Phê duyệt triển khai 44 đề án về khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai và tài sản nhà nước

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Tài chính) Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng vừa ký ban hành Quyết định số 1428/QĐ-BTC phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1892/QĐ-TTg ngày 14/12/2012 và Quyết định số 2174/QĐ-TTg ngày 12/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Kế hoạch này cụ thể hóa các nhiệm vụ của Bộ Tài chính được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1892/QĐ-TTg ngày 14/12/2012 về phê duyệt Đề án nâng cao năng lực quản lý nhà nước ngành quản lý đất đai giai đoạn 2011-2020 và Quyết định số 2174/QĐ-TTg ngày 12/11/2013 về phê duyệt Đề án Khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai và tài sản nhà nước phục vụ phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2013-2020.
 
Theo kế hoạch được duyệt, 44 để án sẽ được triển khai thực hiện từ nay cho đến năm 2019, được chia thành ba nhóm.
 
Nhóm nhiệm vụ hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý, sử dụng tài sản công gồm 16 đề án do Cục Quản lý công sản chủ trì. Trong đó đáng chú ý có Đề án xây dựng Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; Đề án về mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung; Đề án hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản nhà nước (trụ sở làm việc, phương tiện đi lại, trang thiết bị, phương tiện làm việc); Đề án hoàn thiện cơ chế góp vốn liên doanh, liên kết bằng giá trị quyền sử dụng đất tại các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính.
 
Nhóm nhiệm vụ liên quan đến chính sách tài chính đất đai hướng dẫn Luật Đất đai năm 2013 gồm 11 đề án (10 đề án do Cục Quản lý công sản chủ trì và 1 đề án do Vụ Chính sách thuế chủ trì); trong đó tập trung chủ yếu vào việc xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật Đất đai năm 2013 về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuê mặt nước; chính sách đất đai khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường; cơ chế điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất mà không do đầu tư của người sử dụng đất mang lại. Dự kiến Dự án Luật thuế tài sản và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng sẽ được xây dựng trong giai đoạn từ 2014-2018.
 
Nhóm nhiệm vụ liên quan đến chính sách đối với tài sản kết cấu hạ tầng gồm 17 đề án do Cục Quản lý công sản chủ trì. Bên cạnh việc sơ kết tình hình thực hiện Nghị định số 10/2013/NĐ-CP ngày 11/01/2013 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản hạ tầng giao thông đường bộ (dự kiến thực hiện vào năm 2015), Cục Quản lý công sản cũng được giao xây dựng các Nghị định của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản hạ tầng giao thông đường sắt, đường hàng không, cảng biển và các văn bản hướng dẫn thi hành.
 
Cũng tại Quyết định này, Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu thủ trưởng các đơn vị liên quan thuộc Bộ căn cứ vào mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1892/QĐ-TTg ngày 14/12/2012, Quyết định số 2174/QĐ-TTg ngày 12/11/2013 và Kế hoạch nêu trên xây dựng chương trình công tác của đơn vị mình, phân công tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, đúng thời hạn được giao. Ngoài các nhiệm vụ tại kế hoạch này, trong quá trình thực hiện nếu phát sinh những nhiệm vụ mới và những công việc cần phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương, thủ trưởng các đơn vị liên quan thuộc bộ đề xuất, báo cáo Bộ kế hoạch triển khai thực hiện.
 
Theo Đề án Khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai và tài sản nhà nước phục vụ phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2013-2020, tổng thu ngân sách nhà nước từ đất đai từ năm 2011-2020 dự báo là 700.000 tỷ đồng, tổng thu từ sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước và xử lý quỹ đất sau khi di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, hoặc di dời theo quy hoạch dự báo là 118.000 tỷ đồng, tổng thu từ khai thác quỹ đất hai bên đường khi đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông dự báo bình quân 10.000 tỷ đồng/năm.