tín dụng xanh, bởi nếu có một danh mục phân loại xanh quốc gia với các tiêu chí môi trường rõ ràng thì tỷ trọng đóng góp của ngành ngân hàng sẽ cao hơn nhiều con số tín dụng xanh hiện tại. (ii) Một số ngân hàng hiện nay còn khá dè dặt, chưa chủ động xây dựng các quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường và xã hội, chưa có đơn vị/bộ phận chuyên trách về quản lý rủi ro với mảng này; hơn nữa, các dự án đầu tư xanh cần thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, rủi ro thị trường cao, do vậy, các tổ chức tín dụng khó khăn trong việc cân đối nguồn vốn để cho vay trong khi đó lại thiếu cơ chế, chính sách trong việc hỗ trợ các tổ chức tín dụng được tiếp cận các nguồn vốn dài hạn, ưu đãi.
Giải pháp phát triển tín dụng xanh tại Việt Nam
Trong thời gian tới, để thúc đẩy phát triển tín dụng xanh ở Việt Nam, cần tập trung vào các giải pháp sau:
Một là, Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành tập trung nghiên cứu ban hành các quyết định văn bản hướng dẫn nhằm tăng cường nhận thức và trách nhiệm xã hội của hệ thống ngân hàng trong việc bảo vệ môi trường; từng bước xanh hóa hoạt động ngân hàng; thúc đẩy phát triển tín dụng xanh. Công tác truyền thông cũng nên được đẩy mạnh để các thông tin, chính sách về tín dụng xanh đến gần với các cán bộ và doanh nghiệp có nhu cầu được cập nhật.
Hai là, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện khung pháp lý cho phát triển tín dụng xanh ở Việt Nam. Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các cơ quan quản lý tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, cũng như ban hành “Khung định nghĩa thế nào là xanh” để các ngân hàng có thể áp dụng cho vay các dự án xanh. Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần đẩy mạnh thực hiện các giải pháp, chính sách nhằm thúc đẩy hoạt động của ngành Ngân hàng hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh, góp phần hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Ba là, ngân hàng trung ương và cơ quan quản lý đóng vai trò quan trọng trong việc khuyến khích sự tham gia của các chủ thể kinh tế, tổ chức tài chính trên thị trường thông qua các công cụ chính sách, quy định giám sát vĩ mô, vi mô, cơ chế phân bổ tín dụng…phù hợp với đặc điểm của thị trường tài chính quốc gia. Ngân hàng Nhà nước phối hợp cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường để xây dựng bộ tiêu chuẩn đầy đủ về môi trường cho các ngành nghề, lĩnh vực để các ngân hàng có căn cứ thẩm định, đánh giá tác động về môi trường, xã hội theo các quy định trong thẩm định rủi ro.
Bốn là, nghiên cứu về bảo lãnh cho các dự án đầu tư xanh; hoàn thiện những quy định hiện hành theo hướng khuyến khích các ngân hàng triển khai tín dụng xanh, đồng thời phối hợp với các nhà tài trợ để học hỏi kinh nghiệm quốc tế. Các đóng góp, thành tựu về tín dụng xanh cần được ghi nhận và tuyên dương để các ngân hàng có thêm động lực thực hiện.
Năm là, Ngân hàng Nhà nước có giải pháp cụ thể trong kế hoạch tín dụng xanh thông qua việc xây dựng những chiến lược mang tính dài hạn, các chính sách hỗ trợ để tín dụng xanh phát triển mạnh hơn nữa trong thời gian tới. Ngân hàng Nhà nước có thể thông qua các công cụ của mình để khuyến khích các ngân hàng thương mại cùng tham gia hỗ trợ phát triển tín dụng xanh như giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc hoặc có những ưu đãi đối với các ngân hàng có tỷ trọng tổng dư nợ tín dụng xanh cao; điều chỉnh tỷ lệ quy đổi của khoản dư nợ tín dụng xanh xuống mức thấp hơn khoản tín dụng khác khi tính toán tài sản có rủi ro...
Sáu là, các ngân hàng cần chú trọng nâng cao, bồi dưỡng trình độ cán bộ, phát triển năng lực đội ngũ quản lý thông qua các chương trình đào tạo, các hội thảo có sự tham gia của các nước đã có kinh nghiệm về tín dụng xanh trên thế giới. Tăng cường năng lực cho cán bộ, nhân viên trong việc thực hiện “ngân hàng - tín dụng xanh” với những bước đi cụ thể thông qua tổ chức đào tạo, tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân viên về hoạt động “ngân hàng - tín dụng xanh”...
Tài liệu tham khảo:
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2015), Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 24/03/2015 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấptín dụng;
- Nguyễn Trọng Tài, Nguyễn Kim Oanh (2019), Một số vấn đề đặt ra trong phát triển tín dụng xanh, Tạp chí Ngân hàng, chuyên đề đặc biệt 2019;
- Vũ Phong (2023), “Tăng trưởng bình quân hơn 23%/năm, tín dụng xanh mới chiếm 4,4% dư nợ toàn nền kinh tế”, https://thuonggiaovn.