Phát triển vững mạnh từ giá trị cốt lõi
Được thành lập từ năm 2003, đến nay sau 12 năm xây dựng và phát triển, Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) đã có những bước trưởng thành vượt trội cả về quy mô, vốn, doanh thu, hiệu quả hoạt động. Bằng sự lớn mạnh, DATC đã khẳng định được vị thế của mình trên thị trường xử lý nợ, tái cơ cấu doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay…
Giữ vững giá trị cốt lõi
Với số vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng khi mới thành lập, DATC gánh trên mình trọng trách mua, bán, xử lý các khoản nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DN). Đây là một lĩnh vực mới lạ tại Việt Nam nhưng được kỳ vọng là góp phần xóa bỏ sự can thiệp sâu của các cơ quan quản lý nhà nước vào hoạt động của DN, đồng thời, đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa DNNN, sắp xếp DN thông qua việc xử lý các khoản nợ xấu, tài sản tồn đọng, góp phần lành mạnh hóa tình hình tài chính của DN.
Song hành với các mục tiêu, nhiệm vụ trên, yêu cầu đặt ra là không được biến DATC trở thành kho chứa nợ xấu mà phải là người thực hiện bước cuối cùng để xử lý nợ xấu. Điều này hết sức khó khăn với DATC, bởi những hoạt động nghiệp vụ hoàn toàn mới lạ, cơ chế chính sách cho hoạt động này còn thiếu… Để thực hiện được nhiệm vụ này, DATC phải bắt đầu từ việc nghiên cứu, đề xuất, xây dựng cơ chế, chính sách và các giải pháp thực hiện phù hợp với bối cảnh nền kinh tế và Công ty tại thời điểm đó.
Theo ông Phạm Đình Soạn – nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty chi sẻ: Bắt tay vào thực hiện các nhiệm vụ này chúng tôi xác định phải tuân thủ theo một nguyên tắc là chia sẻ rủi ro. Muốn vậy, phải có sự vào cuộc của tất cả các bên là chủ nợ, khách nợ và Nhà nước. Bên cạnh đó, không chỉ dừng lại ở xử lý các khoản nợ xấu, tài sản tồn đọng mà điều cốt lõi, lâu dài là làm thế nào để DN phát triển sản xuất kinh doanh sau khi được DATC thực hiện xử lý nợ…
Một trong những nguyên tắc căn bản là muốn tái cơ cấu DN thành công thì nợ xấu phải được xử lý dứt điểm. Nguyên tắc này luôn được DATC nắm chắc thực hiện trong suốt quá trình hoạt động của mình. Hoạt động mua bán nợ đang là một lối thoát cho các DN đang gặp phải nhiều khó khăn về tài chính trong sản xuất kinh doanh (SXKD). Giải quyết nợ xấu cũng tạo điều kiện cho các DN có thể tiếp cận các nguồn lực tài chính mới, phục vụ cho việc tái cơ cấu hoạt động, thay đổi mô hình quản trị DN, từng bước cải thiện hiệu quả hoạt động SXKD. Sự tham gia của các nhà đầu tư mới cũng cho phép DN có thể tiếp cận các mô hình quản trị mới, thay đổi cách thức tổ chức sản xuất, cơ cấu sản phẩm, tạo cơ hội cho việc tham gia vào các thị trường mới...
Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện mua bán nợ, xử lý tài chính, tái cơ cấu DN, DATC cũng luôn tuân thủ quy trình chuẩn trong kiểm soát rủi ro, từ việc phải tự tìm hiểu thông tin về DN; đàm phán mua nợ từ các chủ nợ và đàm phán với chủ sở hữu DN để chuyển nợ thành vốn góp tại DN (đây là cách cơ cấu lại nguồn vốn và nợ của DN, làm giảm nhẹ gánh nặng trả nợ cho DN và cũng là khâu quan trọng nhất quyết định mức độ thành công của hoạt động tái cơ cấu); tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược tham gia góp vốn vào DN để tận dụng những kinh nghiệm quản trị, trình độ kỹ thuật, kênh phân phối, nhằm hỗ trợ DN sau tái cơ cấu; chuyển đổi mô hình DN thành công ty cổ phần; tái cơ cấu bộ máy quản lý điều hành và nguồn nhân lực của DN; tái cơ cấu hoạt động SXKD, cơ cấu thị trường tiêu thụ, vùng nguyên liệu; hỗ trợ hoạt động sau chuyển đổi như điều chỉnh kế hoạch trả nợ, xây dựng thể chế, xây dựng mục tiêu chiến lược để duy trì và phát triển hoạt động SXKD…
Phát triển vững mạnh
Sau 12 năm thành lập, đến nay, DATC đã không ngừng lớn mạnh cả về quy mô, vốn, doanh thu, hiệu quả hoạt động. Hiệu quả không chỉ là lợi nhuận đem lại cho công ty mà quan trọng hơn là hiệu quả gián tiếp mang lại cho các DN khác thông qua hoạt động mua, bán xử lý nợ gắn với tái cơ cấu DN, giúp lành mạnh hóa tình hình tài chính của DN. Đặc biệt, sự tăng trưởng của công ty trong những năm qua, doanh thu đã bước từ ngưỡng vài trăm tỷ lên hàng nghìn tỷ đồng. DATC đã “quy tụ” được một đội ngũ lãnh đạo, nhân viên đầy năng lực, tinh thần trách nhiệm, nhiệt huyết, nhạy bén, dày dặn kinh nghiệm cùng chèo lái “còn thuyền vượt sóng”, khẳng định vị thế trong môi trường hội nhập, phát triển...
Với chức năng, nhiệm vụ của mình, DATC không mệt mỏi trong hành trình xử lý nợ xấu, thực hiện tái cơ cấu DN. Rất nhiều DN đứng bên bờ vực phá sản, ở giai đoạn “trọng bệnh” đã “hồi sinh” sau khi DATC xử lý nợ xấu, tiến hành tái cơ cấu. Điển hình như: Công ty Mía đường Sơn La, Công ty Mía đường Kon Tum, Công ty Sadico Cần Thơ, Công ty Công trình Giao thông 677, Công ty cổ phần Thủy sản Bình An (Bianfishco); Tổng Công ty Dâu tằm tơ Việt Nam…
Thời gian qua, DATC đã có những bước tiến vượt trội trong công tác mua bán nợ, hỗ trợ và giải cứu nhiều DN đang lâm vào tình trạng làm ăn thua lỗ nay đã phục hồi, sản xuất kinh doanh có lãi. Đặc biệt năm 2015, DATC đã mua hơn 4.300 tỷ đồng nợ của các tổ chức tín dụng trong nước và ngoài nước, đây là năm đầu tiên DATC thực hiện thí điểm mua nợ của tổ chức tín dụng ngoài nước.
Bên cạnh việc đẩy mạnh mua nợ, DATC luôn tăng cường hoạt động thu nợ, xử lý nợ đối với các doanh nghiệp đã mua nợ, riêng năm 2015 đã mang lại cho DATC giá trị hơn 1.800 tỷ đồng, đạt 168% kế hoạch, tăng gấp 2,52 lần so cùng kỳ… Cùng với việc mua, bán, tiếp nhận và xử lý, công tác thoái vốn đầu tư tại các DN, các tổ chức tài chính có vốn góp của DATC được xem là nhiệm vụ chính trị, do đó DATC đã tập trung rà soát các khoản vốn góp thông qua hoạt động tái cơ cấu DN 100% vốn nhà nước thực hiện sắp xếp chuyển đổi sở hữu và các DN khác có vốn góp của DATC để thoái vốn theo quy định, kể cả thoái vốn các DN mới góp vốn từ 2013, 2014. Cũng trong năm 2015, DATC đã hoàn thành thoái vốn tại 24 DN, thu về hơn 323 tỷ đồng, đạt 115% kế hoạch, tăng gấp 2,37 lần so cùng kỳ.
Hoạt động mua bán nợ gắn với tái cơ cấu DN của DATC không chỉ giúp lành mạnh hóa tình hình tài chính, DN phát triển trở lại mà còn tạo thu nhập và việc làm ổn định cho hàng vạn lao động trực tiếp và phụ thuộc tại các doanh nghiệp, tăng nguồn thu cho ngân sách và ổn định tình hình kinh tế - an sinh xã hội tại các địa phương.